Các lý thuyết về sự phát triển nhân cách và xã hội hóa

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 64 - 68)

Chương 4. QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HÓA VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ XÃ HỘI

B. Các lý thuyết về sự phát triển nhân cách và xã hội hóa

Xã hội hóa là một quá trình rất phức tạp nên có nhiều lối giải thích khác nhau về quá trình này.

Sigmund Freud (1856–1939), tin rằng các yếu tố sinh lý đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách con người, mặc dù ông không chấp nhận quan điểm cho rằng hành vi của con người chỉ là sự phản ánh hoạt động của những bản năng sinh lý. Theo Freud, việc hình thành nhân cách của con người do sự kết hợp của ba thành tố: bản năng xung động (id) thể hiện những đòi hỏi cơ bản của con người, nó tồn tại trong vô thức và luôn luôn đòi hỏi được thỏa mãn ngay. Nhưng không phải bao giờ xã hội cũng cho phép cá nhân thỏa mãn ngay những nhu cầu vật chất của mình, do đó cá nhân dần dần thực tế hơn. Cái tôi (ego) – hay là bản ngã – tiêu biểu cho ý thức của con người trong nỗ lực quân bình những khuynh hướng bẩm sinh luôn tìm kiếm việc được thỏa mãn và những đòi hỏi thực tiễn của xã hội, do đó ego chính là khả năng nhận thức ra những giới hạn của chúng ta: chúng ta không thể có tất cả những gì chúng ta muốn. Cuối cùng là siêu ngã (superego), nó là sự hiện hữu của văn hóa trong cá nhân; của những chuẩn mực, những giá trị đã được nội tâm hóa và là những đòi hỏi luân lý của nền văn hóa. Qua quá trình phát triển như vậy đứa bé hiểu được rằng thế giới không chỉ có khoái lạc mà còn có cấm đoán, còn có đau khổ và thế giới còn bao gồm những quy tắc luân lý nữa. Sự sung sướng, khoái lạc của con người không chỉ thể hiện về mặt vật chất mà cả mặt luân lý, tinh thần.

Theo Freud, khi bản ngã điều hợp được xung đột giữa bản năng và siêu ngã, con người phát triển nhân cách một cách quân bình. Trong trường hợp ngược lại, có thể gây nên những xáo trộn trong nhân cách. Freud nhấn mạnh thời kỳ thơ ấu là một thời kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách của cá nhân, và những bất quân bình trong giai đoạn này có thể để lại những dấu ấn trong tiềm thức của con người. Freud gọi nỗ lực của xã hội nhằm kiểm soát những xu hướng của con người là sự áp chế (repression).

Áp chế này nhằm buộc cá nhân phải đi đến những thỏa hiệp nếu muốn được

thỏa mãn những nhu cầu. Các thỏa hiệp này hướng năng lực con người qua những hình thức biểu hiện được xã hội chấp nhận. Và đây chính là quá trình thăng hoa (sublimation), là quá trình chuyển hóa những xu hướng vị kỷ trở thành những hình thức được xã hội chấp nhận.

Quan điểm của Freud đã chịu nhiều sự phê bình, nhất là quan điểm quá nhấn mạnh khía cạnh áp chế tình dục, sự ích kỷ cá nhân và cái nhìn thiên lệch của ông về phụ nữ. Nhưng những quan niệm của ông về xã hội hóa, về việc nội tâm hóa những chuẩn mực xã hội, về tầm quan trọng của giai đoạn phát triển tâm lý thời thơ ấu trong việc hình thành nhân cách con người, vẫn còn là những đóng góp quan trọng cho nhiều bộ môn khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

Sau này, Erik Erikson, một học trò của S. Freud đã bổ sung thêm cho lý thuyết của thầy mình khi nhấn mạnh hơn đến quá trình học hỏi trong việc hình thành nhân cách con người. Ông cũng cho rằng quá trình hình thành cái tôi là một quá trình đồng nhất hóa (identification). Đây là một quá trình xã hội khi cá nhân chọn lựa và cố bắt chước các khuôn mẫu hành vi của người lớn. Quá trình này kéo dài suốt cả cuộc đời, mặc dù những khía cạnh cơ bản nhất của nó được hình thành từ thời thơ ấu. Kết quả của quá trình này là sự hình thành một căn tính, một bản thể (identity) của con người – đó là nhận thức về cái tôi trong tương quan với xã hội.

Ngược với quan điểm của Watson khi ông chủ trương có thể sử dụng cùng những phạm trù để nghiên cứu và hiểu được những hành vi của con vật và của con người, G. H. Mead phê bình Watson đã bỏ quên những quá trình tâm lý, những yếu tố tinh thần trong nghiên cứu hành vi. Theo Mead cái cơ bản của tồn tại của con người là cái tôi (self), đó là nhận thức có ý thức của cá nhân về mình như là một thực thể riêng biệt trong xã hội. Nhưng cái tôi không tách rời với xã hội, và mối tương quan này thể hiện qua nhiều bước.

Trước hết, Mead khẳng định rằng cái tôi hình thành như là kết quả của kinh nghiệm về xã hội. Cái tôi – khác với thể xác của cá nhân – không đặt trên cơ sở sinh lý, nó cũng không phải là biểu hiện của những xu hướng sinh lý như

Freud chủ trương, cũng không do sự trưởng thành về mặt cơ thể như quan niệm của Piaget, nhưng do kinh nghiệm của cá nhân trong tương tác với kẻ khác. Thứ đến, kinh nghiệm của con người về xã hội có được là do sự trao đổi biểu tượng – biểu tượng là những ý nghĩa mà con người cùng chia sẻ trong tương tác xã hội. Đây chính là cái làm cho con người khác con vật. Lấy thí dụ, bằng những cách kích thích đặc biệt, ta có thể huấn luyện cho con chó có những hành vi phức tạp, nhưng con chó không thể hiểu được ý nghĩa của các hành vi trên. Động vật chỉ có thể phản ứng trước một hành vi bên ngoài, và chỉ có con người mới có thể hiểu và phản ứng lại những suy nghĩ trong đầu óc của người khác. Cuối cùng, với khả năng hiểu được tư tưởng của người khác, con người có khả năng đặt mình vào vị trí và quan điểm của người khác. Qua tương tác xã hội và với việc sử dụng các biểu tượng, chúng ta có thể hình dung về mình như là người khác đang nhìn, đang quan sát chúng ta. Mead mô tả quá trình này là “đóng vai trò của người khác”. Cùng một quan điểm đó C. H. Cooley một đồng nghiệp của Mead, cho rằng xã hội như là một gương soi qua đó chúng ta có thể hình dung về chính mình qua phản ứng của người khác đối với chúng ta. Cooley dùng thật ngữ “cái tôi nhìn qua gương” (looking–glass self) để chỉ khái niệm về cái tôi hình thành từ phản ứng của người khác. Như vậy cái tôi vừa là chủ thể vừa là đối tượng: chủ thể vì là tác nhân của hành động và là đối tượng khi cái tôi có thể nhìn chính mình qua phản ứng của người khác.

Theo Mead, khi còn nhỏ đứa bé chỉ biết bắt chước, trong trường hợp này nói một cách chính xác cái tôi chưa hình thành. Chỉ khi khả năng sử dụng biểu tượng và các ngôn ngữ khác phát triển, cái tôi mới bắt đầu hình thành, nhất là khi đứa trẻ qua trò chơi diễn kịch của mình có thể đóng các vai trò của những người gần gũi thân quen và quan trọng đối với chúng (significant others) như vai trò làm mẹ, làm cha, anh chị, y tá, bác sĩ…Có nghĩa là chúng đã nhận ra các khuôn mẫu hành vi khác trong xã hội và có thể nhập tâm các khuôn mẫu này trong ứng xử của chúng. Giai đoạn kế tiếp, với kinh nghiệm xã hội được tích lũy, đứa bé có thể đồng thời đóng vai của nhiều người khác.

Và giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển cái tôi là khi đứa bé có thể tự

phản ứng một cách tự nhiên theo đòi hỏi của xã hội, có nghĩa là chúng nhận ra rằng chúng sống trong một xã hội có những giá trị, những chuẩn mực mà mọi người cùng chia sẻ (generalized others). Đặc điểm của Mead, và của các tác giả thuộc lối tiếp cận tương tác biểu tượng, là chấp nhận quan điểm của trường phái chức năng qui nhân cách con người bị quy định bởi xã hội, hay nói cách khác quá trình xã hội hóa chỉ là quá trình cá nhân nội tâm hóa nền văn hóa của xã hội. Theo G.H. Mead, xã hội và cá nhân tác động qua lại trong quá trình xã hội hóa, nói cách khác con người cũng chủ động và sáng tạo trong quá trình xã hội hóa của chính mình.

Theo Jean Piaget (1896–1980), quá trình nhận thức của con người phát triển qua bốn giai đoạn. Giai đoạn cảm giác (sensorimotor stage), thường tương ứng với hai năm đầu sau khi đứa bé chào đời, là giai đoạn mà thế giới bên ngoài được kinh nghiệm qua giác quan, qua sự tiếp xúc vật chất.

Giai đoạn tiền thao tác (preoperational stage), hay giai đoạn tiền lý luận, là giai đoạn con người bắt đầu có thể sử dụng biểu tượng, kể cả ngôn ngữ. Giai đoạn này kéo dài từ hai tuổi đến bảy tuổi. Trong giai đoạn này, đứa bé phân biệt được tư tưởng và thực tế khách quan, chúng không còn tin vào các giấc mơ, nhưng chúng vẫn cho mình là trung tâm khi nhìn thế giới chung quanh, và vẫn chưa trừu tượng hóa sự vật bằng những khái niệm như kích thước, quy mô, trọng lượng, dung tích…Giai đoạn thao tác cụ thể (concrete operational stage), hay là giai đoạn lý luận cụ thể, kéo dài từ 7 đến l1 tuổi, là giai đoạn bắt đầu lý luận, nhưng dựa vào các tình huống cụ thể, chứ không lý luận một cách trừu tượng. Trong giai đoạn này, chúng cũng bỏ đi cái nhìn vị kỷ, và biết đặt mình vào vị trí người khác. Và cuối cùng, giai đoạn lý luận hình thức (formal operational stage), là giai đoạn có những tư tưởng trừu tượng cao và có thể tưởng tượng ra các khả năng của thực tế. Giai đoạn này bắt đầu từ tuổi 12.

Việc phát triển qua các giai đoạn mà Piaget đưa ra, thật ra cũng tùy thuộc việc phát triển riêng biệt của từng nền văn hóa, của tình trạng khoa học kỹ thuật và tùy thuộc sự phát triển của từng cá nhân.

Lawrence Kohlberg tiếp tục lối tiếp cận của Piaget, nhưng ứng dụng vào việc tìm hiểu sự phát triển về mặt đạo đức. Ông đã phân ra các giai đoạn tiền quy ước, là giai đoạn hành vi đạo đức của cá nhân chịu sự chi phối của tiêu chuẩn thưởng phạt; giai đoạn quy ước là giai đoạn hiểu được sự đúng sai theo luật lệ luật pháp; và giai đoạn hậu quy ước là giai đoạn cá nhân hiểu được sự tương đối, phân biệt được luật pháp xã hội và các nguyên tắc đạo đức. Lý thuyết của Kohlberg bị phê phán vì không chú trọng đến sự khác biệt giữa các nền văn hóa, sự khác biệt về giới tính. Người ta cũng nhận thấy, ngay ở các xã hội đã phát triển, nhiều người trưởng thành cũng chưa đạt tới giai đoạn hậu quy ước trong nhận thức đạo đức như L. Kohlberg đã nêu ra.

Nghiên cứu sự khác biệt về nhận thức đạo đức theo giới tính, Carol Gilligan nhận thấy nam giới phán đoán cái gì là đúng là sai thường dựa trên quan điểm công bằng, đặt cơ sở trên những quy định chính thức, những nguyên tắc trừu tượng trong khi nữ giới dựa trên trách nhiệm, sự chăm sóc và phán đoán một tình huống từ góc độ quan hệ cá nhân và dựa trên sự trung thành. Carol Gilligan giải thích sự khác biệt trên là do đời sống của nam giới thường bị chi phối bởi những nguyên tắc khách quan của nơi làm việc, trong khi cuộc sống của người phụ nữ thường gắn bó với vai trò làm vợ, làm mẹ và làm người chăm sóc. Và C. Gilligan đặt câu hỏi có nên lấy những chuẩn mực của nam giới để đánh giá mọi người không?

Công trình nghiên cứu của Carol Gilligan cho ta hiểu hơn về sự phát triển của con người và lưu tâm đến khía cạnh giới khi thực hiện và đánh giá một công trình nghiên cứu. Gilligan cho rằng những khác biệt của những khuôn mẫu trên phản ánh điều kiện hóa về mặt văn hóa. Nếu vậy, với việc phụ nữ càng ngày càng tham gia lao động ngoài xã hội, phán đoán đạo đức giữa nam giới và nữ giới sẽ càng ngày càng có nhiều tương đồng.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w