ĐẶC ĐIỂM CÁC TRƯỜNG ĐỊA VẬT LÝ VÀ CẤU TRÚC SÂU VỎ TRÁI ĐẤT
3.7. ĐẶC ĐIỂM CÁC RANH GIỚI CƠ BẢN TRONG VỎ TRÁI ĐẤT
3.7.1. Địa hình bề mặt Moho
Nét khái quát địa hình bề mặt Moho trên toàn Biển Đông là khá phân dị và nâng cao dần theo hướng đi từ các vùng rìa vào phần trung tâm. Hướng cấu trúc chủ đạo của bề mặt Moho là Đông Bắc- Tây Nam. Địa hình mặt Moho ở trạng thái chung là đối nghịch với địa hình đáy biển (hình 3.10).
Ở các vùng đáy biển của Việt Nam, Trung Quốc, Inđônêxia mặt Moho có độ sâu trung bình là 30km. Trong phạm vi các vùng thềm lục địa, địa hình mặt Moho biến đổi bình ổn, thay đổi độ sâu thế nằm từ 25 đến 30 km. Trên thềm lục địa Việt Nam ở khu vực vịnh Bắc Bộ mặt Moho tạo nên một dải nâng với 30 km độ sâu ở vùng rìa và 27 km độ sâu ở vùng trung tâm với hướng cấu trúc Tây Bắc- Đông Nam. Ở vịnh Thái Lan địa hình mặt Moho cũng có bức tranh cấu trúc và giá trị độ sâu tương tự. Trên thềm lục địa Đông Nam mặt Moho có địa hình phức tạp và phân dị hơn cả với độ sâu thế nằm biến đổi từ 25 đến 30 km. Bên dưới bồn trũng Cửu Long mặt Moho nâng lên, đạt độ sâu 28 km, bên dưới bồn trũng Nam Côn Sơn độ sâu mặt Moho 25-26 km, trong khi đó bên dưới dải nâng Côn Sơn mặt này võng xuống và có độ sâu 28-29 km. Cấu trúc mặt
Moho ở vùng này đều có hướng Đông Bắc rõ nét. Dọc theo thềm lục địa miền Trung mặt Moho giảm độ sâu từ 30 km dọc đường bờ biển đến 22 - 23 km, ở phía ngoài đứt gãy 1090E chỉ trên khoảng cách 25-30 km tạo nên một bờ vách dựng đứng của mặt Moho đổ về phía lục địa Kon Tum, đối nghịch với đường vách bờ biển dựng đứng đổ ra phía biển. Đặc điểm cấu trúc tuyến tính của mặt Moho ở đây thể hiện rõ nhất với hướng kinh tuyến bị khống chế bởi hệ đứt gãy sâu kinh tuyến 1090E.
Hình 3.10. Sơ đồ các đường đẳng sâu mặt Moho vùng Biển Đông và kế cận
Trên thềm lục địa phía Bắc và Tây Bắc các đảo Kalimantan và Palawan địa hình bề mặt Moho biến đổi mạnh về độ sâu trong giới hạn 20-25 km tạo nên một vách đứng chạy song song đường bờ biển. Song song với bờ biển đảo Kalimantan là một dải nâng hẹp của dải Moho với độ sâu trung bình 17-18 km. Tương ứng với dải nâng này ở phía trên là một rãnh sâu của địa hình đáy biển.
Thềm lục địa phía Tây bờ biển Philippin đặc trưng bằng cấu trúc nâng nghiêng hẹp và kéo dài của mặt Moho về phía trung tâm Biển Đông với độ sâu trung bình 18-20 km. Đặc điểm cấu trúc tuyến tính hướng kinh tuyến và khá đơn giản này được tạo nên bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ đứt gãy sâu hướng kinh tuyến ven biển phía Tây Philippin. Đứt gẫy này có độ cắm sâu hàng trăm km và hoạt động kiến tạo tích cực với biểu hiện địa chấn rất mạnh mẽ.
Vùng trung tâm của Biển Đông có địa hình mặt Moho với cấu trúc đơn giản và nâng lên cao nhất. Vùng này có phạm vi lớn với bề rộng hàng trăm km kéo gần hết chiều dài của Biển Đông theo hướng Đông Bắc - Tây Nam ứng với vùng đáy Biển Đông có độ sâu trung bình 4000m. Độ sâu thế nằm của mặt Moho trong vùng trung tâm biến đổi từ 10 đến 15 km tạo nên những khu vực nâng và sụt tương đối có hình dạng khối hoặc hơi kéo dài theo hướng Bắc - Đông Bắc.
Nổi bật ở đây là một dải nâng hẹp hướng Đông Bắc với độ sâu 10-12km nằm ở phía Tây Bắc của quần đảo Trường Sa. Phía Đông và Đông Bắc mặt Moho lại chìm dần về phía dưới quần đảo Philippin. Toàn bộ vùng trung tâm của bề mặt Moho bị khống chế và chia cắt bởi các hệ đứt gãy sâu lớn hướng Đông Bắc và kinh tuyến.
Ở phía ngoài các hệ đứt gãy sâu nói trên là những vùng chuyển tiếp giữa các vùng thềm lục địa và vùng trung tâm Biển Đông. Tại các vùng này mặt Moho có cấu trúc phức tạp với mức độ chia cắt mạnh, hướng cấu trúc biểu hiện rất khác nhau, độ sâu mặt Moho thay đổi từ 25km đến 15km.
Tại vùng quần đảo Trường Sa mặt Moho võng xuống có địa hình chia cắt và biến đổi mạnh, tạo nên những khối nâng tương đối với các độ sâu tương ứng là 20-22km, hướng cấu trúc nổi bật là Đông Bắc. Tại vùng quần đảo Hoàng Sa và đảo ngầm Macclesfield bề mặt Moho có địa hình oằn võng hướng vĩ tuyến và Đông Bắc với độ sâu 22 - 25 km. Ở những khu vực còn lại như vùng phía Đông Bắc của thềm lục địa miền Trung mặt Moho nâng lên với độ sâu thế nằm 17 - 20 km, ở vùng biển phía Bắc bờ biển đảo Palawan mặt Moho bị các đứt gãy sâu hướng Đông Bắc và vĩ tuyến chia cắt
tạo nên những khối nâng có độ sâu 18-20 km.