CHƯƠNG 2 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH
2.3.1. Quê hương Quảng Nam với sự hình thành tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng
Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Quảng Nam được hình thành trên con đường phát triển về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt. Trước khi trở thành một đơn vị hành chính của nước Đại Việt, Quảng Nam đã có một quá trình phát
triển lâu đời. Các công trình nghiên cứu khảo cổ học tại Bàu Dũ (huyện Núi Thành), Quế Lộc (huyện Quế Sơn), Đồi Vàng (huyện Đại Lộc), Tiên Hà (huyện Tiên Phước), Tabhing (huyện Nam Giang), Hậu Xá (Hội An) ... đã chứng minh sự có mặt rất sớm của con người ở vùng đất này cách đây khoảng 6000 năm. Đồng thời, ở Quảng Nam cũng tìm thấy dấu tích văn hoá thời kỳ kim khí ở thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, đó là nền văn hoá hậu Sa Huỳnh, sau đó được các bộ tộc Champa kế thừa và sáng tạo ra nền văn hoá hết sức độc đáo với những kinh đô, đền đài, thành quách uy nghi, tráng lệ như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Khương Mỹ, Bàng An, Chiên Đàn ...
Vùng văn hóa Quảng Nam được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung. Địa hình nằm ở trung điểm đất nước theo trục Bắc – Nam. Đây là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền và giao lưu văn hóa với bên ngoài. Điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa …Quảng Nam cũng là nơi lưu giữ hàng trăm công trình kiến trúc Việt cổ như đình, chùa, lăng, miếu, nhà ở,… có niên đại cách đây 300 – 500 năm. Các di tích này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật mà còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện sự phát triển lâu đời của vùng văn hóa xứ Đàng Trong. Những kinh đô cổ Trà Kiệu, tháp Chăm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương...là những nơi ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Giá trị văn hóa của Quảng Nam không chỉ tỏa sáng từ những công trình kiến trúc cổ mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên quê hương nặng nghĩa tình này. Đó là tài sản vô giá, niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Quảng Nam.
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất Quảng Nam được coi là vùng “đất học”, “đất khoa bảng”. Nơi đây là quê hương của nhiều nhân tài học rộng, đỗ cao, quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc qua các thời kỳ. Những con người làm rạng danh đất Quảng như: Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân… Từ đầu triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành một trung tâm văn học đứng thứ hai
của đất nước sau trung tâm văn học cổ kính Hà Nội. Sách Đại Nam nhất thống chí (bản triều Tự Đức) khi viết về phong tục Quảng Nam, có đoạn viết: “Học trò chăm học hành, nông dân chăm đồng ruộng, siêng sản xuất và ít đem cho, vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Quân tử giữ việc mà hổ thẹn việc bôn canh” [160; 29].
Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng. Tiêu biểu là khoa thi năm Mậu Tuất (1898), toàn quốc có 18 vị Tân Khoa, thì Quảng Nam có 5 vị, 3 Tiến sĩ và 2 Phó bảng. Ðó là một điều hy hữu trong lịch sử thi cử của nước nhà. Kể từ các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn có tất cả 187 khoa thi Tiến sĩ với 2971 người đậu Tiến sĩ nhưng chưa có khoa nào 5 người đồng hương cùng đậu. Vua Thành Thái triều Nguyễn đã ban danh hiệu Ngũ Phụng Tề Phi khen tặng các ông: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Lý và Dương Hiển Tiến. Ngoài ra khoa thi Tân Sửu (1901) Quảng Nam có 4 vị đỗ đồng khoa Phó Bảng là các ông Nguyễn Ðình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán, Võ Sỹ và Phan Chu Trinh. Bốn vị này được mệnh danh là Tứ Kiệt. Những danh hiệu nói lên tài học và sự vinh hiển đỗ đạt của các danh sĩ Quảng Nam, con cháu đất Quảng Nam nói chung. Trong sách Đại Nam nhất thống chí (bản triều Tự Đức) có nhận xét như sau: “Đàn ông lo việc cày ruộng trồng dâu, đàn bà chuyên nghề nuôi tằm dệt cửi; núi song thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học. Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tính, duy người nào có học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc” [160; 29].
Tinh tuý của học thuật Quảng Nam là cái học thấu suốt, cách vật trí tri, học để hiểu biết thêm ý nghĩa và mục đích của học vấn, học đi đôi với hành, học để phát huy đạo đức. Học hành giỏi, thi đỗ làm quan, là con đường lập thân của người đàn ông Việt Nam thời trước. Quan trường là phương tiện tốt để những người yêu nước thương dân đem khả năng của mình ra phục vụ, như nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Con người sinh sống, làm ăn và chiến đấu trên một vùng đất được xác định vai trò như vậy trong lịch sử, ắt không thể không hằn sâu trong tư duy một ý thức trách nhiệm chính trị hầu như là tự nhiên đối với vận mệnh chung của đất nước”
[111; 102].
Ða số những danh sĩ Quảng Nam là những người yêu nước thương dân, ra làm quan là những người thanh liêm nổi tiếng. Gặp thời loạn ly, đất nước bị ngoại xâm, họ tích cực chống giặc bảo vệ tổ quốc, từ quan, tham gia vào các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, như: Phạm Phú Thứ, người làng Ðông Bàn, phủ Ðiện Bàn; Hoàng Diệu, người làng Xuân Ðài (Ðiện Bàn); Trần Văn Dư, người làng An Mỹ Tây, huyện Tam Kỳ; Nguyễn Duy Hiệu, người làng Thanh Hà, Ðiện Bàn…
Với truyền thống hiếu học, tinh thần yêu nước, trọng tự do và phẩm giá con người, những người con đất Quảng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên không mệt mỏi để có thể làm rạng danh cho quê hương. Huỳnh Thúc Kháng là tiêu biểu cho cái tinh thần cầu thị, đổi mới học tập, thay đổi tư duy về thời cuộc.
Con người sống trong môi trường nào thì sẽ có khuynh hướng hình thành tính cách như thế đó bởi sự chi phối của các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội.
Do đó, bao đời nay Quảng Nam vẫn là một trong những vùng đất nghèo khó của dải đất miền Trung, vốn phải hứng chịu không ít những thiên tai đã buộc con người phải đấu tranh mạnh mẽ để sinh tồn. Có lẽ vì thế mà cái tính cách “hay cãi” đã hình thành từ rất lâu. Vì biết cãi nên hay cãi và nó trở nên bình thường như một biểu hiện đặc trưng trong tính cách con người đất Quảng, không cãi mới là lạ. Mặt khác, vốn dĩ nguồn gốc lịch sử cư dân Quảng Nam chủ yếu là từ các vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh trong quá trình di cư về phương Nam lập nghiệp, dựng làng, mở đất là những người can trường, khí phách, có chí lớn. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng là nơi sớm được tiếp xúc với những yếu tố văn minh, tiến bộ từ bên ngoài của phương Tây thông qua các hoạt động giao thương và cả hoạt động xâm lược của thực dân sau này mà tư tưởng, tư duy của con người vùng đất này sớm được mở mang. Kết hợp những yếu tố trên nên khi gặp điều phi lý thì những con người vùng đất này luôn
“cãi” để bảo vệ chân lý, để khẳng định mình, dần dần hình thành nên một tính cách trong đời sống văn hóa con người Quảng Nam gắn với câu nói trong dân gian
“Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo”. Cãi ở đây là trí tuệ, là trách nhiệm, chứ không phải là cãi cùn, cải lấy cho bằng được.