Các lý thuyết nghiên cứu và giải thích về văn hóa

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 55 - 62)

Chương 3. XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA

D. Các lý thuyết nghiên cứu và giải thích về văn hóa

1. Lý thuyết sinh thái học văn hóa (cultural ecology)

Sinh thái học là một bộ môn của khoa học tự nhiên nghiên cứu các sinh vật đã tồn tại trong tương quan với môi trường thiên nhiên như thế nào. Do đó, sinh thái học văn hóa nghiên cứu những mối quan hệ giữa văn hóa của con người với môi trường thiên nhiên. Lối tiếp cận này chú trọng xem những đặc tính của môi trường vật lý – như khí hậu, thực phẩm, tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng như thế nào sự phát triển văn hóa của con người.

Ví như, nhiều dân tộc ít người ở Tây nguyên Việt Nam tin rằng các rừng đầu nguồn có nhiều thần linh (yang) và có cấm kỵ không được chặt cây

ở đó vì sợ đụng chạm đến thần linh. Hay tục lệ cấm không được ăn thịt bò của người Ấn Độ theo Ấn giáo bởi vì đối với người Ấn Độ, bò là một con vật linh thiêng, là “mẹ của sự sống”. Phải chăng những cấm kỵ trên là những biểu tượng của một niềm tin tôn giáo? Theo lối giải thích sinh thái học văn hóa, vấn đề xem ra phức tạp hơn. Theo Marvin Harri, trong môi trường sinh thái nghèo nàn của Ấn Độ xưa kia, con bò có một vai trò quan trọng. Trước hết, bò chỉ ăn cỏ và không đụng đến, không tranh giành nguồn thực phẩm của con người. Thứ đến, bò là một sức kéo quan trọng và phân bò được dùng trong xây dựng, và dùng đốt để sưởi ấm. Do đó việc giết bò sẽ đưa đến nhiều vấn đề kinh tế cho một xã hội nông nghiệp nghèo nàn như Ấn Độ. Hay như ở các dân tộc Tây nguyên, việc chặt cây đầu nguồn đã đem đến lũ lụt, mất mùa mà kinh nghiệm dân gian đã truyền lại qua những cấm kỵ.

Lối tiếp cận sinh thái học văn hóa cho ta một lối giải thích mới mẻ đáng quan tâm. Nó nhấn mạnh tương quan giữa môi trường thiên nhiên và văn hóa, đồng thời cho thấy nhiều khuôn mẫu văn hóa của con người có liên quan đến những điều kiện môi trường hạn chế mà con người gặp phải. Nhưng hạn chế của lối tiếp cận này là có khuynh hướng cho rằng môi trường thiên nhiên quy định các khuôn mẫu văn hóa. Thật ra thiên nhiên có ảnh hưởng đến văn hóa của con người, nhưng ngược lại văn hóa cũng tác động lên thiên nhiên.

Hơn thế nữa một số nét văn hóa có liên quan đến môi trường nhưng cũng có những nét văn hóa không có tương quan gì với môi trường.

2. Lý thuyết sinh vật học xã hội (sociobiology):

Xu hướng muốn giải thích các hiện tượng xã hội bởi những nguyên nhân sinh vật học đã có từ lâu. Nhưng một quan điểm gần đây là của Edward O. Wilson thuộc đại học Harvard, ông đã có những nỗ lực đi tìm quan hệ giữa những yếu tố di truyền và các hành vi xã hội của loài vật. Nhưng khi ứng dụng vào xã hội của con người, lối giải thích sinh vật học xã hội chịu sự phê phán từ cả hai phía, những nhà khoa học xã hội cũng như những nhà sinh vật học.

Nhưng cũng có một số nhà xã hội học ủng hộ giả thiết sinh vật học xã hội với lập luận sự cấu tạo về gen có thể giải thích một vài khía cạnh ứng xử xã hội

của con người. Lấy thí dụ lối giải thích sinh vật học xã hội về cấm kỵ loạn luân. Thông thường các nhà xã hội học giải thích cấm kỵ loạn luân là một chuẩn mực văn hóa để duy trì định chế xã hội. Nhưng đối với nhà sinh vật học xã hội, sự giao phối thân thuộc (inbreeding) đưa đến bệnh tật cho các thế hệ tiếp theo, do vậy qua nhiều thế kỷ kinh nghiệm con người đã tạo cho mình một bản năng di truyền đặt cơ sở trên gen đó là việc tránh loạn luân. Một số nhà sinh vật học xã hội cũng cho rằng một số hành vi bạo lực, đồng tính luyến ái… cũng có tính di truyền.

Thật ra sự cấu tạo các gen có đặt ra một số hạn chế cho hoạt động con người và có thể có ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, nhưng hiện chưa có luận cứ thật sự nào chứng minh việc chương trình hóa các gen tạo ra các hình thái ứng xử có tính quy phạm nơi con người. Dầu sao tinh thần khoa học đòi hỏi chúng ta không được cự tuyệt giả thiết này, và đây vẫn còn là lãnh vực cần tiếp tục nghiên cứu.

3. Lý thuyết cơ cấu–chức năng:

Lý thuyết này dựa trên một quan điểm chủ trương văn hóa cũng là một trong các tiểu hệ thống (sous–système) cấu thành xã hội. Tiểu hệ thống này tương đối ổn định bao gồm các thành phần có tương quan, bao gồm các yếu tố văn hóa đáp ứng một số nhu cầu nào đó của xã hội. Trong tiểu hệ thống trên mỗi yếu tố đều có chức năng trong sự vận hành và tồn tại của văn hóa như là một toàn thể. Chính qua quá trình xã hội hóa mà cá nhân con người hấp thụ những lối ứng xử, chuẩn mực và giá trị của một nền văn hóa. Quan niệm xã hội ảnh hưởng đến nếp nghĩ và ứng xử của cá nhân đã có từ lâu trong lịch sử: Platon, Hippocrate, Herodote đều có đề cập đến tính khí của một số dân tộc. Ngày nay quan điểm của A. Kardiner về cái mà ông gọi là

“nhân cách cơ sở” – được xem như là cấu hình tâm lý, một mẫu số chung trong lối sống của các cá nhân trong một xã hội – cũng chỉ là sự tiếp nối quan điểm trên.

Biến chuyển văn hóa được xem là hậu quả của quá trình quãng bá văn hóa (cultural diffusion), phát minh (invenion) và khám phá (discovery) trong

văn hóa. Một cách tổng quát lối tiếp cận này nhấn mạnh sự ổn định hơn là biến chuyển xã hội. Lý thuyết này cũng xem các giá trị như là cơ sở của văn hóa. Các yếu tố văn hóa thúc đẩy sự hội nhập xã hội nhưng những đòi hỏi tuân thủ của nền văn hóa cũng gây nên những căng thẳng giữa các thành viên trong xã hội. Lối tiếp cận này còn cho rằng, mặc dù có các khác biệt, mọi nền văn hóa đều có các nét chung, bởi lẽ con người đều có các nhu cầu cơ bản chung. Thuật ngữ các nét văn hóa phổ quát (cultural universals) ám chỉ các nét văn hóa được tìm thấy ở mọi nền văn hóa trên thế giới. George Murdock đã tiến hành một cuộc khảo sát đối chiếu hơn 100 nền văn hóa khác nhau và tìm ra hơn một chục nét chung cho tất cả các nền văn hóa đó, như gia đình, các tang lễ, các chuyện khôi hài…

C. Lévy– Strauss cũng quan niệm văn hóa là tập hợp những quy tắc chung cho mọi nền văn hóa. Quan điểm này có ảnh hưởng quan trọng đối với lối tiếp cận cấu trúc hiện đại, khi các tác giả thuộc lối tiếp cận này đi tìm những cấu trúc, những hằng tố trong ngôn ngữ, trong hệ thống thân tộc, trong việc trao đổi sản phẩm, trong lãnh vực huyền thoại…Trong các lãnh vực trên, người nghiên cứu tìm kiếm xuyên qua các hiện tượng quan sát được những tương quan, những lô gích để làm bật lên cái cơ cấu ẩn tàng. Ở đây cần phân biệt cơ cấu tổng thể của một lãnh vực (ví như lãnh vực huyền thoại, hệ thống thân tộc…) và toàn bộ những cơ cấu của các lãnh vực chuyên biệt – chúng kết hợp với nhau để hình thành nền văn hóa. Mặt khác, trong tác phẩm Anthropologie structurale (Nhân học cấu trúc)(1958), C. Lévi-Strauss đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa như là “hệ thống những cách biệt có ý nghĩa”.

Như vậy sẽ có nhiều cấp độ hệ thống văn hóa khác nhau: hệ thống văn hóa toàn cầu, đại lục, dân tộc, miền, địa phương… gia đình, tôn giáo, nghề nghiệp, chính trị…

Điểm mạnh của lối tiếp cận cơ cấu chức năng là giải thích được các nền văn hóa được tổ chức như thế nào để đáp ứng những nhu cầu của con người. Các nền văn hóa có những điểm chung, bởi lẽ chúng đều được tạo ra bởi con người, nhưng mặt khác, có nhiều phương cách khác nhau để thỏa

mãn những nhu cầu của con người, do đó các nền văn hóa trên thế giới có những khác biệt. Điểm hạn chế của lối tiếp cận nghiên cứu này là có khuynh hướng nhấn mạnh những giá trị đang thống trị trong xã hội và ít chú trọng đến các dị biệt văn hóa trong xã hội, nhất là những sự khác biệt văn hóa do những bất bình đẳng xã hội. Cuối cùng, lối tiếp cận này có khuynh hướng xem văn hóa như một hệ thống tương đối tĩnh và ít chú trọng đến việc giải thích biến chuyển xã hội.

4. Lý thuyết mâu thuẫn xã hội:

Lối tiếp cận mâu thuẫn xã hội xem lãnh vực văn hoá như là địa bàn tranh chấp, là nơi thể hiện những mâu thuẫn xã hội do sự bất bình đẳng trong các tầng lớp xã hội gây ra. Lối tiếp cận này cho thấy văn hóa trong một xã hội đôi lúc chỉ phục vụ nhu cầu của một tầng lớp xã hội nhất định. P. Bourdieu, trong tác phẩm “Tình yêu nghệ thuật” (L’amour de l’art), đã phân tích những bất bình đẳng văn hóa giữa các tầng lớp xã hội theo tương quan của họ đối với những sản phẩm văn hóa.

Thay vì chấp nhận những giá trị có sẵn, lối tiếp cận này đặt câu hỏi tại sao những giá trị đó tồn tại, ai đã sản sinh chúng, những giá trị đó củng cố sự bất bình đẳng như thế nào. Các nhà xã hội học mác xít còn cho rằng các yếu tố của nền văn hóa mang đặc tính của hệ thống sản xuất kinh tế. Ví như những giá trị mà xã hội Mỹ đề cao như cá nhân chủ nghĩa, tinh thần cạnh tranh phản ánh những giá trị của một xã hội tư bản chủ nghĩa. Những bất bình đẳng xã hội đưa đến những mâu thuẫn căng thẳng rồi sẽ dẫn đến những biến chuyển xa hội, chúng gặp sự chống đối của những người đang hưởng lợi từ việc duy trì nguyên trạng (status quo).

Tương quan giữa văn hóa và các định chế xã hội khác:

vh kt

ct

Loi tiep can chuc nang Loi tiep can mac-xit htt

QHSX ct/tg/gd

(vh = văn hóa; kt = kinh tế, ct = chính trị; qhsx = quan hệ sản xuất; tg = tôn giáo; gd = giáo dục; htt = hệ tư tưởng…)

Điểm mạnh của lối tiếp cận này là nó vạch ra rằng hệ thống văn hóa khó đáp ứng một cách bình đẳng các nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Nó cũng cho thấy những yếu tố văn hóa được sử dụng để duy trì sự thống trị của một thiểu số lên những người khác. Hậu quả của sự bất bình đẳng này sẽ sản sinh ra các lực lượng đưa đến biến chuyển xã hội. Nhưng lối tiếp cận này có xu hướng quá nhấn mạnh sự khác biệt trong văn hóa và ít quan tâm đến việc những khuôn mẫu văn hóa cũng góp phần vào việc hội nhập xã hội.

5. Nghiên cứu ký hiệu học về văn hóa:

Ký hiệu học (semiotics) là một môn học về các ký hiệu (xuất phát từ từ nguyên tiếng Hy lạp semeion, có nghĩa là ký hiệu). Ký hiệu học quan niệm văn hóa như là một mạng lưới truyền thông rộng lớn, qua đó các thông điệp (bằng lời hoặc không bằng lời) được chuyển tải qua những con đường phức tạp và liên kết với nhau. Toàn bộ mạng lưới này tạo ra những hệ thống ý nghĩa.

Trường phái ký hiệu học có nguồn gốc rất đa dạng với các tên tuổi như Ferdinand de Saussure, Roman Jakobson, Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha.

Dĩ nhiên cũng phải kể đến C. Lévi– Srauss, vì cơ cấu luận vẫn thường được xem là ông cố của trường phái ký hiệu học. Hiện nay trong nghiên cứu ký hiệu học về văn hóa nổi lên ba khuynh hướng chính: ở Pháp với R. Barthes, A.J. Greimas, J. Kristeva…chịu ảnh hưởng của F. de Saussure, Lévi– Stauss và lý thuyết Mác–xít; ở Mỹ với C. Geertz chịu tác động tư tưởng của M.

Weber và T. Parsons và khuynh hướng thứ ba thường được gọi là trường phái Matxcơva–Tartu chịu ảnh hưởng Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha, V.

Propp và V. Shklovskij.

Mặc dù giữa các trường phái ký hiệu học có những vị biệt, nhưng nói chung khi phân tích văn hóa họ đều cố gắng làm bật lên các cơ cấu ý nghĩa trong các hiện tượng văn hóa. Cơ cấu ý nghĩa này không phải được khám phá bằng trực giác, bằng các lối giải thích thông thường mà bằng cách giải mã những ký hiệu của nền văn hóa. Trong quan điểm của ký hiệu học, một ký hiệu tự nó không mang ý nghĩa mà nó chỉ có ý nghĩa trong một bối cảnh, khi được nhìn dưới góc độ nào đó. Do đó khi đứng trước một nền văn hóa, phải xác định góc độ tìm hiểu văn hóa đó: từ bên trong (emic) hay từ bên ngoài (etic), góc độ của người nói hay người nghe, sự mô tả có tính cách nội truyền hay ngoại truyền.

Bước kế tiếp trong phân tích ký hiệu học về văn hóa là xác định các nét văn hóa – các nhà ký hiệu học thường khái niệm “văn bản văn hóa” –. Nét văn hóa có thể là một ký hiệu duy nhất nhưng thông thường là một chuỗi các ký hiệu liên kết với nhau. Một nét văn hóa có thể là một bộ phận của một văn bản văn hóa lớn hơn. Việc phân tích ký hiệu học chủ yếu nhằm đọc “văn bản”, có nghĩa là xác định các ký hiệu, các mã liên kết các ký hiệu và các thông điệp được chuyển tải. Một số văn bản rất khó “đọc” bởi chỉ là một ký hiệu duy nhất hay khó phân ra các đơn vị phân tích – ví như một vũ điệu, một số văn bản khác dễ phân tích hơn – ví như một câu chuyện cổ tích với các nhân vật, các vai trò. Cần lưu ý khái niệm văn bản ở đây có thể bằng lời hay không bằng lời, thuộc lãnh vực thị giác, thính giác, có thể đơn giản hay phức tạp.

Trong việc phân tích văn hóa, các nhà ký hiệu học thường đặt trọng tâm nghiên cứu cái bản thể và biến chuyển của một nền văn hóa.

Việc phối hợp các lối tiếp cận trên trong việc nghiên cứu sẽ giúp chúng ta hiểu hơn tính phức tạp của hiện tượng văn hóa.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w