ĐẶC ĐIỂM CÁC TRƯỜNG ĐỊA VẬT LÝ VÀ CẤU TRÚC SÂU VỎ TRÁI ĐẤT
3.6. BẢN CHẤT ĐỊA CHẤT CỦA CÁC BẤT THƯỜNG TRỌNG LỰC VÀ TỪ
3.6.3. Về trạng thái cân bằng đẳng tĩnh vỏ Trái đất
Để đánh giá trạng thái cân bằng đẳng tĩnh vỏ Trái đất Biển Đông trong điều kiện chỉ có các tài liệu trọng lực, đã áp dụng phương pháp tính bất thường đẳng tĩnh theo sơ đồ của Graff- Hunter và tính bề dày lớp bù trừ đẳng tĩnh (Bùi Công Quế, 1983, 1990). Vì chưa có đủ cơ sở xác định tính chất tối ưu của bán kính san bằng địa hình đáy biển, cho nên đã căn cứ vào đặc điểm biến đổi địa hình đáy Biển Đông tương đối ổn định qua các bước san bằng để sử dụng bất thường Fai như là bất thường đẳng tĩnh đối với các vùng trên đại dương.
Tổng hợp và đối sánh các loại tài liệu trên đây dưới dạng những
bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 cho toàn Biển Đông có thể thấy đặc điểm về trạng thái cân bằng đẳng tĩnh (hình 3.9).
Hình 3.9. Sơ đồ phân bố các bất thường đẳng tĩnh trọng lực vùng Biển Đông
Trên thềm lục địa Việt Nam, vùng vịnh Bắc Bộ có bức tranh trạng trái cân bằng khá phân dị. Đới trung tâm của vịnh Bắc Bộ và phần phía Bắc- Đông Bắc có mức độ bất cân bằng tương đối lớn. Trường bất thường đẳng tĩnh có dấu âm với trị số 20 ÷ 30 mgal, bề dày lớp bù trừ là 1.200 - 1.300m, chứng tỏ các hệ thống đứt gãy sâu đã tạo nên một cơ chế động và đưa các khối vỏ xê dịch đi khá lớn gây nên trạng thái bất cân bằng tương đối như trên thực tế.
Tại vùng thềm lục địa miền Trung, dọc theo hệ đứt gãy sâu kinh tuyến 1090E ta thấy ở về 2 phía có các bất thường đẳng tĩnh trái dấu (-) và (+) với các dạng khối và biên độ ±50, ±60 mgal kéo dài liên tục từ phía Nam đảo Hải Nam xuống hết phần thềm lục địa Đông Nam. Rõ ràng đây là một hệ đứt gãy sâu và hoạt động mạnh tạo nên sự chuyển dịch của các khối ở 2 phía làm xuất hiện những trạng thái bất cân bằng cục bộ như đã mô tả trên bản đồ các bất thường.
Bề dày lớp bù trừ tính được dọc đới này ở cả 2 phía là từ -500 đến +500, +800m trên từng khối cụ thể.
- Ở vùng thềm lục địa Đông Nam có thể thấy trạng thái cân bằng khá tốt, các bất thường đẳng tĩnh có biên độ nhỏ, sự phân dị yếu, bình ổn, các giá trị bất thường không lớn, bề dày lớp bù trừ 200 - 400m.
- Vùng vịnh Thái Lan cũng có sự phân dị trạng thái cân bằng. Phần Tây Bắc sát đới bờ biển Campuchia và Thái Lan bất thường đẳng tĩnh có biên độ -20, -5mgal. Ở vùng trung tâm và vùng Đông Nam bất thường lại yếu hơn và phân dị nhẹ.
Trên Biển Đông, dọc theo vùng trung tâm, các bất thường đẳng tĩnh không lớn và bình ổn với biên độ ± 50 mgl và đổi dấu nhẹ nhàng. Sự đổi dấu thường xảy ra qua các hệ đứt gãy chứng tỏ một trạng thái cân bằng chung khá tốt, song do các hệ đứt gãy đã làm xảy ra sự xê dịch và tạo nên trạng thái bất cân bằng cục bộ. Bề dày lớp bù trừ tính được không quá 500m.
Các vùng chuyển tiếp bao quanh vùng trung tâm có bức tranh bất thường đẳng tĩnh phức tạp và phân dị nhất. Ở phía thềm lục địa Trung Quốc các bất thường đẳng tĩnh có dấu âm, một số có biên độ ± 50mgl, bề dày lớp bù trừ lớn nhất là 1500m. Ở phần Đông Bắc có trạng thái bất cân bằng cao hơn với các bất thường ±70mgl và bề dày lớp bù trừ đạt 2.000m. Dọc theo đới đứt gãy sâu lớn hướng Đông Bắc, ở phía Nam và Đông Nam đảo Hải Nam có dấu bất
thường đẳng tĩnh lớn dài hàng trăm km, biên độ +80mgal.
Trên vùng quần đảo Hoàng Sa các bất thường đẳng tĩnh có dấu âm dương xen kẽ, dạng khối tảng biên độ trung bình ± 50mgal. Ở vùng đảo ngầm Macclesfield có các bất thường đẳng tĩnh dương +70, +80 mgal, rõ ràng quần đảo này mới nâng lên còn chưa được bù trừ hết.
Quần đảo Trường Sa có các bất thường đẳng tĩnh hướng Đông- Đông Bắc biên độ khá lớn -50, - 60 mgl, bề dày lớp bù trừ tính được đến 1200-1500m.
Dọc theo rãnh nước sâu phía Bắc đảo Kalimantan và Palawan là các bất thường đẳng tĩnh có dấu âm có biên độ – 60 mgal. Dọc đới này, do các đứt gãy khống chế và chi phối đã xuất hiện những chuyển động gây nên trạng thái bất cân bằng khá lớn.
Dọc theo đới đứt gãy sâu ven biển phía Tây Philippin các bất thường đẳng tĩnh lớn hơn cả, đạt ± 80 mgal, bề dày lớp bù trừ từ 1.500 – 2.000m.
Tóm lại, sự phân dị và chia cắt sâu vỏ Trái đất ở vùng biển Đông bắc qua các hệ đứt gãy sâu đã là nguyên nhân của những xê dịch cục bộ và khu vực làm phân dị và tạo nên những bất thường của trạng thái đẳng tĩnh. Đặc điểm chung là trung tâm Biển Đông nằm trong trạng thái tương đối cân bằng đẳng tĩnh, những bất thường đẳng tĩnh cục bộ và phân dị, có biên độ lớn, ở các vùng rìa. Rõ ràng các chuyển động đẳng tĩnh phổ biến xảy ra dọc các hệ đứt gãy sâu trên các vùng rìa và sườn lục địa trên Biển Đông với mức độ phân dị khá lớn. Ở đây, tồn tại cả hai dạng bù trừ non và bù trừ già trên các vùng của Biển Đông.