CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, CHUYỂN BIẾN VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN
3.2.3. Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng về xây dựng chính thể nhà nước, về dân chủ
Về vấn đề xây dựng chính thể nhà nước: Trước hết Huỳnh Thúc Kháng khẳng định sự đoạn tuyệt với chính thể quân chủ chuyên chế và ngay cả với quân chủ lập hiến như Nhật Bản hay Thái Lan ông cũng cho là “đi ngược lại với trào lưu”: “Bảo hoàng ! Anh em có biết chắc có đảng bảo hoàng không ? Theo tôi thì không thể có ai dại gì mà đi ngược trào lưu…” [130; 370]. Ngay từ đầu đường lối của Huỳnh Thúc Kháng về xây dựng chính thể nhà nước đã khác với quan điểm của Phan Bội Châu (xây dựng nền quân chủ lập hiến) hay Phan Châu Trinh (xây dựng một chính thể phụ thuộc vào nhà nước Pháp).
Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “Muốn giải quyết các vấn đề dân sanh, giáo dục, v.v.., phải có một chủ quyền nhất định. Vấn đề chánh quyền bởi thế nên trọng yếu hơn cả.” [139; 269]. Ông rút ra được trong xã hội phương Tây thời bấy giờ có hai hình thức tổ chức chính quyền nhưng cũng phải trải qua hai thời kỳ là “quốc gia chuyên chế” và thời kỳ “dân chủ”. Ông đã phân tích thời kỳ dân chủ với tư cách là một chính thể tiến bộ phát triển của lịch sử, là “kế vĩnh viễn trong nền nội trị của dân tộc”. Là một sự tiến bộ với thời đại nhưng chính thể dân chủ cũng được thể hiện qua hai phương thức khác nhau là dân chủ đại nghị và dân chủ trực tiếp. Sẵn tiện với thực tiễn hoàn cảnh Việt Nam dưới sự đô hộ của Pháp lúc bây giờ mà ông quy kết luôn rằng dân chủ đại nghị là của bọn tư bản: “…ngày nay sinh ra đảng nầy xung đột với đảng kia, đều vì chánh thể đại nghị cả… ta chỉ xem báo các nước hay xét cách cử chỉ của năm ba ông nghị viện ngoại quốc mà ta đã từng mục kích, thời đủ biết. Bởi thế cho nên ta có thể nói rằng “chánh thể đại nghị” chưa phải “dân trị”.” Huỳnh Thúc Kháng mới chỉ dừng lại ở một mặt trong quá trình xem xét về nền dân chủ đa nguyên mà chưa nghiên cứu tới nền dân chủ nhất nguyên với quyền
lực thuộc về nhân dân như thế nào. Đặc biệt là trong điều kiện một Đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Tuy nhiên, ông cũng nhận thức được sự tiến bộ cao nhất của nền dân chủ là tiến tới dân chủ trực tiếp dù mới chỉ dừng lại ở mặt lý luận mà chưa có điều kiện khảo cứu trong thực tiễn xã hội để có thể nắm bắt được những biểu hiện đặc trưng với các yếu tố cần và đủ để thực hiện được. Vì vậy ông cho rằng: “Trong một nước có chánh thể trực tiếp, tuy nghị viên thảo các luật án, nhưng quốc dân có hứa chuẩn thì mới được thi hành…quốc dân có cách kiểm soát quốc sự, nghị viên và quan lại không được lộng quyền như ở các nước theo chánh thể đại nghị… Chánh thể trực tiếp theo nguyên lý địa phương tự trị (principe de décentralisation). Nhờ có nguyên lý ấy, những công việc lặt vặt trong một hạt, nếu không có ảnh hưởng đến cả toàn quốc, thời có thể giải quyết theo sở nguyện của dân trong hạt.”. Đồng thời ông cũng chỉ rõ nguyên tắc quan trọng của người làm chính trị: “Người chánh trị có chủ nghĩa xã hội phải lấy dân làm trọng. Đã trọng dân thời phải lấy “chánh thể trực tiếp” làm nguyện vọng vậy.” [139; 271]. Tuy nhiên, dù nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của dân như vậy nhưng sự hạn chế trong tư duy lý luận và thực tiễn xã hội đã làm cho ông không nhìn thấy toàn diện vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân với tư cách là người làm nên lịch sử.
Nhận thức về thể chế nhà nước dân chủ với tư cách là một hình thức tiến bộ và hoàn hảo nhất nhưng thực tiễn thì Huỳnh thúc Kháng vẫn thừa nhận rằng: “Thời đại dân tộc cạnh tranh ngày nay, dân giàu nước giàu, dân mạnh nước mạnh, dân hèn yếu thì phải tiêu diệt, lợi hại họa phúc trong một nước, không thuộc về một người một nhà như ngày trước, mà thuộc về đại đa số trong nước.” – nghĩa là chính thể nhà nước mà dân tộc Việt Nam tiến tới là chính thể đại nghị cho dù là phong kiến quân chủ hay dân chủ thì đều coi đó là cái cơ quan chủ yếu của chính quyền. Mà theo cách lý giải của ông: “…tức là dân ở trong nước, có quyền cử người thay mặt cho mình mà làm việc nước vậy….Việc nước đã là việc chung của phần đại đa số không phải riêng chi ai, thì ai cũng có một phần việc, đã có phần việc mà không tự làm lấy thì phải chọn người thay cho mình, cái nguyên lý chánh thể đại nghị là thế.”
[139; 287]. Tiếp thu giá trị tư tưởng chính trị của phương Tây so với những tư tưởng
bảo thủ, lạc hậu của phong kiến, ông thể hiện một tinh thần phê phán tích cực khi chỉ ra: “… so với chánh thể chuyên chế độc tài ngày xưa, thì cái chánh thể đại nghị nầy, phần hại ít mà phần lợi thì nhiều, thật là một bước dài đáng ghi nhớ trong bộ lịch sử tấn hóa của loài người, ai cũng công nhận vậy.” [139; 288].
Thực tiễn trong vai trò nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ (1926 - 1928) chứng kiến và nhận thức được những khuyết điểm hạn chế của chính thể đại nghị được chính quyền đô hộ Pháp áp dụng đối với xứ Đông Dương thuộc địa. Qua đó, ông đã chỉ ra những nội dung quan trọng cần phải có để tiến hành được chính thể đại nghị với điều kiện như sau:
Một là, người dân cần phải được giáo dục để có sự hiểu biết đầy đủ trở thành công dân của một xã hội tiến theo những giá trị văn minh của phương Tây. Bởi vì, ông đã nhìn thấy ngay từ khi tiếp cận với thực tiễn nền dân chủ giả hiệu của thực dân bên cạnh: “Người mình, cũng có kẻ học hành, nhưng về phần rất ít, còn phần nhiều toàn là hương thôn chức dịch, bình nhật đã không được học vấn, một đời lại không ra khỏi cửa, đến khi cái phiếu bảo cử đến tay, không những bọn vô ý thức kia, đụng ai cử nấy, hoặc theo ý riêng bọn quan lại ép uổng, hoặc vì chén rượu đồng bạc mà giao cái quyền cầm phiếu cho kẻ khác, mà dầu cho những người có biết trách nhiệm, có muốn chọn người cho xứng đáng, mà bình thời đã không biết người, đã không để lòng xem xét, thì chỉ hươu làm ngựa, lấy thau làm vàng, không sao tránh được sự lỗi lầm ấy.” [139;289].
Hai là, nhận thức chính trị của quần chúng nhân dân có những hạn chế về vai trò và trách nhiệm trong quá trình thực hiện quyền dân chủ như Huỳnh Thúc Kháng chỉ ra: “Người mình thì có đâu ! Lúc bình nhật đã không hiểu chánh trị là gì, thì kẻ cầm cái phiếu bảo cử, đã không rõ bổn phận của mình, là có quan hệ với nước, mà người ra ứng cử, cũng chưa hiểu rõ cái chức trách, tạo nhân đã lỗ mỗ thì kết quả phải thành dở dang.” [139; 289]. Từ đó ông nêu ra vấn đề là sự cần thiết phải có quá trình nâng cao dân trí từ chỗ giáo dục ý thức công dân lên thành giáo dục ý thức chính trị, dù trong bối cảnh lịch sử xã hội lúc bây giờ để thực hiện được không đơn giản trước chính sách “ngu dân” của chính quyền thực dân. Tư tưởng của ông thể
hiện sự tiến bộ và có ý nghĩa tích cực đối với xã hội chúng ta ngày nay: khi mà công tác giáo dục lý luận chính trị - tư tưởng đối với công dân được Đảng, Nhà nước quan tâm và là mục tiêu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Giáo dục chính trị và pháp luật cho công dân trên cơ sở lập trường, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.
Ba là, từ những quan điểm về việc cần thiết phải giáo dục ý thức công dân và ý thức chính trị cho quần chúng nhân dân, Huỳnh Thúc Kháng đòi hỏi những người đại biểu nhân dân phải hiểu biết về vai trò, phương thức ứng xử trên nghị trường.
Trong thực tế, sở dĩ những đại biểu của Viện Dân biểu Trung Kỳ “không có tư cách nghị sự” là vì ông nhận thấy rằng: “Người mình tập hội thuở nay đã là điều cấm, cho nên tánh chất tập hội đã không có, mà sự bàn luận lại càng không quen, gia dĩ vấn đề lợi hại trong xứ lại không lưu tâm đến, nhứt đán đặt đít vào nơi nghị trường, kẻ thì gặp đâu nói đó, kẻ thì phụ họa cãi xằng, nói không thứ lớp, cãi không ra điều, thành ra những câu bàn bạc không có chút gì là giá trị…”[139; 289]. Nguyên nhân sâu xa nhất theo ông, cũng là vì chế độ quân chủ phong kiến chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam mang nặng tính thứ bậc trọng lễ, nghĩa đạo vua – tôi, cha – con, vợ - chồng nên hoàn toàn không thể có chuyện thoải mái cùng bàn bạc chính trị một cách bình đẳng ngang hàng. Tất cả là do chính tư tưởng tôn quân quyền chi phối.
Trước khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Huỳnh Thúc Kháng đã có những tư tưởng rất tiến bộ về một chính thể nhà nước đại nghị. Mặc dù tư tưởng về nền dân chủ đại nghị trong ông chưa hoàn toàn đạt đến đỉnh cao của nó là quyền lực thuộc về nhân dân nhưng ông đã có những đánh giá tích cực bước đầu về vai trò của người đại biểu nhân dân phải như thế nào trong thực tiễn nghị trường.
Điều này cũng rất có ý nghĩa đối với đất nước Việt Nam hiện tại, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội – Hội đồng Nhân dân các cấp và nâng cao trình độ nhận thức, phẩm chất mà người đại biểu dân cử.
Tiếp thu những tinh hoa giá trị văn minh phương Tây về pháp luật mà ông cho rằng cần thiết phải có Hiến pháp, pháp luật cho nhân dân An Nam để tất cả mọi
tầng lớp nhân dân phải nhận thức và hành động theo pháp luật, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh. Ông chỉ ra thực trạng pháp luật trong xã hội Việt Nam nhất là đối với những người bản xứ: “Những người làm quấy mà bị tội đã đành, mà những kẻ oan lụy cũng không ít, gia dĩ tội danh không rõ ràng, chứng tỏ không có xác thực, bắt tội đã không tuyên án cho người bị tội biết, lại không được cái lẽ nữa, thật là một điều rất lạ, những bọn sinh thủ đoạn ám muội, một tờ đầu cáo, tra xét đến năm bảy nhà, hai chữ “tình nghi” hãm hại biết bao nhiêu kẻ, tự nhà nước tin theo những lời thêu dệt, cho là phản kháng, cho là phiến loạn, không trị không được…”
[130; 692], đề xuất sự cần thiết phải có Hiến pháp cho nhân dân An Nam: “vì thấy rõ trong xứ Trung Kỳ này phụ thuộc dưới quyền bảo hộ gần nửa thế kỷ nay, mà chính thể trong xứ quyền hạn không được rõ ràng, trách nhiệm không được đảm thụ, trăm điều rắc rối bởi đó mà ra…. Quốc thị đã mơ màng thì nhân dân không biết đường nào xu hướng, đó là cái lẽ tự nhiên” và do đó “Nhà nước mà cho Hiến pháp là một cái nền chính trị bền vững lâu dài trong xứ này, họp với toàn thể ý nguyện trong nhân dân” [130;333]. Huỳnh Thúc Kháng đã nhìn thấy ở hiến pháp với vai trò là một giới hạn và công cụ để quản lý, kìm chế quyền lực của chính quyền và tạo ra sự ổn định lâu dài của nền chính trị. Lẽ đương nhiên điều này hoàn toàn không được nhà cầm quyền thực dân Pháp đồng ý, Khâm sứ Trung Kỳ Jabouille tỏ ra không hài lòng và bày tỏ: “bản chức quyết phản kháng lại một cách kịch liệt những điều công kích của ông nghị trưởng”, thậm chí cho rằng dân An Nam chưa có trình độ lập hiến. Huỳnh Thúc Kháng lập luận phản bác: “chúng tôi vẫn công nhận nhân dân xứ này chưa được toàn thể hiểu cái chính thể mới có, song xin thưa rằng: Đường có đi mà sau tới nơi, người có học mà sau mới biết chữ. Nay chưa cho đi mà bảo đường đi này không tới được, chưa học mà bảo rằng: “Mày không phải là đứa biết chữ” thì dầu trăm ngàn năm cũng không sao tới nơi và biết chữ được” [130; 697].
Như vậy, vượt qua những cách trở về mặt không gian cũng như những khó khăn về các thông tin từ bên ngoài trong sự chuyển biến của thời đại, Huỳnh Thúc Kháng đã ít nhiều tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ của văn minh phương Tây, trong đó có tư tưởng về xây dựng chính thể nhà nước và xây dựng hiến pháp với tư
cách là nền tảng pháp luật của xã hội. Cốt lõi trong tư tưởng này là vai trò của nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và quyền lập hiến. Cơ sở chính trị mà Huỳnh Thúc Kháng mong muốn xây dựng cho đến thời điểm lúc bấy giờ là tinh thần
“thượng tôn pháp luật”. Pháp luật phải được xây dựng bởi các tầng lớp nhân dân và quần chúng phải có được cái quyền tham gia góp ý vào các cơ quan tổ chức làm ra luật pháp: “lập một hội gọi là Dự thảo Hiến pháp cho toàn thể quốc dân sung vào để điều trần và thảo bản Hiến pháp” [130; 697]. Chỉ có như vậy thì chính thể mới ổn định, dân gian mới biết đường mà theo.
Về vấn đề dân chủ trong tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng đã từng thể hiện rất rõ quan điểm trên báo Tiếng Dân về vấn đề tự do dân quyền trong bối cảnh của thời đại mới như sau: “ký giả là một người hơn nửa đời dầm thấm trong học thuyết tôn quân, đối với học thuyết mới “tự do dân quyền” vẫn có thấy chỗ giới hạn và chế tài của nó, chớ không phải say mê hay theo mù như ai…” [139; 552]. Điều này cho thấy quá trình nhìn nhận các vấn đề về chỉnh thể “quân chủ” hay “dân chủ” đối với ông luôn có một sự thận trọng, bởi ông luôn muốn đánh giá và nhìn nhận từ thực tiễn xã hội là cơ sở chứng minh thuyết phục nhất. Thực tiễn xã hội là thực tại Việt Nam, không phải ở đâu xa trên lý thuyết sách vở hay ở quốc gia nào khác. Bởi vì, ông nhận thấy rằng mỗi điều kiện hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác nhau sẽ cho phép việc thực thi nền dân chủ với những quyền lợi của người dân khác nhau.
Tuy nhiên, ở Huỳnh Thúc Kháng sự nhận thức về vai trò của dân gắn với sự chuyển biến từ tư tưởng quân quyền sang dân quyền, xác định: “ngày nay là ngày dân quyền phát đạt, khắp trong thế giới chữ dân đã hiện thành một chữ rất to lớn, nét ngang sổ dọc, đá ngược, vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gần tóm cả loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới bóng sáng đó”
[130; 734]. Ông cũng cho rằng “Thuộc về số đông tức là dân” [139; 283], và cũng không rõ ràng thực sự, ít nhiều vẫn còn rất chung chung mơ hồ: “dân là gốc của nước” [139; 204] hoặc là “ví như nước Nam ta, ở trong nước thì có phân vua, quan, dân v.v.. mà thế giới xem mình thì chỉ cho một tiếng dân tộc Việt Nam, chữ dân đó
gồm cả người nước Nam, vua quan, cũng không đứng ra ngoài được” [139; 241].
Huỳnh Thúc Kháng nhầm lẫn giữa khái niệm nhân dân với dân tộc và thậm chí là với giai cấp, tầng lớp bởi yếu tố khách quan của lịch sử chi phối và làm hạn chế khả năng tiếp cận của ông với thực tiễn thế giới về vấn đề này. Có lúc ông phê phán có phần phiến diện đối với “Quốc dân hai chữ, giá trị càng ngày càng cao, thế lực càng ngày càng mạnh, tư cách càng ngày càng khó, trách nhiệm càng ngày càng to, thế mà người mình xem như trò chơi, làm những việc đểu, lại nhiều kẻ còn muốn ôm chặt cái tục thói cổ xưa, đứng vào giữ triều lưu thế giới nghiêng trời đổ đất này mà mong được sinh tồn, thật là một điều mơ mộng đáng thương vậy” [139; 211].
Từ những nhận định về “dân” như trên mà Huỳnh Thúc Kháng có sự quan tâm và đề cập đến vấn đề dân chủ với tư cách là quyền của người dân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một trong những nội dung cơ bản của dân chủ là quyền tự do ngôn luận của người dân được ông đấu tranh trong suốt thời gian làm Viện trưởng dân biểu Trung Kỳ và làm chủ bút tờ báo Tiếng Dân, với một tính cách thẳng thắn và khí khái nhận định “xét về phương diện pháp luật thì ở nước ta, vô luận là hạng ngôn luận nào, đều là chẳng có một chút tự do gì cả.” [139; 278]. Đồng thời ông cũng phê phán, chỉ rõ “cái tiếng tự do ngôn luận ở xã hội hiện thời, chỉ là một tiếng trống không, vô luận là hạng người nào, cũng đều không được tự do ngôn luận.
Ngôn luận của người bản xứ, trừ một số “xu thời mưu lợi”, bị con ma kim tiền và thế lực nó ám ảnh mà phải bỏ cái nhân cách mình mà mạo cái nhân cách khác, viết mà không phải ý của mình, nói mà không phải lời của mình, thực không có chút gì gọi là tự do, còn những nhà không vì danh, không vì lợi, lòng son máu nóng, chan chứa vì nòi giống non sông, nhưng lại bị cái lưới pháp luật bủa vây, muốn nói mà không được nói, tư tưởng không thể bày tỏ tự do, điều ấy cũng không phải nói nữa.
Đến những hạng ngôn luận mà bề ngoài phần nhiều người vẫn cho là tự do, nếu xét nội dung và ẩn tình thì thực chẳng có chút gì tự do cả”. Để rồi lời cảm thán như tiếng thở dài của ông có lẽ không chỉ ở riêng cá nhân mà dành cho tất cả mọi người dân An Nam trong cảnh áp bức này “ôi ! ngôn luận tự do ! đến bao giờ ngôn luận tự do mới thực là xuất hiện” [139; 279].