Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng về giai cấp, đấu tranh giai cấp và tổ chức chính trị

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 137 - 146)

CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, CHUYỂN BIẾN VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN

3.2.4. Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng về giai cấp, đấu tranh giai cấp và tổ chức chính trị

Giai cấp và đấu tranh giai cấp trong quan niệm của Huỳnh Thúc Kháng Từ những quan điểm kinh điển về giai cấp, so sánh đối chiếu quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng có thể thấy sự tiến bộ theo thời đại ở tư duy của ông khi nhận định rằng: “theo cái lẽ tấn hóa trong cõi đời, thì có trải qua thời kỳ nhiều giai cấp, rồi mới tấn lên thời kỳ ít giai cấp, có trải qua thời kỳ ít giai cấp mà sau mới tấn lên thời kỳ không giai cấp, thời kỳ không giai cấp, tức là đại đồng, ấy là cái đường mà loài người nhứt định phải đi qua, không thể tránh được” [139; 224]. Mặc dù ông vẫn chưa đủ cơ sở và điều kiện để có thể nhìn thấu được nguồn gốc, bản chất kinh tế và vấn đề tư hữu dẫn đến sự phân chia giai cấp trong xã hội mà vẫn là tư duy “siêu hình” cho rằng chính sự phát triển khoa học, đặc biệt là cơ khí và giao thông đã làm cho: “thủ công thành đồ vô dụng, bao nhiêu cơ khí lại lần lần vào trong tay mấy nhà tư bản. Vì thế mà cái thang nhiều nấc ngày trước, gãy sút gần hết, chỉ còn lại có hai bậc; một bậc rất cao, một bậc rất thấp, tức là tư bản và lao động vậy” [139; 226].

Trong khát vọng yêu nước mong muốn về một xã hội đại đồng của ông có lúc “ngây ngô” cho rằng: “…những đời nào mà nhà làm sử tán dương ca tụng gọi là thái bình đó, … không khi nào nói đến tình cảnh kinh tế cùng sanh hoạt trong dân gian chút nào. Như vậy thì rõ cái cuộc cạnh tranh về sự sinh hoạt ở thời đại nhiều giai cấp, không dữ dội lắm” [139; 225]. Thậm chí rơi vào ảo tưởng khi ông hy vọng: “Giai cấp trong cõi đời tiêu diệt lần lần mà rút lại con hai bực, nếu lấy nhân đạo mà đối đãi cùng nhau, chung vui chia khổ, chị ngã em nâng, thời cảnh tượng hòa bình sẽ tràn khắp trong xã hội, mà cái hạnh phúc của loài người cũng được tiến lên” [139;

227] và còn khẳng định: “...hai phái ấy (lao động và tư bản) sao cũng có ngày dồn chung làm một” [139; 228]. Điều này hiển nhiên là chấp nhận được, bởi vì thực tiễn khách quan xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vẫn đang trong trạng thái lạc hậu với một nền sản xuất tiểu nông của phương thức sản xuất phong kiến, thêm vào đó, do sự phát triển của khoa học mà quan điểm duy vật “siêu hình” thế kỷ 18, 19 đang ngự trị ở Châu Âu lúc bấy giờ có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tiếp thu của những nhà tư tưởng như Huỳnh Thúc Kháng.

Huỳnh Thúc Kháng quan niệm về vấn đề giai cấp sau này có sự phát triển hơn: “Nguyên từ cổ đại cho đến ngày nay, trong thế giới khi nào cũng chỉ có hai hạng người: một hạng bóc lột và một hạng bị bóc lột. Trong thời kỳ phong kiến, hạng bóc lột là quý tộc; trong thời kỳ đế quốc, hạng bóc lột là tư bản. Hạng bị bóc lột, nói về địa phương thời là nông dân, lao động, nói về cả thế giới là những dân tộc bị áp chế.” [139; 265]. Ông cho rằng: “cái bờ giai cấp phân biệt ra hạng này hạng nọ là toàn do nhân tạo mà không phải trời sanh ra. Trời đã phú cho người ta ai cũng đồng một quan năng như nhau, tất nhiên cũng phú cho quyền lợi như nhau. Sở dĩ có cuộc bất bình trên, chẳng qua theo từng thời đại đổi đời dần dần, chớ không phải là cái luật vĩnh viễn. Vì thế mà cuộc đời mỗi ngày một khác dần. Nghiệm xem phong trào và thế lực hạng lao động toàn cả thế giới vào khoảng gần đây thì đủ rõ”

[139; 368]. Có thể thấy ở Huỳnh Thúc Kháng mặc dù ít nhiều tiếp cận được thông tin về sự kiện Cách mạng Tháng Mười – Nga 1917 nhưng chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ để lĩnh hội được lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin về giai cấp, đấu tranh giai cấp, cũng như vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản (lao động) do đó mà có lúc đã nghi ngờ cho rằng: “Chính nước Nga hô hào “chủ nghĩa nhân loại”

mà việc gì mà họ phải chống với Nhật Bản ? Việc gì họ cũng đính hiệp ước với Pháp ? Việc gì họ lại vào Hội Quốc Liên ? Không phải vì cái “rào nước” đó sao”

[139; 588].

Theo thời gian, tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng có bước tiến mới về đấu tranh giai cấp: “…hiện tình thế giới ngày nay, cái hạnh phúc “ăn ngon, mặc ấm, ở sạch, đi mau” kia còn là thuộc về số ít, chưa phải là toàn cả loài người được chung

hưởng. Mà phải được hưởng quyền lợi ấy, vẫn có cái lòng ích kỷ muốn chiếm mối hạnh phúc riêng một mình, không muốn ai san sẻ, nên khắp cả thế giới, đâu cũng có phong triều giai cấp đấu tranh, đấu tranh là quyền chánh đáng của loài người phải có” [139; 409]. Tuy nhiên, tư tưởng đấu tranh giai cấp đó vẫn thiếu những cơ sở hiện thực và lý luận của nó nên không triệt để, ông chỉ dừng lại ở sự cảnh báo:

“Phái số ít kia (tư bản) đã được hưởng hạnh phúc nhân sinh, không nghĩ đến số phận khốn cùng của phần đông (lao động), cứ chăm bo bo ôm lấy làm phần riêng mình, gây mối bất bình trong nhân loại thể nào cũng không tránh khỏi có một ngày

“tức nước vỡ bờ”.” [139; 409].

Huỳnh Thúc Kháng không tìm thấy được sức mạnh thực sự ở quần chúng nhân dân, giai cấp lao động mà đội tiên phong của nó sẽ là một chính đảng đại diện để lãnh đạo toàn thể nhân dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới. Mặc dù ông nhận thức về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp có sự hạn chế nhưng theo thời gian, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đã tạo nên những bước tiến mới, thể hiện những nấc thang phát triển trong quá trình chuyển biến tư tưởng.

Quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng về tổ chức chính trị

Xuyên suốt quá trình hoạt động yêu nước cho đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ngoài Duy Tân hội (1906 – 1908) thành lập cùng với Phan Châu Trình và Trấn Quý Cáp ở miền Trung, Huỳnh Thúc Kháng chưa có ý tưởng về sự cần thiết xây dựng một tổ chức chính trị để tổ chức lãnh đạo lực lượng cách mạng đấu tranh cho mục đích chính trị là giải phóng dân tộc, thiết lập một chế độ mới. Điều đó không có nghĩa là ông và những nhà yêu nước đồng sự khác không có tư tưởng xây dựng, thành lập các hội quần chúng trong xã hội để tổ chức phong trào yêu nước, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ tư duy lạc hậu của ý thức hệ phong kiến lâu đời trước sự phát triển của văn minh, tiến bộ thời đại. Ngoài việc cùng tham gia với các thân hào, bằng hữu thành lập các hội “thương cuộc”, hội nông, hội công, thư xã, v.v.. và đặc biệt nổi bật nhất chính là việc Huỳnh Thúc Kháng tham gia hoạt động thành lập tờ báo Tiếng Dân – tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ.

Duy Tân hội do Phan Châu Trinh và các đồng sự, trong đó có Huỳnh Thúc Kháng thành lập năm 1904, với đặc điểm là một tổ chức của các Nho sĩ đại diện cho tầng lớp trí thức tiến bộ lúc bấy giờ và mục đích là cứu nước cứu dân, khác so với các hảo hán khởi nghĩa bạo lực trong xã hội phong kiến. Bên cạnh đó, Duy Tân hội cũng khác với các tổ chức Đảng phái cùng thời điểm (như Đảng Lập hiến …) bởi sự hoạt động trải dài trên cả 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ bảo hộ và Nam Kỳ thuộc địa chứ không địa phương cục bộ. Lực lượng của Duy Tân hội không phải là đại diện cho một giai cấp hay một tầng lớp của quần chúng nhân dân mà là những đại diện của một bộ phận đang trong quá trình suy tàn của ý thức hệ Nho giáo. Đồng thời Duy Tân hội cũng không phải bảo vệ quyền và lợi ích cho một giai cấp, một tầng lớp hay một nhóm quần chúng nào của xã hội mà bảo vệ lợi ích dân tộc và đã bắt đầu manh nha tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản do bị ảnh hưởng của Tân thư. Huỳnh Thúc Kháng hoạt động trong Duy Tân hội ở Quảng Nam “không ngoài việc tỉnh xa sùng kiệm, khai trí trị sanh, cùng bỏ cái học khoa cử, cổ lệ Âu hóa,…” [139; 1458].

Thời điểm này khi mà Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh xuất dương sang Nhật Bản, sau đó đi Trung Hoa mới nhận thấy rằng ở các nước ấy các cuộc cách mạng thành công là nhờ có tổ chức chính trị lãnh đạo cách mạng, gọi là các đảng cách mạng. Huỳnh Thúc Kháng nhận thấy không cần thiết và cũng không chú trọng đối với vấn đề đảng chính trị trong điều kiện hiện tại nên vẫn chỉ chuyên tâm vào mục tiêu là khuyến khích “khai trí trị sanh”, “đề xướng tân học, bài xích cựu học”

trên cơ sở những gì đã được tiếp thu ở trong nước qua tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch.v.v.. và tân thư từ bên ngoài truyền bá vào.

Những tư tưởng duy tân của ông không chỉ giúp phong trào Duy Tân làm nên một lịch sử đầy vinh quang cùng những nhà tư tưởng yêu nước khác mà còn có giá trị thiết thực cho sự nghiệp giáo dục dân sinh cho hậu thế hôm nay và mai sau.

Quan điểm về tổ chức chính trị (đảng) ở Huỳnh Thúc Kháng không giống với quan điểm của phương Tây về vai trò của nó trong xã hội là lực lượng đại diện cho một giai cấp, tầng lớp nhân dân trong việc hình thành quyền lực chính trị tiến tới giành quyền lực nhà nước... thiết lập sự thống trị xã hội. Ông chỉ đưa ra quan

điểm về nghĩa của chữ “đảng” theo lịch sử Á Đông: “…là những chánh nhân quân tử, mang một chữ đảng mà bị bọn quyền gian đè nén hãm dập cho đến cùng tột, nào biết đâu đảng vừa tiêu thì triều đại quân chủ ấy cũng theo mà sụp hố sa hầm, không sao đứng dậy được. Từ đó mà người Á Đông xem chữ đảng như một vật bất thường trong xã hội, cái tên còn lấy làm húy, huống gì là cái thiệt, ấy theo Á Đông ta, về thời đại đã qua mà chữ đảng có nghĩa xấu là thế.” [139; 293]. Sự thành bại của các đảng chính trị trong nước hay khu vực và thế giới như thế nào với ông là một điều không dễ dàng nắm bắt trọn vẹn. Đặc biệt là sự kiện cách mạng vĩ đại Tháng Mười Nga – 1917 dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản - Đảng Bônsêvích do V.I.Lênin đứng đầu cho thấy những thắng lợi bước đầu của các chính đảng vô sản kiểu mới theo lý luận của Lênin dựa trên nền tảng học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác – Ăngghen. Trong khi đó, Huỳnh Thúc Kháng chưa có đầy đủ điều kiện để có thể tìm hiểu, nghiên cứu về kết quả của các đảng chính trị lãnh đạo giai cấp, quần chúng làm cách mạng nên ông tỏ ra thờ ơ, không tin tưởng là tất yếu.

Vốn không thích nói chuyện đảng phái từ xưa, không liên minh với bất cứ một hoạt động nào do một đoàn thể chính trị nào nên Huỳnh Thúc Kháng chủ trương “chỉ làm người như ông lão làm thinh, đã là người tốt rồi” [139; 469]. Ông nhìn vào thực tiễn các phong trào đấu tranh của các đảng phái, hội đoàn chính trị trong xã hội nhận định có phần chủ quan, cảm tính: “khoảng năm mười năm gần đây, ái quốc ái quần, đã thành câu nói đầu môi, công lợi công ích, cũng xem như là chuyện cơm bữa; tên hội tên đảng mỗi ngày mỗi xuất hiện ra danh hiệu mới nào là cải cách chánh trị, nào là kinh dinh thực nghiệp, kẻ thì lo truyền bá tư tưởng làm báo làm sách, kẻ thì ra tay thực hành, dựng đảng lập phe…” [139; 313] mà cho rằng những điều ấy là không có cở sở, chỉ là học theo phương Tây nên chắc chắn sẽ thất bại: “Từ Âu hóa truyền sang, thấy xứ văn minh có những đoàn thể lập hội, công tác thành hiệu rõ ràng, cũng bắt chước theo lập hội này hội khác. Song cái bản ngã đã thiếu môn học công dân nên bất kỳ hội gì, chương trình quy tắc lúc định lập ra, không nghĩ đến sự thực hành, chỉ chăm chú về mặt tư đức, thường xảy ra những chuyện do điều nhỏ và ý riêng mà làm hư cả đoàn thể.” [139; 469]. Ông kịch liệt

phê phán những hành động chính trị của các đảng phái, hội đoàn mang tính manh động, thiếu suy nghĩ, thậm chí là: “cách hành động “trò cười” như thế hẳn là do những bọn trẻ con, người hèn mạt, hạng dâng công để vu hãm kẻ khác, chớ tuyệt nhiên không phải do những kẻ có tư tưởng cách mạng chân chánh làm” [139; 299].

Các sự kiện xảy ra ở Bắc Kỳ (vụ án Việt Nam Quốc dân Đảng), ở Trung Kỳ (vụ án rải truyền đơn) và Nam Kỳ (vụ án Hội kín của Nguyễn An Ninh) làm cho Huỳnh Thúc Kháng ít nhiều thêm những nhận định có tính phiến diện cho rằng: “Người Pháp xứ nầy thời thế lực như trời như biển, thế mà muốn dùng truyền đơn để dọa nạt, thời có phải là trẻ con không? cái hay truyền đơn thì chưa thấy mà cái họa truyền đơn đã lan ra khắp nơi, làm cho nhân dân sanh lòng kinh hãi. Chánh phủ thêm mối nghi ngờ, bọn “nhân gió bẻ măng, vạch lông chỉ vết”, thừa nhịp ấy để trả thù tư oán, vu hãm cho những người lương thiện bị lụy, tưởng cũng không ít.” [139;

300]. Nhận định về kết quả những hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ấy ông cho là “làm không chuyên một việc, thành ra loàng quầng lấn quấn, lại bị con quỷ quyền thuật cùng con ma giả dối nó dẫn vào nơi tuyệt lối cùng đường, rút cục việc sau không thấy tăm dạng gì mà việc trước cũng theo mây khói” [139; 313].

Huỳnh Thúc Kháng phê phán: “…đã gọi là đảng mà người nào cũng vào được thì đảng ấy sẽ ra thế nào ? Lấy thân một người mà đảng nào cũng có tên, việc gì cũng nhúng tới, thì việc mình làm đó sẽ ra thế nào ? Cái kính lấy lửa nơi bóng sáng mặt trời, có tụ quang lại sau mới phát nhiệt, giọt nước nhỏ trên mặt đá cũng mòn; làm chăm một việc mà chuyên tâm cho đến nơi, thì mới mong có thành hiệu.

Nay một gáo nước mà tưới cả đồng, thì có thấm vào đâu, hòn đá lăn luôn mà trách sao rêu không mọc được, trong sự thất bại đó, hoàn cảnh có đôi ba phần mà chính lỗi mình cũng bảy tám phần vậy.” [139; 314]. Tiếp tục tiêu biểu là phê phán những hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng (với tư cách là một “đảng phiến động”), ông cho rằng: “…nhân vật cũng còn có hỗn tạp, hành động cũng có chỗ sơ suất, song ở trong một xã hội giáo dục khiếm khuyết, phong hóa suy đồi, chỉ nóng lòng với nòi giống, trông thấy tình cảnh láng giềng (Trung Quốc) mà bắt chước làm theo,

mà so với các đảng gần đây, tự biểu thị riêng một cái cờ hiệu mà không thèm nương dựa vào đâu, thật là một đảng trong xã hội ta trước kia chưa từng có…” [139; 297].

Tuy đứng ngoài những hoạt động đấu tranh yêu nước dưới sự lãnh đạo của các đảng phái chính trị trước đó nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, Huỳnh Thúc Kháng đứng ra vận động thành lập một đoàn thể chính trị - Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) vào tháng 5 năm 1946 và ông là Chủ tịch đầu tiên. Thực tiễn thành quả cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương và nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng thay đổi. Điểm chung duy nhất kết nối được Huỳnh Thúc Kháng với Hồ Chí Minh chính là tinh thần dân tộc, tấm lòng yêu nước thương dân và một bầu nhiệt huyết với cách mạng mong muốn bảo vệ giữ gìn độc lập dân tộc.

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện mối liên hệ nội tại là tinh thần yêu nước thương dân – chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và quá trình chịu sự ảnh hưởng, tác động của những nhân tố khách quan đã thúc đẩy sự chuyển biến tư tưởng từ Nho giáo sang dân chủ tư sản và bước đầu tiến tới tư tưởng cách mạng vô sản với một niềm tin tuyệt đối: “Con đường lịch sử theo Mã Khắc Tư không khi nào đi ngược trở lại ….và con đường đi từ dân chủ lên khoa học xã hội hóa…” [139; 480].

Ở Huỳnh Thúc Kháng cho thấy sự vận động của tư duy phù hợp với quy luật biện chứng của sự vận động xã hội với những nhân tố khách quan là cực kỳ quan trọng. Những tư tưởng của ông hoàn toàn không phải vì tình cảm cá nhân nào đó thay thế cho sự tác động của hoàn cảnh lịch sử để có thể đạt đến sự hoàn chỉnh một bước chuyển trong nhận thức chính trị mà đó chính là kết quả của một quá trình kết hợp giữa các yếu tố chủ quan cá nhân và khách quan bên ngoài.

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 137 - 146)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w