Lí lẽ đạo đức

Một phần của tài liệu lập luận trong truyện dân gian việt nam (Trang 54 - 61)

CHƯƠNG II: CÁC PHƯƠNG THỨC LẬP LUẬN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT

2.2. Phương thức lập luận trong truyện cổ tích

2.2.1 Lập luận bằng lí lẽ

2.2.1.5 Lí lẽ đạo đức

Có những lí lẽ không dựa trên văn bản pháp lí nhưng lại dựa trên những tập tục, phong tục, truyền thống văn hóa, nền tảng đạo đức mặc nhiên được cộng đồng xã hội chấp nhận, một thứ pháp lí bất thành văn. Đây là những lí lẽ về đạo đức. Loại lí lẽ này có sức thuyết phục rất lớn.

VD56: Nghe mọi người khen ngợi mình giàu có, Mai An Tiêm nhún nhường bảo họ:

- Có gì đâu! Tất cả mọi thứ trong nhà này đều là vật tiền thân của tôi cả.

(số 1, tr 97) Mai An Tiêm dựa vào giáo lí tôn giáo nhưng đã trở thành phong tục ở quê hương chàng, điều mà được thể hiện rõ bằng lời trong văn bản: “Mai nói rất tự nhiên. Bởi vì tôn giáo sử xở chàng bảo rằng cái sướng cái khổ hiện tại là kết quả của sự ăn ở tốt hay xấu của tiền kiếp.” Một lí lẽ được cộng đồng chàng chấp nhận.

Và chúng ta cũng nhận thấy rằng lí lẽ này ảnh hưởng bởi giáo lí nhà Phật con người có tiền kiếp, hậu kiếp, những gì con người trải qua ở kiếp này là kết quả có được từ kiếp trước. Cho đến bây giờ lí lẽ này vẫn còn có sức thuyết thục rất lớn trong đại đa số cộng đồng. Cũng với lí lẽ đó khi bị bắt đày đi đảo hoang Mai An Tiêm đã thốt lên: “Nếu từ nay trở đi ta bị đày đọa là vì kiếp trước ta đã cư xử không phải” [96, 98].

VD57: Một người đàn bà nghe tin người tình cũ đỗ đạt làm quan, qua nhà có ý định nối lại tình xưa. Anh chàng tiếp đón tử tế nhưng khi nghe nhắc lại lời ước cũ thì đã bảo người đàn bà: “Nàng đến thăm tôi chơi thì được, nhưng đến để lấy tôi thì không được. Hãy trở về với chồng cũ đi! Một người đàn bà không thể có hai chồng!”

(số 13, tr 170)

Người đàn ông đã dựa vào nền tảng đạo lí theo quan niệm phong kiến: gái chính chuyên chỉ có một chồng. Đây là một điều mà tất cả người phụ nữ ngày xưa nào cũng phải tâm niệm. Khi nói như thế người đàn ông đã khéo léo nhắc nhở người đàn bà hãy giữ đạo “tam tòng tứ đức”. Và người nghe cũng rút ra được kết luận ngầm ẩn: nếu nàng bỏ chồng theo ta thì nàng không phải là “gái chính chuyên”, mà loại người như thế ta cũng không cần. Người đàn bà nghe thế “xấu hổ bỏ về nhà”.

VD58: Hầu Tạo nói với chúng bạn:

- Đạo trời chỉ có cha với mẹ là lớn nhất. Ta một đời chưa lúc nào làm cho mẹ ta vui sướng. Nay ta cưỡi ngựa che dù mà để mẹ chết một cách oan khốc thì sống cũng bằng thừa.

(số 98, tr 699) Lập luận của Hầu Tạo sử dụng lí lẽ dựa vào đạo lí: làm con phải có hiếu với cha mẹ. Bất hiếu là một trong ba tội lớn của con người. Đây là loại lí lẽ có sức mạnh thuyết phục nhất trong xã hội, được mọi người chấp nhận một cách tuyệt đối, có giá trị ở mọi thời đại.

VD59: Tiên Dung bảo: “Tôi vốn không có ý định lấy chồng. Nay tình cờ gặp gỡ thế này chắc có trời xui.”

(số 28, tr 254) Lập luận của Tiên Dung dựa vào lí lẽ: nhân duyên do trời định, một quan niệm trở thành phong tục cưới xin ở xã hội xưa nhưng đến nay vẫn còn được giữ lại.

Đây là loại lí lẽ được số đông chấp nhận.

VD60: Một người học trò phát hiện hai anh em đồng môn với mình là người của thủy cung đã báo với thầy Đồ An. Thầy Đồ An bảo anh học trò đó: “Con cứ để yên mặc họ con ạ! Nếu là quỷ thần mà họ chuộng đạo thánh hiền thì lại càng hay chứ sao!”

(số 29, tr 259)

Thầy Đồ An đã dùng lí lẽ dựa vào truyền thống văn hóa của người Việt Nam ta: người chuộng đạo thánh hiền là người tốt để trấn an học trò của mình, đồng thời bảo vệ hai anh em nhà Gàn (con vua thủy tề) nghe đồn tài năng, đức độ thầy Đồ An tìm đến học.

VD61: Trời làm hạn hán rất lâu, thầy Đồ An bèn nhờ hai anh em nhà Gàn làm mưa giúp dân không mất mùa. Họ đã trả lời:

- Dạ, oai trời thì rất nghiêm nhưng lời thầy thì rất trọng, chúng con xin vâng lời thầy.

(số 29, tr 260)

Chúng ta dễ dàng nhận ra lí lẽ của anh em nhà Gàn dựa vào đạo lí “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Với lí lẽ đó thì thầy cao hơn trời, lời thầy được trọng hơn lệnh trời. Họ đã làm mưa mặc dầu biết rằng mình sẽ bị tội với trời.

VD62: Quan thấy Heo có 9 nốt ruồi đỏ ở sau lưng, nghĩ thầm: “Trời ơi! Làm sao mà nó có tướng quý thế kia! Về sau nó không làm vua thì cũng làm chúa mà thôi. Nếu để cho nó sống làm vua làm chúa thì còn thể thống gì nữa. Phải tìm cách giết nó đi mới được.”

(số 104, tr 722)

Ý nghĩ của quan dựa vào lí lẽ theo quan niệm phong kiến: quan niệm chính thống “Con vua thì lại làm vua”, người không có nguồn gốc xuất thân quyền quý không được làm vua. Vì thế theo vị quan này nếu để Heo sau này lên làm vua thì triều đình bị mất thể diện, truyền thống bị phá vỡ.

VD63: Thầy khóa lấy tranh vợ chàng Ngốc nên lo nghĩ: “Nó nói được những câu như thế thì nhất định nó không chịu để mất vợ đâu. Chỉ tại lão già khuyên dỗ, một hai nói nó chẳng biết gì. Thật ra nó đâu có ngốc như người ta tưởng. Việc này sẽ lôi thôi to. Cái bằng khóa sinh không khéo lại bị lột mất, vì ta đã phạm đến danh giáo.”

(số 189, tr 1499)

Nỗi lo sợ của thầy khóa là có căn cứ. Vì xét theo lí lẽ đạo đức xã hội một người học trò đọc sách thánh hiền không được làm những điều trái thuần phong mỹ tục đó là lấy tranh vợ của người khác. Nếu anh ta làm điều đó danh dự sẽ bị mất và

còn bị tước bằng cấp. Với cách lập luận như thế thầy khóa thấy rõ sự bất lợi của mình trong cuộc hôn nhân này bèn rút lui.

VD64: Anh con rể thong manh nhầm mẹ vợ là chó đã đấm cho bà mẹ một cái. Khi vợ giận anh ta đã phân bua:

- Theo phong tục tổ tiên, chỉ có vợ bưng cơm hầu chồng. Lần trước mẹ đã làm trái, con không dám nói. Nay thì không thể làm trái lần thứ hai. Xin mẹ tha lỗi cho, con làm thế là bất đắc dĩ. Chẳng qua là để khỏi có sự dị nghị.

(số 194, tr 1530)

Tuy nói không thật lòng nhưng lập luận của chàng rể cũng đã thuyết phục được mẹ vợ và vợ vì anh ta dùng lí lẽ dựa vào “phong tục của tổ tiên”, lí lẽ này được anh ta nhấn mạnh bằng cách nói “chỉ vợ mới bưng cơm hầu chồng”, chứ không có cha mẹ nào lại hầu hạ con cái hơn nữa đây lại là con rể. Nay mẹ vợ “vô ý”, buộc lòng anh ta phải xử sự như vậy để tránh miệng tiếng người đời.

VD65: Cô con gái mụ Hoa bị hai tên bợm bắt đòi tiền chuộc, chúng nói nếu không có tiền chuộc sẽ bán cô cho tàu buôn, tương kế tựu kế cô đã lừa bọn chúng:

- Hai anh đưa em đến chỗ nào có tàu ô cặp bến mà bán sẽ được vô khối tiền […]. Tàu ô trước mặt đó. Hai anh đứng lại đây, đợi tôi xuống ăn giá đâu vào đấy rồi hẳn xuống nhận tiền. Đàn ông không mua bán quen, chúng nó bóp chẹt chẳng được bao nhiêu.

Sau khi xuống tàu, cô gái đã bán hai tên bợm cho chủ tàu và bỏ trốn.

(số 191, tr 1505)

Tại sao cô gái lại dễ dàng lừa được hai tên bợm? Sở dĩ cô làm được điều ấy là vì lí lẽ của cô theo phong tục: chuyện chợ búa, mua bán là của đàn bà, con gái.

Đàn ông khi ra chợ mua bán dễ bị “bóp chẹt” bởi không quen “cò kè” trả giá nên thường thua thiệt. Cô gái sẽ thay mặt bọn chúng thực hiện cuộc mua bán này.

VD66: Trúc rất keo kiệt, khi có bạn đến chơi, anh ta tìm cách ngăn không cho người nhà bắt cá, giết gà bèn nói: ““Dần bất hạ trì” (giờ dần không nên xuống ao), mày lại không nhớ câu ngạn ngữ đó ư? Mày muốn cho tao sạt nghiệp hay sao mà lại bắt cá vào giờ này?... “Dậu bất khả sát kê” (giờ dậu không nên giết gà), bạn cũ tâm giao ăn gì chả được, còn giết gà vào giờ này kiêng lắm đấy!”

(số 180, tr 1402)

Trúc dựa vào phong tục được đúc kết thành những câu ngạn ngữ - nghĩa là đã được nhiều người chấp nhận – để làm lí lẽ thuyết phục người nhà cũng như bạn mình việc anh ta không muốn bắt cá giết gà là do phong tục không cho phép chứ không phải do mình keo kiệt nên tiếp bạn sơ sài.

VD67: Ông khách bỏ quên túi tiền ở một quán nước, khi quay lại bà chủ quán trả cho ông nguyên vẹn túi tiền. Ông bèn trích ra một nửa biếu bà hàng nước.

Nhưng bà đã từ chối:

- Không phải mồ hôi nước mắt do tôi làm ra, tôi đâu dám nhận.

Ông khách ân cần bảo:

- …Bà có tấm lòng vàng như vậy, tất con cháu sẽ được hưởng phúc dày của bà. Vậy phần mộ tổ tiên của bà ở đâu hãy chỉ cho tôi, tôi sẽ tìm cho một ngôi đất quý hiển.

(số 149, tr 1127)

Ông khách dựa vào lí lẽ “cha mẹ để đức cho con cái”. Đây là quan niệm của nhân dân ta. Con cái sướng khổ thế nào một phần phụ thuộc vào cách ăn ở của cha mẹ tốt hay xấu. Với lí lẽ ấy ông khách khẳng định con cháu bà hàng nước sau này sẽ sung sướng, giàu sang vì bà ăn ở có đức, không tham của người. Cùng với lí lẽ này nhưng thể hiện mặt xấu là “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” cho thấy con cái sẽ phải trả giá những gì cha mẹ đã gây ra.

VD68: Phát hiện ra người bạn gái lâu nay của mình là một nam nhi cải trang, Xuân Hương vô cùng lo sợ, khóc lóc. Như Mai hứa sẽ cưới hỏi đàng hoàng, nhưng Xuân Hương vẫn không tin, bởi theo nàng:

- Không được. Rồi chàng sẽ bỏ tôi như thay một cái áo, tháo một bức phên.

Tôi là con nhà dân, làm sao có thể kết duyên với con nhà quan được kia chứ.

(số 169, tr 1320)

Xuân Hương nghi ngờ Như Mai. Sự nghi ngờ đó được thể hiện cách nàng nói “tôi là con nhà dân, làm sao có thể kết duyên được với con nhà quan kia chứ”.

Nàng đã dựa vào lí lẽ “môn đăng hộ đối”, một lí lẽ không ghi thành văn bản nhưng được số đông chấp nhận, tuân theo nhất là trong xã hội cũ. Hơn nữa cho đến hôm nay vẫn còn nhiều người sử dụng lí lẽ này để ngăn cản hôn nhân của con cái mình.

VD69: Nghĩa bụng bảo dạ: “Vợ mình ăn ở với mình đã ngần ấy năm trời, từ nghèo khổ đến giàu có, vậy thì dù có biết rõ câu chuyện kia, hẳn cũng chả phàn nàn gì mình, mà biết đâu lại chẳng thương mình hơn vì thấy mình phải vượt qua lắm nỗi khó khăn mới đến được hạnh phúc ngày nay.” Và Nghĩa đã kể hết chuyện mình hại Ân như thế nào cho vợ, vốn là vợ của Ân, nghe.

(số 141, tr 1078)

Dựa vào lí lẽ nào mà Nghĩa tự thuyết phục mình dám nói ra chuyện “động trời” như vậy? Phân tích lập luận của Nghĩa ta nhận thấy anh ta nghĩ đến khoảng thời gian chung sống giữa hai người, nghĩ đến những khó khăn anh ta đã trải qua để được vợ. Tất cả những điều đó có nền tảng đạo lí vợ chồng là nghĩa tào khang. Vợ chồng ăn ở với nhau ngoài tình còn có nghĩa, mà đối với người Việt Nam nghĩa nặng hơn tình. Hơn nữa, trong xã hội cũ, người vợ thường lệ thuộc vào chồng. Vì thế Nghĩa đã mạnh dạn “tự thú” với vợ.

Một phần của tài liệu lập luận trong truyện dân gian việt nam (Trang 54 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)