Chương 9. HÀNH VI TẬP THỂ VÀ PHONG TRÀO XÃ HỘI
II. CÁC PHONG TRÀO XÃ HỘI
Đám đông, dư luận, thời trang… và những loại hình hành vi tập thể vừa trình bày trên đây thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và ít khi có ảnh hướng trên toàn xã hội, trong khi các phong trào xã hội có tính tự giác hơn và thường kéo dài trong thời gian. Các phong trào xã hội là những hoạt động tự nguyện có tổ chức, dài hạn, có chủ đích khuyến khích hay chống đối một chiều kích, một khía cạnh nào đó của biến chuyển xã hội. Phong trào xã hội khác các hành vi tập thể khác do ba đặc tính: tính tổ chức nội bộ cao hơn, kéo dài hơn trong thời gian và là một nỗ lực tự giác nhằm thay đổi tổ chức của chính xã hội.
Các phong trào xã hội có thể phát sinh từ những vấn đề công cộng mà xã hội đang quan tâm: như các phong trào đấu tranh cho sự bình đẳng giới, bình đẳng dân tộc, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi sinh…
Một số nhà xã hội học đã cố gắng phân loại các phong trào xã hội dựa trên những tiêu chí khác nhau. Một trong các chiều kích để phân loại các phong trào xã hội là tiêu điểm quan tâm: một số phong trào chú trọng đến các cá nhân (hay một tầng lớp xã hội), một số khác lại đề cập những vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Chiều kích thứ hai là phạm vi mà biến đổi nhắm tới:
biến đổi hạn chế đối với cá nhân và xã hội hay là một sự chuyển hóa rộng lớn. Từ đó có thể phân ra các phong trào xã hội có tính cách thay thế (alternative social movements), có tính cách cứu thế (redemptive), cải cách (reformative) hay cách mạng (revolutionary).
A. Touraine, nhà xã hội học Pháp, đã đưa ra định nghĩa về phong trào xã hội như sau: “là hành động xung đột của các tác nhân của các giai cấp xã hội đấu tranh nhằm kiểm soát hệ thống hành động lịch sử”. Như vậy A.
Touraine chỉ đề cập đến những phong trào có tác động lên toàn xã hội.
W. Kornblum đưa ra một phân loại khác về các phong trào xã hội:
− Các phong trào cách mạng: nhằm tìm cách lật đổ các hệ thống phân tầng xã hội và các định chế đang tồn tại và thay thế bằng các hệ thống và định chế mới. Như trường hợp cuộc cách mạng Nga 1917.
− Các phong trào cải cách: chỉ nhằm thay đổi bộ phận của một vài định chế, một vài giá trị của xã hội. Như các phong trào công đoàn tại các nước tư bản, chúng chỉ thương lượng với giới tư bản nhằm cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện lương bổng của công nhân.
− Các phong trào bảo thủ: nhằm bảo vệ những giá trị, những định chế của xã hội và thường chống lại bất kỳ sự thay đổi nào.
− Và các phong trào phản động: nhằm trở lại những giá trị, những định chế trong quá khứ, do đó bác bỏ những giá trị, những định chế đang tồn tại.
Như phong trào Ku Klux Klan ở Mỹ chẳng hạn.
Các lý thuyết giải thích về sự phát sinh của các phong trào xã hội:
Lý thuyết về sự bất mãn do bị tước đoạt: Theo lý thuyết này các phong trào xã hội phát sinh khi có một số đông người cảm thấy bất mãn do thiếu thốn những điều cần thiết cho cuộc sống của họ. Những người nào cảm thấy họ đang thiếu thốn những điều kiện vật chất, thiếu các cơ hội bình đẳng, thiếu điều kiện làm việc, thiếu quyền lợi, thiếu nhân phẩm hay khi thấy quyền lợi của mình bị suy giảm…thì dễ dấn thân vào các hành vi tập thể nhằm cải thiện tình thế của họ. Phong trào kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan là do những người da trắng thấy quyền lợi của mình bị thiệt thòi do việc giải phóng người da đen.
Ngược lại phong trào đấu tranh của công nhân chống lại chủ tư bản là do nhận thấy mình bị bóc lột công lao động.
Nhưng thế nào là thiếu thốn, là bị tước đoạt thì tương đối. Nói cách khác, con người có xu hướng đánh giá hoàn cảnh của mình trong tương quan với một số thành phần xã hội nào đó. Sự bất mãn tương đối là việc nhận thức những bất lợi của mình khi so sánh với cái kẻ khác đang có hay với cái mà người ta tin tưởng phải tồn tại. Sự bất mãn tương đối xuất hiện khi ta quy
chiếu với những người khác có vị trí xã hội thuận lợi hơn. Như vậy với khái niệm bất mãn tương đối, các phong trào xã hội sẽ phát sinh khi con người có lý do bất mãn với hiện trạng của mình. Qua cuộc nghiên cứu về cuộc cách mạng Pháp, A.de Tocqueville nhận thấy cuộc sống của nông dân Pháp dễ chịu hơn cuộc sống của nông dân Đức, nhưng tại sao nông dân Đức không làm cách mạng? Câu trả lời của Tocqueville là nông dân Đức đã quen sống trong chế độ nông nô phong kiến, nên không có mức sống cao và cũng không cảm thấy bóc lột. Ngược lại nông dân Pháp đã kinh qua những cải thiện và cảm thấy xã hội không như mong muốn. Và họ mơ ước những cải thiện hơn nên cũng dễ cảm thấy bất mãn hơn.
Nhà xã hội học James C. Davies đưa ra quan điểm, khi mức sống đang được nâng lên, thì sự chờ đợi, kỳ vọng chúng cũng tăng lên (rising expectations). Nếu mức sống của xã hội ngừng lại không cải thiện, hay trở nên xấu hơn thì quần chúng dễ bị bất mãn. Như vậy các phong trào xã hội có mục tiêu đem lại những thay đổi xã hội có khả năng xảy ra khi có những giai đoạn ngắn mà mức sống giảm sụt sau một thời kỳ dài được cải thiện.
Lý thuyết về sự bất mãn chiếu rọi một vài tia sáng quan trọng trong việc tìm hiểu sự phát sinh, phát triển các phong trào xã hội. Nhưng lý thuyết này không giải thích được tại sao trong mọi xã hội các tầng lớp xã hội đều có ít nhiều bất mãn và tại sạo các phong trào xã hội lại chỉ phát sinh trong tầng lớp này nhưng không phát sinh trong tầng lớp khác. Lý thuyết này cũng có nguy cơ rơi vào lối lý luận luẩn quẩn, vòng vo: phong trào xã hội là do sự bất mãn tạo nên, nhưng nhận thức sự tồn tại thực sự của bất mãn chỉ thể hiện qua phong trào xã hội.
Lý thuyết về xã hội đại chúng: Lý thuyết xã hội đại chúng của William Kornhauser đôi lúc còn gọi là lý thuyết về sự tan rã xã hội (social breakdown) lập luận các phong trào xã hội hình thành từ những người cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội, tự cảm thấy cá nhân mình không có ý nghĩa gì trong cái xã hội đại chúng to lớn và phức tạp. Do thiếu những mối dây ràng buộc với các kết cấu xã hội có sẵn như gia đình, tôn giáo, chính trị, nghề nghiệp…họ dễ cảm
nhận một sự bất lực, và mặt khác, do thiếu những chuẩn mực ràng buộc của xã hội đại chúng, họ dễ dấn thân vào các hoạt động phi quy ước, các hoạt động bạo lực. Như vậy các phong trào xã hội là nơi có thể tìm thấy những liên hệ, những ràng buộc, tìm thấy sức mạnh mà con người đang thiếu. Sự tan rã xã hội xảy ra khi một số đông con người tách rời các định chế xã hội cổ truyền, và khi đó con người rất dễ bị vận động vào các phong trào đại chúng, trước hết không nhằm thay đổi xã hội mà chỉ muốn chạy trốn sự cô đơn, cô lập của chính mình.
Kornhauser chỉ nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực và bảo thủ của các phong trào xã hội, ông xem chúng như là những lệch lạc, chệch hướng khỏi những chuẩn mực xã hội và những cá nhân tham gia những phong trào xã hội là những người dễ bị các thủ lãnh trong các phong trào xúi giục chống lại những nguyên tắc của xã hội dân chủ và họ là những người ít tinh thần tập thể nhất trong các nhóm xã hội.
Một số nghiên cứu khẳng định những ý tưởng của Kornhauser cho thấy rằng việc tan rã những khuôn mẫu xã hội thực sự thúc đẩy những tầng lớp nghèo vào các phong trào xã hội. Một cuộc nghiên cứu khác của Bert Useem về sự báo động trong nhà tù ở Mexico cho thấy có nguyên nhân từ việc cắt đứt những mối quan hệ xã hội của các tù nhân. Tuy nhiên quan điểm của Kornhauser có nhiều khuyết điểm. Trước hết ông ta không thấy các phong trào xã hội không chỉ phát sinh từ sự tan rã kết cấu xã hội, mà ngay trong các xã hội ổn định, có tổ chức, cũng có các căng thẳng, xung đột – như những bất bình đẳng về giai cấp, về chủng tộc, về giới trong các xã hội hiện đại. Thứ đến có những phong trào xã hội thu hút nhiều thành viên có tinh thần hội nhập cao chứ không phải chỉ những người bên lề xã hội.
Lý thuyết về sự căng thẳng kết cấu xã hội (structural strain theory): Một trong các lối tiếp cận quan trọng giúp hiểu thêm sự phát sinh các phong trào xã hội là lý thuyết của Neil Smelser về sự căng thẳng của kết cấu xã hội.
Smelser đưa ra sáu yếu tố xã hội góp phần hình thành nên các phong trào xã hội. Lý thuyết của ông cũng nêu lên những giả thiết giải thích tại sao có
những hành vi tập thể mang những hình thức vô tổ chức như những cuộc bạo động, nhưng cũng có những hành vi tập thể mang các hình thức có tính tổ chức cao như các phong trào xã hội.
a/ Xu hướng của kết cấu xã hội: Smelser lập luận rằng nguồn gốc của các phong trào xã hội nằm trong kết cấu của xã hội. Một kết cấu xã hội thuận lợi cho sự phát sinh của một phong trào xã hội sẽ cho phép những sự bất mãn được bộc lộ ra.
b/ Căng thẳng của kết cấu: khả năng các phong trào xã hội phát sinh càng gia tăng khi có nhiều căng thẳng trong xã hội, ví như các mâu thuẫn về chủng tộc, giai cấp.
c/ Sự phát triển và lan rộng của một niềm tin vào tính chính đáng của phong trào. Một vài người sẽ giải thích về nguyên nhân của sự căng thẳng trong xã hội, những hậu quả của nó và vấn đề phải làm gì để cải thiện tình hình và những điều này dần dần được một số đông người chấp nhận. Theo Smelser, những người ít am hiểu về tình huống trên thường biểu lộ sự bất mãn trong các hành vi tập thể ít có tính tổ chức. Ngược lại, việc am hiểu, phân tích rõ ràng sẽ khuyến khích sự hình thành của một phong trào xã hội có tổ chức tốt.
d/ Những yếu tố châm ngòi: các phong trào xã hội đòi hỏi có thời gian dài để hình thành. Tuy nhiên, vào một thời điểm nào đó một hay nhiều biến cố có thể làm cho hành vi tập thể sớm xảy ra.
e/ Vận động để hành động: một khi các yếu tố dự báo đã hướng dư luận quần chúng vào một trọng tâm nào đó thì các hành động tập thể có khả năng xảy ra như các cuộc mít tinh, rải truyền đơn, gây vốn, vận động hành lang và các cuộc biểu tình.
f/ Sự kiểm soát của xã hội: hướng phát triển và kết quả của một phong trào xã hội có thể bị chi phối bởi phản ứng của hệ thống đang nắm quyền lực.
Cách tiếp cận của Smelser để tìm hiểu các phong trào xã hội có ưu điểm là cố gắng giải thích hành vi tập thể bắt nguồn trong chính xã hội như
thế nào và các yếu tố xã hội có thể khuyến khích các loại hình hành động tập thể khác nhau như thế nào. Lý thuyết của ông cũng có ưu điểm là giải thích được tại sao hành vi tập thể có thể mang hình thức của các phong trào xã hội có tổ chức hay mang hình thức của các cuộc bạo động có tính cách tự phát hơn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu khác, Smelser đã bỏ qua các yếu tố quan trọng trong việc hình thành các phong trào xã hội và cũng không đề cập đến mức độ thành công hay thất bại mà các phong trào xã hội đã đem lại.
Lý thuyết vận động tài nguyên nhấn mạnh các phong trào xã hội phát sinh và đạt được các mục tiêu chỉ khi nào chúng được hỗ trợ bởi những tài nguyên cần thiết như tiền bạc, nhân lực, khả năng thông tin, những mối quan hệ với những người có ảnh hưởng và truyền thông đại chúng, và chỉ khi nào chúng được quần chúng xem là chính đáng. Như vậy, theo lý thuyết vận động tài nguyên các phong trào xã hội cần được xây dựng trên những tổ chức mạnh để có thể thu hút các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả và vận động các thành viên của mình hành động.
Những người bên trong cũng như bên ngoài phong trào có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp và phát triển các tài nguyên cho một phong trào xã hội. Những tầng lớp xã hội kém may mắn thường thiếu tiền bạc, các mối quan hệ, khả năng lãnh đạo và các kỹ năng tổ chức cần có của một phong trào xã hội thật sự. Do đó, sự ủng hộ của các cảm tình viên bên ngoài phong trào có thể giúp đỡ bù đắp những thiếu sót trên. Các phong trào xã hội cũng cần có các mạng lưới xã hội như là phương tiện để lôi cuốn những người có thể giúp đỡ về mặt nhân lực cũng như tài lực cho phong trào.
Ưu điểm của lý thuyết vận động tài nguyên là đã thừa nhận cả hai yếu tố tài nguyên và sự bất mãn để cần thiết cho sự thành công của phong trào xã hội. Lý thuyết này cũng cho thấy sự tác động của bất cứ phong trào xã hội nào và các đoàn thể, các tổ chức đều có thể cung cấp các tài nguyên quý báu, hữu ích cho phong trào. Tuy nhiên, lý thuyết vận động tài nguyên cũng có điểm yếu khi hàm ý các phong trào xã hội trong các tầng lớp nghèo đói không quyền lực chỉ có thể thành công nếu có sự trợ giúp từ bên ngoài. Một
cuộc nghiên cứu cho thấy các phong trào đòi nhân quyền của người da đen ở Mỹ vào những năm 1950, 1960 chủ yếu là do người da đen và với những tài nguyên từ cộng đồng của người da đen. Thêm vào đó có một sự thật rõ ràng là những người có quyền lực trong xã hội thường chống lại các nỗ lực của những người ít quyền lực hơn nhằm thay đổi nguyên trạng. Một cách tổng quát, sự thành công hay thất bại của một phong trào xã hội là một quá trình đấu tranh liên quan đến những người chống đối hay ủng hộ nguyên trạng.
Nếu những lực lượng của hệ thống hay của phản phong trào mạnh mẽ và đoàn kết thì phong trào xã hội có khả năng thất bại và ngược lại nếu chúng yếu và chia rẽ thì những cơ hội thành công của phong trào xã hội có nhiều khả năng hơn.
Lý thuyết về các phong trào xã hội mới: Đây là một lý thuyết mới nghiên cứu về các phong trào xã hội xuất hiện gần đây trong các xã hội đã phát triển.
Các phong trào xã hội này đặt trọng tâm vào những vấn đề sinh thái toàn cầu, đấu tranh cho quyền của các nhóm thiểu số, giảm nguy cơ chiến tranh…Một nét đặc trưng các phong trào này là quy mô ở cấp quốc gia và toàn cầu. Thứ đến trong khi các phong trào trong các giai đoạn trước chú trọng đến những vấn đề kinh tế thì những phong trào này đặt trọng tâm vào những vấn đề văn hóa và môi trường của xã hội chúng ta đang sống. Các phong trào mới này thường tìm sự ủng hộ của các giai cấp trung lưu và các tầng lớp trên.
Vì mới xuất hiện, hiện nay các nhà nghiên cứu cũng đang đánh giá về lý thuyết này. Nhìn chung mọi người thừa nhận các phong trào xã hội mới xuất hiện là để đáp ứng sự gia tăng quyền lực của nhà nước và sự phát triển của hệ thống kinh tế chính trị mang tính toàn cầu. Lý thuyết này cũng cho thấy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc liên kết quần chúng đấu tranh cho những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên người ta cũng phê phán lý thuyết này hơi cường điệu những khác biệt của các phong trào xã hội trong quá khứ và hiện nay. Lấy thí dụ những phong trào đấu tranh cho phụ nữ từ trước đến nay vẫn luôn đấu tranh cho việc cải thiện môi trường làm việc và lương bổng của phụ nữ.