Nghiên cứu điều tra (survey research)

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 37 - 40)

Chương 2. TỔNG QUAN VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT TRONG NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP, CÁC KỸ THUẬT CƠ BẢN TRONG NGHIÊN

3. Nghiên cứu điều tra (survey research)

Điều tra là một phương pháp tiếp xúc với những cá nhân để có được những câu trả lời cho những vấn đề mình muốn tìm hiểu. Đây là một phương pháp được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu xã hội học. Điều tra đặc biệt hữu dụng khi muốn tìm giải đáp cho những vấn đề không thể quan sát trực tiếp được, như khi tìm hiểu những xu hướng chính trị, những niềm tin tôn giáo của những cá nhân, về cuộc sống riêng tư của các cặp vợ chồng…

Nghiên cứu điều tra có thể có nhiều cấp độ khác nhau: các cuộc điều tra có tính thăm dò (exploratory) nhằm tìm một số gợi ý, giả thiết trước khi thực sự bắt tay vào cuộc nghiên cứu chính thức, có quy mô lớn hơn. Điều tra cũng thường được sử dụng trong những nghiên cứu mô tả (descriptive research), qua đó nhà xã hội học cố gắng mô tả một vài thành phần xã hội với một vài biến số liên quan. Và cuối cùng, các điều tra thường liên quan đến nhiều biến số, nên phải tiến hành những cuộc điều tra giải thích (explanatory research) – là những cuộc điều tra qua đó người nghiên cứu cố gắng xác định tương quan giữa nhiều biến số, và ngay cả việc đi tìm những mối dây nhân quả giữa chúng.

Các giai đoạn của một cuộc điều tra xã hội học:

1/ Xác định dân số

Xác định số lượng đối tượng nghiên cứu, mức độ tin cậy…

2/ Xây dựng mẫu nghiên cứu Số người để phỏng vấn

Chọn mẫu ngẫu nhiên, phân suất hay phân tầng…

Chọn cách tiếp xúc với mẫu nghiên cứu.

3/ Thiết kế bảng câu hỏi, bảng hướng dẫn phỏng vấn Chọn loại câu hỏi, thứ tự các câu hỏi…

4/ Thực hiện cuộc điều tra

Chọn, tập huấn người đi phỏng vấn; thời gian, địa điểm…

5/ Phân tích các kết quả

Chọn phương pháp thống kê để xử lý và trình bày các dữ kiện.

Dân số (population) và mẫu nghiên cứu (sample)

a/ Trong thống kê, trong nghiên cứu xã hội học khái niệm dân số (có khi còn được gọi là toàn số hay tổng thể nghiên cứu) được định nghĩa là tập thể những đối tượng có một số đặc tính chung nào đó mà người nghiên cứu muốn tìm hiểu. Lấy thí dụ, ta muốn nghiên cứu xem tỷ lệ người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh tốt nghiệp cấp ba là bao nhiêu, thì trong trường hợp đó tập thể tất cả những người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh là dân số của cuộc điều tra.

b/ Nhưng nghiên cứu toàn thể một dân số như vậy đòi hỏi nhiều tiền bạc và thời gian, vì vậy người ta thường chọn một mẫu – là một bộ phận tượng trưng của toàn thể dân số – để điều tra. Ví dụ hãng điều tra thăm dò ở Mỹ Gallup thường chọn một mẫu 1.500 người đại diện cho toàn thể dân số Mỹ. Có nhiều cách để chọn mẫu nhưng kỹ thuật thông thường nhất là chọn mẫu ngẫu nhiên (random sampling), kỹ thuật này dựa trên định luật xác suất

của toán học. Điển hình của chọn mẫu ngẫu nhiên là việc xổ số hay việc rút thăm. Như vậy nguyên tắc của chọn mẫu ngẫu nhiên là mỗi thành viên của dân số đều có cơ hội được chọn lựa ngang nhau.

Một phương pháp khác là chọn mẫu phân suất hay định ngạch (quota sampling), phương pháp này không dựa trên định luật xác suất, thay vào đó người nghiên cứu chọn những đối tượng của mẫu có những đặc tính quan trọng và điển hình của dân số. Một cách tổng quát, một mẫu phân suất không tiêu biểu cho dân số, vì nó chỉ dựa vào một số đặc tính giới hạn của dân số.

Một đôi khi người ta phối hợp việc chọn mẫu phân suất với việc chọn lựa ngẫu nhiên. Trong trường hợp đó, dân số được chia thành các phân lớp và sau đó người ta sẽ chọn mẫu ngẫu nhiên riêng biệt cho từng phân lớp của dân số. Kỹ thuật này được gọi là chọn mẫu phân tầng (stratified sampling).

Trên đây chỉ là một vài kỹ thuật chọn mẫu thông dụng nhất.

Chọn đối tượng chỉ là bước đầu trong việc điều tra, bước kế tiếp là thiết kế bảng câu hỏi và bảng hướng dẫn phỏng vấn.

c/ Bảng câu hỏi và bảng hướng dẫn phỏng vấn:

Thiết kế bảng câu hỏi vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Việc dùng từ ngữ trong bảng câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu. Nhưng quan trọng nhất, cách dùng từ ngữ trong câu hỏi phải tránh việc gợi ý cho câu trả lời.

Người nghiên cứu cũng phải quyết định việc chọn hình thức câu hỏi nào cho thích hợp với nội dung muốn tìm hiểu: sử dụng câu hỏi mở hay câu hỏi đóng.

Câu hỏi đóng đòi hỏi người trả lời chọn một hay nhiều phương án trong một loạt câu trả lời được đề nghị, trong lời câu hỏi mở cho phép người trả lời nói lên những ý tưởng xuất hiện trong đầu óc mình. Người nghiên cứu cũng phải quyết định chọn lựa bố trí trong bảng câu hỏi (questionnaire) các loại hình câu hỏi thích hợp.

Bảng câu hỏi có thể được gởi tới đối tượng nghiên cứu, hoặc được phỏng vấn qua điện thoại, hoặc được thực hiện trực tiếp bởi người nghiên cứu với đối tượng. Mỗi hình thức trên đều có ưu điểm và khuyết điểm của

chúng. Việc chọn lựa hình thức nào tùy khả năng và mục tiêu của người nghiên cứu.

Phỏng vấn là một cuộc đối thoại với một đối tượng nhằm thâu thập một số dữ kiện sơ cấp. Trong việc phỏng vấn, cũng phải diễn tả các mục tiêu của cuộc nghiên cứu thành những câu hỏi đơn giản, dễ hiểu và phải tạo một bầu khí tin tưởng để đối tượng có thể trả lời thoải mái, chân thật. Muốn vậy, trước hết phải làm cho đối tượng không e dè và hiểu rõ mục tiêu cuộc nghiên cứu và tin tưởng khả năng đóng góp của mình cho việc nghiên cứu. Thứ đến, phải làm thế nào cho đối tượng cảm thấy hứng thú, phấn khởi vì cảm thấy chia sẻ những điều hữu ích qua cuộc phỏng vấn, hoặc cảm thấy đóng góp vào việc cải thiện tình thế.

Phỏng vấn có thể có nhiều hình thức, dựa vào tính chặt chẽ của nội dung phỏng vấn thường có hai hình thức chính là phỏng vấn có hướng dẫn (directive) và phỏng vấn không hướng dẫn (non directive interview). Căn cứ vào đối tượng được phỏng vấn, thường có hai loại hình chính là phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm. Việc chọn lựa hình thức thích hợp nào cũng tùy thuộc tính chất và mục tiêu của nghiên cứu.

Phỏng vấn là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật. Thời gian, địa điểm của cuộc phỏng vấn, giới tính và lứa tuổi của người phỏng vấn phải được chọn lựa kỹ càng vì có thể có ảnh hưởng kết quả của cuộc phỏng vấn.

Do đó, cần thiết phải chọn lựa một số người tập huấn trước khi đi phỏng vấn.

Những điều kiện lý tưởng khác là người phỏng vấn nắm được “mã ngôn ngữ”

và thuộc cùng nhóm với đối tượng nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w