CHƯƠNG II: CÁC PHƯƠNG THỨC LẬP LUẬN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT
2.2. Phương thức lập luận trong truyện cổ tích
2.2.1 Lập luận bằng lí lẽ
2.2.1.6 Lí lẽ nội tại và lí lẽ khách quan
Dựa trên những quy luật nhân quả liên quan tới những yếu tố cá nhân, người nói thường dựa vào yếu tố “nhân thân” để tạo ra lí lẽ thuyết phục.
VD70: Hổ bị sập bẫy không thể nào ra được. Thấy anh học trò đi ngang, Hổ nhờ mở cho mình ra. Đang lúc anh học trò do dự, Hổ nói:
- Chao ôi! Thầy Tú! Thầy há lại không biết rằng tôi là kẻ xưa nay chưa hề nói dối! Tôi đã nói không ăn thịt thầy thì lẽ nào vì miếng ăn mà tôi làm sai lời. Tôi là chúa sơn lâm có đâu lại phí mất tiếng tăm của tôi. Thầy hãy mở cho ra, suốt đời tôi sẽ không quên ơn.
(số 160, tr 1232)
Hổ đã đưa ra yếu tố nhân thân “chúa sơn lâm” để làm lí lẽ thuyết phục anh học trò. Một người có nhân thân tốt như thế sẽ không bao giờ nói dối để làm hại uy tín, tiếng tăm của mình. Hổ cũng vậy. Do đó anh học trò hãy tin là Hổ sẽ chẳng bao giờ ăn thịt anh ta. Và anh học trò đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Đây là loại lí lẽ mà vua quan hay dùng. Hãy xét một lập luận sau.
VD71: Mồ Côi đã làm cho cô công chúa khó tính mở miệng, vua lấy làm ngạc nhiên, sai dẫn Mồ Côi tới xem mặt. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, vua không được hài lòng. Nhưng nghĩ rằng biết bao nhiêu người không thể làm cho con mình mở miệng, thì người này hẳn là phải có tài năng xuất chúng gì đây, vả lại một ông vua không bao giờ nói hai lời, nên cuối cùng quyết định gả công chúa cho Mồ Côi.
(số 195, tr 1535)
Vị vua này tự thuyết phục mình bằng lí lẽ nội tại. Lí lẽ đó dựa vào yếu tố nhân thân, mình là vua nên một lời nói ra “tứ mã nan truy”. Do đó không thể không gả con như đã hứa.
- Lí lẽ khách quan có được một cách thực tế như chứng cứ, nhân chứng, lời thề,…
VD72: Em bé và cụ Bá đưa nhau ra trước công đường vì cụ Bá kiện em bé với lí do không chịu trả tiền nợ cho cụ. Nhưng em bé bảo cụ Bá đã hứa cho em món tiền nợ đó. Quan hỏi:
- Vậy lúc ấy có ai làm chứng cho câu nói của cụ Bá hứa cho mày hay không?
- Bẩm quan có kẻ làm chứng phân minh. Chính lúc ấy cụ Bá trỏ vào con mối đang leo cột nhà bảo nó làm chứng. Có vậy tôi mới giải đố cho cụ ấy.
Nghe nói vậy cụ Bá vội cướp lời:
- Mối đậu đũa cả chứ làm gì có mối leo cột nhà.
Quan liền phán:
- Như vậy lúc ông hứa với nó quả thị có con mối làm chứng thế là đủ. Vậy ông phải làm theo điều đã hứa.
(số 78, tr 558)
Để đưa ra lời phán quyết công bằng vị quan đã đòi hỏi chứng cứ và dựa vào những chứng cứ ấy tạo ra lí lẽ để buộc cụ Bá phải thực hiện lời hứa. Chỉ bằng câu đính chính của cụ Bá về vị trí của con mối, vị quan đã có chứng cứ buộc cụ Bá phải thực hiện y lời. Vì phải có thấy con mối thì mới biết đó không phải là “mối leo cột nhà”. Con mối thực chất không thể làm chứng nhưng nó chính là bằng chứng cho thấy cụ Bá đã có hứa cho nhà cậu bé món tiền nợ ông ta. Và đây chính là chứng cứ thuyết phục nhất.
VD73: Sau khi xem xét mọi việc, vị quan phán:
- Tất cả giấy tờ đều nói rằng ý muốn của người chết là để toàn bộ tài sản lại cho đứa con trai. Ngay cả mảnh giấy có dòng chữ mà anh giữ mấy lâu nay, cũng chỉ có nghĩa là để ruộng đất lại cho thằng Phi. Không tin ta giải cho anh nghe. Nghĩa
của hai mươi mốt chữ đó là thế này: “70 tuổi mới sinh thằng Phi, đó là con trai ta.
Ruộng đất trao cho con. Còn rể là người ngoài không được chiếm đoạt”. Thế mà anh dám cắt nghĩa bừa để chiếm lấy tất cả, không thương gì đến đứa em bé bỏng và mẹ của nó. Bây giờ ta ra lệnh cho anh phải trả lại ngay tất cả mọi thứ anh chiếm đoạt kể cả hoa lợi ruộng đất ấy trong mười tám năm nay!
(số 153, tr 1165)
Vị quan dựa vào chứng cứ có được từ những bức chúc thư của ông già họ Lê để lại, một bức người con rể giữ, một bức cất trong ruột pho tượng mà người vợ mang đến cho quan theo lời dặn của chồng trước lúc lâm chung. Hai bức chúc thư ấy có nội dung như nhau, chỉ do cách ngắt câu không đúng dẫn đến có sự hiểu sai nội dung. Chính vì thế không ai có thể phản bác được kết quả phân xử của ông quan ấy.
VD74: Trước sự lo lắng, nghi ngờ của Xuân Hương, Như Mai đã thề:
- Nói trên có trời dưới có đất, trước mặt có bóng thần đăng: dù cha mẹ có ngăn trở thế nào, ta thề sẽ không đời nào bỏ nàng.
(số 169, tr 1320)
Như Mai đã thuyết phục được Xuân Hương vì chàng đã viện ra tất cả những chứng nhân vĩnh hằng trong thiên nhiên; trời, đất, ngọn đèn (thần đăng) làm chứng cho tình yêu của chàng đối với Xuân Hương. Lời của Như Mai đạt hiệu quả bởi theo cách nghĩ của số đông: người ta thường không dám làm trái với những gì đã thề, hơn nữa lời thề ấy lại được đất trời chứng dám.
Hai loại lí lẽ nội tại và khách quan đôi khi xuất hiện trong cùng một lập luận.
Trở lại ví dụ 71: Mồ Côi đã làm cho cô công chúa khó tính mở lời, vua lấy làm ngạc nhiên, sai dẫn Mồ Côi tới xem mặt. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, vua không được hài lòng. Nhưng nghĩ biết bao nhiêu người không thể làm cho con mình
mở miệng, thì người này hẳn là phải có tài năng xuất chúng gì đây, vả lại một ông vua không bao giờ nói hai lời, nên cuối cùng quyết định gả công chúa cho Mồ Côi.
Trong lập luận này ta có thể thấy lí lẽ nội tại: “một ông vua không bao giờ nói hai lời”; lí lẽ khách quan: “nhưng nghĩ biết bao nhiêu người không thể làm cho con mình mở miệng, thì người này hẳn là phải có tài năng xuất chúng gì đây”. Cả hai lí lẽ đó đã dẫn đến kết luận: “vua quyết định gả công chúa cho Mồ Côi”.