Lí lẽ theo quyền uy

Một phần của tài liệu lập luận trong truyện dân gian việt nam (Trang 44 - 47)

CHƯƠNG II: CÁC PHƯƠNG THỨC LẬP LUẬN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT

2.2. Phương thức lập luận trong truyện cổ tích

2.2.1 Lập luận bằng lí lẽ

2.2.1.3 Lí lẽ theo quyền uy

Đây là loại lí lẽ mà người sử dụng mượn lời của các nhân vật quyền uy, các bậc thầy cách mạng, lãnh đạo đất nước, các danh nhân… và trong truyện cổ tích chúng tôi nhận thấy người lập luận thường hay dựa vào lời của các thần thánh, phật, vua, quan,…

VD34: Khi bị cô gái chèo thuyền tìm cách quyến rũ, nhà sư đã nói:

- Trong người bần tăng có một tờ lệnh chỉ của hoàng đế. Trong đó hoàng đế đã ra lệnh hễ người nào phạm vào người bần tăng sẽ bị án trảm quyết. Vậy bần tăng mong ngươi đừng phạm vào phép của thiên tử.

(số 10, tr 134)

Nhà sư lập luận dựa vào quyền uy của vua thông qua tờ lệnh chỉ để răn đe cô gái đừng phạm vào người ông ta. Nếu không cô sẽ phạm vào tội “khi quân” và lãnh án tử.

VD35: “Con gái như thế kia làm sao dám đòi lấy chồng hoàng tử. Trên thiên đình đã định cho con làm vợ người lái buôn hương ở chợ. Số con là thế, không thể khác được!”

(số 144, tr 1089)

Đây là lời người lái buôn hương giả thần linh trong miếu để lừa cô gái. Lập luận của y dựa vào lí lẽ quyền uy thông qua lời phán của thần linh, mà không có ai dám làm trái lời của thần linh cả. Lời nói của y có sức thuyết phục cao. Cô gái đã bỏ nhà theo y vì nghĩ số mình đã được thần linh quyết định.

VD36: Khi bị quan xử không công bằng người vợ muốn cãi lại, quan đập bàn quát:

- Thánh nhân có nói “phu xướng phụ tùy”, vợ chồng chúng bay hãy dắt nhau về ăn ở hòa thuận, đừng có bày điều kiện tụng làm cho thiên hạ chê cười. Lần này ta tha cho, lần sau tái phạm ta sẽ phạt nặng.”

(số 201, tr 1580)

Vị quan đã dựa vào lí lẽ quyền uy bằng cách mượn lời của thánh nhân cùng với lời đe nẹt “lần sau tái phạm sẽ phạt nặng” để tạo áp lực buộc người vợ phải chấp nhận cách phân xử vô lí của mình. Lời phán xét của quan có hiệu lực, dù rất không bằng lòng với kết quả phân xử của quan người vợ cũng phải ấm ức ra về.

VD37: Cậu Tám không nghe đưa chiếu chỉ của vua ra cho Hoàng Tín Hầu và nói: “Chiếu chỉ của vua đã cho phép trảm quyết, Hầu không được can thiệp, chống lệnh của nhà vua sẽ mắc tội khi quân.”

(số 162, tr 1248)

Cậu Tám sử dụng uy quyền của vua, cụ thể là tờ chiếu chỉ, để tạo lí lẽ cho lập luận của mình. Vì cậu biết rằng không ai dám làm trái chiếu chỉ của nhà vua, nếu không sẽ bị khép vào tội “khi quân”.

VD38: Đáp lại lời của cậu Tám, Hoằng Tín Hầu cũng vận dụng lí lẽ uy quyền: “Nhà vua ở nơi lầu son gác tía, chỉ mới nghe lời xiểm nịnh của ngươi mà chưa nghe được lời nói của dân làng. Ta đây vâng mạng khảo sát dân tình, thấy việc bất công, cần phải thẩm vấn kĩ càng, làm sớ tâu lên đợi lệnh. Kẻ nào dám trái lệnh thì hãy nhìn cây bảo kiếm của nhà vua đây.”

(số 162, tr 1248)

Quyền uy của vua ở đây được thể hiện qua cây bảo kiếm, ai có nó trong tay sẽ được quyền chém trước tâu sau. Bất kể ai cũng phải phục tùng thanh bảo kiếm đó. Cậu Tám đã bị khuất phục trước lí lẽ của Hoằng Tín Hầu.

VD39: Ông già họ Lê nói với ba chàng thiện nghệ:

- Cả ba vị quả có chân tài, con gái tôi mà được sánh duyên thật là một điều may mắn. Nhưng ngặt vì “thuyền quyên có một mà anh hùng lại ba” biết làm thế nào bây giờ? Thôi thì chúng ta ra miếu thần hoàng làm lễ, gieo quẻ để hỏi ý. Nếu quẻ chỉ nhắm người nào thì xin để cho “tiện nữ” về với người đó.

(số 107, tr 740)

Lập luận của ông già họ Lê thuyết phục được ba chàng trai vì ông đã mượn uy quyền của thần linh (cụ thể ở đây là thành hoàng). Lời phán của thần linh luôn được mọi người tin tưởng. Thần bảo ai như thế nào, làm gì thì tất nhiên người ấy sẽ như thế ấy, làm theo như thế. Loại quyền uy này nhiều khi cao hơn cả lệnh vua, ngay cả vua lắm lúc cũng phải phục tùng.

VD40: Vua Trần Duệ Tông nằm mộng thấy một vị thần thân thể to lớn, râu tóc lòa xòa, mặt mũi dữ tợn, đến ngồi trước mặt, cất giọng oang oang như lệnh vỡ:

- Ta là Giao thần. Một dải biển này một tay ta trấn trị. Hà hà! Nhà vua cũng là người biết điều đấy! Nhưng muốn cầu yên cho mấy vạn nhân mạng mà chỉ có con lợn hồ rượu thì sao đủ. Ta nghe chuyến đi này nhà vua đưa theo lắm nàng tuyệt sắc mà ta thì lại chẳng có ai khuây khỏa. Vậy ta muốn nhà vua thả xuống cho ta một giai nhân. Đổi lại, ta sẽ giúp cho cuộc hành quân thuận buồm xuôi gió. Nào nhà vua có bằng lòng không?

Thấy Duệ Tông cuối đầu không rỉ răng, vị thần cười một cách ghê rợn, rồi nói tiếp:

- Hừ, không cho ta cũng không được đâu. Ta sẽ mượn vài lượn sóng đưa đoàn mành nhà vua xuống thăm thủy phủ. Bấy giờ dù có hối cũng không kịp.

(số 177, tr 1387)

Lập luận của vị thần hoàn toàn dựa vào lí lẽ quyền uy, bắt người khác làm theo lệnh mình không có sự lựa chọn. Trước lời lẽ đầy quyền uy, dọa nạt đó Trần Duệ Tông phải buộc lòng tuân theo.

Các bậc làm cha mẹ khi lập luận cũng dựa vào uy quyền của đấng sinh thành để thuyết phục con cái.

VD41: Sau khi ở với hai đứa con nuôi được một thời gian, phú hộ bảo hai người con nuôi đốt cái nhà, rồi theo ông. Hai đứa con tưởng ông điên. Nhưng ông phú hộ giục:

- Làm con thì phải vâng lời cha mẹ chớ có sai lời. Cha đã bảo các con đi theo ta kiếm ăn, còn cái nhà này ọp ẹp chẳng đáng bao lăm, đừng tiếc nữa.

(số 186, tr 1474)

Lời của phú ông hoàn toàn dựa vào uy quyền của người làm cha. Ông không cần giải thích với con cái những việc làm của mình mà bắt buộc chúng phải nghe theo.

Lập luận dựa vào quyền uy cũng như con dao hai lưỡi. Nếu biết dùng đúng chỗ, chính xác thì sức mạnh luận lí tăng lên rất nhiều, ngược lại nếu dùng không phù hợp, sống sượng,… người nghe dễ có cảm giác người dùng chúng không tin vào những cơ sở lập luận của chính mình mà đi vay mượn của người khác.

Những lập luận dựa vào lí lẽ về quyền uy trong truyện cổ tích thường mang tính áp đặt. Người nghe luôn ở trong tình thế “buộc phải bị thuyết phục”.

Một phần của tài liệu lập luận trong truyện dân gian việt nam (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)