CHƯƠNG 2 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH
2.1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA HUỲNH THÚC KHÁNG
2.1.1. Bối cảnh thời đại từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX với quá trình hình thành tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng
Thế giới từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là giai đoạn có nhiều biến động mà trong đó, sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản ở phương Tây với chính
sách xâm lược, bóc lột tàn bạo đã đánh thức và làm trỗi dậy tinh thần dân tộc ở các quốc gia phương Đông. Chủ nghĩa tư bản đã góp phần thúc đẩy các dân tộc ở phương Đông phải chuyển mình từ chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm sang một thời đại mới với những chế độ chính trị mới, thời kỳ bắt đầu của những cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
(1) Chủ nghĩa tư bản tiến hành xâm lược thuộc địa ở phương Đông (nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).
Chủ nghĩa tư bản ra đời làm thay đổi mọi phương diện của đời sống xã hội phương Tây, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến những quốc gia dân tộc chậm phát triển trên thế giới. Trước sự phát triển của sản xuất, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng lớn trong xã hội – đặc biệt là nguồn nguyên, nhiên vật liệu và thị trường tiêu thụ – chủ nghĩa tư bản buộc phải tiến hành xâm lược thuộc địa bằng công cuộc
“khai hóa văn minh” các quốc gia dân tộc phương Đông: “nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi” và “nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản”
[85, 80-81]. Quá trình xâm lược đã tạo nên những tác động to lớn và thay đổi trực tiếp toàn bộ đời sống xã hội của các dân tộc ở phương Đông. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất xã hội trước đó đã tồn tại dưới chế độ phong kiến phân quyền ở các quốc gia phương Tây và tiến hành xâm lược, mở rộng thuộc địa ở các quốc gia phương Đông nơi tồn tại chế độ phong kiến trung ương tập quyền hàng ngàn năm. Chủ nghĩa tư bản cũng làm thay đổi mối quan hệ về quyền lực trong xã hội phong kiến từ chỗ độc tài, tập quyền, chuyên chế của giai cấp thống trị (quý tộc, địa chủ) sang một hình thức mới với nền dân chủ tư sản (giai cấp tư sản) trong xã hội mới.
Những biến đổi to lớn đó đã tác động không nhỏ đến ý thức, thái độ, tư tưởng và hành động của những nhà Nho, những sĩ phu yêu nước và trí thức dân tộc Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Họ đã có những nhận thức mới về thế giới xung quanh, bước đầu vượt ra khỏi phạm vi của biên giới quốc gia, dân tộc tiến ra với thế giới.
(2) Cuộc cách mạng về thương mại – khoa học – kỹ thuật do chủ nghĩa tư bản phương Tây tạo ra.
Về mặt tích cực: những thành tựu quan trọng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tạo điều kiện thuận lợi cho con người mở rộng tầm hiểu biết về thế giới xung quanh, nhận thức một cách đầy đủ và toàn diện về tự nhiên và xã hội trong quá trình vận động của lịch sử. Các luồng tư tưởng khác nhau tràn vào các thuộc địa đã góp phần vào quá trình chuyển biến kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội … Trong đó sự chuyển biến phương thức sản xuất phong kiến từ nông nghiệp, thủ công lạc hậu sang phương thức sản xuất mới đang hình thành.
Nhờ vào những thành tựu văn minh của khoa học – kỹ thuật mà về mặt tư tưởng nhận thức của tầng lớp trí thức ở phương Đông được củng cố thêm thế giới quan duy vật, góp phần tạo điều kiện cho những chuyển biến và tiếp thu tư tưởng tiến bộ qua các trào lưu khác nhau của thế giới. Các dân tộc thuộc địa đã từng bước tiếp thu những giá trị tư tưởng của phương Tây về dân chủ pháp quyền, chính thể nhà nước đại nghị…
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã góp phần làm tan rã nền sản xuất phong kiến với kiểu quan hệ sản xuất lạc hậu, tạo nên phần nào những hạ tầng cơ sở kỹ thuật, dù chính quyền thực dân rất hạn chế việc đầu tư phát triển khoa học, kỹ thuật ở thuộc địa và phụ thuộc. Điều này đã làm cho kinh tế phát triển không chỉ ở lĩnh vực giao thương hàng hóa mà còn ở các lĩnh vực khác như văn hóa, kỹ thuật, giáo dục, v.v.. Những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế là cơ sở ban đầu cho sự thay đổi xã hội thông qua những cải cách, đổi mới, xóa bỏ dần lối tư duy phong kiến lạc hậu, các hủ tục và nếp sinh hoạt sơ khai từ ngàn xưa để lại.
Về mặt tiêu cực: sản xuất hàng hóa chủ nghĩa tư bản đã làm cho: “Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy (giai cấp tư sản) là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục” [85, 81]. Mặc dù, thủ công nghiệp và thương nghiệp ở phương Đông cũng ra đời từ rất sớm với tư cách là những phường, hội ngành nghề khác nhau nhưng không tạo ra sự thay đổi mô hình phát triển (dù có
những lúc rất phát triển cả trên hai mặt trình độ tay nghề và chất lượng sản phẩm).
Hơn nữa, những hoạt động thủ công nghiệp và thương nghiệp còn bị cản trở bởi các chính sách độc đoán, chuyên quyền của các nhà nước phong kiến trung ương tập quyền bởi những quan điểm như “trọng nông, ức thương”, hay “dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt”, “bế quan tỏa cảng”. Phương thúc sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên sự hiện đại hóa sản xuất tạo ra hàng loạt sản phẩm làm tăng năng xuất lao động đã buộc những phường, hội thủ công trước đây từng bước phá sản do năng suất thấp, trình độ tay nghề ngày càng lạc hậu so với những phương thức sản xuất hiện đại. Từ chỗ là những người chủ, họ trở thành vô sản và buộc phải gia nhập vào đội quân lao động làm thuê trong các xí nghiệp, nhà máy, hầm lò, v.v..
Bên cạnh đó, quá trình rào đất, cướp ruộng của địa chủ, quý tộc đã tước đoạt tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân đẩy họ đi đến sự bần cùng với thuế khóa bóc lột hà khắc. Họ bị đàn áp bởi hai tầng phong kiến và thực dân, tiếp tục phải rời bỏ làng xã nông thôn truyền thống đi vào các thành thị, trở thành lực lượng lao động làm thuê bán sức lao động để kiếm sống.
(3) Những biến đổi xã hội và tư tưởng - chính trị do Chủ nghĩa tư bản tạo ra.
Về cơ cấu xã hội: Với bản chất tham lam, bóc lột tàn bạo của mình, chủ nghĩa tư bản buộc các quốc gia dân tộc phương Đông độc lập trở thành các thuộc địa lệ thuộc vào chính quốc. Nó phá vỡ mối quan hệ tương hỗ của các đơn vị kinh tế cá thể (gia đình) với cộng đồng (làng xã), các thiết chế xã hội công xã nông thôn bị phá vỡ nhưng không triệt để, chỉ là nửa vời nhằm tăng cường tính áp đặt và sự lệ thuộc. Nó biến các giá trị văn hóa truyền thống hàng ngàn năm mang tính dân tộc sang nền văn hóa lai căng, nô lệ về tư tưởng, bên cạnh sự đói khổ của đời sống nhân dân với cảnh một cổ hai tròng áp bức – thực dân và phong kiến tay sai, bù nhìn.
Trong sự phân hóa cơ cấu xã hội, chủ yếu tập trung mâu thuẫn ở sự phân hóa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân khi xã hội bắt đầu nền sản xuất mới với phương thức sản xuất công nghiệp, cơ khí hiện đại. Quá trình biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp tất yếu dẫn đến những biến đổi về chính trị xã hội, tác động tới việc hình thành những ý thức hệ tư tưởng mới trong thời kỳ này.
Về tư tưởng - chính trị: Các nước thuộc địa bị lôi cuốn vào con đường tư bản thực dân. Sự áp bức và thôn tính dân tộc của chủ nghĩa đế quốc càng tăng thì mâu thuẫn giữa dân tộc thuộc địa với thực dân càng gay gắt, sự phản ứng của nhân dân các thuộc địa càng quyết liệt. Điều đó đã kích thích tinh thần dân tộc của các quốc gia, làm cho tinh thần dân tộc trỗi dậy, buộc họ phải đứng lên đấu tranh, hình thành những phong trào phản kháng, đấu tranh giải phóng dân tộc, chống lại áp bức và bóc lột của thực dân và tay sai phong kiến. Các cuộc đấu tranh diễn ra ở nhiều thời điểm khác nhau trong suốt tiến trình lịch sử. Bên cạnh những hình thức và phương thức tổ chức, đấu tranh cách mạng khác nhau cùng với những tư tưởng nhận thức, lập trường quan điểm, ý thức hệ khác nhau. Tất cả đều có chung một mục đích chống thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc.
Chính chủ nghĩa đế quốc xâm lược, thống trị các thuộc địa lại tạo cho các dân tộc bị chinh phục những phương tiện và phương pháp để tự giải phóng. Sự thức tỉnh về ý thức dân tộc và phong trào đấu tranh dân tộc để tự giải phóng khỏi ách thực dân, lập lại các quốc gia dân tộc độc lập trên thế giới chịu tác động sâu sắc của chính sách xâm lược, thống trị của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Cho đến đầu thế kỷ XX, trên phạm vi quốc tế, có sự thức tỉnh của các dân tộc ở phương Đông cùng với phong trào dân chủ tư sản ở phương Tây. Ở phía Đông Châu Âu bắt đầu từ Cách mạng 1905 ở Nga đã tạo thành một cao trào thức tỉnh của các dân tộc phương Đông.
Hàng trăm triệu người hướng về một cuộc sống mới với ánh sáng tự do.
(4) Ảnh hưởng của thắng lợi cuộc Cách mạng vô sản Tháng 10 – Nga 1917 đến các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.
Sự kiện Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 đã có những tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng thế giới, ghi dấu ấn đậm nét vào tư tưởng của các nhà yêu nước Việt Nam về con đường giải phóng dân tộc với học thuyết mới – học thuyết Mác – Lênin, khác hẳn so với các nhà tư tưởng dân chủ tư sản trước đó. Lần đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người xuất hiện chế độ xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Đó là minh chứng cụ
thể cho sự thắng lợi dưới ngọn cờ cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và toàn thể dân tộc – lãnh đạo, dẫn đường. Bên cạnh những thất bại của phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng phong kiến và dân chủ tư sản, phong trào giải phóng dân tộc có sự chuyển hướng mang tính bước ngoặt sang con đường cách mạng mới. Các sự kiện nổi bật đó đã có những tác động không nhỏ đến tư duy chính trị của các nhà cách mạng, các nhà Nho yêu nước.
Bên cạnh những khác biệt mang tính đa dạng giữa các quốc gia về điều kiện lịch sử, văn hóa, tâm lý,.. phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở phương Đông vẫn có những khuynh hướng tư tưởng chung: thứ nhất là, mang ý thức hệ Nho giáo phong kiến do lãnh đạo phong trào là những quan lại, chính quyền phong kiến; thứ hai là, khuynh hướng tư sản do một bộ phận tầng lớp sĩ phu yêu nước sớm nhận thức được xu thế của lịch sử mà lãnh đạo nhân dân; thứ ba là, mang ý thức hệ dân chủ tư sản do một bộ phận tư sản dân tộc lãnh đạo (dù bộ phận này vẫn còn nhỏ bé và yếu ớt so với giai cấp tư sản phương Tây). Trong tiến trình lịch sử, dù có những tiến bộ, tích cực nhưng các phong trào đấu tranh vẫn còn hạn chế nhiều mặt và chưa triệt để với những khuynh hướng chính trị khác nhau tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành tư tưởng cách mạng của những nhà yêu nước trong giai đoạn này [xem: Doãn Chính (2012), Lịch sử Triết học phương Đông, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.1257-1261].
Như vậy, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã có những bước phát triển mới – từ giai đoạn tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn tư bản độc quyền, kéo theo những thay đổi về kinh tế - xã hội ở cả phương Tây lẫn phương Đông, cụ thể là: (1) sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây đã đưa các quốc gia dân tộc ở đây thoát khỏi đêm trường Trung Cổ, làm cho Châu Âu chuyển mình từ xã hội phong kiến lạc hậu sang xã hội văn minh, hiện đại với các thành tựu khoa học – kỹ thuật; (2) sự mở rộng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đồng nghĩa với việc tìm kiếm, mở rộng những thị trường tiêu thụ sản phẩm và khai thác các nguồn tài nguyên mới buộc các quốc gia tư bản chủ
nghĩa tiến hành những cuộc khai phá các vùng đất mới (như ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc…) và (3) tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa ở các quốc gia dân tộc phong kiến phương Đông (như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…). Từ những đặc điểm đó, xuất hiện những mâu thuẫn lớn và ngày càng gay gắt: (1) mâu thuẫn giữa các quốc gia tư bản chủ nghĩa trong việc tranh giành thị trường, đất đai trên thế giới; (2) mâu thuẫn nội tại trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa giữa giai cấp vô sản bị áp bứt bóc lột với giai cấp tư sản cầm quyền áp bức bóc lột; (3) mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với các nước đế quốc; (4) mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân lao động với chính quyền phong kiến và thuộc địa, v.v.. Những mâu thuẫn trên đặt ra vấn đề bức thiết cần phải được giải quyết để đảm bảo sự tồn tại xã hội, làm xuất hiện những yếu tố cần thiết cho các cuộc đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Những tác động khách quan của thời đại là nguồn cổ vũ cho sự thay đổi nhận thức, tư duy cách mạng đối với các quốc gia, dân tộc và giai cấp. Đồng thời, các yếu tố chủ quan chuyển biến trong lòng các quốc gia, dân tộc cũng không kém phần quan trọng làm xuất hiện những khuynh hướng canh tân đất nước nhằm thay đổi căn bản những thể chế chính trị lạc hậu, bảo thủ, thúc đẩy quá trình phát triển trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới.