NHỮNG NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ VỀ ĐẶC ĐIỂM, GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA HUỲNH

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 43 - 51)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

1.4. NHỮNG NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ VỀ ĐẶC ĐIỂM, GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA HUỲNH

Việc công bố các nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng nói riêng và các nhà tư tưởng yêu nước cùng thời với ông nói chung trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được thực hiện từ những năm cuối thế kỷ XX cho đến nay, trong đó có thể điểm qua một số các nghiên cứu để tham khảo như sau:

Công trình Kỷ yếu Hội thảo Khoa học về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức vào tháng 9 năm 1992 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1993) đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực lịch sử, tư tưởng, chính trị, văn hóa, giáo dục … Hội thảo đã có những phân tích, đánh giá nhiều mặt về quá trình hoạt động yêu nước của hai cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Một sự tiệm cận tương đồng trong đánh giá tư tưởng của hai ông về dân chủ, tuy cùng hoạt động trong phong trào yêu nước đặc biệt là tư tưởng Duy Tân nhưng giữa hai ông vẫn có những khác biệt rất cơ bản. Có lẽ giới nghiên cứu ít nhiều vẫn còn “ưu ái”

trong nghiên cứu về Phan Châu Trinh mà phần nào chưa đào sâu về nhân vật Huỳnh Thúc Kháng (trong tổng số 32 báo cáo tham luận tại Hội thảo, chỉ có 05 báo cáo tham luận trình bày nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng) với những bước chuyển biến trong tư tưởng hoàn thành một quá trình nhận thức của tư duy trước những tác động của điều kiện hoàn cảnh lịch sử - xã hội trong và ngoài nước.

Hai mươi năm sau kể từ ngày tổ chức Hội thảo Khoa học về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức vào tháng 9 năm 1992, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức một hội thảo riêng về Thân thế và Sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947) tổ chức vào tháng 4 năm 2012 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Đà Nẵng, năm 2012) nhằm góp phần vào việc đánh giá và làm sáng tỏ hơn những đóng góp, công lao của ông đối với lịch sử dân tộc. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo các nhà khoa học với khoảng 80 bài viết, báo cáo, tham luận nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng trên nhiều mặt văn hóa, kinh tế, chính trị, tư tưởng, giáo dục… Qua đó, hội thảo góp phần rất lớn vào việc nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là một nhà yêu nước, một nhà Nho -

sĩ phu của chế độ phong kiến Việt Nam đang suy tàn, đổi mới tư duy tiếp cận với văn minh phương Tây, hoạt động cải cách chấn hưng dân tộc và tiến tới bước theo con đường cách mạng vô sản do Hồ Chí Minh khới xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, những báo cáo được tập hợp trong hội thảo chỉ thuần tuý mang tính khái quát chung về một số mặt, lĩnh vực của Huỳnh Thúc Kháng mà chưa có sự tập trung nghiên cứu sâu sắc một vấn đề, nội dung cụ thể của tư tưởng Huỳnh Thúc Kháng.

Tác giả Trần Thị Hạnh trong bài: “Quá trình chuyển biến tư tưởng ở Huỳnh Thúc Kháng” (Tạp chí Triết học, số 10 (185) 2006, tr 56-63), đã khái quát quá trình hình thành và chuyển đổi ý thức hệ của Huỳnh Thúc Kháng từ phong kiến sang dân chủ tư sản và đích đến kết thúc bằng sự tham gia vào chính quyền cách mạng của Hồ Chí Minh, đánh dấu một bước chuyển hoàn chỉnh ở chủ nghĩa dân tộc tiến bộ, tiếp cận với tư tưởng vô sản. Tác giả đã đánh giá Huỳnh Thúc Kháng tựa như một gạch nối giữa các ý thức hệ trong bối cảnh đất nước khủng hoảng về đường lối tư tưởng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà chất kết dính là tư tưởng và hành động vì dân, vì nước của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng Việt Nam. Mặt khác, tác giả cũng nghiên cứu Huỳnh Thúc Kháng trong mối dây liên hệ với nhà tư tưởng yêu nước có cùng quan điểm trong phong trào Duy Tân là Trần Quý Cáp, trong các bài viết “Tư tưởng duy tân của Trần Quý Cáp” (Tạp chí Khoa học, Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 24, số 4, 2008) và “Trần Quý Cáp – nhà tư tưởng theo khuynh hướng duy tân” (Tạp chí Triết học, số 12 (211), tháng 12 năm 2008).

Một tờ báo ra đời đầu tiên ở đất Trung kỳ đầu thế kỷ XX mà người chủ tờ báo đồng thời vừa là người chủ bút vừa là người biên tập – Huỳnh Thúc Kháng là hiện thân của một loại trí thức được nuôi dưỡng trong Nho giáo và thấm nhuần tinh thần Nho học. Nhưng để đối phó với thái độ của thế hệ trẻ hơn từ chối hệ thống giá trị, thể chế và tập tục của xã hội cổ truyền, lại là những người dùng báo chí, một hình thức thông tin phổ biến rộng rãi của phương Tây, Huỳnh Thúc Kháng đã dùng báo chí để tham gia vào một cuộc tranh luận về việc hiện đại hóa và xây dựng lại đất nước. Đó là những gì mà tác giả Nguyễn Thế Anh đã thể hiện quan điểm của

mình về Huỳnh Thúc Kháng qua bài viết “Một trường hợp trường tồn của tinh thần Nho giáo Việt Nam vào thế kỷ XX – Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân” (Tạp chí Nghiên cứu Huế, số 4, tr.22-32, 2002). Nhắc đến báo Tiếng Dân, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là một trong những hoạt động nổi bật của quá trình hoạt động yêu nước mà Huỳnh Thúc Kháng đã dùng ngòi bút để đấu tranh cho quyền dân sinh, dân chủ của dân tộc Việt Nam trước những bạo tàn, áp bức của kẻ thù thực dân Pháp. Điều này đã được tác giả Phạm Ngọc Sinh nghiên cứu với bài: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng, người luôn lắng nghe Tiếng Dân” (Tạp chí Xưa và Nay, số 401 (4), tr.3-6, 2012). Và học giả Đào Hùng với bài viết “Sự ra đời của báo Tiếng Dân và cuộc gặp gỡ giữa Huỳnh Thúc Kháng với Đào Duy Anh” (Tạp chí Xưa và Nay, số 401 (4), tr.7-11, 2012) đã cung cấp thêm những chi tiếp góp phần làm sáng tỏ hơn về quá trình hợp tác thành lập tờ báo Tiếng Dân giữa Huỳnh Thúc Kháng và Đào Duy Anh (là một nhân vật trọng yếu của Đảng Tân Việt) với tư cách là thành viên Ban Biên tập. Dù biết Đào Duy Anh tham gia “hội kín” và cho đến khi bị bắt nhưng Huỳnh Thúc Kháng vẫn rất tin tưởng và không hề ngăn cản. Cũng bởi vì ông là nhà ái quốc nhiệt tình, nghiêm trang và rất mực liêm khiết với cá tính bộc trực, có phần hơi “xẵng” – như nhận định của Đào Duy Anh trong Hồi ký sau này.

Tác giả Minh Hương công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã có những cung cấp chi tiết sử liệu về việc Huỳnh Thúc Kháng ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp nhận tham gia chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 qua bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh với cụ Huỳnh Thúc Kháng” (Tạp chí Lịch sử Đảng, số 10, tr.63-65, 2006). Trên cơ sở tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (ký hiệu H25C15/10) hồi ký của ông Nguyễn Xương Thái, tác giả cho thấy được phần nào tư tưởng chính trị những năm cuối đời của Huỳnh Thúc Kháng hoàn toàn ủng hộ và đi theo Hồ Chí Minh – theo con đường cách mạng vô sản, một thứ chủ nghĩa dân tộc tiến bộ.

Đánh giá về mối quan hệ hữu hảo, một tình bạn tri kỷ giữa Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, tác giả Lê Thí đã chỉ ra ở hai ông có “5 đồng” (đồng lứa, đồng hương, đồng môn, đồng khoa và đồng chí) qua bài viết “Phan Châu Trinh –

Huỳnh Thúc Kháng đôi bạn chân tình” (Tạp chí Xưa và Nay, số 334 (6), tr.14 – 18, 2009). Tác giả đã khái quát về quá trình hoạt động tư tưởng cách mạng yêu nước của hai ông từ cuối thế kỷ XIX cho đến khi Phan Châu Trinh mất vào đầu thế kỷ XX năm 1926. Bên cạnh những điểm tương đồng giữa hai ông vẫn còn có những điểm khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề thời cuộc, phương pháp tổ chức và hoạt động yêu nước. Nếu như Phan Châu Trinh vẫn dở dang trong bước chuyển tư tưởng chính trị ở ý thức hệ dân chủ tư sản thì Huỳnh Thúc Kháng có một sự trọn vẹn hoàn thành một quá trình kết thúc ở tư tưởng cách mạng vô sản. Đặc biệt là “đồng chí”

giữa Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh chỉ tồn tại trong giai đoạn của phòng trào Duy Tân, còn sau đó thì chí hướng quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng đã có những khác biệt với Phan Châu Trinh.

Vấn đề nghiên cứu về nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã được các nhà khoa học trong nước bàn đến ở nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh đó, do sự chi phối bởi những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử mà ít nhiều những nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng từ các học giả, nhà nghiên cứu ở nước ngoài còn hạn chế. Bởi việc viết về một người như Huỳnh Thúc Kháng có sự liên quan đến chính quyền cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh còn có những trở ngại từ góc nhìn và cách tiếp cận do sự khác biệt về ý thức hệ tư tưởng. Ngoài ra những ảnh hưởng của Huỳnh Thúc Kháng ở bên ngoài vượt khỏi phạm vi biên giới quốc gia tiếp cận với thế giới là rất ít, hầu như không có vì ông chưa từng xuất dương như các Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… Đồng thời mối dây liên hệ với những nhà yêu nước, những lãnh tụ cách mạng ở khu vực và thế giới của Huỳnh Thúc Kháng cũng không có. Trong khi đó, Phan Bội Châu có mối quan hệ khá thân thiết với những “đồng chí” ở Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp… và Phan Châu Trinh thì quan hệ với nhiều “đồng chí” ở Pháp… Vì vậy, những nghiên cứu có thể sẽ ít nhiều vẫn còn có những chủ quan, định kiến trong nước, chưa thể khách quan một cách toàn diện như cách nhìn từ bên ngoài vào của các học giả quốc tế, phương Tây cũng như phương pháp luận tiếp cận vấn đề cũng hết sức quan trọng.

Các công trình nghiên cứu trên đã góp phần làm rõ về thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng với tinh thần yêu nước, lòng nhiệt thành với quần chúng nhân dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tuy nhiên, vấn đề hệ thống hóa toàn bộ nội dung, đặc điểm tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng về chính trị, đặc biệt là quá trình chuyển biến tư tưởng từ ý thức hệ phong kiến sang ý thức hệ dân chủ tư sản đến với tư tưởng cách mạng vô sản chưa được làm sáng tỏ và đầy đủ. Đây chính là nhiệm vụ chủ yếu đặt ra đối với luận án này trong quá trình nghiên cứu và làm rõ về: “Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng và ý nghĩa lịch sử của nó.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Vấn đề về tư tưởng nói chung và tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng đã được các nhà khoa học trong nước quan tâm, nghiên cứu. Các công trình nói trên đã khai thác, tiếp cận dưới những góc độ khác nhau, song đều đi đến thống nhất chung về Huỳnh Thúc Kháng là một nhà yêu nước tâm huyết, với tư tưởng tiến bộ mong muốn góp phần vào việc chấn hưng dân tộc. Các tác giả đã đưa ra hệ thống lý luận chung nhất về quá trình chuyển biến tư tưởng của các nhà Nho yêu nước từ ý thức hệ Nho giáo sang tư tưởng dân chủ tư sản theo những khuynh hướng khác nhau (bạo lực hay hòa bình); khẳng định rằng, trong điều kiện lịch sử xã hội nhất định của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã chi phối nhận thức, của các nhà Nho về đấu tranh đòi quyền tự do, dân sinh, dân chủ và giải phóng dân tộc.

Nhà vật lý học nổi tiếng người Anh cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII - Isaac Newton đã từng viết trong tác phẩm Các nguyên lý Toán học của Triết lý về Tự nhiên (Philosophia Naturalis Principia Mathematica) của ông được xuất bản lần đầu tiên năm 1687, rằng: ‘Nếu tôi nhìn được xa hơn người khác, đó là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ” để nói về những thành tựu mà ông khám phá ra không phải tự nhiên có được mà đó chính là sự kế thừa nghiên cứu của những thế hệ đi trước – đó là những “con người khổng lồ” theo cách mà Newton ví von cho những đóng góp của họ từ nhiều thế hệ trước đó. Vì vậy, trong nghiên cứu về tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng cần được kế thừa những thành quả nghiên cứu của các thế hệ đi trước, nhất là

các nghiên cứu của các nhà khoa học về Lịch sử, Triết học, Chính trị, Văn hóa, Xã hội … từ nửa cuối thế kỷ XX cho đến hiện nay. Việc này giúp tác giả rút ngắn được không chỉ về thời gian nghiên cứu mà còn cho phép tác giả có được cái nhìn tổng thể về bối cảnh lịch sử, những tiền đề tư tưởng và quá trình chuyển biến tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng là một bộ phận trong dòng chảy lịch sử tư tưởng ấy.

Trên cơ sở các nguồn tư liệu tham khảo, trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã kế thừa những thành quả nghiên cứu chủ yếu của các nhà khoa học như: Tiến sĩ Phạm Đào Thịnh, Tiến sĩ Trần Thị Hạnh, PGS.TS. Lê Thị Lan, PGS.TS. Doãn Chính, PGS.TS. Trương Văn Chung, GS. Trần Văn Giàu, …cùng những công trình nghiên cứu khác được trích dẫn và ghi trong tài liệu tham khảo.

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về tư tưởng của một con người thuộc về lịch sử thì cơ sở quan trọng nhất chính là thông qua những gì mà nhân vật đó đã từng nói (được ghi lại), các bài viết, tác phẩm đã được in ấn, xuất bản hay những di cảo … được xác định với tư cách là nguồn tài liệu gốc. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình nghiên cứu về những nội dung trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng, tác giả luận án chưa có được đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp cận được với những tài liệu có tính chất là nguyên bản của Huỳnh Thúc Kháng, mà chỉ có thể tiếp cận thông qua việc kế thừa của các nhà khoa học với các công trình nghiên cứu của họ trước đó. Mặt khác, việc hệ thống hóa và tập hợp trọn vẹn toàn bộ những tác phẩm, di cảo của Huỳnh Thúc Kháng lúc sinh thời là một việc làm không hề đơn giản, mà hiện nay việc này chưa có nhà khoa học nào thực hiện được một cách đầy đủ. Do đó, trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Huỳnh Thúc Kháng, tác giả sử dụng nguồn trích dẫn chủ yếu từ những nhà khoa học với những công trình sau đây: Chương Thâu – Phạm Ngô Minh (2012) với công trình Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập và một số các công trình khoa học khác của các nhà nghiên cứu được tập hợp trong các kỷ yếu hội thảo về Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức nhân những sự kiện kỷ niệm ngày sinh hay ngày mất của ông.

Vì những lẽ trên mà tác giả luận án cho rằng, tiếp sau kết quả nghiên cứu này cần có những hoạt động nghiên cứu khác để có thể hệ thống hóa một cách toàn diện hơn về Huỳnh Thúc Kháng – với tư cách là một nhân vật lịch sử có quá trình chuyển biến tư tưởng mang tính chất bước ngoặc trong giai đoạn lịch sử đặc biệt cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX đi qua các hệ tư tưởng từ Nho giáo đến dân chủ tư sản và cuối cùng bước đến tư tưởng cách mạng vô sản theo Hồ Chí Minh.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 43 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w