Gia đình và phẩm chất cá nhân ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 85 - 90)

CHƯƠNG 2 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH

2.3.2. Gia đình và phẩm chất cá nhân ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng

Gia tộc họ Huỳnh đã ghi tên của mình vào vùng đất của Tiên Phước, Quảng Nam khi ông tổ đầu tiên đến lập nghiệp, khai phá cách đây 400 năm – ông Huỳnh Phước Tiên. Ông cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Nham di cư từ Nghệ An vào Nam lập nghiệp và cho đến đời thứ sáu, ông Huỳnh Văn Xuyên mới được xem là người khai khẩn, tạo dựng làng Thạnh Bình.

Ba người con của ông Huỳnh Văn Xuyên sinh trưởng gắn với ba số phận cuộc đời hoàn toàn khác nhau: ông Huỳnh Văn Lập – người hay văn tốt chữ, luôn lấy việc học làm trọng và đề cao lễ nghĩa của Nho gia; ông Huỳnh Văn Xuân thì cần cù, an phận thủ thường của nghề nông cày cấy; ông Huỳnh Văn Thơ lại là người có cuộc sống giàu sang, an nhàn. Cha của Huỳnh Thúc Kháng - ông Huỳnh Văn Phương, là người con thứ ba (hậu duệ đời thứ bảy, con ông Huỳnh Văn Lập) kế thừa truyền thống Nho giáo của gia đình. Do đó, dù làm nông nghiệp nhưng dòng dõi của Huỳnh Thúc Kháng vẫn là những người trọng lễ nghĩa, thờ kính theo Nho gia.

Sinh trưởng trong gia tộc có một nền tảng Nho học đã góp phần hun đúc ngay từ nhỏ ở Huỳnh Thúc Kháng những giá trị truyền thống về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đặc biệt là, dù có đến năm người con trai và ba người con gái nhưng chẳng may hai người anh đầu và hai em trai của Huỳnh Thúc Kháng mất vì bệnh đậu mùa mà gánh nặng khoa cử của gia đình, dòng họ đặt nặng lên trên vai ngay từ năm 8 tuổi.

Huỳnh Thúc Kháng được cha gửi đến học ở nhà cụ Bá Trứ - một người giàu có, ham chữ nghĩa mà mời những thầy giỏi về dạy học ở ngay trong nhà (đây cũng là nơi mà trước đó vài khóa Phan Châu Trinh đã từng đến học). Là một người thông minh, lại ham học hỏi mà Huỳnh Thúc Kháng tiến bộ rất nhanh, đồng thời trong bối cảnh loạn lạc cùng với khí chất vốn có của quê hương xứ Quảng đã góp phần hình thành trong ông những phẩm chất đặc biệt.

Từ trong gia đình và quê hương đã hun đúc lên những phẩm chất cá nhân tốt đẹp của Huỳnh Thúc Kháng:

Tinh thần hiếu học, trung thực, khẳng khái, nhạy cảm với cái mới.

Dù sinh ra trong một gia đình nhà Nho gốc nông dân nghèo ở vùng thôn quê miền núi hẻo lánh và khó khăn nhưng Huỳnh Thúc Kháng vẫn vượt qua những gian khổ của cái nghèo. Ông là hình mẫu tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của học trò xứ Quảng, là trường hợp mà như trong Đại Nam nhất thống chí đã viết “núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh”. Chính đây là “chất Quảng Nam” đầu tiên trong con người ông. Người cùng thời – nhà văn Thiếu Sơn (1933) đã từng nhận định về Huỳnh Thúc Kháng như sau: “ngay thẳng mà lại khẳng khái, thấy sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy, nói không sợ mích lòng và làm cũng không thèm dè dặt”

[160; 33], những tính cách đó như tiêu biểu cho con người xứ Quảng chứ không riêng gì Huỳnh Thúc Kháng. Khi tiếp cận với cái mới, dẫu biết rằng cái mới ra đời thì luôn gặp phải sự cản trở, khó khăn bởi cái cũ và không dễ dàng gì xã hội chấp nhận được ngay từ ban đầu nhưng ông đã thể hiện một nét rất riêng và đặc sắc trong cách tiếp cận bằng tinh thần: thẳng thắn, quyết liệt, can đảm và trí tuệ.

Qua mỗi giai đoạn của cuộc đời cùng những sự kiện lịch sử khác nhau nhưng cái tinh thần sẵn sàng từ bỏ cái cũ, luôn tìm kiếm cái mới ở Huỳnh Thúc Kháng vẫn không thay đổi: rất trung thực, thẳng thắn, khẳng khái, quyết liệt và không dây dưa.

Nó biểu hiện xuyên suốt cho mục đích cao nhất là tấm lòng vì nước, vì dân, như Nguyên Ngọc đã viết về Huỳnh Thúc Kháng là người: “…phán xét riêng theo con mắt của mình, không “thèm” đếm xỉa đến bất cứ quyền uy tư tưởng nào hết, dám phá bỏ cái cũ, dẫu là cái “thiêng liêng” của thánh hiền, dám ngang nhiên chấp nhận cái mới khi thấy đó là chân lý, dẫu chân lý còn thiểu số, thậm chí chỉ một mình đương đầu với tất cả” [111; 116].

Phẩm chất điềm đạm, khí phách, tâm huyết đầy trách nhiệm.

Sự điềm đạm ở Huỳnh Thúc Kháng không dừng ở lối ứng xử hàng ngày trong đời sống mà thể hiện tầm tư duy cao hơn về nhận thức chính trị đi cùng với những chuyển biến trong suốt quá trình đấu tranh hoạt động yêu nước. Ông đứng giữa những quan điểm, đường lối chính trị khác nhau trong tiến trình tìm đường giải phóng dân tộc để quan sát, suy ngẫm và định ra cho mình một hướng đi phù hợp.

Giữa chốn lao tù, chịu nhiều khó khan, gian khổ nhưng ông vẫn thể hiện khí phách của một kẻ sĩ:

“Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn, Thân trai nào sợ cái Côn Lôn” [139; 706].

Nhà tù không đủ để làm ông sợ hãi thì những vật chất, danh vọng càng không phải là thứ có thể khuất phục được ông. Tinh thần quyết liệt ấy cũng chính là mệnh lệnh của trái tim, mệnh lệnh của dân tộc khi ông già ngoài 70 tuổi đập gậy baton xử lý vụ án Ôn Như Hầu trong lịch sử của chính phủ cách mạng những ngày đầu thành lập 1946: “Diệt, diệt, phải diệt hết bọn phản nước hại dân này mới được”.

Không chỉ điềm đạm, đầy khí phách mà ở Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà báo đầy tâm huyết với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, ngay từ khi báo Tiếng Dân ra đời: “…đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng, mong rằng bỏ lòng ghen ghét mà dốc lòng thương yêu, đối với chính phủ xin làm người bạn ngay, mong rằng theo trình độ dân mà thật lòng cải cách” [139; 203]. Chưa bao giờ kinh qua trường lớp đào tạo nhưng ông nhận thức rất rõ về vai trò của báo chí: “trăm vạn quân không bằng một tờ báo” và cho dù “không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Bên cạnh đó, ở Huỳnh Thúc Kháng còn là một tinh thần yêu nước trọn vẹn dù tuổi đã cao so với những diễn biến của thời cuộc nhưng ông vẫn khẳng khái: “…Tôi một người dân Nam Việt, không phải cây đá, lòng nào giữ cái thái độ trầm mặc, dầu không như ngựa già nằm chuồng hý lên một tiếng, há lại không vì chỗ đau khổ của đồng bào một chết một sống, ngấc đầu lên kêu dài một hơi dài sao?” [65; 88].

Như vậy, chính cội nguồn văn hóa, truyền thống yêu nước, quê hương, gia đình là yếu tố tiên quyết góp phần hình thành nên bản lĩnh của con người Huỳnh Thúc Kháng để đảm nhận lấy những nhiệm vụ lịch sử của mình. Ông đã hấp thụ cái di sản tinh thần to lớn đó của quê hướng, đất nước, của cha ông các thế hệ mà hình thành nên nhân cách, tư tưởng của mình. Hơn thế, ông còn làm cho cái tinh thần, tư tưởng đó càng trở nên mãnh liệt, sâu sắc và cũng có sức sống bền vững.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Những biến động của bối cảnh thời đại và sự thay đổi thể chế chính trị, cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là cơ sở cho sự hình thành tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng. Từ ý thức hệ Nho giáo tồn tại hàng ngàn năm, sự du nhập tư tưởng phương Tây kết hợp với những tư tưởng canh tân và tân thư đã làm thay đổi căn bản, toàn diện tư tưởng xã hội Việt Nam. Đặc biệt là quá trình chuyển biến trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng cũng biến chuyển theo dòng chảy lịch sử.

Từ một quốc gia phong kiến độc lập, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến dưới gót chân xâm lược của thực dân Pháp. Xã hội Việt Nam hoàn toàn thay đổi với những mâu thuẫn đòi hỏi phải có một hướng giải quyết phù hợp để thoát khỏi ách nô lệ và phụ thuộc. Những trí thức, sĩ phu yêu nước hoàn toàn ý thức được rằng: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Huỳnh Thúc Kháng cùng với những nhà tư tưởng tiêu biểu đương thời trong giai đoạn này đã góp phần vào việc tìm kiếm con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới.

Nhận thức về chính trị trong tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng không chỉ dừng lại ở sự phản ánh những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - xã hội mà còn bắt nguồn, hình thành trên cơ sở những tiền đề lý luận cùng với sự kết hợp tư tưởng dân tộc của thời đại mới, đó là:

Thứ nhất, tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Khang có sự kế thừa những giá trị của chủ nghĩa yêu nước truyền thống kết hợp và tiếp thu hệ tư tưởng Nho giáo triều Nguyễn. Mặc dù có những mặt hạn chế bởi tính bảo thủ, lạc hậu trước biến chuyển của thời đại nhưng không thể phủ nhận những giá trị tích cực của tư tưởng Nho giáo xuyên suốt chiều dài lịch sử đã hòa quyện cùng với nền văn hóa bản địa tạo nên nét đặc sắc trong tính cách, hành vi ứng xử của người Việt Nam, đặc biệt là tinh thần yêu nước của dân tộc. Là hệ tư tưởng với tư cách là nền tảng đầu tiên trong quá trình hình thành tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng, tư tưởng Nho giáo

triều Nguyễn cũng đồng thời là lực cản cho sự phát triển tư tưởng chính trị sau này của ông.

Thứ hai, những quan điểm canh tân đất nước nửa đầu thế kỷ XIX có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng là tư tưởng của Nguyễn Lộ Trạch, ngoài ra ông còn tiếp thu những giá trị tích cực trong tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ. Đó là những tư tưởng mới về cải cách văn hóa - giáo dục, về xây dựng xã hội mới trong nông nghiệp, thủ công nghiệp, phát triển kinh tế, thương mại, cải cách về chính trị, v.v..

Sự nhạy bén trong tư duy của Huỳnh Thúc Kháng không chỉ thể hiện ở việc tiếp thu những đổi mới của các bậc tiền nhân đi trước mà còn nhanh chóng tiếp cận với những tân thư từ bên ngoài truyền vào Việt Nam. Điển hình là tiếp thu tư tưởng dân tộc của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu qua nhiều tác phẩm từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Thứ ba, điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội và gia đình với phẩm chất, năng lực cá nhân góp phần quan trọng vào sự hình thành tư duy, nhận thức về thời cuộc của Huỳnh Thúc Kháng. Những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ và quê hương Quảng Nam đã thấm đẫm, hình thành nên cốt cách, con người ông.

Tóm lại, sự tiếp thu về mặt tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng không chỉ dừng lại ở những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn thể hiện sự nhạy bén tiếp cận với những giá trị tư tưởng của phương Tây hiện đại trong bối cảnh tác động của khu vực và thế giới. Qua đó, tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng có sự chuyển biến liên tục phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - xã hội nhằm góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và xây dựng đời sống mới cho quần chúng nhân dân. Đó cũng chính là đặc điểm chủ yếu tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng đặt trong bối cảnh hiện thực lịch sử luôn vận động phát triển không ngừng, đi từ ý thức hệ phong kiến Nho giáo sang tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và tiến tới tiếp cận với tư tưởng cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 85 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w