Các loại lí lẽ khác

Một phần của tài liệu lập luận trong truyện dân gian việt nam (Trang 64 - 68)

CHƯƠNG II: CÁC PHƯƠNG THỨC LẬP LUẬN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT

2.2. Phương thức lập luận trong truyện cổ tích

2.2.1 Lập luận bằng lí lẽ

2.2.1.7 Các loại lí lẽ khác

Trong truyện cổ tích có một số truyện mà tác giả Nguyễn Đổng Chi “tạm xếp” chúng vào một nhóm và đặt tên là “Truyện phân xử”. Ở nhóm truyện này khi lập luận người nói sử dụng những loại lí lẽ khá đặc biệt. Họ dựa vào tâm lí của đối phương, mà những nét tâm lí này hầu như giống nhau ở những người có hoàn cảnh tương tự. Hơn nữa các lí lẽ này lại có thể ứng dụng ở nhiều ngữ cảnh khác nhau.

VD75: Để tìm ra thủ phạm giết phú thương Phong, quan tỉnh sau khi được hiến kế đã sai bắt bọn lái và các thủy thủ đến miếu Ông… Quan bắt mỗi người phải ngậm một đoạn bấc vào miệng. Quan nói:

- Thần ở miếu này rất thiêng. Thần đã chứng kiến cái ngày ông Phong bị giết và đã biết ai là thủ phạm. Ta đã khấn xin thần: bấc này ngậm vào, nếu là người ngay thì không việc gì cả, nếu là người gian thì sẽ nở dài ra hơn của những người khác.

Khi thu lại bấc, có một sợi khác với các sợi khác, nhưng không dài ra mà lại ngắn đi một đoạn. Sợi bấc ấy chính là của thủ phạm, trong lúc ngậm y cảm thấy sợi bấc dài ra nên đã cắn bớt đi một tí. Vị quan dựa vào sợi bấc ấy để tìm ra kẻ giết người.

(số 112, tr 776)

Quan đã tìm ra thủ phạm nhờ lập luận: “chỉ có kẻ giết người mới lo sợ sợi bấc dài ra, do đó đã cắn cho ngắn bớt đi”. Chỉ có những kẻ gian mới luôn tìm cách che giấu tội của mình. Cơ sở cho lập luận này là lí lẽ về tâm lí: Có tật giật mình.

VD76: Nhà chùa bị mất trộm, một vị quan đã tìm ra thủ phạm giúp sư cụ.

Khi hòa thượng làm lễ, quan cho tất cả mọi người trong chùa ra chạy đàn, trong tay mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước, quan nói:

- Sư cụ có cho biết chùa ta trước đây có mất một số tiền mà không rõ ai là người lấy trộm. Ta chắc chỉ có người trong chùa lấy mà thôi. Ta nghe đức Phật ngài rất thiêng. Bây giờ, mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước rồi vừa chạy vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc trong tay nảy mầm. Như vậy ngay gian tỏ rõ, khỏi phải tra khảo phiền phức.

Có một chú tiểu vừa chạy đàn, thỉnh thoảng vừa hé tay cầm thóc ra xem. Vị quan đã cho bắt chú tiểu và chú ta nhận mình lấy cắp số tiền.

(số 113, tr 779)

Tương tự như ví dụ trên, ở đây vị quan cũng dựa vào lí lẽ “có tật giật mình”

để kết luận chú tiểu nọ là kẻ gian. Chỉ có người ăn trộm mới sợ thóc trong tay nảy mầm nên lén hé tay ra xem, còn người ngay thì không lo sợ gì cả nên chú tâm vào việc chạy đàn, niệm Phật.

VD77: Hai người đàn bà dắt nhau đến trước công đường với một tấm vải. Cả hai đều khẳng định đó là tấm vải do mình dệt. Khi dò hỏi cả hai đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau, hơn thế cũng chính sáng hôm ấy bên nào cũng mang một tấm vải ra chợ bán. Suy nghĩ một hồi quan bảo họ:

- Cả hai mụ đều có lí cả. Biết làm sao bây giờ. Thôi ta phân xử cho thế này:

giờ đem cắt tấm vải ra làm đôi, chia cho mỗi người một nửa. Thế là ổn, hãy đi về mà làm ăn!

Khi vải đang đo để xé quan thấy có một người ôm mặt khóc thút thít. Quan sai trả lại bà ta tấm vải, và thét lính bắt trói người đàn bà kia lại.

(số 113, tr 778)

Quan đã tìm ra thủ phạm nhờ lập luận: “chỉ có chủ nhân thật sự của tấm vải mới đau xót bật ra tiếng khóc kia”. Lập luận này dựa vào lí lẽ “Của đau con xót”.

VD78: Có anh bán dầu bị mất tiền. Anh nghi cho một người mù. Cả hai đưa nhau lên quan. Nguyễn Khoa Đăng đã bảo người mù bỏ tiền của anh ta vào chậu nước. Một chốc váng dầu nổi lên mặt nước. Người mù hết đường chối cãi nhận tội.

Nhưng quan còn nói thêm:

- Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp mới là một. Nếu mày mù tịt thì làm sao biết được tiền người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thúng khảo mà lấy được! Đúng là mày giả mù. Lính đâu. Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, kỳ bao giờ nó mở cả hai mắt ra hãy thôi.

(111, tr 770)

Trước hết vị quan đã lập luận: “tiền của người hàng dầu sẽ dính dầu”, do vậy nếu là tiền của anh hàng dầu khi cho vào nước sẽ nổi váng dầu. Cho nên đồng tiền nào khi cho vào nước mà nổi váng dầu chắc chắn đồng tiền đó là của anh hàng dầu.

Và do vậy tiền của anh mù bỏ vào nước có váng dầu, như thế anh mù đã ăn cắp tiền.

Sau đó quan lại lập luận tiếp để cho thấy người này chỉ giả mù: “mù thì sẽ không thấy được”, mà không thấy được thì không thể lấy được tiền “bỏ trong bị, cất trong thúng khảo”. Mà anh ta đã lấy được tiền nghĩa là anh thấy rất rõ tiền để ở đâu. Vậy chắc chắn anh giả mù để làm chuyện xấu.

VD 79: Lý vu oan cho vợ Tình đã ăn nằm với mình. Tình tin về nhà chửi mắng đánh đuổi vợ đi. Chị vợ quyết tâm tìm cách minh oan. Một hôm, gặp Lý ngoài đường chị đã xông tới xỉ vả, nắm lấy tóc giằng xé dữ dội. Người ta đưa hai người lên quan.

Trước quan vợ Tình nói:

- Bẩm quan, nó vay của con một số tiền là hai mươi quan, con tin ở nó quen biết không bắt làm giấy tờ gì cả, nào ngờ đến bây giờ nó trở mặt, đòi mấy cũng không chịu trả.

Lý bẩm quan:

- Tôi xin cam đoan với quan tòa và mọi người ở đây rằng tôi chả hề quen thuộc gì người đàn bà này cả chứ đừng nói tới vay hay mượn làm chi!

Nghe thế vợ Tình mới kể cho quan biết sự tình: việc chồng mình thách hắn, âm mưu gian giảo của hắn đối với mình, cùng là nông nổi mất gia tài sản nghiệp như thế nào. Cuối cùng chị ta nói:

- Nếu nó không hề quen tôi, thì làm sao nó lại ăn nằm với tôi được chứ!

Quan đã xử cho Tình lấy lại được tài sản và cả gia sản của Lý.

(số 109, tr 764)

Lập luận của quan và vợ Tình dựa vào lí lẽ: “không quen biết thì không thể ăn nằm cùng nhau”. Từ đó suy ra Lý nói đã ăn nằm với vợ Tình là hoàn toàn sai sự thật vì trước mặt quan và mọi người anh ta đã cam đoan “chả hề quen thuộc người đàn bà này”. Vậy để thắng được Tình chắc chắn Lý đã dùng thủ đoạn xảo trá.

VD80: Khi thấy một người đàn bà chửi rủa rất nặng lời vì bị mất gà, mà mụ đã chửi hai ngày, quan bảo bọn chức dịch:

- Ta ghét con mụ này ngoa ngoắt, độc mồm, độc miệng làm cho xóm giềng điếc tai, nhức óc đã hai ngày, không thể không trị tội được. Vậy cho đi rao trong xóm đòi tất cả mọi người ra đây. Cho mỗi người tát mụ một cái vào má cho rõ đau để trả nợ việc mụ ta xúc phạm đến sự yên tĩnh của hàng xóm.

Mọi người nghe theo lệnh quan nhưng vẫn thấy thương người đàn bà mất gà nên chỉ vả nhẹ. Chỉ có một người lấy hết sức vả mụ một cái rõ đau. Quan đã bắt người đó lại và qui cho hắn tội ăn cắp gà của người đàn bà nọ.

(số 113, tr 778)

Quan đã vạch đúng tâm lí của tên trộm theo lí lẽ: “tức thì đánh đau cho bõ tức”. Tên này đã đánh người đàn bà đó rất đau chứng tỏ anh ta rất tức mụ. Vì sao anh ta tức mụ đàn bà trong khi bà ta chỉ chửi kẻ ăn cắp gà nhà mụ? Từ đây quan đã suy luận chỉ có kẻ ăn cắp gà bị chửi rủa suốt hai ngày không thể ra miệng được nay có lệnh quan trở thành dịp may hiếm có để trả thù. Lập luận của quan khiến cho tên ăn trộm hết đường chối cãi.

Bên trên là một số lập luận dựa vào những lí lẽ chung. Trong đó, khách quan mà nhận xét không phải tất cả các cách lập luận trên đều được đánh dấu bằng phương tiện ngôn ngữ. Tuy nhiên đây là những kiểu lập luận phổ biến trong truyện cổ tích. Thêm nữa, trong truyện cổ tích khi lập luận người nói dựa vào những lí lẽ, những kiểu suy luận trong thực tế được mọi người chấp nhận và sử dụng.

Một phần của tài liệu lập luận trong truyện dân gian việt nam (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)