CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, CHUYỂN BIẾN VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN
3.2.2. Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng về mục đích chính trị
Huỳnh Thúc Kháng quan niệm rằng, yêu nước không phải chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn phải có những hành động thiết thực. Do đó, ông đã xác định cho mình những mục đích chính trị và phương pháp đấu tranh cách mạng phù hợp trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định..
Về mục đích chính trị: Huỳnh Thúc Kháng từng cho rằng: “Làm chánh trị tức tìm cách giải quyết những vấn đề “dân tộc”, “dân sanh”, “giáo dục”, “nội trị”…”
[139; 262].
Ông chỉ ra: “…làm một người chánh trị, phải lo giải quyết “vấn đề dân tộc”
trước.” – nhưng sẽ phải giải quyết vấn đề ấy như thế nào, phương thức tiến hành ra sao thì ông chưa luận giải được. Ông chỉ nêu lên một cách rất chung chung mà chưa thể định ra được một đường hướng cụ thể để có thể biến nó thành lực lượng vật chất hiện hữu nhằm tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, ông viết: “...không nên áp chế một dân tộc khác, mà cũng không nên để một dân tộc khác áp chế mình…phải ở riêng một địa phương, trên địa phương ấy phải có riêng một quyền chánh trị…, phải có bờ cõi riêng và một quốc gia riêng. Có bờ cõi riêng, quốc gia riêng là độc lập.
Dân tộc được độc lập rồi thời có thể bàn được các vấn đề chánh trị khác vậy.” [139;
265].
Đối với Huỳnh Thúc Kháng, mục tiêu chính trị không có gì khác và quan trọng hơn chính là phải làm sao có được “độc lập dân tộc”. Vì khi và chỉ khi dân tộc được độc lập, người dân được tự do thì mới có thể bàn đến những vấn đề khác trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho quần chúng nhân dân, phát triển được đất nước để có thể sánh vai với khu vực và thế giới. Do đó, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “…chánh ở thời đại dân quyền này, dân tộc nào mà dân đức hoàn toàn, dân trí khai thông, dân khí mạnh mẽ, thì dân tộc ấy có quyền, dân tộc nào mà dân đức, dân trí, dân khí không có, thì dân tộc ấy phải tiêu diệt, lệ chung đó không sao tránh được…” [139;
241]. Với ông trong thời đại mới, cần phải tiến hành giáo dục nâng cao đạo đức con người, đào tạo để mở mang trí tuệ, tư duy thông suốt thì mới tạo ra được nội lực, sức mạnh của dân tộc tiến tới thiết lập được một chính quyền mới giữ được độc lập.
Nếu như nhà tư tưởng yêu nước Phan Bội Châu ban đầu có quan điểm “bạo lực” trong đấu tranh bằng cách tiếp tục sử dụng ngọn cờ “quân chủ” để thu phục nhân tâm trên cơ sở trình độ dân trí thấp, truyền thống yêu nước theo ý thức hệ phong kiến qua các tổ chức Văn thân, Cần Vương nhằm chống lại thực dân xâm lược. Cho đến khi lập Hội Duy Tân, Phan Bội Châu tiếp tục có sự chuyển biến về
nhận thức mới bởi muốn làm cách mạng, cần có nguồn lực kinh tế, vũ khí để đánh giặc, mà lúc này cường quốc có thể giúp được là Nhật Bản – bởi họ đồng chủng, đồng văn: “Phan quân nhận hẳn rằng người Pháp quyết không có thiệt lòng khai hóa cho người Nam, nên nói việc khai hóa, trước phải tìm cách đánh đổ chính phủ Pháp, mà muốn đánh đổ chính phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay nước mạnh duy Nhật Bản là nước đồng văn đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản…” [139; 794]. Từ chỗ đó mà ông tích cực đẩy mạnh các hoạt động Đông Du đưa người sang học tập Nhật Bản, đồng thời cầu viện họ mưu giúp Việt Nam chống giặc với một tư duy truyền thống là khi có khó khăn thì cậy nhờ vào nước lớn. Phan Bội Châu đã sai lầm khi chính phủ Nhật cấu kết với thực dân Pháp giải tán tổ chức Đông Du, trục xuất ông trở về và ông buộc phải lẩn trốn ở Trung Hoa, sang Xiêm một thời gian. Sai lầm của ông là tư tưởng chủng tộc khi nhận thấy “đồng châu, đồng chủng, đồng văn” mà chưa thấy rõ được bản chất của tư bản, đế quốc mà có xu hướng cầu viện ngoại bang “dựa vào một đế quốc để đánh một đế quốc” – rõ ràng đây là một điều nguy hiểm khôn cùng cho quốc gia, dân tộc “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cho đến khi Cách mạng Tân Hợi – 1911 giành thắng lợi, ông quay trở lại Trung Quốc lập ra Việt Nam Quang phục hội tiếp tục mục tiêu đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục độc lập, tiến tới thành lập Cộng hòa Dân quốc Việt Nam theo mô hình của Trung Hoa Dân Quốc.
Một lần nữa ông lại tiếp tục mưu sự chống Pháp bằng hy vọng có thể dựa vào Quốc dân Đảng Trung Quốc giúp đỡ. Sai lầm nối tiếp những sai lầm bởi tâm lý của ông quá “nóng vội”, muốn sớm có được chỗ dựa để có thể hoàn thành mưu sự chống thực dân Pháp mà thiếu đi sự “tỉnh táo” để nhận diện bản chất về lợi ích giữa các thế lực thực dân, đế quốc và phản động của giai cấp tư sản sẽ cấu kết với nhau. Ông thất bại và dường như chấm dứt giai đoạn hoạt động đầy sôi nổi của mình sau khi bị ông chính phủ quân phiệt Quảng Đông bắt giam hơn 3 năm vào đầu năm 1914.
Phan Bội Châu chủ trương dân chủ như “một thủ đoạn để giành độc lập”, để tập hợp lực lượng chống thực dân Pháp. Theo ông, vì nhiều người chống Pháp trung thành với tư tưởng quân chủ nên muốn thống nhất họ trong một khối thì phải chủ
trương quân chủ. Dù sau này nhận thấy được cái hay của dân chủ nhưng Phan Bội Châu vẫn chủ trương quân chủ khi cho rằng trong điều kiện Việt Nam, trình độ dân trí còn thấp, kém so với người Châu Âu, rồi sau đó ông hướng tới mô hình quân chủ lập hiến như Nhật Bản nhưng những điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau mà phong trào này cũng không thành công. Cùng với sự chuyển biến bất lợi của tình hình thế giới trước những thế lực phản động mà từ cuối những năm 20 thế kỷ XX, Phan Bội Châu có những thay đổi mục đích chính trị, ít nhiều rơi vào chiều hướng tiêu cực, đồng thời cũng có sự suy yếu cùng với tuổi tác theo thời gian mà càng về sau tư tưởng mục đích chính trị của ông ngày càng đi vào tính hẹp hòi, vị kỷ dân tộc. Lẽ đương nhiên tính vị kỷ, hẹp hòi này là do hoàn cảnh của lịch sử, nó vẫn gắn liền với tinh thần yêu nước chân chính [140; 199].
Còn Phan Châu Trinh thì ngược với Phan Bội Châu khi cật lực lên án và phê phán mạnh mẽ triều đình phong kiến tay sai. Với Phan Bội Châu là “bài Pháp” để độc lập thì Phan Châu Trinh thể hiện chủ trương “bài ngoại” nhưng lại “dựa vào Pháp” để tự trị. Tuy nhiên chưa có lần nào Phan Châu Trinh giải thích ý nghĩa của hai từ “tự trị” ấy, chỉ có thể nhận thấy những hoạt động mang tính chất “dân chủ”
của ông chủ yếu là “bài phong” rồi chủ trương Pháp – Việt đề huề. Rõ ràng giữa Phan Châu Trinh và Phân Bội Châu có những đường hướng không giống nhau về mục đích chính trị, đơn cử là việc thể hiện lên các quan điểm đã có sự khác nhau như Phan Châu Trinh từng kể: “…Phan Bội Châu hiệu Sào Nam, là một tay hào kiệt ái quốc của nước Nam, trong nước không ai không biết tiếng. Ngày tôi ở kinh đô Huế, thường qua lại luôn, đến nghị luận việc nước thì ý kiến giữa tôi với Sào quân, hai bên không đồng mà lại trái nhau hẳn.” [139; 794]. Sự khác biệt không chỉ dừng lại ở ý kiến bàn luận việc nước ban đầu mà lâu dài sau này, quan điểm nhận thức về chính trị của Phan Châu Trinh khác hoàn toàn với mục đích “bạo động bài Pháp”
của Phan Bội Châu, ông cho rằng: “…người nước Nam chui núp dưới chánh thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò “đổi chủ mà làm đầy tớ thứ hai”, không có ích gì.Vả lại nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước
ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sanh, các việc thực dụng, dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy.” - cho thấy Phan Châu Trinh có một sự phi thực tế với nhận định thiếu chắc chắn về bản chất tham lam và bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa. Thậm chí là rơi vào sự ảo tưởng “ngây thơ” (ngộ điểm) mà cho rằng người Pháp sẽ giúp cho việc “khai hóa văn minh” của quần chúng nhân dân và từng bước tiến tới sẽ trao nền độc lập cho dân Việt Nam. Đồng thời, Phan Châu Trinh cũng phê phán phong trào Đông Du của Phan Bội Châu làm ảnh hưởng đến tư tưởng tự lực khai hóa của cuộc vận động Duy Tân của ông: “…cái chính kiến “tự lực khai hóa” của tôi, bị phong triều “đông học” che át, không xuất đầu ra được, không ai thèm nghe. Thực sự thì trăm phần thiếu thốn, mà cái tiếng trống kêu dội sẽ gây ra mối nguy hiểm cho đường tương lai của quốc dân, không thể tránh được.”
[139; 795] – có lẽ cũng từ chỗ này mà Huỳnh Thúc Kháng cũng không ủng hộ đối với đường lối của Phan Bội Châu. Rồi Phan Châu Trinh kết luận về mục đích cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu: “Theo chánh kiến “cậy sức nước ngoài” thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình, Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì đã hơn người Pháp.” [139; 794].
Từ thực tiễn nhận thức về đường lối và hoạt động của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh mà tính chất “ôn hòa” trong quan điểm tư tưởng về mục đích chính trị của Huỳnh Thúc Kháng có phần nào “trung dung”. Những gì thực tiễn chứng minh cho sự thất bại đường lối “dân tộc chủ nghĩa” của Phan Bội Châu và
“dân chủ chủ nghĩa” của Phan Châu Trinh qua những hoạt động đấu tranh cách mạng, mà Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “…trải ba mươi năm nay, cứ trông thấy những cuộc thất bại của đồng bào mà tự nhiên sinh ra một mối bi cảm. Ôi ! Ưa điều lợi mà ghét điều hại, thích chỗ an mà tránh chỗ nguy, vui sự phúc mà kinh sự họa, ấy là tâm lý tự nhiên của loài người, dầu dân tộc nào cũng vậy, đầu đen máu đỏ, thịt trắng da mềm, dân Annam không phải loài người sao ? Sao lại ưa điều hại, thích điều nguy, vui sự họa, mà sụt xuống trồi lên, cứ diễn mãi cái tuồng bi kịch mà không chừa như thế ?” [139; 297]. Vì những lẽ ấy, ông cho rằng trong cái thời đại
ngày này ở nước Nam thì : “Nói thấp thấp đừng nói cao quá, nói những điều hiện ngày nay có thể làm được.” [139; 245]. Ông không trực diện phê phán nhưng cũng thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác với tư tưởng “cậy Pháp” của Phan Châu Trinh: “Người Pháp vượt mấy lần biển mà sang đây không phải là không dụng ý, nào quyền lợi, nào lợi ích, trong mấy lâu nay đã gây thành một mối quan hệ không thể nào rời được, mà từ nay về sau mối quan hệ ấy không dễ một ngày mà mất đi…
mà theo tình thế thực hiện bây giờ, ta cũng không thể nào mà mời người Pháp về được. Thế thì trừ một cách trời nghiêng đất đổ, địa cầu nầy thông với các tinh cầu kia, thì cái thuyết thứ nhất đó mới có thực sự được, không thì chỉ là một cái ảo tưởng mà thôi: ảo tưởng đó tức là ngộ điểm vậy.” [139; 244]. Theo ông, trong điều kiện hiện thời khi Pháp đã áp đặt được sự cai trị trên toàn cõi Đông Dương này thì chi bằng mở đường phục hưng dân tộc: khai thông dân trí, cổ động tân học, đả phá khoa cử, kêu gọi thương gia, thân hào lập hội thương, hội công, hội nông, thay đổi nếp sinh hoạt theo đời sống mới, văn minh phát triển kinh tế - xã hội từng bước đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Về phương pháp đấu tranh cách mạng: Trên cơ sở mục đích chính trị, Huỳnh Thúc Kháng tự xác định những phương pháp đấu tranh cách mạng trong các giai đoạn khác nhau phù hợp với những chuyển biến thay đổi của hoàn cảnh xã hội.
Trong suốt quá trình hoạt động, ông chủ trương đấu tranh: bằng nghị trường với vai trò là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1926 - 1928) và bằng báo chí – chủ bút tờ báo Tiếng Dân (1928 – 1943) nhằm mục đích chính trị cuối cùng là thức tỉnh quần chúng nhân dân trước những đổi thay của thời đại mới, tự lực tự cường để từng bước tiến tới giành độc lập dân tộc.
Lập trường cách mạng, tư tưởng mục đích chính trị là cái mang tính ổn định thì phương pháp đấu tranh cách mạng là lĩnh vực linh hoạt và sáng tạo thể hiện muôn hình, muôn vẻ. Phương pháp là “nghệ thuật của khả năng” hoạt động xã hội của cá nhân và lực lượng chính trị - xã hội. Nếu như lập trường cách mạng, mục đích chính trị thể hiện qua chiến lược cách mạng thì phương pháp đấu tranh lại thể hiện tính sách lược của cách mạng. Và nếu như chiến lược cách mạng được thiết
định như là kết cấu mâu thuẫn cơ bản của xã hội, nó đòi hỏi nhà cách mạng phải kiên định với lập trường, mục đích chính trị đã đề ra thì trái lại, phương pháp đấu tranh cách mạng cho phép nhà cách mạng có quyền lựa chọn, xác lập, thử nghiệm hay thậm chí là điều chỉnh, sửa đổi, nhưng nhất thiết phải dựa trên cơ sở hiện thực những tương quan lực lượng, diễn biến của hoàn cảnh, điều kiện lịch sử trong quá trình đấu tranh giữa các thế lực đối lập.
Phương pháp đấu tranh cách mạng bao gồm nhiều hình thức, nội dung, thủ đoạn, cách thức … khác nhau nhưng tựu chung lại có hai phương diện cơ bản là:
bạo lực và phi bạo lực (hòa bình). Trong mỗi phương diện lại có những biểu hiện phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung. Thực tiễn lịch sử xã hội đã cho thấy, mỗi hình thức của phương pháp đấu tranh cách mạng đều có những giá trị và ý nghĩa lịch sử nhất định. Nó đòi người làm cách mạng phải luôn trọng thị chứ không được khinh khi, dù là vận dụng bất kỳ hình thức đấu tranh nào, như Phan Bội Châu từng nói: “... Suốt đời đã mưu tính việc gì cốt nhằm mục đích giành được thắng lợi trong phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn phương châm cũng không ngần ngại…” [140; 188]. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao phải hạn chế tới mức thấp nhất việc phải trả giá quá đắt, dù là ở bất kỳ hình thức đấu tranh nào. Thế nên dù lực đã tàn, sức đã kiệt mà trước lúc lâm chung, Phan Châu Trinh vẫn căn dặn lại với Huỳnh Thúc Kháng một di ngôn hết sức sâu sắc về phương pháp đấu tranh cách mạng: “làm việc bây giờ không những chỉ nhằm vào tình thế nước mình mà còn phải nhìn vào cả trào lưu thế giới đương chuyển ra sao mà định việc.” [139; 483].
Những hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng với phong trào Duy Tân tại Quảng Nam đã thể hiện một đường lối, phương pháp đấu tranh cách mạng mang tính “hòa bình”: “…bọn chúng tôi đương cái gánh đề xuất tân học, bài xích cựu học…kế đó cùng các thân hào bằng hữu đề xướng chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Hội An – Faifoo) cùng lập trường học, hội nông, trồng quế, tùy theo phong khí biến đổi trong nước, nào ăn mạc theo Âu Tây, cúp tóc, náo nhiệt một thời, khiến bọn thủ cựu ngó nghiêng cặp mắt.” [139; 1456]. Ông đấu tranh hòa bình bằng cách
thức tỉnh quần chúng nhân dân thông qua những hoạt động cụ thể, tuyên truyền cho lối sống mới, tư duy mới và từng bước xây dựng lực thế và lực của người Việt Nam.
Việc một số học giả cho rằng Huỳnh Thúc Kháng có cùng điểm chung đường lối đấu tranh cách mạng với Phan Châu Trinh cũng là điều dễ hiểu ở chỗ: các ông nhận thức được rất rõ bình diện xã hội đương thời cũng như những tương quan lực lượng giữa các thế lực đối kháng nhau. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt rất cơ bản về đối tượng khi: Phan Châu Trinh xác định đối tượng là thực dân Pháp với chủ trương Pháp – Việt đề huề thì Huỳnh Thúc Kháng xác định đối tượng chính là quần chúng nhân dân thực hiện tự lực, tự cường không dựa vào Pháp nhằm thay đổi tình thế đòi Pháp phải thừa nhận bước phát triển về nhận thức và trình độ của nhân dân An Nam mà trao trả độc lập. Những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch … đã giúp cho ông có được sự hiểu biết về thế và lực giữa Việt Nam và thực dân Pháp quá chênh lệch. Thế lực thống trị thực dân và phong kiến đang bao trùm đè nặng đất nước, dân tộc, trong khi lực lượng yêu nước và cách mạng thì rất mỏng manh, yếu ớt, rời rạc, số đông vẫn chưa thực sự thức tỉnh về sự tồn vong của Tổ quốc. Những bài học thực tiễn sinh động từ đấu tranh bạo động, khởi nghĩa vũ trang của các bậc sĩ phu yêu nước, nông dân phản kháng triều đình lần lượt đều bị chính quyền thực dân và phong kiến tay sai dập tắt không thương tiếc. Tất cả những thất bại đều xuất phát từ yếu tố lực lượng, sức mạnh quân sự.
Huỳnh Thúc Kháng hy vọng vào chính những người Việt Nam với truyền thống tự lực tự cường vươn lên. Ông góp phần vào thức tỉnh quần chúng nhân dân qua những hiểu biết, nhận thức mới để chủ động tiếp cận sự tiến bộ của thời đại tiến tới giành được độc lập từ tay thực dân Pháp. Nếu như Phan Châu Trinh chủ trương
“khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” thì Huỳnh Thúc Kháng lại hướng tới “dân đức hoàn toàn, dân trí khai thông, dân khí mạnh mẽ”, khi đó người dân mới có được cái quyền của mình và tiến tới cái quyền tự do độc lập của dân tộc. Ở đây cả hai đều có chung những ảnh hưởng chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn nhưng cách thức và con đường của hai ông hoàn toàn khác. Huỳnh Thúc Kháng mong muốn xây dựng lại cái nền đạo đức mới cho dân thay cho cái nền đạo đức Nho giáo cũ kỹ lạc