Đứt gãy trên thềm lục địa Việt Nam

Một phần của tài liệu biển đông. t.3, địa chất - địa vật lý biển (Trang 146 - 149)

ĐẶC ĐIỂM CÁC TRƯỜNG ĐỊA VẬT LÝ VÀ CẤU TRÚC SÂU VỎ TRÁI ĐẤT

3.8. ĐẶC ĐIỂM CÁC HỆ THỐNG ĐỨT GÃY TRONG VỎ TRÁI ĐẤT

3.8.1. Đứt gãy trên thềm lục địa Việt Nam

Trên sơ đồ đứt gãy thềm lục địa Việt Nam ở khu vực vịnh Bắc Bộ đã thể hiện rõ rệt hệ đứt gãy sâu Sông Hồng, Sông Chảy chạy gần song song với nhau và với đường bờ biển Thanh Nghệ Tĩnh và Quảng Bình đến tận ngoài khơi vùng Đà Nẵng thì nhập vào hệ đứt gãy sâu ven biển miền Trung (hay đứt gãy kinh độ 1090E). Hệ đứt gãy Sông Hồng, Sông Chảy là yếu tố cấu trúc chủ yếu khống chế sườn phía Tây Nam của bồn trầm tích lớn vịnh Bắc Bộ. Bên sườn phía Đông Bắc là đường đứt gãy sâu cũng phát triển từ vùng trũng Hà Nội, có lẽ là đứt gãy Vĩnh Ninh kéo dài tới khi gặp hệ đứt gãy sâu hướng kinh tuyến đã nêu trên đây. Hệ đứt gãy Sông Hồng, Sông Chảy cắm về phía trục của bồn trũng và đứt gãy sâu Vĩnh Ninh ở sườn bên Đông Bắc thì cắm ngược lại, đây là những yếu tố chủ yếu gây nên sự sụt lún sâu và trầm tích dày của bồn trũng vịnh Bắc Bộ. Dọc theo bồn trũng còn có những đường đứt gãy hướng Tây Bắc - Đông Nam khác nữa chạy gần song song với các đứt gãy đã nêu.

Ở phía Bắc - Tây Bắc của vịnh Bắc Bộ lại có bức tranh đứt gãy khác hẳn. Các đứt gãy rẽ theo hướng vĩ tuyến và Đông Bắc. Có ít nhất ba đường đứt gãy song song với nhau chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam từ phía Bắc vịnh Bắc Bộ cắt qua các hệ đứt gãy Sông Hồng, Sông Chảy và Vĩnh Ninh. Ngoài những hệ Tây Bắc - Đông Nam và Đông Bắc - Tây Nam như ở phần Trung tâm cũng như phần Tây Nam vịnh Bắc Bộ ta còn thấy những đứt gãy khu vực có phương kinh tuyến khá rõ và có độ dài đáng kể. Theo kết quả đánh giá định lượng thì hệ đứt gãy Sông Hồng - Sông Chảy cắm sâu 30 - 35km. Hệ đứt gãy hướng Đông Bắc thể hiện yếu hơn và cắm sâu 10 - 12km, tức là tới lớp bazan.

Trên vùng thềm lục địa miền Trung hệ đứt gãy sâu hướng kinh tuyến thể hiện bằng 3 đường gần song song nhau chạy từ phía Nam đảo Hải Nam kéo dài theo kinh tuyến 109030’E xuống đến tận vùng ven biển Inđônêxia. Hệ này gồm nhiều đường đứt gãy sụt dần theo dạng bậc thang về phía Biển Đông, nhưng ở khu vực ven biển miền Trung thì mặt đứt gãy lại cắm về phía lục địa, tức là xuống dưới địa khối Kon Tum. Độ sâu của hệ đứt gãy rất lớn. Xác định theo cả 2

nguồn số liệu trọng lực và địa chấn đều cho thấy độ sâu 70 - 80 km và có thể còn lớn hơn.

Ở phần phía Bắc của thềm lục địa miền Trung có một hệ đứt gãy hướng Đông Bắc chạy thẳng vào đến phần đất liền, cắt qua hệ đứt gãy sâu hướng kinh tuyến đã nêu, tạo nên những dạng cấu trúc khối của vỏ Trái đất. Hệ Đông Bắc này gồm các đứt gãy sâu và khu vực chạy gần song song và có độ sâu khá lớn, chúng phát triển với chiều dài hàng nghìn km bắt đầu từ vùng thềm lục địa Trung Quốc phía Đông đảo Hải Nam.

Ở phía Tây của hệ đứt gãy sâu 1090E ta thấy biểu hiện của một số đứt gãy hướng Đông Nam, nhóm này gồm một số đứt gãy chạy song song nhưng cách xa nhau và có một vài đứt gãy cắt qua hệ kinh tuyến 1090E chạy thẳng vào tới đường bờ ở khu vực Nha Trang và Cam Ranh.

Trên thềm lục địa Đông Nam thể hiện nổi bật hệ đứt gãy sâu hướng Đông Bắc. Hệ này có chiều dài từ hàng trăm đến gần 1.000km gồm đứt gãy song song và sát đường bờ biển từ Phan Rang tới mũi Cà Mau, phía sườn Tây Bắc của dải nâng Côn Sơn là một đứt gãy khác chạy suốt qua khu vực quần đảo Côn Sơn. Hai đứt gãy này khống chế bồn trũng Cửu Long. Một đứt gãy khác chạy theo sườn phía Đông Nam của dải nâng Côn Sơn và khống chế bồn trũng Nam Côn Sơn về phía Tây Bắc. Các đứt gãy này có độ cắm sâu tới 40km và biên độ dịch chuyển tới 3 - 4 km và lớn hơn nữa. Hệ đứt gãy hướng kinh tuyến phát triển chủ yếu ở hướng đông của bồn trũng Nam Côn Sơn, chạy song song và sát với hệ đứt gãy sâu 1090E. Nhóm khác cũng có hướng kinh tuyến phát triển ở phần Tây Nam của bồn trũng. Ngoài ra, còn nhóm các đứt gãy hướng Tây Bắc - Đông Nam cắt qua bồn trũng Cửu Long và dải nâng Côn Sơn, nhìn chung nhóm này có độ sâu không lớn và chiều dài hạn chế. Sự đan chéo của 3 hệ đứt gãy sâu và khu vực trên thềm lục địa Đông Nam tạo nên khung cảnh chia cắt khối rất rõ của bức tranh cấu trúc vỏ Trái đất của vùng này.

- Trên thềm lục địa vịnh Thái Lan thể hiện rõ 2 hệ đứt gãy chính.

Hệ đứt gãy sâu hướng Đông Bắc - Tây Nam chạy theo đường trục của bồn trũng vịnh Thái Lan - Mã Lai và song song với đường sườn của dải nâng Natuna hướng Tây Bắc - Đông Nam. Các đứt gãy này cắm sâu 30 - 35km và đổ về phía trục của bồn trũng, có biên độ dịch chuyển không lớn nhưng chiều dài tới hàng nghìn km. Hệ đứt gãy hướng kinh tuyến gồm hàng loạt đứt gãy khu vực, phát triển chủ yếu

Hình 3.11. Sơ đồ phân bố hệ thống đứt gãy thềm lục địa Việt Nam

ở phần Tây Bắc của vịnh Thái Lan, cắt qua dải nâng Natuna và cắt qua cả phần trung tâm của bồn trũng. Ở phần Tây Bắc của vịnh Thái Lan hệ đứt gãy này đã làm thay đổi hướng cấu trúc của bồn trũng, quay dần sang hướng kinh tuyến và kéo về phía Bắc.

Sơ đồ phân bố hệ thống đứt gãy thềm lục địa Việt Nam được minh họa trên hình 3.11.

Trên cơ sở sơ đồ hệ thống đứt gãy biển Việt Nam, có thể rút ra những nhận định chủ yếu như sau:

- Thềm lục địa Việt Nam có cấu trúc đứt gãy phức tạp với những đứt gãy sâu và khu vực phát triển theo nhiều hướng đan chéo và cắt nhau tạo nên cấu trúc khối tảng đa dạng.

- Dọc theo đường ven biển là các hệ đứt gãy sâu nối tiếp từ phía vịnh Bắc Bộ cho đến tận Hà Tiên tạo nên một ranh giới phân cắt và khống chế mạnh mẽ giữa 2 miền cấu trúc khác nhau là đất liền và thềm lục địa.

- Hệ đứt gãy ven biển miền Trung là hệ đứt gãy sâu phát triển trên quy mô lớn cả về chiều dài, bề rộng cũng như chiều sâu. Hệ này tạo nên một chế độ địa động lực mạnh mẽ và ảnh hưởng tích cực trên cả vùng đất liền và thềm lục địa Việt Nam.

- Thềm lục địa Việt Nam có thể chia ra ít nhất 7 vùng có bức tranh cấu trúc đứt gãy khác nhau. Đó là vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng Tây Nam vịnh Bắc Bộ, vùng phía Bắc thềm lục địa miền Trung, thềm lục địa Trung Bộ, bồn trũng Cửu Long và ven biển kế cận, bồn trũng Nam Côn Sơn và dải nâng Côn Sơn, thềm lục địa Đông Bắc vịnh Thái Lan.

Một phần của tài liệu biển đông. t.3, địa chất - địa vật lý biển (Trang 146 - 149)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(542 trang)