Chương 6. PHÂN TẦNG XÃ HỘI VÀ DI ĐỘNG XÃ HỘI
E. Lý thuyết tương tác
Các lý thuyết mâu thuẫn và chức năng đã giải thích sự phân tầng xã hội trên cơ sở kinh tế. Tuy nhiên các lý thuyết này chưa giải thích đủ việc tạo uy tín xã hội của các tầng lớp xã hội. Theo lý thuyết tương tác, uy tín của một người trong giai cấp không được đánh giá bằng những gì cá nhân đã sản xuất hay bằng của cải của người đó mà bằng những tiện nghi mua sắm mà qua đó cá nhân muốn biểu lộ con người của mình. Ví như, một tầng lớp giàu mới ở thành phố HCM, biểu hiện thế giá xã hội của mình bằng việc sắm xe hơi, chơi tennis, chơi golf, xây hồ tắm trong nhà, đi ăn nhà hàng, đi du lịch nước ngoài… Và khi những tầng lớp dưới bắt chước theo những “mode” đó, thì tầng lớp trên thay đổi, tìm những biểu hiện mới, “không thông dụng”
(Dowd, 1985). Như vậy lý thuyết tương tác không giải thích sự xuất hiện của các giai cấp xã hội, nhưng chủ yếu giúp hiểu ứng xử của các nhóm địa vị trong từng giai cấp. Và các ứng xử này, đến lượt chúng, xác định, củng cố hay thách đố sự phân tầng xã hội. Tóm lại, theo lý thuyết tương tác, hệ thống phân tầng xã hội không phải là một hệ thống cố định nhưng luôn luôn được tái tạo qua ứng xử hàng ngày của từng triệu con người.
F. Quan điểm của G. Lenski và J. Lenski:
Hai vợ chồng Lenski cho rằng phân tầng xã hội đã biến chuyển qua các giai đoạn lịch sử. Trong các xã hội săn bắt hái lượm, do trình độ kỹ thuật còn sơ khai, nên hoạt động kinh tế chưa có thặng dư và không có tầng lớp nào tích lũy nhiều của cải hơn các tầng lớp khác. Do đó sự phân tầng xã hội chỉ ở mức tối thiểu.
Khi kỹ thuật sản xuất tiến bộ hơn, như trong các xã hội trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp, nền kinh tế sản xuất ra của cải thặng dư, một thiểu số ưu đãi đã kiểm soát và tích lũy nguồn thặng dư của cải vật chất này. Dần dà những lợi thế và bất bình đẳng quyền lực được định chế hóa và một hệ thống phân tầng xuất hiện.
Nhưng theo hai tác giả này, trong xã hội công nghiệp, sự bất bình đẳng xã hội có xu hướng giảm đi, bởi lẽ hoạt động sản xuất trong các xã hội công nghiệp đòi hỏi trình độ học vấn, huấn luyện và trình độ chuyên môn cao ở
người công nhân. Điều này có nghĩa là càng ngày càng có một bộ phận lớn dân cư có khả năng kiểm soát tài nguyên của xã hội nhiều hơn. Như vậy bất bình đẳng xã hội có xu hướng giảm, bởi lẽ xu hướng này có lợi cho sự vận hành của xã hội công nghiệp.
VI. BIẾN CHUYỂN CỦA PHÂN TẦNG XÃ HỘI
Trong các xã hội phương Tây, người ta thường đưa ra sự phân tầng xã hội dựa trên sự phối hợp các tiêu chuẩn về nghề nghiệp, các phạm trù xã hội–nghề nghiệp (địa vị xã hội, uy tín, thu nhập…) và trình độ học vấn, chuyên môn. Lấy thí dụ sự phân loại tổng hợp mà Gérard Ignasse và Marc–Antoinne Génissel đưa ra: 1– những người lao động không chuyên môn, 2– lao động chân tay có chuyên môn và nhân viên, 3– nhân viên kỹ thuật và cán bộ, 4–
cán bộ có trình độ đại học. Các tầng lớp trên đã biến chuyển qua các giai đoạn phát triển kinh tế.
Trước giai đoạn công nghiệp hóa, sự phân tầng có cơ cấu hình kim tự tháp: đáy lớn với đại bộ phận thuộc tầng lớp 1 (nghèo, không chuyên môn), tầng lớp 4 (chuyên môn cao, giàu) ít, có nghĩa là càng lên cao các tầng lớp càng có ít người.
Quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi nhiều nhân lực chuyên môn, thu nhập của nhiều người được tăng lên, do đó tầng lớp 1 sẽ giảm bớt đi, các tầng lớp trung gian và khá giả phát triển hơn. Ta có cơ cấu phân tầng hình trái xoan.
Khi quá trình công nghiệp hóa đã chín mùi với việc gia tăng lao động trong lãnh vực dịch vụ, với việc giảm đáng kể tầng lớp những người thợ không chuyên môn (bị thay thế bởi máy móc tự động) và sự gia tăng những người có trình độ đại học, ta sẽ có cơ cấu hình bóng điện tròn. Cơ cấu này đặt cơ sở trên sự phát triển các tầng lớp trung gian, nhưng nó không hội nhập được tất cả các thành phần xã hội vào hệ thống, bởi lẽ một thiểu số vẫn bị loại ra bên lề (đui bóng điện). Người ta đã đề cập đến loại hình xã hội phân
đôi: một bên những người ít nhiều thành công, nằm trong hệ thống và bên kia những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội, như trường hợp những người vô gia (SDF) trong các xã hội công nghiệp tiên tiến.
Ngày nay, các nhà xã hội học, một mặt, rất dè dặt trước các lý thuyết nhằm xóa bỏ hoàn toàn những bất bình đẳng xã hội, và ngăn chặn sự hình thành các giai cấp. Nhưng mặt khác, họ cũng phê bình gắt gao những bất bình đẳng về mặt vật chất, cơ hội thăng tiến không đồng đều vẫn tồn tại dai dẳng, ngay cả trong các xã hội công nghiệp tiên tiến hiện nay.