Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 68 - 72)

CHƯƠNG 2 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH

2.2.1. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Nhận định về chủ nghĩa yêu nước truyền thống trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta” [98; 38].

Ở Việt Nam có sự xuất hiện sớm quốc gia dân tộc trên cơ sở phân hoá xã hội và phân hoá giai cấp, do yêu cầu xây dựng, quản lý các công trình đê điều, thuỷ lợi và yêu cầu chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình thống nhất quốc gia. Điều đó đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của ý thức dân tộc, tạo nên sự cố kết cộng đồng.

Tinh thần yêu nước được thể hiện qua ý thức cộng đồng và phát triển trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Nó là sản phẩm riêng của dân tộc Việt Nam. Kể từ kháng chiến chống Tần thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thời điểm cuối thế

kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong hơn 12 thế kỷ là kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống đô hộ ngoại bang. Độ dài thời gian, tần xuất các cuộc kháng chiến quá lớn so với nhiều nước trên thế giới, hơn nữa lại luôn ở thế nhỏ yếu chống chọi với kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp bội đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí quật cường bất khuất và niềm tự tôn dân tộc.

Theo tác giả Trịnh Trí Thức và Đỗ Thị Hòa Hới cho rằng, tư tưởng yêu nước Việt Nam chính là sự phản ánh các yêu cầu đặt ra của tồn tại xã hội Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đời sống cộng đồng dân tộc; đồng thời, nó tác động trở lại cuộc sống đó. Nói cách khác, nó vừa là kết quả của cuộc đấu tranh để cộng đồng dân tộc Việt Nam sinh tồn, phát triển, vừa là nguyên nhân, động lực thúc đẩy quá trình đó. Cho đến nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa yêu nước đã trải qua các giai đoạn:

Tư tưởng yêu nước thời đại Hùng Vương, được thể hiện qua hệ thống giá trị của văn học dân gian là các thần thoại, sự tích, truyền thuyết như: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Thánh Gióng, Nỏ Thần, Sơn Tinh – Thủy Tinh.v.v.. Tất cả đều có chung một ước mơ, một khát vọng về một non sông gấm vóc trường tồn với con người sống yêu thương, chan hòa. Đây là thời kỳ yêu nước mà theo tác giả Nguyễn Hùng Hậu cho rằng: “… những con người không biết mình yêu nước, họ yêu nước một cách tự nhiên mang tính chất vô vi, không cầu danh lợi…” [41; 355].

Tư tưởng yêu nước thời Bắc thuộc (trước thế kỷ X), là tinh thần bất khuất trước ách đô hộ của các triều đại phương Bắc đối với người Việt. Những cuộc đấu tranh và nổi dậy phản kháng của quần chúng nhân dân chống lại sự xâm lược của kẻ thù với những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu: Hai Bà Trưng (năm 40), Bà Triệu (năm 248), Lý Bí (năm 541), Phùng Hưng (từ năm 766 – 791), Mai Hắc Đế (năm 713), v.v.. Dù rằng ở thời kỳ này vấn đề giữ được nước sau chiến thắng của các cuộc khởi nghĩa vẫn còn hạn chế do sức mạnh đoàn kết dân tộc chưa được thống nhất một cách đầy đủ, trọn vẹn nhưng tinh thần dân tộc yêu nước đã từng bước được hun đúc và là cơ sở cho sự kết tinh sức mạnh sau này.

Tư tưởng yêu nước thời kỳ Lý – Trần (thế kỷ X đến thế kỷ XIV), là sự thể hiện sâu sắc tình cảm của con người đối với quê hương thông qua việc khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng với ngoại bang xâm lược, chẳng hạn như: Tình cảm yêu nước của Hưng Đạo đại vương – Trần Quốc Tuấn trước cảnh quân thù Nguyên – Mông xâm lược dày xéo đất đai của tổ tiên và nhân dân được thể hiện trong tác phẩm Hịch tướng sĩ: “…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù;

dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm…”[13;415]. Yếu tố nhân văn thể hiện trong tư tưởng yêu nước thời kỳ này giữa vua – tôi trên dưới một lòng cùng nhau chống giặc giữ nước và ý chí, nguyện vọng của nhân dân làm cơ sở cho đường lối trị quốc của nhà vua. Tư tưởng yêu nước thời kỳ này vừa hào hùng nhưng cũng hết sức nên thơ, thấm đượm tinh thần từ bi của Phật giáo. Từ chỗ là những tình cảm gắn bó với xứ sở, vùng đất sinh sống ở thời kỳ đầu của lịch sử, trải qua ngàn năm Bắc thuộc cho đến khôi phục xây dựng nền độc lập, tư tưởng yêu nước của dân tộc Việt đã hình thành và phát triển trở thành hệ thống mang tính lý luận của chủ nghĩa yêu nước.

Tư tưởng yêu nước thời kỳ Lê – Nguyễn (thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII), là một bước tiến mới trong điều kiện hoàn cảnh mới của lịch sử dân tộc. Thông qua việc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc xuyên suốt hàng ngàn năm qua mà sánh cùng với Trung Hoa – Nguyễn Trãi đã nêu rất rõ quan điểm trong Bình Ngô đại cáo:

“…Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông bờ cỏi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác;

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…” [13; 482].

Tuy nhiên, do ảnh hưởng những sắc thái Nho giáo (chủ yếu là Tống Nho) mà đến giai đoạn triều Nguyễn, tinh thần yêu nước được thể hiện tập trung ở nội dung

“trung quân”, nghĩa là yêu nước phải thông qua sự trung thành với nhà vua một cách tuyệt đối. Vì vậy, vai trò của tôn quân quyền được đặt cao nhất lên trên cả chủ quyền quốc gia dân tộc với một ý thức là “trung quân – ái quốc”. Càng về sau này, khi chủ quyền quốc gia dân tộc lung lay, chính quyền phong kiến không còn đủ sức để bảo vệ được độc lập dân tộc và sự đô hộ xâm lược của thực dân thì vai trò thống trị của Nho giáo đối với ý thức hệ yêu nước ngày càng trở nên tiêu cực, yếm thế.

Tóm lại, trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, cộng đồng dân tộc Việt đã hình thành những truyền thống yêu nước quý báu. Những tư tưởng này từng bước được bồi đắp qua từng giai đoạn lịch sử (Hùng vương, Văn Lang – Âu Lạc, Bắc thuộc, Lý – Trần, Lê – Nguyễn) khác nhau cũng như sự chi phối của những yếu tố văn hóa (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) khác nhau hòa quyện trở thành hệ thống giá trị của chủ nghĩa yêu nước dân tộc với những nét cơ bản: (1) độc lập dân tộc, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu xuyên suốt của quá trình lịch sử dân tộc; (2) tinh thần bất khuất, hy sinh tất cả của dân tộc trước kẻ thù xâm lược chứ không đầu hàng, làm tay sai cho giặc; (3) niềm tin sâu sắc của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của toàn thể dân tộc, dù phải trải qua khó khăn, gian khổ.

Cho đến thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược, triều đình phong kiến nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng giặc, Việt Nam trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Với tính chất xã hội này, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời kỳ này bắt đầu có những chuyển biến hoàn toàn khác so với trước. Chính sự phân hóa xã hội đã làm cho chủ nghĩa yêu nước có những khuynh hướng mới:

Thứ nhất là, một bộ phận Nho sĩ vẫn mang trong mình tinh thần trung quân ái quốc mà trung thành với triều đình – thực chất là yêu nước mù quáng, không chấp nhận sự lạc hậu và tiêu cực của ý thức hệ phong kiến, cũng như sự đổi thay của xu thế thời đại. Do đó mà họ yêu nước, chống Pháp một cách yếm thế rơi vào sự bế tắc. Điển hình như Vũ Phạm Khải, Phan Đình Phùng .v.v..

Thứ hai là, một bộ phận Nho sĩ có tư tưởng cách tân, chủ trương đổi mới đất nước theo thời đại để làm cho nước giàu, binh mạnh mới đủ sức đấu tranh chống kẻ

thù xâm lược. Tiêu biểu cho tư tưởng yêu nước với tinh thần đổi mới như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ Nguyễn, Đặng Huy Trữ, Nguyễn Lộ Trạch .v.v..

Thứ ba là, do sự tiếp cận với văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam mà những nhà yêu nước đã cố gắng tìm một hướng đi hoàn toàn khác với hai khuynh hướng trên nhằm đưa đất nước phát triển nhưng đồng thời cũng từng bước giành độc lập cho dân tộc. Đó là khuynh hướng tìm kiếm con đường cứu nước qua những tư tưởng mới về dân chủ tư sản của phương Tây theo cách học tập các nước như Trung Hoa, Nhật Bản.v.v.. Tiêu biểu đại diện cho khuynh hướng này cũng xuất phát là những nhà Nho yêu nước đang thay đổi bước sang một hệ tư tưởng mới như:

Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, .v.v..

Trải qua những giai đoạn, thời kỳ khác nhau của lịch sử, chủ nghĩa yêu nước đều phản ánh sự trăn trở của xã hội đương thời nhằm củng cố, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược và ổn định, phát triển đất nước. Tuy nhiên, chủ nghĩa yêu nước thế kỷ XIX có những khác biệt so với chủ nghĩa yêu nước trong các giai đoạn lịch sử trước đó. Điều này đã tác động mạnh mẽ vào tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng, bên cạnh những yếu tố khác góp phần hình thành nên con đường đấu tranh cách mạng của ông sau này. Đó là giữa tư tưởng yêu nước mang đậm chất Nho giáo của tinh thần “trung quân ái quốc” với một tình cảm yêu nước mang tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây là đổi mới, yêu nước, thương dân, đề cao vai trò của nhân dân trong sự vận động phát triển của đất nước.

Một phần của tài liệu tư tưởng chính trị của huỳnh thúc kháng và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w