THẾ NÀO LÀ KIỂM SOÁT XÃ HỘI, LÀ LỆCH LẠC XÃ HỘI

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 121 - 124)

Chương 8. SỰ KIỂM SOÁT XÃ HỘI VÀ LỆCH LẠC XÃ HỘI

I. THẾ NÀO LÀ KIỂM SOÁT XÃ HỘI, LÀ LỆCH LẠC XÃ HỘI

Trong nghĩa rộng, lệch lạc (deviance) là lối ứng xử vi phạm các quy tắc, chuẩn mực của một xã hội hay của một tổ chức xã hội nhất định. Nhãn hiệu

người lệch lạc được gán cho những ai vi phạm hay chống lại những chuẩn mực được đánh giá cao nhất của xã hội, đặc biệt là những chuẩn mực của nền văn hóa thống trị, của tầng lớp thống trị. Những phương thức mà một xã hội ngăn ngừa sự lệch lạc và trừng phạt những người lệch lạc thường được gọi là sự kiểm soát xã hội (social control). Mặt khác, như khi đề cập đến quá trình xã hội hóa, nền văn hóa đặt ra, hình thành nên những giá trị, chuẩn mực là để củng cố các định chế xã hội và đồng thời thiết lập một hệ thống kiểm soát xã hội. Như vậy trong nghĩa rộng, kiểm soát xã hội được xem như những phương cách mà xã hội thiết lập và củng cố những chuẩn mực xã hội. Theo Janovitz kiểm soát xã hội “là khả năng của một nhóm xã hội, hay của cả xã hội trong việc điều tiết chính mình”.

Những phương tiện được sử dụng để ngăn ngừa sự lệch lạc và trừng phạt những người lệch lạc chỉ là một bình diện của kiểm soát xã hội. Những phương tiện trên có thể là cảnh sát, nhà tù, các bệnh viện tâm thần, các trường trại cải tạo…Những định chế chính thức để kiểm soát xã hội chỉ được sử dụng cho những đối tượng lệch lạc mà xã hội e ngại nhất. Những hình thức lệch lạc nhẹ thường được điều tiết qua những hành vi tương tác giữa những cá nhân. Như khi cha mẹ phê bình, ngăn cản đứa con trai để tóc quá dài, hay ăn mặc quá “bụi”.

Thế nào là lệch lạc vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Bởi lẽ như đã định nghĩa, lệch lạc tùy thuộc quan điểm và góc độ đứng nhìn vấn đề. Như trường hợp Nelson Mandela trước đây, đối với những người da trắng Nam phi ông là một người lệch lạc, đã bị bỏ tù vì chống lại luật lệ của Nam phi, nhưng đối với người da đen ông ta là một vị anh hùng.

Hành vi lệch lạc hay không cũng tùy thuộc nền văn hóa. Đối với người Việt chúng ta ăn thịt heo hay thịt bò không thành vấn đề, nhưng ăn thịt bò đối với người Chăm theo đạo Bàlamôn hay ăn thịt heo đối với người Chăm theo Hồi giáo là những hành vi lệch lạc.

Không có một phương thức đơn giản hay phổ quát để phân loại các hành vi lệch lạc. Tuy nhiên có thể phân biệt sự lệch lạc ở cấp độ cá nhân, sự

lệch lạc của một nhóm và sự lệch lạc ở cấp độ định chế. Một số người bị gán cái nhãn hiệu lệch lạc là do một vài nét đặc trưng cá nhân, do một số ứng xử nào đó. Những người khác bị xem là lệch lạc bởi lẽ các thành viên trong nhóm đi lệch khỏi những chuẩn mực của xã hội. Đối với xã hội, họ là những người lệch lạc nhưng đối với nhóm họ là những người không lệch lạc và chỉ làm theo những quy tắc của nhóm. Đối với một xã hội nhất định, một nhóm hippi, một băng đảng, và ngay cả một nhóm người làm cách mạng…có thể bị xem là một nhóm người lệch lạc. Xã hội thường có những phản ứng khác nhau trước hành vi lệch lạc của một cá nhân, một nhóm hay của một định chế. Như phản ứng đối với trường hợp một phụ nữ dễ dãi trong quan hệ giới tính khác với trường hợp một cô gái mại dâm, khác với mại dâm như là một định chế lệch lạc.

Mức độ mà những thành viên trong xã hội đồng ý hay không đồng ý một hành vi nào đó là lệch lạc có thể xếp theo mức độ yếu và mạnh. Mức độ yếu ở những trường hợp có nhiều tranh cãi và mức độ mạnh trong những trường hợp có ít bất đồng. Những chế tài tiêu cực hay còn gọi là những sự trừng phạt có thể được sắp xếp từ mức độ rất yếu đến mức độ rất mạnh. Hơn thế nữa những giá trị và những quy tắc của một nền văn hóa thường thay đổi thì những khái niệm, những hành vi nào là lệch lạc và chúng phải được chế tài như thế nào cũng thay đổi. Như trong xã hội Mỹ, cách đây thột thế kỷ, đồng tính luyến ái bị lên án gắt gao, ngược lại ngày nay có những phong trào đấu tranh cho quyền lợi của những người này.

Nghiên cứu sự lệch lạc nhắm tới những người lệch lạc trong xã hội có nghĩa là những người tự ý vi phạm những chuẩn mực của xã hội, chứ không quan tâm đến những người có những đặc điểm khác thường về mặt cơ thể.

Đặc biệt nghiên cứu lệch lạc xã hội cũng nhắm vào những sự lệch lạc có tính cách tội phạm. Hành vi tội phạm là những hành vi mà vì đó nhà nước có thể áp dụng những sự chế tài theo luật hình sự. Nhưng vấn đề những hành vi đặc biệt nào cấu thành tội phạm, và nhà nước phải xử lý vấn đề đó như thế nào còn là vấn đề tranh cãi. Ở nhiều xã hội, có những hành vi mà mọi người đều

đồng ý là có tính cách tội phạm và cần phải bị trừng phạt, nhưng cũng có những hành vi mà người này xem có tính cách tội phạm nhưng đối với người khác thì không. Ví như, giết người, cướp của đều bị mọi xã hội trừng phạt, nhưng sự xử lý của các xã hội rất khác nhau trước vấn đề mại dâm, trước vấn đề ngoại tình. Có nhiều “tội” thật ra chỉ gây rối ít nhiều cho trật tự công cộng, như say rượu nơi công cộng, mại dâm, vô gia cư, cờ bạc, ma túy…

Nhiều nhà xã hội học (Schur, Silberman) cho rằng những tội này không có nạn nhân bởi vì nó không gây tổn hại vật chất cho ai khác ngoài chính đương sự. Nhưng không phải mọi nhà xã hội học đều chấp nhận quan điểm trên. Một số nhà xã hội học cho thấy ngay như nạn mại dâm, nghiện ma túy cũng thường liên quan đến những tổ chức tội phạm có tổ chức. Chúng không phải là vấn đề của cá nhân mà còn có những ảnh hưởng xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 121 - 124)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w