CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, CHUYỂN BIẾN VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN
3.1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, CHUYỂN BIẾN TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA HUỲNH THÚC KHÁNG
3.1.2. Thời kỳ chuyển biến từ tư tưởng Nho giáo sang tư tưởng dân chủ
Đây là thời kỳ tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng có sự chuyển biến quan trọng từ lập trường của một nhà Nho sang lập trường dân chủ tư sản trên cơ sở kế thừa những tư tưởng canh tân trước đó và ảnh hưởng của tân thư. Điều này làm cho ông có sự thay đổi về thế giới quan cũng như nhân sinh quan. Tuy nhiên, ở Huỳnh Thúc Kháng vẫn có những hạn chế mang tính chất lực cản bởi yếu tố truyền
thống phong kiến, cùng với việc tiếp thu những tư tưởng mới qua lăng kính từ Trung Hoa, Nhật Bản nên ít nhiều nội dung dân chủ tư sản không còn nguyên bản.
Vì vậy, tư tưởng chính trị của ông tuy mang hình thức cách mạng dân chủ tư sản nhưng thực sự lại không triệt để trên lập trường tư sản đấu tranh để giải phóng dân tộc mà ôn hòa trong những chủ trương cải cách an sinh xã hội:
Giai đoạn từ năm 1904 đến năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, bước đầu vận dụng vào thực tiễn hoạt động yêu nước.
Việc Huỳnh Thúc Kháng đỗ Tiến sĩ như bao sĩ tử khác dưới chế độ phong kiến của truyền thống Nho giáo theo như di huấn của gia nghiêm cũng là dấu chấm cho con đường khoa cử bằng việc cáo bệnh ở nhà làm nghề bốc thuốc, không nhận sắc phong của triều đình phong kiến. Đây là hành động đầu tiên của Huỳnh Thúc Kháng có tính phản kháng, đả phá vào bức tường thành Nho học với lối áp đặt, bất biến của quan niệm học hành đỗ đạt để ra làm quan đối với kẻ sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thể hiện sự tận trung với triều đình.
Cùng với Trần Quý Cáp viết tác phẩm Lương ngọc danh sơn phú, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện một cách khẳng khái tư tưởng “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” phê phán trên ba mặt là: (1) Phê phán nền giáo dục Nho giáo cũ kỹ, lỗi thời trước những văn minh, tiến bộ của thời đại; (2) Phê phán bọn sĩ tử chỉ có một chí hướng khoa cử với mộng làm quan nhằm vinh thân, phì gia mà không nhìn thấy thực trạng đất nước trước cảnh đô hộ của ngoại bang; (3) Phê phán những kẻ sĩ phu, tuy có lòng trung nghĩa nhưng lại ẩn dật nơi thôn dã, tìm cách để lánh đời bởi chính cái tư tưởng thủ cựu, hoài cổ đối với chế độ phong kiến. Sau này, ông cũng thừa nhận: “Nói đến việc dùng sức văn tự để mạt sát khoa cử, cổ xúy tân học thì bài thi và bài phú ấy là tiếng nói đầu tiên vậy” [65; 36]. Từ chỗ là biết được đôi chút những thay đổi của thời đại, của khu vực xung quanh đất nước mình càng làm cho Huỳnh Thúc Kháng thay đổi cách nghĩ, cách nhìn và chuyển dần sang hành động thực tiễn (1906): “…cùng các thân hào bằng hữu đề xướng chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Hội An – Faifoo) cùng lập trường học, hội nông, trồng quế… Tùy
theo phong khí biến đổi trong nước, nào ăn mặc theo Âu Tây, cúp tóc, náo nhiệt một thời” – điều này làm cho “bọn thủ cựu ngó nghiêng cặp mắt” [139; 1456].
Ông thay đổi mình bằng những điều giản dị: “…mua nhiều sách báo mới (của Trung Quốc mới xuất bản), ngày rằm mỗi tháng họp giảng diễn thuyết một lần,
… mở một nhà học, rước thầy về dạy chữ Tây và Quốc ngữ cho con em…” [139;
1457]. Tinh thần thực sự cầu thị để thay đổi ấy ở Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần vào xung đột ngày càng gay gắt giữa hai giới cựu học và tân học. Với tư cách là một trí thức chịu ảnh hưởng sâu nặng của nền Nho học thì phải thừa nhận ông là người dũng cảm dám tiếp nhận, dám lên tiếng và dám hành động để thay đổi nền tảng tư tưởng đương thời. Những hoạt động cải cách càng củng cố thêm trong ông con đường cứu nước, cứu dân, từng bước hình thành một tư tưởng mới về thời đại của đất nước. Nó đã tác động không nhỏ vào đời sống của dân nghèo, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh "chống đi phu, đòi giảm sưu thuế" rất quyết liệt tại nhiều tỉnh miền Trung năm 1908.
Tinh thần cách tân ấy vô hình chung lại là cái họa đến với cuộc đời Huỳnh Thúc Kháng, “vì cái lụy hư danh” mà phải trả giá cho mười ba năm chốn lao tù giữa biển khơi (Côn Đảo từ 1908 – 1921) – căn nguyên từ cuộc phản kháng chống thuế ở Trung Kỳ (1908) mà thực dân Pháp cùng với triều đình phong kiến tay sai đã: “…
quy tội cho hàng thân sĩ nói tân học và xướng dân quyền,...” [65; 38]. Thời gian lao tù, những điều ông học được từ sự tiếp cận với văn hóa Pháp thông qua việc học tiếng Pháp, làm việc cho các quan cai ngục người Pháp đã góp phần vào quá trình xây dựng cơ sở lý luận cho sự chuyển biến tư tưởng chính trị sau đó, bằng việc:
“mang theo một quyển Pháp – Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecture langage, và một quyển mẹo (Grammaire)… mỗi giờ làm việc xong, vào khám thì học chữ Tây... cùng nhau nghiên cứu, có hiểu biết Pháp văn nhiều ít” và dù chỉ tạm dừng ở chỗ “đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái” nhưng cũng đủ cho thấy tinh thần của một bậc sĩ phu, đổi mới mình tiếp cận văn hoá phương Tây. Đồng thời, Huỳnh Thúc Kháng cũng tiếp cận lối làm việc của Tây khi được đưa từ buồng giam tù chính trị lên giúp việc phòng giấy Tham biện
(Directeur): “…lúc mới vào không hiểu gì cả. Nhưng dần dần rồi tìm ra mối manh, thấy rõ người Tây về mặt sổ sách, biên chép, số mục thứ lớp, cái gì ra vào cùng ghi ngày tính tháng, có môn loại rành rẽ, nhân đó được môn học thực nghiệm về mặt làm việc tập sự…”[139; 837 – 839].
Những năm 1908 - 1921, mặc dù trong hoàn cảnh giam cầm, bức bách nhưng Huỳnh Thúc Kháng vẫn sáng tác thơ văn tập hợp thành tác phẩm Thi tù tùng thoại.
Tác phẩm được viết bằng chữ Hán nhưng bị tịch thu khi ông được tự do nên sau này khi có điều kiện ông đã viết lại bằng khả năng cường ký (viết lại bằng ký ức) theo chữ quốc ngữ và đã đăng trên báo Tiếng Dân, in thành sách năm 1939. Tác phẩm bao gồm 126 tiết mà không phân chia thành các chương, đề mục như một chuyên đề văn học hay lịch sử…ấy vậy mà theo Huỳnh Thúc Kháng, tuy sách: “không có thứ tự, không có kết cấu, chỉ biên đoạn một, song ở trong đó có cái vẻ “ngỏ dứt tơ liền”, riêng ra thì đoạn nào có phần đoạn ấy, mà nhập lại thành chuyện tù sử có đầu đuôi”
[139; 699]. Sách vừa là văn, là sử ký, vừa là thơ, câu đối, thi thoại (với các kiểu chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ) không chỉ của Huỳnh Thúc Kháng mà còn của cả những bạn tù với ông… Ông viết: “…Ở tù mà dùng thi văn làm món di dưỡng tinh thần, không phòng hại gì mà sự bổ ích rất rõ ràng: Trong trường học thiên nhiên 13 năm (1908 – 1921) cả bọn đồng thời với tôi, cả thân sĩ cho đến người dân, kẻ chết không nói, người còn mà được tha về, vẫn giữ được tấm lòng không thay đổi. Biết đâu không nhờ món nuôi tinh thần đằm thắm đó mà không tự biết. “Thi cùng mà sau mới hay” cái đó không dám chắc. Song thi văn có thể làm món nuôi tinh thần trong cảnh cùng thì chính tôi là một người đã nhờ món quà ấy mà nuôi tinh thần được sống sót đến ngày nay” [130; 207]. Trong cái tinh thần ấy, suy cho đến cùng ở Huỳnh Thúc Kháng vẫn bộc lộ ra cái cốt cách của một nhà Nho lấy thi văn làm thú vui với đời khi nhàn rỗi.
Như vậy, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ đã đấu tranh như những bạn tù khác để sống nơi địa ngục trần gian mà ở tù còn là “đi học” nơi mà ông gọi là “thiên nhiên học hiệu”. Thời gian này đã làm cho tư tưởng của ông không ngừng được mở rộng, phong phú thêm về mặt kiến thức cũng như nhận thức về các vấn đề thời đại
khi tiếp xúc với Pháp ngữ và làm việc cho cai ngục người Pháp. Mặc dù vậy, tư tưởng của ông cũng bị hạn chế bởi thời gian nhiều năm trong lao ngục – hơn một thập kỷ ở trên đảo giữa biển khơi nên những diễn biến của tình hình thế giới và những chuyển biến của hoàn cảnh lịch sử - xã hội trong nước ông hoàn toàn không nắm bắt được.
Giai đoạn từ năm 1921 - 1927, Huỳnh Thúc Kháng hoạt động yêu nước bằng đấu tranh nghị trường ở Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Ra tù, Huỳnh Thúc Kháng tham gia đấu tranh đòi quyền dân sinh góp phần nâng cao nhận thức của dân chúng về đời sống, về quyền con người, và đổi mới theo thời cuộc với tư cách là ứng viên Viện Dân biểu Trung kỳ (1926): “Anh em chúng tôi đã chịu nhân dân phó thác bắt đầu ra mà đương cái trách nhiệm này, vẫn biết rằng học ít tài hèn, đường xa gánh nặng, chưa biết trên đối với Chánh phủ, có tán thành được việc gì không, song chúng tôi chỉ tin cậy rằng: Nhà nước đã có lòng cho dân được quyền cử người đại biểu, thì nhà nước cũng không để cho những người đại biểu đó mất lòng tín nhiệm của dân” [139; 193]. Bên cạnh đó, tuy thừa nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp và cai trị Nam triều – nhưng để đảm bảo quyền của người dân ở xứ thuộc địa, ông vẫn phê phán những hạn chế của nó: “…(1) là chính thể không nhất định, dân gian không biết đường nào là phải theo. (2) là pháp luật không sửa đổi cho rõ ràng, nên dân gian không biết đường nào là tội mà tránh...” [139; 200]. Ông cũng đặt lên vai mình cái trách nhiệm phải biết “đòi hỏi”
cho quần chúng nhân dân trước chính quyền phải ban bố một hiến pháp dựa trên cơ sở thực hành đúng chế độ bảo hộ, đòi quyền dân tộc tự quyết, tam kỳ hợp nhất để từ đó xây dựng quốc gia có chủ quyền thực sự, lập hiến pháp, quy định quyền hành chính của Nam triều, quyền kiểm soát của chính phủ và quyền lập pháp của Viện Dân biểu: “Nhà nước mà cho Hiến pháp là cái nền nếp chính trị bền vững lâu dài trong xứ này, hợp với toàn thể ý nguyện trong nhân dân” [139; 355-356]. Nhưng tất cả “đòi hỏi” đó đều gặp “trở ngại” bởi chính sách hai mặt của thực dân Pháp và trong dân gian đã “châm biến” Viện dân biểu: “Tên là Nhân dân đại biểu, mà thật là một quan trường mới” [139; 251]. Huỳnh Thúc Kháng muốn dùng Viện Dân biểu
như một sự hợp pháp hóa hoạt động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân chống lại bọn cầm quyền tham lam và Nam triều bù nhìn nhưng đã thất bại trước sự cô lập về chính trị của chúng: “…trong xứ biết bao nhiêu là việc mà bọn chúng tôi mang cái lốt Đại biểu xếp vế nằm im, khoanh tay ngồi ngó, chỉ làm bánh vẽ cho bọn trông mong, trò cười cho phường nhạo bang, gai mắt cho thù hiềm, đã không có chút gì đỡ vớt cho nhân dân, mà làm cho viện do nhà nước đặt ra, cũng chỉ mang một cái tên trông, thật không xứng đáng với cái ý nghĩa khai hóa của nhà nước và cái lòng tin cậy của nhân dân chút nào” [139; 199]. Cho đến tháng 10 năm 1928, Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện trưởng Dân biểu Trung Kỳ, chuyên tâm vào tờ báo Tiếng Dân do mình đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Như vậy, ở giai đoạn này qua hoạt động thực tiễn của Huỳnh Thúc Kháng, nhất là hoạt động đấu tranh trên nghị trường ở Viện Dân biểu với tư cách là người được nhân dân tín nhiệm đề cử để mưu cầu lợi ích cho đời sống nhân dân, ông đã thể hiện rõ quan điểm và lập trường dân chủ tư sản. Chính vì vậy trong tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng đã được bổ sung rất nhiều kinh nghiệm quý báu để mở rộng hơn những hiểu biết về nền chính trị ở thuộc địa và những vấn đề về xây dựng một nền chính trị, chính thể nhà nước mới.
Giai đoạn từ 1928 - 1943, Huỳnh Thúc Kháng hoạt động yêu nước đấu tranh bằng báo chí qua tờ báo Tiếng Dân.
Huỳnh Thúc Kháng có quan điểm mở một tờ báo nên ngày 10 tháng 8 năm 1927, tờ báo Tiếng Dân ra đời ở Huế. Đây là tờ báo đặc biệt duy nhất ở Trung kỳ không hoàn toàn tuân phục các mệnh lệnh của nhà cầm quyền: “đối với chánh phủ, xin làm người bạn ngay, mong rằng theo trình độ dân mà thật lòng cải cách” không phục vụ cho các mưu đồ tuyên truyền phản động, văn hóa nô dịch. Ngược lại, ông dùng tờ báo nhằm vạch trần những âm mưu thủ đoạn lừa bịp của chính quyền thực dân, cảnh báo quần chúng nhân dân: “đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng, mong rằng bỏ lòng ghen ghét mà dốc lòng thương yêu” …tất cả không ngoài mục đích là “cốt gìn giữ cái nền đạo đức sẵn có của ông bà, mà dung hợp với học thuật tư tưởng mới, để mở mang đường trí thức…” [139; 203]. Đánh dấu sự nhận thức
mới trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng – thời kỳ những quan điểm tư tưởng về dân chủ tư sản mà ông đã tiếp thu một cách gián tiếp được ông đưa vào thực tiễn bằng con đường đấu tranh hoạt động hòa bình.
Trong khoảng thời gian này, thông qua tờ báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã có rất nhiều các bài viết thể hiện lập trường dân chủ tư sản của mình trên nhiều lĩnh vực: chính trị - xã hội, giáo dục - văn hóa, lịch sử, học thuật, v.v.. Tất cả nhằm mục đích góp phần vào quá trình thức tỉnh quần chúng nhân dân. Bởi ông cho rằng: “…dân có sang hèn cốt tại trình độ thế nào,…dân tộc nào mà dân đức hoàn toàn, dân trí khai thông, dân khí mạnh mẽ, thì dân tộc ấy có quyền,…” [139; 242].
Trong những bài viết ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tư tưởng chính trị của ông chủ yếu thể hiện ở một số các tác phẩm như:
Khi bàn về vấn đề giai cấp, tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng phần nào thể hiện bước đầu về vấn đề này qua bài báo “Bàn về giai cấp trong xã hội”
(1928). Mặc dù còn có những hạn chế nhất định trong tư duy triết học về quá trình hình thành và sự xuất hiện của các giai cấp trong xã hội, đặc biệt là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản nhưng trên cơ sở những tiếp thu đầu tiên của ông qua thực tiễn về hiện trạng xã hội và những quan điểm của Tân thư (Trung Hoa) mà ông đã có những khái quát: “…theo cái lẽ tấn hóa trong cõi đời, thì trải qua thời kỳ nhiều giai cấp, rồi mới tấn lên thời kỳ ít giai cấp, có trải qua thời kỳ ít giai cấp mà sau mới tấn lên thời kỳ không giai cấp, thời kỳ không giai cấp, tức là đại đồng…” [139; 224].
Từ đó, ông định hướng cho sự kỳ vọng, niềm tin của quốc dân đồng bào ở tác phẩm
“Hy vọng của quốc dân ta ngày nay ở đâu?” (1928) với lời khuyên nên dựa vào sức mình, tin tưởng vào bản thân mình trước sự mặc cảm tự ti đang bị dân tộc khác đô hộ, áp bức: “… ngày nay mà anh em bà con ta có muốn làm một việc lợi ích cho nòi giống, thì xin trông vào nơi mình trước, ai ai cũng trông vào nơi mình thì không bị ai lừa, không bị ai ngăn, hợp muôn vạn người lại thành một cái đoàn thể để chung lo việc nước nhà thì hy vọng của mình mới mong thực hiện được.” [139; 247].
Những nhận thức tiến bộ đó được góp phần bổ sung thêm trong bài viết của ông về “Nghĩa hai chữ “cách mạng” là thế nào?”(1928). Tư tưởng của ông đã góp
phần cho sự nhận thức ban đầu của quần chúng nhân dân về “cách mạng”: “…như một vật cần yếu nhất trong cuộc tấn hóa của loài người, không sao tránh khỏi, chỉ nên tìm cho ra đường, làm cho hợp lẽ, theo mục đích về đường ích lợi chung cho nòi giống mà một mực theo đòi, đừng lấy tư lợi mà dối người, đừng lấy cái tên không mà lòe chúng”. Tuy nhiên, tư tưởng của ông về cách mạng chưa hoàn toàn
“triệt để” khi cho rằng nhà chính trị cần phải có tính chất “ôn hòa” về cách mạng thì khi đó: “…mối ngộ nhận hai bên chánh phủ và nhân dân đối với nhau mới có ngày tan được, mà cái tiền đồ nước Nam mới khỏi bày ra cái cảnh tượng thuyền ngược nước xuôi.” [139; 249]. Qua đó, cho thấy sự hạn chế về tầm nhìn trong tư duy của Huỳnh Thúc Kháng khi ông không nhìn thấy hết được những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ với chính quyền thực dân xâm lược.
Đồng thời, từ thực tiễn quá trình tham gia hoạt động chính trị với tư cách là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ mà ông đã có ít nhiều những kinh nghiệm hiểu biết hơn về thể chế chính trị trong xu thế tiếp thu những giá trị tinh hoa của nền dân chủ tư sản phương Tây. Tác phẩm “Chánh thể đại nghị ở nước ta” (1929) đã được Huỳnh Thúc Kháng phân tích sâu sắc về vấn đề thể hiện quyền đại diện của người dân trong tổ chức quyền lực nhà nước. Ông đã chỉ ra những điểm hạn chế của dân ta trong khi thực hành chánh thể đại nghị mà cũng chính là nguyên nhân, đó là:
“Một là chưa có công dân giáo dục; Hai là không có chánh trị thường thức; Ba là không có tư cách nghị sự” [139; 289]. Tuy nhiên, căn nguyên của vấn đề thực hiện thể chế đại nghị không chỉ dừng lại ở những lý do trên mà cần phải đi đến tận cùng nguồn gốc của nó ở vấn đề bình đẳng, dân chủ trong một xã hội được xây dựng trên nền tảng bộ máy quyền lực nhà nước hoàn toàn thuộc về nhân dân. Vì vậy, những hạn chế trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng về vấn đề này là lẽ đương nhiên bởi hoàn cảnh lịch sử và thực tiễn ông chưa được tiếp xúc trực tiếp với những thành tựu trong công cuộc xây dựng nhà nước dân chủ vô sản ở nước Nga Xô Viết sau Cách mạng tháng Mười 1917 như Hồ Chí Minh.
Ở Huỳnh Thúc Kháng có một tư duy khác với những phong trào đấu tranh của những nhà cách mạng đương thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh - là thế