CHƯƠNG II: CÁC PHƯƠNG THỨC LẬP LUẬN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT
2.2. Phương thức lập luận trong truyện cổ tích
2.2.1 Lập luận bằng lí lẽ
2.2.1.4 Lí lẽ chung dựa vào kinh nghiệm của bản thân
Rất nhiều trường hợp người lập luận giành chiến thắng bằng cách lấy sự từng trải và trải nghiệm của bản thân mà thuyết phục người nghe.
+ Thuyết phục bằng những điều mình chứng kiến
Đây là kiểu lập luận dựa vào những điều mà chúng ta thường nghe: “Nói có sách, mách có chứng”.
VD42: Người vợ sau khi thấy cảnh chồng nhờ các bạn hằng ngày vẫn qua lại chè chén giúp đỡ mình giải quyết việc gia đình nhưng đều bị bạn từ chối, đã khuyên chồng sang nhờ em chồng giúp đỡ. Người em này lâu nay vẫn bị anh đối xử tệ bạc nhưng không nề hà việc khó khăn làm giúp anh. Xong việc chị vợ nói với chồng:
- Đó, đã thấy chưa! Nào mình còn mong chờ bạn hữu nữa thôi. Nếu không có chú nó thì làm sao lo liệu được cho ổn thỏa.
(số 50, tr 401)
Lí lẽ của người vợ dựa vào “người thật, việc thật”, dựa vào những gì mình mắt thấy tai nghe đã thuyết phục người chồng nhận ra các bạn của anh ta chỉ là loại người “khi vui thì vỗ tay cùng, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Anh em trong nhà vẫn là người quan tâm giúp đỡ ta khi cần thiết. Từ đó khuyên chồng xa lánh bạn xấu, đối xử với em ân cần, tử tế hơn.
VD43: Khi nghe Bụt kết tội mẹ mình, gà trống con liền nói:
- Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con.
Riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa. Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi kiếm thức ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu phải là tội mẹ con.
(số 170, tr 1327)
Gà trống con dựa vào những điều mình thấy để phân tích làm rõ sự thiệt thòi của dòng họ nhà gà nói chung và cái khó của gà mẹ trong quá trình nuôi con nói riêng so với các loài khác. Để đàn con có đủ thức ăn gà mẹ phải vất vả gấp bội
phần, vì thế gà mẹ cần được sự cảm thông của các loài và Bụt không nên bắt tội gà mẹ.
VD44: Nhà vua bảo:
- Tôi thấy nhà ông gì gần đây ruộng sâu trâu nái, nhà ngói tường dắc, coi chừng thế nào?
Quận Gió gạt đi:
- Không được, nhà ấy trần lực làm ăn, trời chưa sáng đã dậy ra đồng, mặt trời lặn mới về thổi cơm, cần cù như thế không nên lấy.
(số 77, tr 554)
Hàng loạt dẫn chứng Quận Gió đưa ra chứng tỏ ông đã để ý rất kĩ đến gia đình ấy.Qua những điều Quận Gió nói nhà vua hẳn cũng đã nhận ra nhà ấy làm giàu chân chính bằng mồ hôi nước mắt, vì thế không nên lấy trộm của người ta. Lí lẽ đó đã hoàn toàn thuyết phục được nhà vua.
VD45: Quan cho đòi tất cả sư ni và mọi người ăn kẻ ở trong chùa ra hỏi:
- Chùa chiền là nơi tu hành nhân đức, thế mà tại sao đêm qua ta nằm mộng thấy một người đàn bà trẻ tuổi đến kêu van thảm thiết, rồi kể hết sự tình với ta. Vậy có kẻ nào phạm lỗi hãy mau mau tự thú sẽ có sự khoan hồng. Bằng không ta tra khảo, những đứa liên can nhất định sẽ bị án chém hết.
(số 114, tr786)
Lập luận của vị quan này dựa vào hai lí lẽ. Lí lẽ thứ nhất: theo giấc mộng, dựa vào những điều nghe thấy, khẳng định có người phạm tội. Lí lẽ thứ hai dựa vào quyền uy đe dọa để tìm ra thủ phạm. Hai loại lí này kết hợp với nhau đã tạo nên sức thuyết phục lớn. Trong đó lí lẽ đầu có tác dụng hơn vì ngày xưa người ta thường rất hay tin vào những điều mộng mị.
Vì thế chúng tôi nhận thấy loại lí lẽ này được sử dụng nhiều trong truyện cổ tích.
VD46: Ông Từ giữ đền suốt ba đêm liền được thần báo mộng phải quét dọn đền sạch sẽ để đón quan. Nhưng cả ba ngày ông chỉ thấy có một anh học trò nghèo ghé đền nên ông đã bảo:
- Đã ba lần như thế, nên tôi chắc rằng nhà thầy sau này sẽ đỗ đạt làm quan to chứ chẳng chơi.
(số 52, tr 408)
Tương tự như ví dụ trên lí lẽ của ông Từ ở đây cũng dựa vào những gì ông nằm mộng. Hơn nữa việc ấy lại diễn ra ba lần và người báo mộng cho ông là thần linh nên lại càng có sức thuyết phục cao.
VD47: Người bố lập luận để từ chối việc nhường lại phần tài sản dưỡng già của mình cho các con:
- Bố mẹ cũng muốn như vậy lắm. Nhưng ngặt xưa nay cha mẹ nuôi con thì được, còn con nuôi cha mẹ có phải dễ đâu. (số 51, tr 404)
Người cha dựa vào những điều đã chứng kiến, những kinh nghiệm truyền lại trong cuộc sống để bày tỏ sự nghi ngờ việc các con có thể nuôi dưỡng bố mẹ già chu đáo. Đó là thực tế đã được đúc kết thành câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
VD48: Hai vợ chồng đem nhau ra chốn công đường vì người vợ nghi chồng ăn mất một chén chè, bởi chị ta nhớ rất rõ chồng mình mỗi lần bưng hai chén lên nhà và cả thảy bảy lần như thế, vị chi tất cả là có 14 chén, nhưng nay chỉ còn 13. Vị quan đã xét xử:
- Giỗ là giỗ ông bà nhà nó, không lẽ nó lại thất lễ với ông bà. Hơn nữa hai bảy không nhất thiết phải là mười bốn, cũng có khi hai bảy mười ba kia đấy. Này hãy ngước mắt nhìn lên những đường đòn tay trên mái công đường mà xem. Mái trước bảy đường, mái sau cũng bảy đường. Vậy mà hai bảy chỉ có mười ba thôi. Đó, cả vợ lẫn chồng hãy mở to con mắt ra thử đếm xem có đích là hai bảy mười ba không?
(số 201, tr 1579)
Vị quan đã dựa vào thực tế, những điều có thể thấy tận mắt. Với dẫn chứng
“hùng hồn” như thế vị quan phân xử một cách đầy tự tin cho người chồng giành chiến thắng. Dù rõ ràng thực tế ấy mâu thuẫn với quy luật toán học. Người đàn bà đành phải ấm ức ra về.
VD49: Như Mai nói trước đám đông:
- Hỡi ba quân và dân chúng! Ta là khâm sai đại thần, vâng mệnh hoàng đế đi thanh tra các tỉnh xứ Bắc này. Ta đã tra cứu kĩ, thấy nàng Xuân Hương không làm gì nên tội, đáng được tha bổng. Còn tội nhân lại chính là nguyên cáo và viên quan đã xét án nàng. Hãy bắt giam chúng lại đợi ta thẩm vấn.
(số 169, tr1312)
Như Mai đã dựa vào những gì mình mắt thấy tai nghe để xét xử. Lí lẽ của chàng là những chứng cứ tự mình tra cứu từ thực tế vụ án. Không có gì thuyết phục bằng sự thật vì đó là chân lí.
Chính kiểu lí luận này đã đưa đến một loại lí lẽ mà chúng ta thường nghe nói: “trăm nghe không bằng một thấy”.
VD50: Anh học trò sau khi cứu con hổ ra khỏi bị nó trở mặt đòi ăn thịt, anh đã nhờ một vị thần phân xử. Sau khi nghe rõ câu chuyện vị thần nói với Hổ:
- Đúng! Ngươi có quyền trả thù kẻ nào dám xâm phạm chỗ ở của ngươi.
Nhưng ta lại không tin rằng đó là chỗ nghỉ của ngươi. Vì thân hình ngươi to lớn như vậy làm sao có thể nằm trong một chỗ chật hẹp như kia được chứ? Bây giờ hai bên hãy trở lại đúng nguyên vị trí cũ, ta sẽ xem xét phân xử sau.
(số 160, tr 1233)
Lí lẽ của vị thần dựa vào những điều mắt thấy: thân xác của Hổ có vẻ to hơn
“chỗ nghỉ” của nó. Vì thế vị thần tỏ vẻ nghi ngờ những điều Hổ nói. Muốn cho thần tin Hổ phải chui vào lại chỗ nằm đó để thần tận mắt thấy Hổ nằm trong ấy thì mới phân xử ai đúng ai sai được. Và Hổ đã mắc lừa những lời lẽ đầy sức thuyết phục này.
VD51: Ở phần khảo dị của số 160 trang 1234 cũng có lập luận tương tự:
Sau khi được cụ già cứu thoát chết nhờ cách bỏ vào bao, Báo đã trở mặt đòi ăn thịt cụ già. Ông lão nhờ phân xử nhiều nơi không thỏa mãn. Lần cuối cùng cụ nhờ một chàng trai trẻ. Khi nghe cụ kể xong câu chuyện chàng trai cũng dựa vào lí lẽ “trăm nghe không bằng một thấy” để dụ Báo chui lại vào trong bao và dùng gậy đánh chết nó: “Sao một cái túi bé như thế này mà báo lại có thể chui vào nổi. Hãy làm lại tao xem thì tao mới phân xử được”.
VD52: Một vị quan khách dàn xếp cuộc đấu của dường như không dứt giữa Thạch Sùng và em hoàng hậu họ Vương
“Hai người cãi nhau như thế không ích gì cả. Cần phải có chứng cứ thì chúng tôi mới tin. Âu là một hôm nào đó, hai người hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem.
Ai thua sẽ nộp cho bên được một thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho.”
(số 36, tr 296)
Như chúng ta đã thấy lập luận của vị quan khách cũng dựa vào lí lẽ “trăm nghe không bằng một thấy”. Không gì thuyết phục bằng những điều mắt thấy tai
nghe. Vì vậy để tất cả mọi người có mặt tin mình giàu thì Thạch Sùng và người họ Vương kia phải có của cải để làm chứng, phải “trưng của cải ra” cho mọi người cùng thấy.
Rõ ràng lí lẽ “thấy mới tin” rất dễ dàng giành được chiến thắng trong tranh luận cũng như trong giao tiếp hằng ngày khi chúng ta muốn thuyết phục một ai đó.
+ Thuyết phục bằng những điều bản thân đã trải nghiệm
Kiểu lập luận dựa vào lí lẽ “tôi đã làm điều đó rồi, tôi đã trải qua điều đó rồi, nên tôi biết”.
VD53: Ông khách sau khi lấy lại được túi tiền của mình đã nói với tên bợm:
- Tôi cũng đã chơi cái nghề này hồi còn nhỏ, nhưng vì thấy nó không có hậu nên giải nghệ đã lâu. Vì hôm qua anh đến lấy của tôi nên bất đắc dĩ tôi phải đem nghề mọn ra đối phó. Học làm gì nghề ấy. Hiện nay ngoài biên có giặc, anh nên cùng tôi ra đầu quân giúp nước thì hơn.
(số 76, tr 552)
Lời của người khách hoàn toàn có căn cứ. Không gì thuyết phục bằng những điều mình đã trải qua được đem ra làm bằng chứng. Chính sự trải nghiệm của bản thân về nghề ăn trộm người khách đã chỉ cho tên bợm thấy cái bất lợi của nghề này và khuyên anh ta hãy theo mình giải nghệ.
VD54: Vua Duệ Tông một lần thân chinh cầm quân đánh giặc, đoàn thuyền đi trong năm ngày bình yên bỗng trời nổi một trận gió lốc dữ dội. Một bô lão đã tâu với vua:
- Tâu bệ hạ, mùa này vốn là mùa lặng gió. Dân chài chúng tôi vẫn thường ra khơi làm ăn. Trận gió lốc này là triệu chứng lạ. Trước mặt đây có một miếu thờ thần Biển rất thiêng. Khách đi ghe mành qua lại thường ghé cầu cúng sẽ được yên ổn, nếu không thì thần phạt làm cho buồm gãy lái xiêu. Hoặc giả đó là do thần Biển gây ra cũng chưa biết chừng.
(số 177, tr 1386)
Lí lẽ của bô lão rất thuyết phục vì dựa vào những điều bản thân ông đã từng trải nghiệm, đã từng chứng kiến. Với tuổi tác và kinh nghiệm sông nước lời tâu của bô lão đã khiến cho vua Duệ Tông nghe theo vội sai người biện xôi lợn vàng hương đến đền cầu cúng.
VD55: Khi nghe bạn bè đến mượn tiền của mình để cứu Ất mà Giáp thì không muốn nên y đã nói: “Ai dám chắc anh ấy lại không là thủ phạm. Xem việc anh ấy quỵt tôi 100 quan tiền thì biết. Anh ấy cầu khẩn vay tiền nói là để đi buôn, tôi sẵn lòng cho anh ấy vay, nhưng mấy lần đi đòi, chẳng thấy trả được một đồng nào. Sát nhân giả tử. Anh ấy giết vợ thì trời sẽ hại, dù tất cả chúng ta có cố hết sức cứu cũng không thoát. Tôi không dư tiền dư bạc để làm cái việc mua ơn như vậy đâu!”
(số 183, tr 1454)
Giáp lấy những gì đã xảy ra với mình để tạo sức thuyết phục các bạn tin Ất là người xấu. Ất là người lừa gạt bạn bè thì anh ấy cũng có khả năng phạm tội giết vợ. Những người như vậy không đáng được giúp đỡ. Vì nhất định anh ta sẽ bị trời hại.