Vai trò và vị trí xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 72 - 76)

Chương 4. QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HÓA VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ XÃ HỘI

B. Vai trò và vị trí xã hội

Quá trình xã hội hóa là quá trình cá nhân học hỏi cách đóng các vai trò mà mình đảm trách trong xã hội. Cũng có thể quan niệm một cách khác, mỗi cá nhân hiện hữu trong xã hội chính là hiện hữu qua những vị trí và vai trò trong tương quan với những người khác trong xã hội.

Bất cứ một tổ chức, một định chế nào đều cũng bao gồm một số vai trò.

Trong một xí nghiệp có vai trò của giám đốc, của các phó giám đốc, của các trưởng phòng chuyên môn, của các tổ trưởng, của nhân viên, cho đến vai trò của người gác dan…

Mỗi vai trò thường tương ứng với một vị trí xã hội nhất định do đó người ta thường nhầm lẫn hai thuật ngữ này. Vị trí xã hội là một thế đứng (position) của một cá nhân trong một nhóm, một đoàn thể đã được xã hội quy định. Trong khi một vai trò là cách thế xã hội qui định một cá nhân phải ứng xử như thế nào khi ở vào một vị trí xã hội cụ thể nào đó. Trong định chế gia đình, cha, mẹ, con trai, con gái cậu, mợ… là những vị trí xã hội. Vai trò của người mẹ là nuôi con, săn sóc cho con, đưa con đi học… Cho nên một người mẹ mới sinh con ra, đem con bỏ vào cô nhi viện, là chưa thể hiện đúng vai trò người mẹ.

Mỗi vai trò bao gồm, tập hợp một số khuôn mẫu hành vi nhất định. Có những hành vi mà người đóng vai trò nào đó không thể không có được, đó là những hành vi đòi hỏi. Người ta còn phân biệt những hành vi có thể chấp nhận được, và những hành vi bị cấm đoán trong một vai trò (Fichter,1973).

Hành vi được đòi hỏi ở một giáo viên là phải lên lớp giảng dạy, giúp đỡ sinh viên trong việc học tập. Ông ta/ cô ta có thể viết thư góp ý với Hội Liên hiệp sinh viên ở trường về những công tác của hội. Đây là một hành vi có thể chấp nhận được. Nhưng khi giáo viên xách động sinh viên, đập phá bàn ghế trong lớp học thì đây là một hành vi hoàn toàn bị cấm đoán.

Vị trí xã hội là một khái niệm khách quan, độc lập với cá nhân và có tính tương quan. Vị trí xã hội của một người thường đa dạng, tùy thuộc số nhóm mà người đó tham gia trong đời sống xã hội. Nhưng trong các vị trí trên có vị trí then chốt (key status) mà cá nhân thường đồng hóa mình. Mỗi vai trò thường được định chế hóa và gắn liền với một khung cảnh nhất định. Vai trò của ông bác sĩ là khám bệnh và chữa trị cho bệnh nhân. Trong phòng mạch, ông ta có thể đề nghị bệnh nhân cởi áo quần để khám, nhưng trong một buổi tiệc nếu có một bệnh nhân đến hỏi bệnh tình thì ông không thể đề nghị bệnh nhân cởi quần áo như trong phòng mạch. Có nhiều vị trí xã hội của cá nhân liên kết với nhau, ví như vị trí của người vợ, của người mẹ, của người nội trợ thường liên kết trong vị trí của một người phụ nữ thành niên. Nhiều vị trí xã hội đi theo một diễn trình và việc chuyển tiếp từ vị trí xã hội này sang vị trí xã hội khác, nhất là với các vị trí xã hội gắn với giới tính, lứa tuổi, với chu kỳ của đời sống – thường được đánh dấu bởi các nghi thức chuyển tiếp, như nghi lễ hôn nhân chẳng hạn. Người ta còn phân biệt vị trí của cộng đồng với vị trí của đoàn thể. Cuối cùng, trong thuật ngữ xã hội học Tây phương, thuật ngữ vị trí xã hội đôi lúc đồng nghĩa với địa vị xã hội, có nghĩa là toàn bộ đánh giá của xã hội về mặt uy tín, thế lực, trọng vọng… đối với một cá nhân.

Các nhà xã hội học đã đưa ra nhiều phân loại khác nhau về vai trò. Vai trò cân xứng và không cân xứng, vai trò được chỉ định và vai trò thành đạt, vai trò giản dị và vai trò phức tạp, vai trò chủ yếu và không chủ yếu, những vai trò

theo bậc thang đánh giá của xã hội, vai trò phổ quát và vai trò đặc thù (T.

Parsons). Trong đó đáng chú ý là sự phân loại các vai trò được chỉ định (ascribed role) và vai trò thành đạt (achieved role). Trong các xã hội truyền thống, đơn giản (như xã hội nông thôn, xã hội nguyên thủy), ít có xung đột vai trò vì các vị trí xã hội của cá nhân thường được quyết định từ khi sinh ra và bởi truyền thống hơn là bởi những gì cá nhân đạt được do nỗ lực của mình.

Tục ngữ ta mới có câu: “Con vua thì lại làm vua…”. Các vị trí và vai trò được chỉ định thường không thay đổi, do đó đòi hỏi xã hội cũng không đa dạng. Trái lại trong xã hội hiện đại người ta đánh giá cao những vị thế do cá nhân đạt được (vị thế và vai trò của nhà báo, của giáo sư đại học, của nhà chính trị…).

Trong xã hội hiện đại cá nhân có xu hướng muốn thành đạt trong các vị thế nghề nghiệp và các vị trí khác trong cộng đồng, trong xã hội. Xã hội hiện đại cố gắng san bằng những mâu thuẫn trong vị trí được chỉ định và vị trí thành đạt bằng cách tạo ra những bình đẳng, như các biện pháp cưỡng bách trong giáo dục chẳng hạn. Và nói một cách tổng quát, các phong trào xã hội đều nhằm tới sự bình đẳng này.

Vai trò và văn hóa: Tuy cùng một vị trí xã hội, nhưng cách ứng xử, những đòi hỏi của xã hội cũng thay đổi theo bối cảnh văn hóa của từng xã hội. Ở một số dân tộc ít người Việt Nam, vai trò quyết định trong hôn nhân của người con gái không tùy thuộc cha mẹ ruột mà tùy thuộc người cậu.

Thêm vào đó tuy cùng một vị trí xã hội, nhưng lối ứng xử trong vai trò của từng cá nhân tùy thuộc cá tính, và sự nhận thức của cá nhân về vai trò mà mình phải đảm nhận.

Vai trò và nhân cách:

Như chúng ta đã biết nhân cách là toàn bộ vai trò mà một cá nhân đảm nhận, là một tổng thể về phương diện lối sống, tổng thể những lối ứng xử, hành vi đã trở nên ổn định nơi cá nhân. Giữa nhân cách và vai trò có ảnh hưởng biện chứng. Một nhân viên khi trở thành giám đốc không những chỉ có những thay đổi trong vị thế và vai trò, mà nhân cách xem ra cũng có thể biến đổi. Những vai trò trong nghề nghiệp cũng có thể thay đổi nhân cách, và mặt

khác nhân cách cũng có thể là yếu tố thuận lợi hay ngăn cản việc đảm nhận một vai trò. Vai trò xã hội cũng có thể phát triển một số đặc tính của nhân cách cá nhân. Một nhân cách hướng ngoại thì dễ thích ứng với vai trò mậu dịch viên và ngược lại vai trò mậu dịch viên có thể phát triển tính hướng ngoại của nhân cách.

Xung đột vai trò và căng thẳng vai trò:

Sự căng thẳng vai trò (role strain) xuất hiện khi cá nhân cảm nhận những yêu cầu mâu thuẫn trong vai trò hiện tại của mình hoặc không thể đáp ứng những đòi hỏi của một vai trò mới. Ví như vai trò của người đốc công là phải thỏa mãn đồng thời những yêu cầu của ban giám đốc và của công nhân.

Mặt khác thử nghiệm của S. Zuboff vào 1982, cho thấy việc sử dụng máy vi tính trong việc kiểm soát công việc của công nhân có thể làm cho người đốc công bớt căng thẳng, nhưng anh ta lại cảm thấy vai trò của mình không cần thiết nữa. Việc không hoàn thành tốt vai trò cũng có thể gây căng thẳng. Một người chồng thất nghiệp dễ rơi vào trạng thái u sầu vì cảm thấy mình không đáp ứng những đòi hỏi của gia đình.

Mỗi cá nhân có thể có nhiều vai trò khác nhau, số lượng vai trò này tùy thuộc số nhóm tham gia. Chính vì thế mà đôi lúc đã xảy ra xung đột giữa các vai trò (role conflict). Một trong những xung đột vai trò thường thấy là xung đột giữa vai trò trong đoàn thể sơ cấp và thứ cấp. Một người mẹ phấn đấu trong công việc cơ quan có thể xao lãng công việc trong gia đình. Những lo âu trong cuộc sống trong xã hội hiện đại xuất phát từ cố gắng của cá nhân nhằm cân bằng sự xung đột giữa những vai trò khác nhau. Xung đột vai trò (role conflict) xảy ra khi nhằm hoàn thành tốt một vai trò chúng ta phải hi sinh việc hoàn thành tốt một vai trò khác. Ví như anh lính cứu hỏa khi chữa cháy ở khu vực nhà mình ở có thể bỏ quên nhiệm vụ để chạy về xem gia đình mình có bị ảnh hướng gì không (Killian, 1952).

Những kỳ vọng nơi vai trò (role expectations) và chế tài của xã hội:

Trong bất kỳ xã hội nào, người ta đều chờ đợi ở người cha, người mẹ, người con những lối ứng xử thích hợp nào đó. Kỳ vọng nơi vai trò là những

mong muốn, những đòi hỏi mà xã hội đã xác định khi cá nhân đứng vào một vị thế nhất định. Với tư cách người lính, người ta mong đợi anh ta phải dũng cảm trên chiến trận, kể cả hy sinh tính mạng nếu cần thiết.

Nhưng trong thực tế luôn có một khoảng cách giữa vai trò được kỳ vọng và vai trò thực tế. Hầu như mọi người con gái đều được xã hội hóa để trở thành một người phụ nữ đảm đang, nhưng trong thực tế có người không biết nấu ăn hay nấu ăn dở, không biết thể hiện vai trò của một người vợ…

Sự kỳ vọng ở vai trò nếu không được đáp ứng sẽ bị sự chế tài của xã hội, sự chế tài này mang hình thức nhẹ như sự khen chê của dư luận, nhưng cũng có thể mang những hình thức chế tài nặng do pháp luật quy định trong các xã hội hiện đại hay do tập quán pháp (droit coutumier) như trong các xã hội cổ truyền.

Chế tài xã hội

Mức độ / Hình thức Nhẹ: Nặng:

Chính thức: Luật giao thông Luật liên quan sự sống, sở hữu

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w