Tác nhân động lực nội sinh xảy ra ở phần trên của Manti trong vỏ Trái đất, tạo nên những kiến trúc hình thái lớn, định hướng cho phát triển chung của địa hình thềm lục địa. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng Biển Đông được hình thành theo cơ chế tách giãn vỏ lục địa đã được kết cứng trước Creta. Quá trình tách giãn theo kiểu Rift bắt đầu khoảng Oligocen (45 triệu năm về trước) và có thể kết thúc khoảng Miocen (12 triệu năm về trước).
Nhìn chung, Biển Đông mang tính chất biển rìa. Trên suốt dải kéo dài bao quanh lục địa, xuất hiện các kiểu địa hình tàn dư có nguồn gốc từ lục địa. Toàn bộ thềm lục địa được hình thành trên cấu trúc vỏ granit với bề dày 10 - 15 km (Bùi Công Quế, 1995). Quá trình vận động tân kiến tạo đã làm cho móng granit phân dị, các phần móng nhô cao thường thành tạo các khối hoặc dãy núi ngầm (như khối nâng Côn Sơn). Ngược lại các phần móng sụt lún tạo ra các bồn trũng tích tụ như các bồn trũng Hà Nội, Cửu Long, Nam Côn Sơn... Với tính chất không đối xứng, thềm lục địa mở rộng ở phía Bắc và phía Nam, còn ở miền Trung lại thu hẹp lại. Những nơi
diện tích thềm lục địa rộng lớn như vịnh Bắc Bộ, tây Nam Bộ thường xuất hiện các kiểu bồn trũng tích tụ lấp đầy, bề dày trầm tích Kainozoi khá lớn (có khi đạt tới trên 10km) ở các móng sâu.
Theo kết quả chuyến khảo sát PONAGA thì đứt gãy Sông Hồng khi kéo ra vịnh Bắc Bộ lại ngoặt về phía nam. Kết quả là vịnh Bắc Bộ bị chia đôi thành bồn trũng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bồn trũng Bắc Trung Bộ gần như nối liền với bồn trũng Quy Nhơn. Bản thân Biển Đông cũng gồm hai bồn trũng lớn định hướng theo phương Đông Bắc - Tây Nam và chúng được tách biệt bởi gờ ngầm Tri Tôn.
Về phía bắc, bồn trũng Hoàng Sa có độ sâu không quá 1.5 km, trong khi đó bồn Nha Trang là rìa của bồn trũng trung tâm Biển Đông lại mang đặc tính đại dương, có chiều sâu vượt quá 2,5 km.
Quá trình tách giãn kiểu Rift theo trục Đông Bắc - Tây Nam của Biển Đông không những liên quan đến chuyển động trượt ngang dọc theo đứt gãy Sông Hồng mà còn liên quan với chuyển động của các mảng bao quanh như mảng Philipin ở phía Đông, mảng Oxtraylia ở phía Nam. Quá trình tách giãn đó khống chế sự hình thành các cấu trúc khác nhau trong phạm vi Biển Đông.
Các gờ ngầm của thềm lục địa có nguồn gốc khác nhau, có loại dạng địa luỹ như gờ Côn Sơn, có loại là các khớp nối giữa các bồn trũng do chuyển động nâng lên như khối nhô Bạch Long Vĩ, khớp nối giữa bồn trũng Sông Hồng và bồn trũng Lôi Châu, có loại liên quan đến vòm dung nham núi lửa như đảo Phú Quý, Hòn Tro.
Địa hình đáy biển thềm lục địa Miền Trung hẹp, được khống chế bởi hệ thống đứt gãy theo phương kinh tuyến. Quá trình hoạt động của hệ thống đứt gãy này làm cho móng của thềm lục địa trượt theo khối, nhờ vậy địa hình đáy biển có dạng bậc thang chuyển tiếp dần về phía sườn lục địa, đây là một kiểu sườn kiến tạo điển hình.
2.1.2. Tác nhân động lực ngoại sinh
• Sóng gió và sóng lừng là những tác nhân chính trong quá trình hình thành địa hình đới ven bờ. Chế độ sóng phụ thuộc rất chặt chẽ vào chế độ gió. Vào mùa đông chủ yếu là gió mùa Đông Bắc nên hướng sóng Đông Bắc chiếm ưu thế. Vào mùa hè, chủ yếu là gió mùa Tây Nam, hướng sóng Tây Nam chiếm ưu thế. Tuy vậy ở các miền khác nhau, đặc điểm của sóng cũng khác nhau. Từ Hải Phòng đến Nga Sơn ở ngoài khơi vào mùa hè, hướng sóng chủ yếu là Nam, Tây Nam và Đông với tần suất 40 - 75%, sóng hướng Nam 37%. Ở vùng ven bờ, sóng lại có hướng chính là Đông Nam. Độ cao sóng
lớn nhất ở ngoài khơi vùng này là 7 - 8m, ven bờ là 5 - 6m.
Ở vùng Hải Phòng - Móng Cái, trong mùa hè hướng sóng chủ đạo ngoài khơi là hướng Nam với tần suất 37 - 60%, độ cao của sóng 0,8 - 1,2m. Tại ven bờ sóng có hướng chủ đạo Đông Nam và Nam với tần suất 22 - 27%, chiều cao 0,7 - 1,1m. Khi có bão, độ cao của sóng đạt tới 5 - 6m. Trong mùa đông sóng có hướng chủ yếu là Bắc, Đông Bắc, ở ngoài khơi có tần suất từ 51 - 71%, ở ven bờ là 13 - 34%. Hướng của sóng cũng bị chi phối bởi địa hình ven bờ. Ở vùng cửa sông Bạch Đằng do ảnh hưởng của địa hình và hướng bờ mà hướng của sóng chủ yếu là Nam và Đông Nam. Ở bờ đông và tây Cà Mau, sóng biển không mạnh bằng nơi khác. Thời kỳ gió mùa Đông Bắc độ cao của sóng có thể tới 4 - 4,5m, còn gió mùa Tây Nam là 3,5 - 4,0m.
Hoạt động thuỷ triều ở thềm lục địa Việt Nam cũng không đồng nhất. Ở bắc Quảng Bình đến Thuận An có chế độ nhật triều không đều. Ở bắc Quảng Bình độ cao vào ngày nước cường từ 1,5 - 2m, nam Quảng Bình đến Thuận An là 0,6 - 1,1m. Trong khi đó ở cửa Thuận An và các vùng lân cận lại có chế độ bán nhật triều đều với độ cao thuỷ triều chỉ đạt 0,4 - 0,5m vào kỳ nước cường.
Khu vực Hải Phòng, Nga Sơn có chế độ nhật triều đều với biên độ dao động lớn. Theo tài liệu của trạm hải văn Hòn Dấu, biên độ dao động của mực nước triều lớn nhất có thể đạt 4,25m (10/1985) và thấp nhất là 0,27m(12/1964). Khu vực Hải Phòng, Móng Cái chế độ nhật triều tương đối đồng nhất đạt 3 - 4m vào thời kỳ nước cường và lớn dần từ Nam lên Bắc. Biên độ triều ở Hải Phòng đạt 1,98m, ở Hòn Gai là 2,06m. Ở khu vực Hội An, Dung Quất, Cà Ná, Kê Gà, chế độ nhật triều không đều. Hàng tháng có tới 18 - 22 ngày nhật triều, độ lớn của thuỷ triều trong thời kỳ nước cường đạt 1,5 - 2m. Ở khu vực mũi Cà Mau, phía đông có chế độ bán nhật triều không đều, với biên độ đến 4,0m. Trong khi đó ở phía tây, biên độ chỉ khoảng 1,5m vào thời kỳ nước cường. Những ví dụ trên cho thấy thuỷ triều ở đới ven bờ rất phức tạp và ảnh hưởng tới sự di chuyển bồi tích, tác động mài mòn bờ và đáy biển.
• Dòng chảy cũng là một tác nhân thành tạo địa hình quan trọng của đới thềm trong. Ở phía tây vịnh Bắc Bộ, dòng chảy có hướng từ bắc xuống nam, tốc độ dòng chảy lớn vào mùa hè và đạt cực đại 35cm/s, bồi tích do các sông từ đồng bằng Bắc Bộ đưa ra chủ yếu di chuyển về phía Nam. Ở khu vực Hội An, Dung Quất dòng chảy hướng nam, gần song song với đường bờ, riêng vùng biển Trà Vinh, Vũng
Tàu, mùa hè dòng chảy có hướng Đông Bắc.
Ở khu vực vịnh Thái Lan, tốc độ dòng chảy tương đối mạnh khoảng 15 - 20 cm/s và hướng Nam chiếm ưu thế. Phía Tây bán đảo Cà Mau, tốc độ dòng chảy gần đáy khoảng 15 - 20 cm/s và có hướng Nam chiếm ưu thế. Còn ở phía Đông tốc độ dòng chảy gần đáy trung bình khoảng 10 - 15 cm/s. Các dòng chảy này đã góp phần rất tích cực vào việc san bằng địa hình đáy.
Ở các đới thềm giữa và thềm ngoài, các dòng chảy có tác dụng di chuyển và phân phối lại vật liệu. Mùa đông có một dòng chảy khá mạnh từ Tây Bắc xuống phía Nam, dọc đảo Hải Nam và ép sát bờ biển Việt Nam đến mũi Cà Mau. Phần lớn dòng chảy này chảy về hướng Đông, rồi vòng lên hướng Đông Bắc, tạo thành dòng xoáy thuận lớn bao trùm hết phần phía tây Biển Đông. Tới mũi Cà Mau một phần dòng chảy từ phía Bắc xuống toả rộng trên thềm lục địa. Một phần nhỏ của dòng chảy vào Vịnh Thái Lan chuyển động dọc bờ Bắc của Vịnh và ngoặt ra dọc bờ Nam, tạo thành một xoáy thuận.
Trong mùa hè, ở thềm lục địa Việt Nam có hai xoáy thuận riêng biệt, một xoáy áp sát vào bờ biển Phú Yên - Khánh Hoà - Thuận Hải - Ninh Thuận - Bình Thuận và một xoáy nằm trên thềm lục địa phía Nam. Những dòng hải lưu này ở ven bờ biển miền Bắc và miền Trung có hướng chủ đạo từ Bắc xuống Nam, kéo dài theo bờ biển và áp sát vào bờ.
• Các hệ thống sông chính ở trên lục địa là nhân tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển địa hình đới thềm trong. Các con sông này là nguồn cung cấp vật liệu lớn cho thềm lục địa. Hệ thống sông Thái Bình hàng năm chuyển tải lượng bùn cát khoảng 44 triệu tấn. Sông Cấm và sông Bạch Đằng đưa ra biển khoảng 15 - 16 triệu tấn. Đây là lượng vật liệu chính làm bồi lấp các luồng tàu vào cảng Hải Phòng. Đến mùa cạn, do nước chảy về ít và yếu, phù sa lắng đọng tạm thời thành lớp bùn mỏng ở đáy. Khi gặp gió và thuỷ triều chúng bị khuấy lên và trở thành nguồn vật liệu chính được dòng triều đưa vào làm bồi lấp các cửa sông.
Hàng năm sông Cửu Long mang ra biển khoảng trên 80 triệu tấn bùn cát, tạo ra phần châu thổ ngập nước ngay trước cửa sông và phần hạt mịn được dòng chảy đưa về phía Tây Nam để bồi đắp cho khu vực mũi Cà Mau.
Các con sông ở miền Trung đều ngắn, lưu vực không lớn song độ dốc lớn, tạo điều kiện vận chuyển lượng vật liệu lớn trong mùa mưa lũ.
Sông Hương có độ dốc trung bình là 28005’, sông Gianh là 19002’, sông Thu Bồn hàng năm mang ra biển khoảng 2 triệu tấn vật liệu.
• Ngoài những nhân tố ngoại sinh nêu trên, cần phải tính đến dao động mức nước biển trong thời gian gần đây và hiện nay. Theo kết quả tính toán cho thấy ở ven bờ biển Việt Nam mực nước biển đang có xu hướng tăng lên với tốc độ từ 1 - 2 mm/năm. Số đo của 229 trạm trên thế giới cho thấy trong vòng 2 thế kỷ trở lại dây, mực nước dâng trung bình khoảng 1 - 1,5 mm/năm. Chuỗi số liệu dài nhất (1807 - 1981) ở trạm Brest (Pháp) cho kết quả trung bình tăng 0,8 mm/năm. ở Philipin tăng 1,3 mm/năm (1902 - 1965), ở Đài Loan tăng 2,2 mm/năm (1904 - 1943). Tại trạm Hòn Dấu mực nước dâng 2,24 mm/năm (1957 - 1990).
Sự gia tăng của mực nước biển làm cho độ dốc địa hình ở đáy biển tăng lên hoặc làm cho đường bờ di chuyển vào phía lục địa. Kết quả làm thay đổi mực cơ sở xâm thực và dẫn đến hiện tượng xói lở mạnh ở đới thềm trong. Hậu quả của mực nước biển tăng lên là làm ngập một số vùng địa hình thấp ven biển, tạo nên hệ sinh thái ngập mặn...
• Một tác động ngoại sinh rất quan trọng khác là tác động của con người dẫn đến sự thay đổi lượng bồi tích đưa ra biển, làm tăng thêm cường độ, mức độ xói lở bờ biển hoặc đẩy nhanh thêm quá trình tích tụ.
Ví dụ như đắp đập Đình Vũ làm tăng quá trình bồi lấp luồng lạch; đổ vật liệu thải than xuống biển ở Quảng Ninh làm nông dần đáy vịnh Hạ Long. Ở một số vùng như Cà Mau, Bạc Liêu, sự phá huỷ vùng ngập mặn đã làm cho bờ biển bị xói lở mạnh.
Sự kết hợp tương tác lẫn nhau giữa các tác nhân nội sinh và ngoại sinh đã tạo nên hình thái địa hình thềm lục địa Việt Nam trở nên đa dạng và phức tạp.