CHƯƠNG 4 ĐẶC ĐIỂM, GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
4.1.1. Đặc điểm tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng
Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần quan trọng trong quá trình đấu tranh tìm tòi con đường cách mạng phù hợp cho sự nghiệp giải phóng dân
tộc nửa đầu thế kỷ XX. Đồng thời, hệ thống những quan điểm, tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng đã để lại những bài học kinh nghiệm cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay trong một số lĩnh vực quan trọng như:
lập pháp, giáo dục – đào tạo, báo chí, kinh tế, thương mại v.v.. Qua đó, chúng ta có thể tạm rút ra được những đặc điểm cơ bản trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng như sau:
Trước hết, tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng là bước chuyển từ lập trường Nho giáo sang lập trường dân chủ tư sản và tiến tới với tư tưởng cách mạng vô sản của thời đại góp phần vào quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng là tiểu biểu quá trình hoàn chỉnh bước chuyển tư tưởng của những nhà Nho yêu nước trong bối cảnh lịch sử có tính bước ngoặc giữa sự suy vong nền quân chủ phong kiến tồn tại lâu đời với ách đô hộ xâm lược của chủ nghĩa thực dân và tìm hướng đi mới cho dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Huỳnh Thúc Kháng từng bước ảnh hưởng tiếp cận cái mới theo lập trường dân chủ tư sản ở góc độ của một nhà Nho yêu nước chứ không phải xuất thân từ giai cấp tư sản. Do đó, bước chuyển trong tư tưởng của ông là từ
“tôn quân quyền” chuyển sang “tôn dân quyền”, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong thời đại mới bằng việc mở mang hiểu biết dân trí, tiếp thu những tiến bộ của văn minh. Ông đổi mới trên nền tảng kế thừa những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống Việt Nam kết hợp với những giá trị phương Tây mà tiêu biểu là phong trào Duy Tân do ông cùng các đồng sự khởi xướng ở Trung Kỳ (1906) với chủ trương: bất bạo động, nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó với các hoạt động thực tiễn như là mở mang kinh tế, lập các nhà buôn lớn để tự lực, mở trường dạy học hiện đại (dạy quốc ngữ, bỏ lối học khoa bảng từ chương, thêm khoa học và ngoại ngữ cũng như hướng đến nền chính trị dân chủ). Huỳnh Thúc Kháng nhận thấy Nho giáo không còn đủ sức đáp ứng yêu cầu lịch sử nhưng do những điều kiện khách quan và chủ quan nên ông chưa thể làm một cuộc cách mạng để lật đổ hệ tư tưởng này mà chỉ có thể bắt đầu từ những tuyên truyền cải cách, giáo dục thay
đổi nhận thức, tiếp thu văn minh cho người dân. Ông không trực diện công kích lật đổ chính quyền phong kiến như quan điểm của Phan Châu Trinh hay mưu toan bạo động vũ trang chống lại chính quyền thực dân Pháp như Phan Bội Châu vì ông tận mắt chứng kiến những thất bại của các phong trào đấu tranh yêu nước chống lại cả chính quyền phong kiến lẫn thực dân Pháp đều thất bại và bị dìm trong biển máu.
Vì những lẽ đó, sau 13 năm rời khỏi nhà lao Côn Đảo (1908 – 1921), ông thực hiện một đường lối đấu tranh yêu nước hoàn toàn khác với những nhà tư tưởng cách mạng đương thời đó là: đấu tranh bằng nghị trường với vai trò Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1926 -1928) và đấu tranh bằng ngòi bút qua tờ báo Tiếng Dân – tờ báo độc lập xuất bản đầu tiên ở Trung Kỳ (1927 – 1943). Đó chính là đấu tranh hòa bình, phi bạo lực – một đường lối mà Huỳnh Thúc Kháng cho rằng trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, quần chúng nhân dân cần được nâng cao dân trí góp phần vào tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.
Nhận thức chính trị của Huỳnh Thúc Kháng về tinh thần dân tộc không đồng nhất với các nhà tư tưởng đương thời khác khi họ có quan niệm hẹp hòi về biên giới quốc gia, dân tộc, rồi quay ra tự tin thái quá ở mình mà “quên mất” các giá trị hiện thực ở bên ngoài đang tác động trước những biến chuyển của thời đại. Ông đưa ra một quan điểm thiết thực cần xây dựng một nước Việt Nam trên nền tảng dân tộc, sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, chứ không phải như một số nhà tư tưởng khác mơ hồ về quyền hành chính trị, cương vực quốc gia hay thậm chí là dựa dẫm vào một quốc gia khác để mong mỏi một sự giúp sức cho độc lập dân tộc. Ông không ủng hộ bạo lực cách mạng nhưng cũng không chống lại bạo lực cách mạng, tư tưởng yêu nước của ông theo một đường lối cách mạng “ôn hòa”, “trung dung” và “công khai”
dựa trên ba quan điểm là: (1) cần phát triển nền giáo dục mới (phê phán Nho học);
(2) hoạt động ở nghị trường (nhằm cải cách thể chế chính trị); (3) mở mang báo chí (để nâng cao nhận thức của quần chúng). Huỳnh Thúc Kháng coi đây chính là
“động lực” để thúc đẩy quá trình “khai trí, trị sanh” của quần chúng, khơi dậy tinh thần yêu nước, từng bước thoát khỏi u mê, tăm tối tiến kịp với thời đại.
Huỳnh Thúc Kháng đã vượt lên trên hoàn cảnh lịch sử để đạt đến bước chuyển từ dân chủ tư sản sang tư tưởng cách mạng vô sản. Đây là điều mà không có một nhà tư tưởng đương thời nào có thể làm được, bởi ở họ bên cạnh những năng lực vượt trội của bản thân thì hoàn cảnh lịch sử khách quan đã không cho phép họ có thể tiến đến được sự hoàn thiện bước chuyển tư tưởng theo cùng thời đại. Cuộc đời đấu tranh cách mạng không mệt mỏi của những nhà tư tưởng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh qua những thăng trầm và biến cố nhưng họ vẫn bị điều kiện lịch sử chi phối:
Nhà tư tưởng Phan Châu Trinh (1872 – 1926) đi từ tư tưởng Nho giáo đến tư tưởng dân chủ theo tinh thần của các nhà tư tưởng Khai Sáng Pháp cũng đành chịu
“thất bại” sau những năm tháng hoạt động tìm kiếm một đường lối đấu tranh phù hợp với mong mỏi “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông chưa thành bởi bạo bệnh, rồi qua đời năm 1926. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét về Phan Châu Trinh: “Ảnh hưởng chủ yếu của các nhà tư tưởng Châu Âu không phải chủ yếu ở chỗ giải phóng dân tộc một cách triệt để, cái đó thì lịch sử dân tộc Việt Nam bốn nghìn năm ông thấy đã là lớn rồi, ảnh hưởng của các nhà tư tưởng Châu Âu chủ yếu ở chỗ khuynh hướng dân chủ tư sản mà người yêu nước Việt Nam bấy giờ không tìm thấy trong kho vũ khí dân tộc mình, phải tiếp thu từ nước ngoài, từ Âu Mỹ đã đi trước” [34; 153].
Nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 – 1940), người có tư tưởng đổi mới liên tục trước những đổi thay của điều kiện hoàn cảnh thực tiễn. Tư tưởng chính trị của ông liên tục tiến hóa: từ một sĩ phu yêu nước (Nho giáo), ông ngưỡng mộ và hướng tới với mô hình quân chủ lập hiến của Nhật Bản nhưng ngay sau đó ông tiếp tục học hỏi và chịu ảnh hưởng của mô hình các nhà nước dân chủ tư sản tiến bộ mà mong muốn thành lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Tuy nhiên, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đã hướng ông về phía Lênin và nước Nga Xô Viết. Chỉ tiếc rằng, những hạn chế của cá nhân ông và điều kiện lịch sử đã không cho phép ông có cơ hội tìm hiểu một cách đầy đủ và sâu hơn về những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Những năm cuối đời (1925) ông bị
chính quyền thực dân Pháp và tay sai phong kiến giam lỏng “an trí” tại Bến Ngữ - Huế cho đến khi qua đời năm 1940.
Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) có lẽ là một trường hợp đặc biệt trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Ông vốn xuất thân từ nền giáo dục Tây phương sớm tiếp cận với những giá trị tư tưởng dân chủ tiến bộ bên cạnh tinh thần dân tộc, yêu nước sâu sắc. Ở ông cũng diễn ra một quá trình chuyển biến tư tưởng đi cùng với thay đổi của thời đại nhưng cũng không hoàn thành bước chuyển bởi chính điều kiện giới hạn của hoàn cảnh lịch sử. Từ chỗ chủ trương mở mang dân trí, xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc và xác định lý tưởng giải phóng giống nòi bằng cách sử dụng lực lượng tinh thần của dân tộc (báo chí và công luận) chống lại lực lượng vật chất của thực dân xâm lược thì sau đó Nguyễn An Ninh đã có bước chuyển tích cực trong nhận thức sang lập trường ủng hộ đấu tranh bằng lực lượng vật chất (giới thiệu những phần tử ưu tú cho các tổ chức cộng sản). Ông là người góp phần truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và cũng đồng thời thừa nhận ủng hộ những quan điểm tư tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng ông không phải là một đảng viên cộng sản, đây là lựa chọn của ông dù rằng ông kết giao và có mối quan hệ đặc biệt với nhiều đảng viên cộng sản nổi tiếng (như:
Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Hà Huy Tập...). Sự chuyển biến đó ở Nguyễn An Ninh vẫn chưa thể đạt được đến sự hoàn chỉnh của bước chuyển ở tư tưởng cách mạng vô sản, một phần cũng chính vì ông không có cơ hội để có thể chứng kiến được những thành quả Cách mạng Tháng Tám 1945 như Huỳnh Thúc Kháng cũng như vai trò lãnh đạo đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông qua đời bởi sự khủng bố nghiệt ngã và bệnh tật trong ngục tù Côn Đảo của thực dân Pháp năm 1943.
Huỳnh Thúc Kháng từ khuynh hướng dân chủ tư sản, đấu tranh hòa bình chuyển sang lập trường cách mạng vô sản, ủng hộ đấu tranh bằng bạo lực bởi chính thực tiễn khách quan tác động làm chuyển hướng. Từ chỗ là người không thích bàn về chuyện đảng phái chính trị, dửng dưng với hoạt động của các tổ chức chính trị thì giờ đây ông lại hăng hái nhiệt tình ủng hộ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản và Hồ Chí Minh. Sự chuyển biến trong tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng là hoàn toàn dễ hiểu bởi nó vận động theo quy luật khách quan trước những điều kiện thực tiễn xã hội. Mỗi một suy nghĩ của ông về quốc gia, dân tộc, con người và xã hội đều rất kỹ càng, không quá vội vàng hấp tấp, vẫn trọn vẹn tinh thần yêu nước đến cuối đời.
Như vậy, trong số những nhà tư tưởng yêu nước tiêu biểu cùng thời chỉ duy nhất Huỳnh Thúc Kháng đã có bước chuyển tư tưởng hoàn chỉnh góp phần vào quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Những nhà tư tưởng khác đã bị những giới hạn khách quan của hoàn cảnh lịch sử và chủ quan của cá nhân mà không thể hoàn thành được bước chuyển tư tưởng trong việc lựa chọn con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hai là, tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh.
Trong quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành bước chuyển tư tưởng chính trị.
Từ đây ông đã có những đóng góp lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Mặc dù ở thời kỳ đầu cách mạng, Huỳnh Thúc Kháng ít nhiều có những “băn khoăn” do không trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động đấu tranh cách mạng nhưng kỳ thực trong tư tưởng của nhà yêu nước vẫn luôn mong muốn làm một điều gì đó cho quốc gia, dân tộc trong điều kiện lịch sử mới. Ông nhận thấy ở Hồ Chí Minh một đường lối chính trị mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ tới, đó là dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Bầu nhiệt huyết yêu nước trong ông vẫn bùng cháy khi được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội tham chính. Dù là một nhà yêu nước chân chính, khẳng khái và trung lập không đảng phái nhưng giữa lúc quốc gia hữu sự, ông không thể không gặp Hồ Chí Minh, nhất là đã từng được nghe danh Nguyễn Ái Quốc từ trước đó.
Huỳnh Thúc Kháng đã vượt qua những hạn chế của tuổi tác và những trở ngại của tư tưởng để đến với cách mạng, đến với Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản,
cống hiến phần sức lực còn lại của cuộc đời cho tổ quốc và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông hiểu biết rõ dã tâm tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp ngay từ khi chúng quay trở lại Nam Bộ. Hơn ai hết ông là người từng trải qua những cay đắng, khổ nhục dưới những chiêu bài chính trị, quân sự và ngoại giao của thực dân đế quốc trong quá khứ khi đất nước còn nô lệ. Vì lẽ đó, ông tỏ rõ một thái độ kiên quyết ủng hộ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, ủng hộ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng ra lời kêu gọi đồng bào đoàn kết xung quanh Đảng, Chính phủ, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Có thể nhận thấy, trước khi gặp được Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng là người có tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm, phong kiến nhưng do những điều kiện khách quan của lịch sử nên ông chưa tìm được một chủ trương và đường lối phù hợp mà phải đấu tranh “hòa bình” với Pháp, kêu gọi sự cải cách từ chính quyền thực dân, tay sai. Trong điều kiện mới, tư tưởng của ông đã thay đổi có tính chất bước ngoặt khi chuyển sang lập trường cách mạng vô sản, phê phán gay gắt những đảng phái đối lập chia rẽ trong chính phủ liên hiệp: “thưa các ngài, tôi nói ngay, tôi dám chê các ngài dòm gần mà không dòm xa; thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn;
biết bộ phận mà không biết toàn thể. Tôi dám chắc tình trạng này mà kéo dài ra nữa thì dân Việt Nam chúng ta trở lại làm nô lệ, mà đảng của quý ngài cũng lại làm đảng lưu vong” [130;220], nêu cao tinh thần kiên quyết chống ngoại xâm bảo vệ độc lập tự do của đất nước.
Sự chuyển biến trong tư tưởng và hành động của Huỳnh Thúc Kháng cũng nói lên sức cảm hóa to lớn, tầm vóc của lãnh tụ Hồ Chí Minh và đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông chịu ảnh hưởng từ con người thực, nhân cách, văn hóa truyền thống và hoạt động yêu nước của Hồ Chí Minh. Ở đó ông tìm thấy điểm chung cùng với Hồ Chí Minh là tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí tự lực, tự cường và một thái độ đoàn kết chân thành cùng đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Huỳnh Thúc Kháng đã đi theo ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự ảnh hưởng từ lập trường tư tưởng dân tộc, về con đường giải phóng dân tộc theo
quan điểm cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh nên có thể lý giải: Huỳnh Thúc Kháng không tiếp thu trực tiếp tư tưởng Mác – Lênin từ góc độ là một học thuyết chính trị cách mạng mà ông tiếp thu qua sự khúc xạ, phản chiếu lại từ Hồ Chí Minh.
Sự phản chiếu tư tưởng đó từ Hồ Chí Minh không mang tính chủ quan cá nhân mà nó gắn liền với hiện thực thông qua năng lực sáng tạo ở Hồ Chí Minh khi vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lenin vào thực tiễn hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Điều này đã giúp cho Huỳnh Thúc Kháng có sự tiếp cận phù hợp với hiện thực.
Như vậy, cuộc đời hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng là cuộc đời của một trí thức yêu nước, luôn tìm kiếm cái mới, mong mỏi đáp ứng khát vọng cứu nước, cứu dân, tư tưởng và hành động của ông luôn tiếp biến một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh khách quan của lịch sử. Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng đã đạt đến sự đồng hành gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ba là, các quan điểm chính trị trong tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng được thể hiện trong nhiều tác phẩm, thể loại kết hợp với nhiều chủ đề, như quan điểm của ông đối với sự tiến bộ của văn minh phương Tây qua các thi, văn chữ Hán, về canh tân giáo dục, về các vấn đề nhân sinh trong đời sống, về địa lý - lịch sử - văn hóa,
…hay như quan điểm về chính trị - xã hội được ông thể hiện trong nhiều nội dung đăng trên tờ Tiếng Dân: về dân quyền, dân chủ, dân sinh, về giai cấp – đấu tranh giai cấp, chủ quyền quốc gia - dân tộc,…Tuy nhiên, có thể thấy rằng tính hệ thống các quan điểm đó là tương đối dù rằng tản mãn, dàn trải nhưng lại không rời rạc.
Các tác phẩm có thể ở trong những giai đoạn, thời điểm trình bày khác nhau nhưng nội dung giữa chúng đều được thống nhất bởi mục đích duy nhất và xuyên suốt là đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Như vậy, những đặc điểm trên đây đã phản ánh khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng. Đó là con người luôn giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân và tích cực chủ động tiếp thu những tinh hoa của thời đại…tất cả không ngoài mục đích cuối cùng và duy nhất là độc lập dân tộc, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, được học hành, tiến bộ.