Cá nhân trong xã hội hiện đại

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 168 - 171)

Chương 10. BIẾN CHUYỂN XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA

C. Cá nhân trong xã hội hiện đại

Xã hội đại chúng và vấn đề hình thành căn tính (identité) của con người:

Trong các xã hội hiện đại, con người có nhiều riêng tư hơn, nhiều tự do hơn để thể hiện cá tính của mình. Nhưng đồng thời lý thuyết xã hội đại chúng cũng cho thấy sự đa dạng về mặt xã hội, sự cố kết xã hội yếu đi, sự thay đổi nhanh chóng trong các xã hội hiện đại cũng gây khó khăn cho sự phát triển căn tính của con người. Mỗi người đều phát triển một căn tính xã hội – cái tôi – được nhận thức và phát triển qua sự tương tác với người khác. Quá trình này liên quan đến việc nội tâm hóa những yếu tố phi vật thể của nền văn hóa – các giá trị, các tín niệm, các ý nghĩa – vào trong một nhân cách riêng biệt.

Các xã hội truyền thống có qui mô nhỏ, có văn hóa đồng nhất, có biến chuyển chậm, tạo một cơ sở xã hội ổn định cho sự phát triển căn tính của cá nhân, vạch ra một con đường dù hẹp nhưng rõ ràng cho cá nhân (ví như trường hợp phát triển nhân cách ở các xã hội dân tộc ít người).

Các xã hội hiện đại, có qui mô rộng lớn hơn, đa dạng về văn hóa và biến chuyển nhanh, đem lại cho cá nhân nhiều chọn lựa hơn, nhưng trên một

cơ sở không vững chắc. Khi điều trái và điều phải, cái tốt và cái tồi, cái xấu và cái đẹp đều trở thành tương đối, thì con người trong xã hội hiện đại có được nhiều tự do sáng tạo hơn nhưng lại mất đi sự an toàn mà truyền thống tạo ra.

David Riesman đã mô tả quá trình hiện đại hóa bằng những ảnh hưởng tác động lên tính cách xã hội (social character), tính cách xã hội này được định nghĩa là các khuôn mẫu tư tưởng, tri thức và ứng xử được chia sẻ bởi nhiều người trong cùng một xã hội. Riesman cho rằng tính cách xã hội của các xã hội tiền công nghiệp có xu hướng hướng về truyền thống (tradition–

directedness). Điều này có nghĩa là các phương cách tư duy, cảm nhận và hành động được nội tâm hóa trong nhân cách của con người phản ánh những mô thức văn hóa được chia sẻ bởi mọi thành viên trong cộng đồng và ít thay đổi theo thời gian. Con người hướng về truyền thống có những mô thức ứng xử tương tự người khác không phải vì họ bắt chước mà bởi lẽ tất cả họ đều chia sẻ một số xác tín sâu xa về lối sống của mình.

Trái lại, trong các xã hội công nghiệp biến chuyển nhanh và đa dạng về văn hóa, một nhân cách không thay đổi là một trở ngại, bởi lẽ xã hội đề cao sự thích ứng của cá nhâm Vì vậy Riesman mô tả tính cách xã hội của các xã hội công nghiệp là hướng về kẻ khác (other–directedness). Điều đó ám chỉ các khuôn mẫu nhân cách qua đó con người tìm kiếm sự an toàn bằng cách tuân thủ theo các cách ứng xử của kẻ khác. Con người phát triển một căn tính – tương tự xã hội quanh họ – có xu hướng trở nên không thống nhất và thay đổi. Các cá nhân có xu hướng hướng về kẻ khác cố gắng tạo ra những căn tính khác nhau và đóng các vai trò khác nhau tùy theo tình huống xã hội.

Con người hiện đại mang những bộ mặt khác nhau tùy khi ở trường hay công sở, khi ở nhà hay khi ở nơi thờ tự… Một nhân cách thay đổi như vậy có thể bị đánh giá là không trung thực trong xã hội cổ truyền nhưng tính uyển chuyển và thích ứng là những nét được đề cao trong các xã hội hiện đại. Tuân thủ theo những giá trị và chuẩn mực, kể cả các mode, là ví dụ điển hình về xu hướng hướng về kẻ khác của con người hiện đại. Đối với con người trong xã hội hiện đại, cái quan trọng là sự đánh giá cái gì là hợp thời của những người cùng thế hệ chứ không phải của truyền thống. Nhưng xây dựng cái tôi trên

những cơ sở xã hội thay đổi như vậy có thể dẫn đến sự khủng hoảng căn tính trong xã hội hiện đại. “Tôi là ai?” là câu hỏi thường bắt gặp của con người trong xã hội hiện đại. Dưới quan điểm xã hội học, vấn đề khó khăn trong việc phát triển nhân cách của cá nhân là sự phản ánh tính không thuần nhất nội tại của chính xã hội.

Xã hội giai cấp: vấn đề tham gia đích thực vào công việc xã hội.

Lý thuyết xã hội giai cấp cho rằng sự hứa hẹn giành nhiều tự do cá nhân hơn trong các xã hội hiện đại đã bị lũng đoạn bởi sự tồn tại dai dẳng của bất bình đẳng xã hội. Trong khi xã hội hiện đại đề cao tính tương đối của đạo đức thì các giá trị văn hóa tiếp tục đặt một vài thành phần trong xã hội vào một vị trí rõ ràng là bất lợi. Sự phân tầng xã hội đặt cơ sở trên sự phân bố bất bình đẳng về của cải và quyền lực, điều này có nghĩa là một số người sẽ có nhiều cơ hội hơn những người khác. Các nhóm thiểu số, phụ nữ và người già là những thành phần chịu nhiều định kiến và phân biệt đối xử, lấy thí dụ sự hình thành quá trình hiện đại hóa đi đôi với sự suy tàn về thế đứng xã hội của người già. Như vậy, thay vì đau khổ do có quá nhiều tự do như lý thuyết xã hội đại chúng chủ trương, một bộ phận quần chúng vẫn tiếp tục bị từ chối cơ hội tham gia một cách đầy đủ vào đời sống xã hội.

Mặc dù sự kiện công nghiệp hóa đã tạo ra di động xã hội lớn hơn, nhưng các xã hội hiện đại tiếp tục bị thống trị bởi một tầng lớp ưu tú trong khi một tỷ lệ khá lớn nhân dân vẫn sống trong nghèo khổ. Do đó, các yêu cầu đòi hỏi tham gia vào quá trình quyết định nổi lên trên nhiều lãnh vực, ví như các phong trào đấu tranh của công nhân, của những người tiêu thụ, các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Trên bình diện thế giới, chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã đặt một tỷ lệ khá lớn dân cư trên thế giới dưới ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia.

Quá trình này có hệ luận tập trung gần phân nửa của cải trên thế giới vào tay một số xã hội giàu có nhất, trong khi chúng chỉ chiếm khoảng 10% dân số thế giới. Như vậy trái với nhận định của Weber về tính hợp lý của xã hội hiện đại, H. Marcuse cho rằng xã hội hiện đại là phi lý vì nó không đáp ứng những nhu

cầu cơ bản của nhiều người. Hơn thế nữa, tiến bộ của kỹ thuật đã không cho phép con người kiểm soát hơn đời sống của chính mình. Trái lại, quyền quyết định vận mạng của cả thế giới tập trung trong tay của chỉ một vài người. Thay vì xem kỹ thuật là phương tiện để giải quyết các vấn đề thế giới, ông cho rằng kỹ thuật đúng hơn là nguyên nhân của những vấn đề này. Tóm lại, lý thuyết xã hội giai cấp phê phán các xã hội hiện đại đã giảm tầm mức kiểm soát của con người lên chính đời sống của mình.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 168 - 171)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w