1.2. QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP VỀ ĐỊA VẬT
1.2.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đặc điểm địa hình, địa mạo
Từ những năm 1934, người Pháp đã tiến hành đo đạc và vẽ bản đồ địa hình một số khu vực đáy Biển Đông, song tài liệu lúc đó rất sơ lược và thiếu chính xác. Năm 1962 Viện Hải dương học Trung Quốc cũng tiến hành vẽ bản đồ địa hình đáy biển Nam Trung Hoa, trong đó có vùng thềm lục địa Việt Nam. Có thể nói đây là những bản đồ địa hình đáy biển đầu tiên được vẽ theo số liệu đo đạc và có ý nghĩa tham khảo cho việc mở các luồng lạch đi lại trên biển cũng như các công trình nghiên cứu về sau.
Năm 1962, bản đồ biển Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 xuất bản và vào năm 1980, 1981 được biên vẽ lại trên cơ sở những số liệu đo đạc. Một số tờ bản đồ địa hình đáy biển ở vùng ven bờ tỉ lệ 1:100.000, 1:200.000 cũng đã được thành lập (các tờ bản đồ từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy tỷ lệ 1:100.000 tại vĩ tuyến 160, từ cửa Ba Lạt đến cửa Hội An tỷ lệ 1:200.000, từ mũi Kê Gà đến mũi Kỳ Vân tỷ lệ 1:100.000...). Trong những năm 1980 - 1989, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam đã vẽ Hải đồ vùng Biển Đông ở các tỷ lệ 1:400.000 và 1:500.000. Trong những năm 1980 - 1994 các tàu khảo sát của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô như: Volcanalog, Nexmeianov, Gagarinxki đã khảo sát các khu vực khác nhau cuả thềm lục địa Việt Nam, đo sâu hồi âm hàng loạt tuyến, góp phần làm sáng tỏ địa hình đáy biển.
Năm 1985, trong chương trình nghiên cứu biển 48 - 06, bản đồ đẳng sâu thềm lục địa Việt Nam đã được xây dựng ở tỷ lệ 1:1.000.000 (Hồ Đắc Hoài, 1985). Đây là bản đồ đầu tiên khái quát về địa hình vùng lãnh hải rộng lớn của đất nước ta.
Năm 1989 - 1990, Cục Đo đạc và Bản đồ đã thành lập bản đồ địa hình Việt Nam tỷ lệ 1: 1.000.000. Trong đó địa hình đáy biển được thành lập theo tài liệu bản đồ vùng biển phía Nam Việt Nam tỷ lệ 1:
2.000.000 do Xí nghiệp Bản đồ in năm 1989 và bản đồ Biển Đông tỷ lệ 1: 4.000.000 do Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước in năm 1986.
Đây là bản đồ địa hình chính thức được sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Các nghiên cứu địa mạo trên đất liền được quan tâm từ nhiều năm nay song việc triển khai nghiên cứu chúng với vùng biển thì chỉ mới bước đầu. Trong những năm thập kỷ 80, việc nghiên cứu địa mạo biển chỉ mới tập trung chủ yếu ở đới bờ. Các tác giả Lưu Tỳ(1985), Nguyễn Thế Tiệp (1990, 1995) đã quan tâm đến các kiểu bờ biển, hệ thống thềm biển và lịch sử phát triển địa hình đới bờ..., thành lập bản đồ địa mạo khái quát về hình thái và nguồn gốc địa hình đáy biển vịnh Bắc Bộ tỷ lệ 1: 2.000.000. Năm 1986, những nét đặc trưng nhất về đặc điểm địa mạo thềm lục địa Đông Dương và các vùng kế cận đã được phác hoạ (Lưu Tỳ, 1985).
Năm 1987 tập Atlas “ Địa chất - địa vật lý vùng biển Nam Trung Hoa ” gồm 13 bản đồ tỷ lệ 1: 2.000.000 do các nhà địa chất, địa vật lý Trung Quốc thành lập. Bản đồ đã phản ảnh những đặc điểm chung của địa hình đáy biển Nam Trung Hoa về mặt hình thái, ví dụ địa hình thềm lục địa, sườn lục địa và đồng bằng biển thẳm. Tác giả cũng đã dùng thuyết kiến tạo mảng để giải thích nguồn gốc địa hình đáy biển. Trong tập Atlas này, bản đồ địa mạo được thể hiện sơ lược dưới dạng địa hình lập thể. Xue Wanjun (1987) cũng khái quát đặc điểm địa hình Biển Đông ở tỷ lệ 1: 1.000.000. Nhìn chung, những công trình này mang tính chất khái quát, phần nào cũng nêu được những nét đặc trưng cơ bản của địa hình đáy biển.
Trong chương trình nghiên cứu biển giai đoạn 1991 - 1995, bản đồ địa mạo thềm lục địa Việt Nam tỷ lệ 1: 1.000.000 được thành lập.
Trên bản đồ Nguyễn Thế Tiệp và các tác giả khác đã phân chia ra 20 kiểu địa hình ở thềm lục địa, 8 kiểu sườn lục địa, 2 kiểu chân lục địa và trũng sâu Biển Đông. Bản đồ địa mạo được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc- hình thái đã phản ánh một bức tranh tương đối đầy đủ về các kiểu hình thái và kiến trúc của đáy biển diễn giải cơ chế thành
tạo cũng như thời gian thành tạo của chúng (Bùi Công Quế, 1995).
Trong đề tài KHCN-06-12, các tác giả đã chỉnh lý bổ sung phân chia thành 30 kiểu địa hình trên bản đồ địa mạo Biển Đông Việt Nam tỷ lệ 1: 1.000.000 (Bùi Công Quế, 2000).
Bản đồ địa mạo dải ven bờ châu thổ Sông Hồng tỷ lệ 1: 2.00.000 (Nguyễn Thế Tiệp, 1994) đã phân chia chi tiết các kiểu, dạng địa hình theo nguyên tắc hình thái động lực. Tác giả quan niệm ứng với mỗi một điều kiện động lực có một kiểu địa hình đặc trưng được hình thành. Đây là phương pháp phân loại địa hình lần đầu được áp dụng để vẽ bản đồ đáy biển ở Việt Nam.
Nhìn chung, các kiểu địa hình được phân chia đã gắn được với cấu trúc địa chất, phản ánh sự thể hiện của cấu trúc địa chất trên địa hình. Đặc điểm địa mạo bờ biển và đới ven bờ biển Việt Nam cũng đã được khái quát trong công trình của Trần Đức Thạnh (1997).
Từ những năm 1990 đến nay, trong nhiệm vụ điều tra địa chất và khoáng sản biển ở đớí ven bờ, các bản đồ địa mạo tỷ lệ 1: 500.000 đới ven bờ (0 ÷30m ) từ Móng Cái đến Hà Tiên đã được thành lập (Nguyễn Biểu và nnk, 1989, 1999). Những bản đồ này đã góp phần làm sáng tỏ đặc điểm địa hình, địa chất, tích tụ sa khoáng cũng như môi trường địa chất đới ven bờ.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Văn Tạc (1996), cũng đã phân tích các tác nhân chính tham gia vào việc tạo thành địa hình, phân chia các kiểu cấu trúc- hình thái địa hình và lập bản đồ địa mạo tỷ lệ 1: 1.000.000 thềm lục địa Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Trong đề tài KHCN-06-11, Đặng Văn Bát và các tác giả khác đã thành lập bản đồ địa mạo thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc nguồn gốc - hình thái - động lực nhằm phục vụ nghiên cứu địa chất công trình biển (Mai Thanh Tân, 2000).
Bên cạnh những công trình nghiên cứu về địa hình, địa mạo đáy biển, các công trình nghiên cứu về đảo ở thềm lục địa Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng góp phần làm sáng tỏ điều kiện hình thành Biển Đông cũng như phát huy tiềm năng kinh tế của lãnh hải nước ta. Saurin. E (1957) đã quan tâm đến nguồn gốc cuội trên đảo Hoàng Sa, Lê Đức An (1995) đã nghiên cứu hệ thống đảo ven bờ phục vụ quản lý tổng hợp vùng biển Việt Nam. Đỗ Tuyết và n.n.k (1976, 1978) đã ghi nhận về sự có mặt của các thềm biển ở đảo Bạch Long Vĩ và nghiên cứu một số nét về địa mạo của quần đảo Trường Sa. Nguyễn Thế Tiệp (1999) nghiên cứu đặc điểm địa mạo vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển kế cận đã phân chia ra 5
kiểu địa hình thềm lục địa, 11 kiểu địa hình sườn lục địa, 2 kiểu chân lục địa và 2 kiểu đáy biển sâu ở khu vực quần đảo này. Lại Huy Anh (1991) đã nghiên cứu khá chi tiết các đặc điểm hình thái địa hình đảo ven bờ như độ dốc, độ chia cắt ngang, mức độ chia cắt sâu với mục đích sử dụng hợp lý các đảo này.
Tóm lại, việc nghiên cứu địa hình địa mạo thềm lục địa Việt Nam đã cho những bức tranh khái quát về địa mạo của thềm lục địa, cung cấp những tài liệu quý giá phục vụ cho các chuyên đề nghiên cứu khác nhau. Trong chuyên khảo này chúng tôi sẽ hệ thống hoá các kết quả đạt được và trình bày trong chương II.