Chương 8. SỰ KIỂM SOÁT XÃ HỘI VÀ LỆCH LẠC XÃ HỘI
II. CÁC LÝ THUYẾT VỀ SỰ LỆCH LẠC XÃ HỘI
4. Các lý thuyết về mâu thuẫn
Các lý thuyết này nhấn mạnh tương quan giữa sự đa dạng văn hóa và lệch lạc xã hội. Hai loại hình chính yếu trong các lý thuyết về mâu thuẫn là lý thuyết xung đột văn hóa và lý thuyết mác xít. Lý thuyết xung đột văn hóa đặt trọng tâm nghiên cứu những phương thức hình thành các quy tắc xung đột trong các hoàn cảnh khuyến khích những hoạt động tội phạm. Như quan niệm của Daniel Bell về xã hội Mỹ. Ông cho rằng trong xã hội Mỹ có một sự mâu thuẫn giữa nền đạo đức chính thức của văn hóa quần chúng và nền đạo đức Thanh giáo. Ví như luật ở Mỹ từ năm 1919 đến 1932 cấm uống các thức uống có rượu. Việc cấm đoán này được giải thích như là một nỗ lực của các nhà làm luật theo đạo Tin Lành để áp đặt nền luân lý của họ lên tập đoàn những người di dân mà việc uống rượu là một nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội. Việc cấm đoán này chỉ làm tăng cơ hội cho việc sản xuất bất hợp pháp.
Nhận định này không có nghĩa là thừa nhận việc buôn bán và sử dụng các sản phẩm bất hợp pháp. Thật ra, chỉ muốn nêu lên một sự kiện khi nào luật pháp áp đặt nền luân lý của một đa số lên các ứng xử của các thiểu số khác, thì những thị trường bất hợp pháp sẽ được tạo ra và được cung ứng bởi những tổ chức có tính cách tội phạm.
Lý thuyết mác xít phê phán lý thuyết xung đột về văn hóa là đã không quan tâm đến những ảnh hưởng của quyền lực và xung đột giai cấp. Đối với những nhà xã hội học mác xít, luật cấm uống rượu không chỉ có nguyên nhân là xung đột văn hóa, nhưng là do giai cấp nắm quyền trong xã hội muốn sở hữu và kiểm soát các tư liệu sản xuất và muốn kiểm soát giai cấp lao động.
Theo các tác giả này, các nhà đại tư bản Mỹ như J. D. Rockefeller, J.P.
Morgan, A. Carnegie…mà R. Merton xếp vào hạng những người “canh tân”
thật ra là những người “ăn cướp” bởi lẽ họ đã lợi dụng tình trạng xáo trộn trong giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp tiếp theo cuộc nội chiến ở Mỹ để tích lũy, đầu cơ những tài sản lớn lao. Theo sự phân loại của Merton, họ có thể được liệt kê vào thành phần biết sử dụng các phương tiện mới để thực hiện mục đích được xã hội chấp nhận, những người “canh tân”, nhưng dưới quan điểm mác xít họ chỉ là những người thực hiện lô gích của chủ nghĩa tư bản: bóc lột những người nghèo bởi những người giàu có và có quyền lực.
Các tác giả của lối tiếp cận mâu thuẫn xã hội cho rằng định nghĩa thế nào là một hành vi lệch lạc thường dựa trên khả năng của những nhóm có quyền lực lớn nhất trong xã hội nhằm thiết đặt ước muốn của họ lên trên chính quyền. Những định nghĩa thế nào là tội phạm, ai phải bị trừng phạt thường chỉ áp dụng cho tầng lớp bị trị. Lấy trường hợp tội loạn luân chỉ áp dụng cho những người bình dân ở xã hội Ai cập và Trung Hoa xưa, chứ không áp dụng cho tầng lớp quý tộc, vua quan. Steven Spitzer khẳng định những chuẩn mực xã hội đều nhằm củng cố cho hệ thống kinh tế của một xã hội nào đó và những người nào đe dọa hệ thống kinh tế trên đều bị xem là có những hành vi lệch lạc. Ví như chủ nghĩa tư bản đặt cơ sở trên quyền tư hữu nên bất cứ người nào đe dọa quyền này đều bị xem là lệch lạc (đặc biệt là khi
người nghèo ăn cắp của người giàu, còn khi người giàu bóc lột người nghèo thì ít khi bị xem là lệch lạc, mà chỉ là một “lối kinh doanh”!). Chủ nghĩa tư bản dựa trên việc khai thác sức lao động, nên những người nào không còn làm việc như những người già, người thất nghiệp – đều bị xem là lệch lạc. Chủ nghĩa tư bản cũng đặt cơ sở trên niềm tin rằng sự vận hành của chính nó là đúng, là hợp lý nên những người nào có những hành vi chống lại sự vận hành trên – như những phong trào phản chiến, các phong trào bảo vệ môi trường – đều bị gán nhãn lệch lạc. Và ngược lại những hoạt động nào gia tăng sự vận hành của chủ nghĩa tư bản – như các loại hình thể thao ganh đua nhưng không tôn trọng mạng sống của con người như đua xe, đánh bốc…
đều được đề cao.
Nhà xã hội học Edwin Sutherland đã đưa ra một công trình nghiên cứu về “tội phạm của giới cổ cồn trắng”, của những viên chức. Tội của họ là do sử dụng quyền lực từ vị trí nghề nghiệp của mình nhằm vi phạm luật pháp hòng kiếm lời như tham ô, móc ngoặt, biển thủ công quỹ, sản xuất hàng gian, hàng giả, quảng cáo gian dối, làm ô nhiễm môi trường…ông ta đưa các ví dụ về xã hội Mỹ, những tội phạm liên quan đến kinh doanh làm thiệt hại cho xã hội Mỹ gấp tám lần thiệt hại trộm cướp các loại gây ra (1984). Số lượng người Mỹ chết và bị thương do không có an toàn lao động cao gấp năm lần số người bị giết do trộm cướp. Và tác giả cho thấy những hành vi lệch lạc của những người giàu, của tầng lớp trên rất ít được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến như trường hợp những hành vi lệch lạc của người nghèo.
Marx và Engels cũng đề cập tới một bộ phận của giai cấp vô sản do thất nghiệp, nghèo đói có thể trở thành nhưng tên tội phạm, mà hai ông thường gọi là “những tên vô sản lưu manh”. Nhưng hai ông không tin tưởng vào tầng lớp này mà chỉ tin vào những người công nhân có tổ chức sẽ đấu tranh để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, các tác giả mác xít nhấn mạnh hơn xung đột giai cấp, giải thích các loại hình khác nhau về tội phạm, về hành vi lệch lạc bằng vị trí xã hội, giai cấp của chính những người đó.