CHƯƠNG II: CÁC PHƯƠNG THỨC LẬP LUẬN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT
2.1. Sơ lược về truyện cổ tích
2.1.1. Phân biệt truyện cổ tích với các loại truyện cổ khác
Theo chúng tôi trước hết cần phân biệt truyện cổ tích với truyện ngụ ngôn.
Như ta đã biết truyện ngụ ngôn là một loại truyện đơn giản, có mục đích rõ rệt là kết cấu câu chuyện phải nói lên một ý nghĩa gì đó. Truyện ngụ ngôn thường rất ngắn, bằng văn vần hay văn xuôi, có một kết luận định sẵn; đó là một bài học luân lí hay một quan niệm về triết lí. Nếu trong truyện cổ tích, dung lượng phong phú của những câu chuyện kể không bắt buộc phải bỏ qua nhiều chi tiết, mà nhiều khi ngược lại, thì đối với ngụ ngôn, do yêu cầu làm sáng rõ cái ý nghĩa đã chuẩn bị sẵn trong truyện, lại cần phải tước bỏ bớt những chi tiết rườm rà. Phương pháp thuyết phục của ngụ ngôn là nói ngoa và nói phóng đại. Tuy nhiên, ẩn đằng sau những hình thức thuyết phục có vẻ vô lí, nội dung ý nghĩa của truyện ngụ ngôn thường lại hợp tình hợp lí. Nhiều truyện cổ tích có ý nghĩa ngụ ngôn nhưng cách xây dựng câu chuyện thì theo một thể tài khác hẳn.
Tiếp theo là cần phải phân biệt truyện cổ tích với truyện khôi hài và truyện tiếu lâm. Truyện khôi hài được sáng tác có kết thúc trọn vẹn, có bố cục chặt chẽ, trước sau ăn khớp nhau, có nhiều chi tiết, nhiều sự kiện rườm rà không khác gì thể tài cổ tích. Tuy nhiên mỗi tình tiết của truyện khôi hài đều có ý nghĩa gây cười hoặc mỉa mai bằng cười cợt. Truyện tiếu lâm cũng là loại truyện gây cười. Chỉ khác là sự châm biếm đả kích để gây cười ở tiếu lâm có phần trắng trợn hơn ở truyện khôi hài.
Và cũng như truyện khôi hài, tiếu lâm khác với nghệ thuật truyện cổ tích ở chỗ thường kết thúc giữa chừng. Nghĩa là câu chuyện bao giờ cũng dừng lại khi mục đích của nó đã đạt, hình tượng của truyện bao giờ cũng bó hẹp trong khuôn khổ và mục đích quy định.
Truyện cổ tích cũng có một số truyện chứa đựng tính chất vui tươi cười cợt đôi khi pha lẫn cả tục nữa, nhưng vẫn không có tác dụng gây cười như khôi hài và tiếu lâm, những truyện đó vẫn là truyện cổ tích vì trước sau chúng vẫn đầy đủ những đặc trưng của tuyện cổ tích.
Thứ ba, cần phải phân biệt truyện cổ tích với loại truyện mà chúng tôi tạm gọi là truyện thời sự. Loại truyện này khác với truyện cổ tích ở chỗ tác giả của nó ít dùng hoặc không dùng trí tưởng tượng. Nó là truyện có thật, xảy ra ở trong một nước hay một địa phương nhất định. Dưới hình thức một câu chuyện kể ngắn gọn, nó bộc lộ rõ rệt một thái độ, chủ quan tác giả hướng câu chuyện tới một kết luận nào đấy. Đó là truyện đời chứ không phải mô phỏng, nhại lại truyện đời. Nó cũng là lịch sử mà lại là lịch sử ít bị phóng đại hóa hay thần thánh hóa.
Ngoài ra còn có một loại truyện mà ranh giới của nó rất khó phân biệt với cổ tích đó là truyền thuyết. Nguyễn Đổng Chi cho rằng: “trên từng bước tiến triển của loại hình, nếu truyền thuyết – hiểu theo nghĩa rộng – đạt đến chỗ hoàn chỉnh thì tùy theo nội dung, nó có thể trở thành cổ tích hay thần thoại” [96, 46]. Do đó ông “xếp chung truyền thuyết với cổ tích và coi như là những truyện cổ tích. Bởi vì không những số lượng của chúng ít ỏi, mà về nội dung, những truyền thuyết này cũng đượm ít nhiều phong vị của cổ tích” [96, 46].
2.1.2. Đặc trưng thể loại cổ tích
Thật khó mà vạch ra một cách dứt khoát ranh giới của thể loại cổ tích; vì như ta đã biết, tất cả mọi loại hình tự sự dân gian đều được sáng tạo nên bằng cảm quan nghệ thuật của quần chúng, nên đều mang những kết cấu khá thống nhất, có những mô-tip khá ổn định. Mặc khác, chúng lại được sáng tác, chỉnh lí và truyền tụng bằng miệng nên cũng ảnh hưởng qua lại với nhau một cách mật thiết. Theo chúng tôi, loại hình cổ tích có ba đặc trưng cơ bản.
Thứ nhất, đó là tính chất cổ của sự việc. Truyện cổ tích được xác định trước tiên ở phong cách cổ của nó. Mỗi nhân vật, mỗi tình tiết, mỗi hình ảnh của cổ tích đều nhất thiết phải là một nhân vật, một tình tiết, một hình ảnh vốn có trong truyền thống nghệ thuật xa xưa của văn học dân gian, được nhân dân coi là quen thuộc, đã thấm sâu vào tiềm thức mọi người.
Để xác định tính cổ của truyện cổ tích cần căn cứ chủ yếu vào phương thức cấu tạo hình tượng, sự sắp xếp, xâu chuỗi cốt truyện và mô- típ, mà không nhất thiết căn cứ vào thời điểm lịch sử của câu chuyện.
Thứ hai, trong sự việc được kể đừng có yếu tố gì quá xa lạ với bản sắc dân tộc. Đặc điểm này giúp ta lí giải được tại sao khi một truyện cổ tích của dân tộc này truyền vào một dân tộc khác, thì phải chuyển hóa thành một truyện mới, hay ít nhất cũng phải mang những mô- típ mới, những màu sắc quen thuộc hoặc gần như quen thuộc với điều kiện sinh hoạt, với tâm hồn dân tộc mới.
Thứ ba, truyện cổ tích ít nhiều phải thể hiện tính tư tưởng và tính nghệ thuật.
Đặc trưng này giúp ta phân biệt truyện cổ tích với các loại truyện dân gian khác.
Truyện cổ tích là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh. Nó là một thể loại đã đạt đến cấp độ cao trong nghệ thuật tự sự truyền miệng, trước khi chuyển sang giai đoạn toàn thịnh của văn xuôi tự sự trong nền văn học viết.
2.1.3. Các loại truyện cổ tích
Có rất nhiều cách phân loại truyện cổ tích, và trong luận văn này chúng tôi chấp nhận cách phân loại của tác giả Nguyễn Đổng Chi, vì chúng tôi nhận thấy cách
phân loại này là một trong những cách phân loại truyện cổ tích được nhiều nhà nghiên cứu tán thành và vận dụng. Ông đã phân truyện cổ tích làm ba loại: truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế sự, tryện cổ tích lịch sử.
Trong luận văn này chúng tôi sử dụng cách đánh số thứ tự của từng truyện thay cho tên truyện. Và danh sách tên truyện cụ thể kèm với số thứ tự sẽ được trình bày ở phần phụ lục 1.
Sau đây là danh sách cụ thể:
* Truyện cổ tích thần kì: 41 truyện. Gồm các truyện: truyện số 15, số 23, số 27, số 28, số 30, số 35, số 39, số 45, số 65, số 71, số 115 số 119, số 121 số 124, số 126 số 133, số 135 số 139, số 154, số 155, số 157, số 165, số 166, số 168, số 175, số 182, số 184.
Đây là loại truyện tương đối có nhiều yếu tố giả tưởng, dùng lực siêu nhiên để thắt nút hoặc mở nút câu chuyện. Nói cách khác “truyện cổ tích thần kì giải quyết xung đột trong cõi thần kì, bằng cái thần kì” [86, 64].
* Truyện cổ tích thế sự: 128 truyện. Gồm các truyện: truyện số 1 số 14, số 16 số 22, số 24, số 32, số 33, số 36, số 38, số 40 số 43, số 46 số 61, số 66, số 68 số 70, số 74, số 76, số 77, số 78, số 80, số 82 số 94, số 104 số 110, số 112, số 113, số 114, số 125, số 140 số 146, số 148 số 153, số 156, số 159
số 164, số 167, số 169, số 170 số 173, số 176, số 178, số 179, số 180, số 181, số 183, số 185 số 201.
Trái với truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế sự không có hoặc có rất ít yếu tố giả tưởng. Đó là truyện “bịa” nhưng “gần đời và thiết thực” [96, 74], hoặc những truyền thuyết rất gần với sự thật. Đôi khi yếu tố giả tưởng cũng được dùng để mở nút hay kết thúc câu chuyện nhưng toàn bộ mạch truyện vẫn gần với logic đời sống. Nói khác đi “truyện cổ tích thế sự giải quyết xung đột trong cõi đời thực và bằng cái logic của đời sống xã hội” [86, 64]. Cái thần kì ở đây nếu có cũng chỉ là thứ yếu, giống như đường viền của truyện.
* Truyện cổ tích lịch sử: 32 truyện. Gồm các truyện: số 25, số 26, số 29, số 31, số 34, số 37, số 44, số 62, số 63, số 64, số 67, số 72, số 73, số 75, số 79, số 81, số 95 số 103, số 111, số 120, số 134, số 147, số 158, số 174, số 177.
Thể loại này dựa vào một nhân vật, một sự kiện lịch sử nào đó nhưng được phát triển thành một câu chuyện hoàn chỉnh, độc lập với sự kiện ban đầu; có khi truyện được tưởng tượng hoàn toàn nhưng lại mang tên nhân vật lịch sử; có khi chỉ mới là một truyền thuyết, một sự tích. Nhân vật, sự việc thường được cường điệu, phóng đại lên ở một mức độ nhất định.