Chương 10. BIẾN CHUYỂN XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA
B. Một số lối giải thích đương đại về quá trình hiện đại hóa
Quá trình hiện đại hóa như là sự hình thành xã hội đại chúng:
Một lời giải thích quan trọng về tính hiện đại nhấn mạnh các phương cách mà cách mạng công nghiệp đã dẫn đến sự hình thành các xã hội đại chúng có qui mô lớn. Thuật ngữ xã hội đại chúng ám chỉ một xã hội công nghiệp mang đặc tính có các bộ phận cấu thành đồng nhất nhưng tách rời nhau. Lối tiếp cận nghiên cứu tính hiện đại như là xã hội đại chúng – đã đặt cơ sở trên các ý tưởng của Toennies, Durkheim, và Weber – có hai lập luận chính:
Qui mô của đời sống xã hội gia tăng: đời sống xã hội có qui mô nhỏ trong các xã hội tiền công nghiệp đã trở thành những cộng đồng có qui mô lớn trong các xã hội công nghiệp. Việc chuyên biệt hóa các hoạt động kinh tế, đô thị hóa và việc gia tăng dân số nhanh chóng tiếp theo cuộc cách mạng công nghiệp đã gia tăng qui mô của đời sống xã hội. Trong các xã hội có qui mô lớn, mỗi cá nhân thường chỉ quen thân một số ít người, biết đến nhiều người khác chỉ qua công việc của họ (ví dụ “bác sĩ”, người bán hàng trong siêu thị”…) và nhìn đại bộ phận những người khác như là một đám đông vô danh. Sự truyền thông diện đối diện vẫn còn, nhưng những tổ chức truyền thông đại chúng chính thức (báo chí, truyền hình, đài…) ngày càng giữ vai trò quan trọng. Các tổ chức chính thức giữ vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội và đảm nhận những trách nhiệm trước đây do gia đình, bạn bè và những người láng giềng đảm nhận một cách không chính thức.
Truyền thông đại chúng và sự phát triển các phương tiện giao thông góp phần làm suy yếu các giá trị văn hóa truyền thống, khi con người tiếp xúc với các giá trị và chuẩn mực văn hóa khác đa dạng hơn. Khi xem các tin tức thế giới trên truyền hình hay khi tiếp xúc với những người thuộc các dân tộc khác, con người dễ chấp nhận sự đa dạng của văn hóa và đi đến việc đánh giá cao quyền và tự do chọn lựa của cá nhân. Các phân lớp văn hóa và văn hóa phản kháng (counterculture) phát triển trong các xã hội đại chúng. Các thành phần có vị trí yếu kém trong xã hội trước đây như phụ nữ, các dân tộc thiểu số - giành được quyền tham dự lớn hơn vào công việc xã hội, kể cả
quyền bầu cử. Các cơ hội này đi đôi với sự phát triển kinh tế, kích thích sự di động xã hội.
Sự hình thành và phát triển của nhà nước: Trong các xã hội có qui mô nhỏ ở châu Âu vào thời trước cách mạng công nghiệp, chính quyền nằm trong tay các lãnh chúa địa phương. Do thiếu các phương tiện truyền thông, không một ông vua, ông chúa nào có thể thực hiện sự kiểm soát hữu hiệu lên toàn thể xã hội. Nhưng dần dần với cuộc cách mạng công nghiệp, chính quyền trung ương càng ngày càng phát triển về qui mô và tầm quan trọng.
Lấy thí dụ, năm 1795 ngân sách của chính quyền Mỹ khoảng 6 triệu đô la, số tiền đó chỉ bằng ngân sách ba ngày vào năm 1985. Qui mô của nhà nước cũng gia tăng, chính quyền can thiệp vào mọi lãnh vực của đời sống xã hội như điều tiết lương bổng và ấn định điều kiện làm việc, giáo dục lực lượng lao động tương lai, cung cấp trợ cấp tài chánh cho những người thất nghiệp, bệnh hoạn… Dĩ nhiên trong quá trình đó, thuế má cũng gia tăng lên một cách đều đặn, lấy thí dụ hiện nay một người Mỹ phải lao động bốn tháng trong một năm để có tiền trả các dịch vụ gia tăng của nhà nước. Đồng thời các phương tiện chính trị cũng tập trung vào các tổ chức thư lại lớn làm cho các cộng đồng địa phương cảm thấy họ có ít quyền trên đời sống của chính mình.
Tóm lại, lý thuyết xã hội đại chúng thấy được các hậu quả tích cực cũng như tiêu cực của việc chuyển biến từ đời sống xã hội có qui mô nhỏ sang đời sống xã hội có qui mô lớn. Các xã hội hiện đại nhấn mạnh về quyền của cá nhân, chấp nhận hơn những sự khác biệt xã hội và đem lại một mức sống cao hơn các xã hội truyền thống trong quá khứ. Nhưng các xã hội đại chúng cũng có đặc điểm ít nhiều về cái mà Durkheim gọi là phi chuẩn mực.
Qui mô và tính phức tạp của xã hội đại chúng làm cho cá nhân thường cảm thấy bất lực khi đối diện các tổ chức bàn giấy. Ví như, mặc dầu hệ thống chính trị Mỹ ngày nay chấp nhận quyền bầu cử của mọi công dân từ 18 tuổi trở lên, nhưng thông thường chỉ có khoảng phân nửa cử tri Mỹ đi bầu. Sự kiện này cho thấy rằng hệ thống chính trị - cũng như nhiều lãnh vực khác của các xã hội có qui mô lớn – thường làm cho cá nhân cảm thấy không ai có thể
làm gì khác hơn, không ai có thể ảnh hướng lên xã hội đại chúng, không ai có thể tác động lên cái guồng máy khổng lồ đó.
Một cách tổng quát, lối giải thích này về quá trình hiện đại hóa có xu hướng nhìn một cách thiện cảm đời sống trong các xã hội có qui mô nhỏ trong quá khứ. Do đó việc phân tích xã hội đại chúng kéo được sự chú ý của những người bảo thủ về xã hội và về kinh tế. Những người này ủng hộ nền đạo đức có tính cách qui ước và chống lại sự điều tiết càng ngày càng gia tăng của chính quyền vào đời sống xã hội.
Quá trình hiện đại hóa như là quá trình sự phát triển xã hội có giai cấp:
Lối giải thích này thừa nhận sự kiện các xã hội hiện đại có qui mô đại chúng, nhưng cho rằng trung tâm vấn đề hiện đại hóa là sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản. Hơn thế nữa, bất bình đẳng xã hội và xung đột xã hội vẫn được thừa nhận và tiếp tục tồn tại trong các xã hội tư bản.
Theo K. Marx, chủ nghĩa tư bản tại các nước phát triển không chỉ là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp mà còn phản ánh những mục tiêu bành trướng của chủ nghĩa tư bản. Hệ thống tư bản chủ nghĩa đặt cơ sở trên việc tìm kiếm lợi nhuận ngày càng gia tăng, do đó luôn luôn tìm cách gia tăng sản xuất và tiêu thụ. Vì đặt cơ sở trên việc tìm kiếm lợi nhuận, các nhà tư bản tìm cách khai thác quần chúng lao động một cách có hiệu quả nhất và xem con người như là những phương tiện để phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Như vậy chủ nghĩa tư bản dần dần đã đi lệch khỏi các quan niệm truyền thống về đạo đức. Theo quan niệm truyền thống này con người cho dù vị trí xã hội nào đều là những con người có giá trị và bình đẳng trước thượng đế, chứ con người không phải là một vít ốc trong một bộ máy của quá trình hiện đại hóa. Phương pháp khoa học cũng thách thức các tín niệm truyền thống, nó hợp pháp hóa quyền lực và của cải của các nhà tư bản. Khoa học đã thách thức ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội hiện đại nhưng mặt khác khoa học cũng hợp pháp hóa nguyên trạng, vì nó cho rằng các tiến bộ kỹ thuật sẽ tiếp tục cải thiện đời sống xã hội. Theo J. Habermas, khoa học khám
phá và phát minh các liều thuốc chữa chạy cho các vấn đề xã hội thay vì thay đổi các mô thức xã hội đã tạo ra những vấn đề xã hội trên.
Cái lôgích của khoa học và qui mô bành trướng của xã hội hiện đại thể hiện rõ ràng nhất trong việc phát triển các công ty tư nhân, đó là những công ty liên quốc gia có qui mô rất lớn và kiểm soát một số tài nguyên lớn trên thế giới. Dưới quan niệm xã hội giai cấp, qui mô ngày càng lớn của đời sống là một hậu quả không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản.
Bất bình đẳng xã hội vẫn tồn tại: lý thuyết xã hội đại chúng nhấn mạnh quá trình hiện đại hóa đã dần dần thâu ngắn những khác biệt xã hội, chúng đã là đặc trưng của các xã hội tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo lý thuyết xã hội giai cấp, quá trình hiện đại hóa chỉ thay đổi về bề mặt các bất bình đẳng xã hội. Nói cách khác, mặc dầu có sự kiện là mức sống trung bình đã tăng lên, nhưng các xã hội tư bản hiện đại vẫn còn tương tự các xã hội có sự phân chia sâu sắc các tầng lớp xã hội như trước đây, bởi lẽ hầu hết tài nguyên vẫn tiếp tục bị kiểm soát bởi một thiểu số ưu tú. Lấy thí dụ ở Mỹ, 5% những người Mỹ giàu nhất kiểm soát hơn phân nửa tài nguyên của nước Mỹ. Theo Paul Blumberg, mức sống ở Mỹ gia tăng trong thế kỷ qua không che dấu sự kiện là một thiểu số vẫn tiếp tục kiểm soát hầu hết tài nguyên trong khi một bộ phận dân cư vẫn sống trong nghèo đói. Hay theo tài liệu của Liên hiệp Quốc, vào năm 1980, 26% dân số các nước giàu trên thế giới tạo ra 78% tổng sản lượng của cả thế giới, tiêu thụ 81% năng lượng, sử dụng 70% phân bón hóa học, 85% quặng sắt của cả thế giới (TTCN,18–9–94).
Về vấn đề nhà nước, theo lý thuyết xã hội giai cấp, nhà nước trong xã hội tư bản bảo vệ quyền lợi và tài sản của giới tư sản là giai cấp có quyền lực nhất trong xã hội. Lý thuyết này cũng cho rằng các quyền lợi chính trị và kinh tế mà đại bộ phận những người lao động ở các nước tiên tiến ngày nay được hưởng không phải là sự biểu hiện lòng tốt của các nhà nước tư sản mà chúng là kết quả của một quá trình đấu tranh chính trị gay go và lâu dài. Dù vậy, ngày nay một số nhà chính trị bảo thủ đang nhân danh tính hiệu quả và hệ thống thị trường tự do đang nỗ lực cắt giảm những chương trình tài trợ của
chính quyền cho những thành phần kém may mắn nhất trong xã hội. Giải thích của lý thuyết xã hội giai cấp về quá trình hiện đại hóa giành được ủng hộ của những người tiến bộ – về mặt xã hội cũng như kinh tế. Những người này đòi hỏi bình đẳng kinh tế và xã hội lớn hơn cho mọi thành phần xã hội và họ cũng ủng hộ sự điều tiết lớn hơn của nhà nước vào nền kinh tế thị trường.
Tóm lại, lý thuyết xã hội giai cấp giải thích sự hình thành của quá trình hiện đại hóa rất khác với lý thuyết xã hội đại chúng. Thay vì nhấn mạnh qui mô ngày càng gia tăng của đời sống xã hội và sự hình thành của các tổ chức chính thức lớn, lối tiếp cận này nhấn mạnh sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản, sự tồn tại dai dẳng của bất bình đẳng xã hội. Thay vì chỉ thấy sự tương đối của các chuẩn mực đạo đức, lý thuyết xã hội giai cấp nhấn mạnh vấn đề vong thân – một khái niệm mà Marx đã dùng để chỉ tình trạng đại bộ phận quần chúng có rất ít thực quyền để ảnh hưởng đến đời sống của chính mình.