Tư tưởng Canh tân và Tân thư

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 76 - 81)

CHƯƠNG 2 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH

2.2.3. Tư tưởng Canh tân và Tân thư

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống (với ý thức hệ Nho giáo) từ thế kỷ XVIII trở về trước đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi mà quyền lợi của dân tộc trực tiếp bị đe dọa từ bên ngoài thì chính ý thức hệ phong kiến của tư tưởng Nho giáo đã vì quyền lợi của giai cấp mà ngày càng trở nên bảo thủ, phản động, đánh mất tinh thần dân tộc, chạy theo lợi ích cục bộ làm tay sai cho thực dân xâm lược.

Trước sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân và sự mở cửa giao lưu của các quốc gia trong khu vực nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn “cửa đóng then cài” và thực hiện chính sách “bế quan toả cảng”. Những quan điểm tư tưởng bảo thủ, lạc hậu của Nho giáo đã thấm sâu vào hệ tư tưởng phong kiến triều Nguyễn và trở thành lực cản cho quá trình nhận thức, tư duy của cả triều đại đó. Nguy cơ bị xâm lược bởi các nước tư bản phương Tây đã lộ rõ nhưng chính quyền phong kiến từ chối nhìn nhận thực tế đó. Triều đình nhà Nguyễn kế thừa ý thức hệ Nho giáo, thống trị xã hội đã làm ảnh hưởng đến chủ nghĩa yêu nước dân tộc, làm cho tinh thần dân tộc không đủ sức soi sáng cho vấn đề cơ bản liên quan đến sự nghiệp đấu trah giành độc lập của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX [159, 204].

Tư tưởng canh tân ảnh hưởng với tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng.

Một trào lưu tư tưởng của một bộ phận trí thức yêu nước tiến bộ xuất hiện, chủ trương vận dụng những tri thức mới, những tiến bộ của văn minh phương Tây nhằm đổi mới toàn diện đất nước, phát triển kinh tế - xã hội theo kịp sự phát triển chung của thời đại, khắc phục tình trạng lạc hậu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ độc lập dân tộc. Những quan điểm đó được gọi là tư tưởng Canh tân. Tuy nhiên, quan điểm mới của những trí thức yêu nước tiến bộ vấp phải sự phản kháng của một bộ phận quan lại triều đình phong kiến mang nặng tư tưởng thủ cựu, bảo thủ, không muốn

đổi mới, từ chối tiếp nhận những thành quả tiến bộ, hiện đại của văn minh phương Tây và nhân loại.

Nửa đầu thế kỷ XIX, đã có những nhà Nho yêu nước tiến bộ chủ động đề xuất với chính quyền phong kiến những tư tưởng canh tân nhằm phát triển đất nước, đó là Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, v.v..

Mặt khác, những tư tưởng canh tân từ các viên quan trong triều đình nhà Nguyễn có một ý nghĩa quan trọng cho thấy họ biết thông tin về tình hình khu vực và thế giới, về sự bành trướng, xâm lược của các nước tư bản phương Tây sang các nước phương Đông nhưng vì quyền lợi thống trị, ích kỷ và bảo thủ của giai cấp địa chủ phong kiến mà làm ngơ trước thời cuộc, coi như không có chuyện gì xảy ra, càng xiết chặt hơn chính sách cai trị “độc đoán” trong nước.

Dù xuất hiện quan điểm canh tân nhưng chủ trương cải cách, đổi mới của các nhà Nho, sĩ phu yêu nước có nội dung, tính chất và mức độ khác nhau. Nó phụ thuộc vào vị trí xã hội cũng như mối quan hệ và tư duy trực quan của từng người.

Do vậy mà với những văn quan triều đình có tư tưởng canh tân như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ thì lời lẽ, văn phong trình bày tư tưởng canh tân có phần nhẹ nhàng, mức độ chừng mực và cũng chỉ dừng lại ở một số đề nghị cụ thể như: đóng tàu, mở hải cảng, giao thương, v.v.. Ngược lại, với những nhà Nho không phải từ tầng lớp quan lại triều đình như Nguyễn Trường Tộ (qua những văn bản đề nghị cải cách như Tế cấp luận, Giáo môn luận và Thiên hạ phân hợp đại thế luận) hay Nguyễn Lộ Trạch (như: Thời vụ sách, Thiên hạ đại thế luận v.v..) thì tư tưởng canh tân được hệ thống hóa, khái quát đầy đủ ở nhiều lĩnh vực và nội dung phong phú, đa dạng mang tính cấp bách, toàn diện và cơ bản. Các chủ trương tư tưởng cải cách đã đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội: từ việc phải thay đổi nhãn quan đến cách điều hành đối với những nội dung tổ chức xã hội; thay đổi sự trì trệ, bất cập của cái cũ và vạch ra hướng phát triển mới.

Nguyễn Lộ Trạch (1853 – 1896) là nhà tư tưởng canh tân có ảnh hưởng sâu sắc đến Huỳnh Thúc Kháng. Trong số tác phẩm của những nhà tư tưởng canh tân có ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng theo khuynh hướng dân chủ tư sản Việt Nam là

Thời vụ sách thượng, Thời vụ sách hạ, Thiên hạ đại thế luận đã được Huỳnh Thúc Kháng đánh giá là: “một bài luận rất có giá trị trong học giới nước ta”, bởi vì ông nhận thấy rằng: “đương giữa khoảng màn kín đen mù, tường cao ngăn đón như thế, mà có nhà học giả như Nguyễn Lộ Trạch, tự mình tìm lấy sách vở, lại do chỗ học vấn lịch duyệt, suy nghiệm cùng con mắt xem đời của mình, không nương dựa vào học thuyết nào, làm ra một bài đại luận nói đại thế trong thế giới, mà ở trong đó những điều đúng đắn” [139; 1161].

Bên cạnh đó, Nguyễn Lộ Trạch còn tiếp cận những quan điểm của tân thư, tân sách từ Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt kế thừa, phát triển những tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ. Trong quan điểm về tư tưởng chính trị, Nguyễn Lộ Trạch cho rằng: “sự còn mất của quốc gia là do chính trị - giáo dục, chứ không phải do mạnh – yếu, lớn nhỏ. Chính trị - giáo dục được sửa sang cất cử thì dầu nhỏ yếu cũng chưa thể mất được” [16, 138]. Quan trọng hơn hết là tư tưởng nhận thức về thời cuộc, nghĩa là phải biết “thức thời” phải có khả năng nhận biết, tiến hành đổi mới tư duy, do đó Nguyễn Lộ Trạch chỉ ra rằng: “Xem cái lý, xét cái thế, kịp thời sửa sang chính trị - giáo dục để không phụ lòng mong mỏi của dân. Đó là điều hy vọng ở những bậc quân tử tương lai trong nước” [16, 145]. Tư tưởng canh tân của ông được tập hợp trong Quỳ ưu lục, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là tác phẩm Thời vụ sách (thượng) năm 1877 và Thời vụ sách (hạ) năm 1882 nhưng tất cả những chủ trương, phương sách cứu nước của ông đều không được triều đình thực thi, thậm chí còn bị cho rằng lời lẽ “cao quá” khi mà ông dám thẳng thắn nêu: “…

Để qua thời nay mà muốn làm gì thì yếu luốt, không trì chí được, mà cái mối hoạn vào trong tâm phúc đã lâu, cụ cựa là bị khiên chế, dầu kẻ trị giả cũng không cách gì làm cho trọn lành sau này được. Ví như bệnh ung, phải cần cho kịp thời, bằng như tin lúc không đau nhức mà giấu tật, kiêng thầy thì cái ngày “ung vỡ” sẽ đến, đến ngày ấy có thầy Hoa Đà cũng khoanh tay thôi !” [139;1483].

Sau này, đánh giá về những tư tưởng của Nguyễn Lộ Trạch trong Quỳ ưu lục, Huỳnh Thúc Kháng đã viết: “…bài Thời vụ sách của ông, ai cũng phải nhận là bài thuốc cứu thời rất trúng bệnh. Không những phương mão cao áo dài ngồi không

ăn thịt lúc bấy giờ, không ai có được lòng nhiệt thành ái quốc, kiến thức cao xa ấy, mà dầu cho bọn học giả hấp thụ văn hóa Âu Tây trên 50 năm nay, bảo cầm bút viết chuyện nước nhà, cũng dễ có mấy người chỉ vạch tình thế, nói rõ bệnh căn và thuốc chữa được một cách rõ ràng như thế” [139; 1165]. Ông nhận thấy sự nhạy bén với thời cuộc trong tư tưởng canh tân của Nguyễn Lộ Trạch: “cái lòng lo đời và cái khí ngạo đời”, nhưng ông cũng rất buồn và thở than cho số phận sự nghiệp tư tưởng của Nguyễn Lộ Trạch: “Con nhà quan ở đất Huế, học thức như ông mà thủy chung ôm lòng nhiệt thành đến chết, cái tội chung của xã hội hủ bại ta không sao tránh được”

[139; 1505].

Huỳnh Thúc Kháng đã tiếp nhận tư tưởng canh tân một cách tự nhiên theo dòng chảy của lịch sử để rồi từng bước chuyển đổi nhận thức của mình từ lối tư duy bảo thủ của ý thức hệ Nho giáo đổi mới sang tư duy năng động trước những thay đổi của thời đại: “Canh tân là một cái sự thực trong lịch sử loài người về đường tấn bộ, không ngả nào tránh khỏi, song lúc phát sanh ra, thường thường bởi thời thế yêu cầu một cách cần thiết,… chính là cái cớ còn mất sống chết của một quốc gia một dân tộc, mà không phải là điều ngẫu nhiên có cũng được mà không cũng được,…”

[139; 314].

Mục đích canh tân của các nhà nho là trên cơ sở đổi mới làm cho nước giàu, binh mạnh để đánh thắng được ngoại xâm, từng bước khôi phục lại độc lập cho dân tộc. Vì vậy mà họ không đi sâu vào vấn đề cơ bản của chủ nghĩa yêu nước với tinh thần dân tộc mạnh mẽ dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống bởi vẫn bị ràng buộc của tư tưởng “trung quân ái quốc” của Nho giáo. Những tư tưởng canh tân đã không được thực thi, bởi vì những tư tưởng, quan điểm của các nhà Nho yêu nước tiến bộ thời kỳ này đã vượt trước những nhận thức còn rất hạn chế, rất bảo thủ và lạc hậu của xã hội phong kiến Việt Nam.

Tư tưởng canh tân như là sự mở đầu cho thời đại mới – thời đại của sự khai hóa của các dân tộc ở phương Đông cuối thế kỷ XIX và trở thành cơ sở lý luận, khơi dậy những phong trào cải cách, chấn hưng đất nước với những mức độ khác nhau vào đầu thế kỷ XX. Nó vượt ra khỏi những ý tưởng trong ý thức hệ Nho giáo

đang trong quá trình suy tàn. Mặc dù chưa đạt đến sự tiệm cận tư tưởng dân chủ tư sản của phương Tây nhưng tư tưởng canh tân đã là một bước chuyển có tính chất như một sự quá độ, chuyển tiếp giữa cái cũ đang từng bước suy vong và cái mới đang dần hình thành. Đó là sự khởi đầu cho những tư tưởng chính trị của các trí thức yêu nước cuối thế kỷ XIX vận động và phát triển sang đầu thế kỷ XX.

Tân thư với sự chuyển biến tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng.

Nửa cuối thế kỷ XIX ở Nhật Bản và Trung Quốc xuất hiện những phong trào của giới trí thức yêu nước khởi xướng nhằm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và thành tựu văn minh tư bản phương Tây. Qua đó tạo nên một dòng những quan điểm, tư tưởng mới so với hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến cũ kĩ, được viết thành sách và truyền bá rộng rãi nên gọi là Tân thư. Tư tưởng tư sản phương Tây vào Việt Nam qua hai con đường Trung Hoa và Nhật Bản, với những quyển sách Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Nghiêm Phục, Tôn Trung Sơn, v.v.. Sự du nhập các luồng tư tưởng mới qua trào lưu Tân thư vào Việt Nam là tất yếu của điều kiện lịch sử thời đại, xuất phát từ nhu cầu giao lưu truyền bá tư tưởng, văn hóa giữa các dân tộc làm cơ sở lý luận cho phong trào đổi mới tư duy.

Nội dung của tân thư đã đề cập tới yêu cầu cải cách thể chế chính trị, đổi mới tổ chức hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, v.v.. theo đường lối như các nước tư bản phương Tây nhằm mục đích là đổi mới tư duy, tự lực, tự cường bảo vệ nền độc lập và tạo ra sự phát triển mới. Khi đó, người ta bắt đầu được nghe nói tới lối học mới, làm quen dần với khoa học – kỹ thuật của phương Tây. Tuy những tri thức tân học này còn sơ sài, thiếu tính hệ thống nhưng nó đã có tác dụng như một sự kích thích giải tỏa được lối suy nghĩ cũ kỹ trong tư duy và hành động với rất nhiều:

“…các thứ mới xuất hiện trong thời ấy như bài “Sớ xin bỏ khoa cử” của Thân Trọng Huề, “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân thơ” của Phan Bội Châu, “Công xa thượng thơ ký”,

“Ai nô từ”, “Bát cổ khất ai văn”, “Danh sơn lương ngọc phú”…” [65; 109].

Sự đấu tranh quyết liệt giữa hai luồng tư tưởng cũ và mới, giữa một bộ phận nhà Nho phong kiến bảo thủ, thủ cựu đại diện cho giai cấp địa chủ phong kiến đang suy tàn và ngày càng mất dần đi vai trò lịch sử của mình với bộ phận nhà Nho tiến

bộ, đại diện cho ý thức hệ tư sản đang từng bước chuyển biến vươn lên trên con đường tập hợp lực lượng và phát triển “nhờ các món văn phẩm trên, xuất hiện kế tiếp nhau, phong khí trong nước có gièo đổi cũ thay mới mà nhà lãnh tụ trong đảng cách mạng quần chúng đều suy tôn là hai tiên sinh Sào Nam Phan Bội Châu, Tây Hồ Phan Châu Trinh” [65; 109].

Mặc dù còn có nhiều những hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của tân thư đối với quá trình nâng cao nhận thức và tầm hiểu biết, tư duy lý luận, đặc biệt là sự chuyển biến trong nhận thức chính trị của các nhà tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, như Huỳnh Thúc Kháng từng nhận định: “Dân tộc Việt Nam ta vào thời đại nầy, cứ theo hoàn cảnh cùng thời thế thì cách tân chính là vị thuốc chữa bệnh có một không hai” [139, 315].

Như vậy, những yếu tố văn hóa, văn minh phương Tây thông qua các sách báo, những luồng tư tưởng tiến bộ mà tư duy Huỳnh Thúc Kháng có cơ hội được mở rộng. Điều này từng bước khắc phục những hạn chế của ý thức hệ Nho giáo đang suy tàn, đang trở thành lực cản cho tư tưởng của hầu hết những nhà Nho yêu nước. Tất cả những yếu tố đó góp phần rất lớn vào quá trình hình thành và sự chuyển biến tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng.

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w