Tư tưởng Nho giáo triều Nguyễn

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 72 - 76)

CHƯƠNG 2 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH

2.2.2. Tư tưởng Nho giáo triều Nguyễn

Sau khi lật đổ triều đại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long, mở ra một triều đại mới – triều đại nhà Nguyễn và cũng là triệu đại cuối cùng của nền quân chủ chuyên chế phong kiến ở Việt Nam (1802 – 1945). Từ khi lên ngôi vua mở ra một triều đại mới, các vua nhà Nguyễn (đặc biệt là Gia Long, Minh Mệnh và Tự Đức) đã ra sức phục hồi phát triển Nho giáo. Triều Nguyễn xem Nho giáo chính là biện pháp hữu hiệu để tăng cường sự thống trị và giữ vững kỷ cương, ổn định lại trật tự xã hội sau 300 năm nội chiến (Trịnh – Nguyễn) và ngoại xâm phương Bắc lẫn phương Nam (quân Thanh và quân Xiêm).

Mặt khác, sự phục hưng Nho giáo ở thời kỳ này còn có một ý nghĩa quan trọng là quy tụ những thành phần trí thức, nho sĩ trong nước ra giúp nước, tham gia chính sự cùng với triều đình. Đây là học thuyết, hệ thống tư tưởng duy nhất mà chính quyền phong kiến nhà Nguyễn dùng làm hệ tư tưởng chi phối vương triều cũng như mọi mặt của đời sống xã hội. Và Tống nho (những quan điểm, học thuyết của Trình Di và Chu Hy) giữ một vị trí quan trọng, ảnh hưởng chủ yếu xuyên suốt ý thức hệ Việt Nam thế kỷ XIX.

Nho giáo triều Nguyễn thế kỷ XIX không còn nguyên bản Nho giáo về thực hành đạo đức của Khổng – Mạnh mà phần lớn tập trung vào các vấn đề như: Mệnh trời, Tam cương, Ngũ thường, Trung hiếu, Tiết nghĩa, … theo khuynh hướng duy tâm, “thần bí” mang nặng tính chuyên chế nhằm mục đích là công cụ thống về mặt tư tưởng đối với toàn bộ xã hội dưới sự trị vì của vua và vương triều phong kiến. Sự chuyên chế này đạt đến đỉnh cao trong lịch sử Nho giáo Việt Nam ở thời kỳ vua Minh Mệnh cai trị. Vua Minh Mệnh không chỉ là một học giả, một thi nhân tài năng có ý thức rất rõ ràng về vai trò của Nho học, Nho giáo là chỗ dựa vững chắc của nhà nước và xã hội. Tư tưởng của ông đề cao sự “trung thành tuyệt đối với nhà vua và chế độ” – “minh quân lương thần”, “phụ từ tử hiếu” – trong đó đề cao hơn cả chính là tư tưởng “tôn quân quyền”. Nội dung thực chất của Nho giáo thời kỳ này vẫn là sự vay mượn và diễn giải lại nên chỉ đào tạo ra các nhà Nho giỏi thi phú, thuộc lòng câu chữ kinh thư. Những nhà Nho này xa rời thực tế, cố chấp và bảo thủ trước những biến chuyển của thời đại, đặc biệt là tinh hoa văn hóa dân tộc với những đổi thay bên ngoài trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Vì đưa Nho giáo lên hàng ý thức hệ giữ vị trí độc tôn nên đồng thời nhà Nguyễn cũng hạn chế Phật giáo, phê phán đạo Lão – Trang và đặc biệt là cấm đoán hoàn toàn mọi hoạt động của Thiên chúa giáo. Mặc dù, Nguyễn Ánh là người đã dựa vào sự ủng hộ không nhỏ của các giáo sĩ Thiên chúa giáo người Pháp để phục vụ cho mục đích lật đổ nhà Tây Sơn khôi phục vương triều nhà Nguyễn. Nhưng vì mục đích củng cố độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà từ thời kỳ Minh Mệnh trở đi, mọi hoạt động giao thương

và truyền đạo của người Pháp nói riêng và người Tây nói chung bị cấm đoán triệt để.

Với mục tiêu chính là cai trị đất nước, giữ vững trật tự ổn định của xã hội và củng cố vương triều phong kiến mà triều đình nhà Nguyễn đã đẩy mạnh việc kế thừa, xây dựng những quan niệm về: mệnh, thiên mệnh, âm dương, ngũ hành, bát quái…trong tính thần bí của Tống Nho đển gắn với đạo trị nước của bậc quân vương. Từ đó, thông qua quá trình tuyên truyền, giáo dục Nho học mà chính quyền thần phục nhân tâm một cách tuyệt đối với tư tưởng tôn quân quyền.

Quan niệm về mệnh và thiên mệnh (ý trời) trong Nho giáo triều Nguyễn:

Triều đình nhà Nguyễn chủ yếu dựa vào thuyết Thiên nhân hợp nhất của Đổng Trọng Thư (một danh Nho đời Hán ở Trung Quốc) nhằm củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Theo thuyết này, hình thể con người và những biểu hiện tinh thần của con người là một thể hiện của bản thể trời, nói cách khác đó là dựa theo cấu tạo của mình mà trời sáng tạo ra con người. Do đó, quyền lực của vua cũng là do trời trao cho – quân quyền thần thụ - kẻ nào trái ý, không nghe theo lời vua tức là kẻ đó chống lại ý trời, mà chống lại trời thì sẽ bị trừng phạt. Tất nhiên, thần cũng có ý chí nhưng trời lại có quyền uy vô song nên vua (thừa mệnh trời) là người chủ tể của mọi việc ở thế gian, muôn việc tốt – xấu. Tư tưởng này đã thần thánh hóa và hợp lý hóa trật tự thống trị của chế độ phong kiến, đặc biệt là sự tập trung quyền lực vào trong tay nhà vua và triều đình để cai trị dân chúng, thống trị xã hội cả về tư tưởng và con người.

Một luận điểm khác trong học thuyết của Đổng Trọng Thư được nhà Nguyễn kế thừa và làm theo đó là luận điểm về “hình nhi thượng học” được trình bày trong sách Xuân Thu phồn lộ mà bất cứ Nho sĩ nào của thế kỷ XIX đều học và làm theo.

Theo luận điểm này, “đạo” vốn xuất ra từ “trời”, mà trời thì không bao giờ biến đổi nên đạo cũng không biến đổi. Đạo ở đây chính là đạo thống trị của phong kiến bao gồm cương thường, đạo đức và chính trị. Từ đó đảm bảo cho sự ổn định bền vững của trật tự phong kiến, không cho phép có bất cứ một sự biến động nào. Sự vĩnh hằng của trật tự trong quá trình thống trị của nền quân chủ chuyên chế được đảm

bảo bằng sự tôn thờ, ý thức phục tùng tuyệt đối của mọi cá nhân với nhà vua, với triều đình vì đó là “thiên mệnh”.

Tư tưởng thiên nhân tương cảm trong quan điểm về mệnh và mệnh trời đã trói buộc các tầng lớp nhân dân vào số mệnh, số trời định đoạt, buộc họ phải thần phục trời. Người được trời trao cho số mệnh thần phục thiên hạ chính là vua nên tất cả phải tuyệt đối trung thành với nhà vua, với chính quyền không một chút hoài nghi. Tư tưởng này cũng gắn chặt nhận thức của mọi Nho sĩ theo một con đường duy nhất: học hành, thi cử, đỗ đạt ra làm quan và làm quan để “tận trung báo quốc”

với vua, triều đình. Do đó mà tư tưởng của tầng lớp Nho sĩ triều Nguyễn ngày càng lạc hậu, bảo thủ, giáo điều và xa rời thực tế, trong xưa khinh nay, mê tín những thánh hiền. Nho sĩ không biết đến lao động sản xuất, lao động chân tay, không thấy được vai trò của lao động sáng tạo ra cuộc sống và cải tạo thế giới xung quanh.

Mặt khác, quan niệm về âm dương, ngũ hành, bát quái trong trong Chu dịch (Trung Hoa) được Đổng Trọng Thư kế thừa, xây dựng thành hệ thống tư tưởng thần học nhằm tăng cường chế độ trung ương tập quyền chuyên chế thống trị và lừa dối quần chúng nhân dân đã được triều Nguyễn “tận dụng” thần bí hóa triệt để kết hợp với quan niệm thiên nhân hợp nhất nhằm xác lập vai trò cao độ của tư tưởng tôn quân quyền. Tất cả đều là do ý trời nên cần phải tuyết đối trung thành với nhà vua vì vua là người vâng mệnh trời. Xã hội Việt Nam thế kỷ XIX từ vua, quan cho đến thứ dân đều bị mê hoặc tin vào “bói toán”, suy luận “thiên ý” trong mọi việc. Thậm chí, nhà cải cách tiêu biểu như Nguyễn Trường Tộ trong bài điều trần của mình đề xuất những đường lối canh tân đất nước cũng bị ảnh hưởng bới tư tưởng này khi chứng minh việc thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam là “lẽ thường của trời đất” – lời lẽ chứng minh hết sức mê tín.

Những tư tưởng này trở thành một phần tín điều của những nhà Nho trong thời kỳ này. Nó thể hiện sự duy tâm thần bí trong giải thích mọi sự vật, hiện tượng, chống lại mọi tư tưởng về khoa học, kỹ thuật phát triển, cản trợ bước tiến của xã hội. Đặc biệt, nó trợ ngại cho những tư tưởng canh tân, cải cách đất nước nhằm

thoát khỏi sự suy vong của chế độ trước sự xâm nhập và bành trướng của phương Tây đối với các quốc gia dân tộc phương Đông.

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w