Ý nghĩa của văn hóa

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 47 - 52)

Chương 3. XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA

A. Ý nghĩa của văn hóa

Trong ngôn ngữ hằng ngày, thuật ngữ văn hóa mang nhiều ý nghĩa, nó có thể ám chỉ trình độ giáo dục, di sản tinh thần, một lối sống, phong tục tập quán…Nhưng dưới góc độ xã hội học, văn hóa là toàn bộ hữu cơ những hình thái tư tưởng, ứng xử và sản xuất của một tổ chức, một xã hội, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng những phương tiện tương tác truyền thông chứ không qua con đường di truyền sinh học. Văn hóa bao gồm toàn thể những thành tựu của con người trong lãnh vực sản xuất, xã hội và tinh thần. Trong phạm vi bao quát đó của văn hóa, các nhà xã hội học chú trọng đến những khía cạnh của văn hóa giúp giải thích được các lối ứng xử của con người và các tổ chức xã hội.

Những thành tố của văn hóa: Một số nhà xã hội học – như William Ogburn – phân ra trong mọi nền văn hóa hai bộ phận: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể (tinh thần).Văn hoá vật thể bao gồm những đồ đạc, dụng cụ, sản phẩm nghệ thuật, trang thiết bị, khí giới, xe cộ, nhà cửa, áo quần, dụng cụ sản xuất. Văn hóa phi vật thể thì khó định nghĩa hơn và nó bao gồm những lãnh vực văn hóa mà ta không sờ mó được, như các khuôn mẫu hành vi, các qui tắc, giá trị, thói quen, tập quán… Robert Bierstedt xem văn hóa bao gồm ba lãnh vực: tư tưởng (ideas), chuẩn mực (norms) và văn hóa vật chất.

Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu những thành tố cơ bản nhất nằm bên dưới các thành tố trên, đó là những biểu tượng (symbol) trong văn hóa của con người.

Như đã đề cập, văn hóa vật thể là một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa, bao gồm những đồ dùng trong đời sống, nhà cửa, công cụ lao động, những sản phẩm nghệ thuật, nền công nghệ của một xã hội… Văn hóa vật thể thường gắn chặt với giá trị tinh thần và là biểu hiện của các giá trị tinh thần. Lấy thí dụ, xã hội Mỹ đánh giá cao tinh thần tự lập, cá nhân chủ nghĩa, cho nên trong lãnh vực đi lại xe hơi cá nhân phát triển hơn các phương tiện giao thông công cộng. Trong xã hội Mỹ chiếc xe hơi là biểu hiện của sự thành đạt cá nhân.

Văn hóa vật chất còn phản ánh trình độ kỹ thuật (technology). Kỹ thuật là việc ứng dụng các kiến thức văn hóa; các tư tưởng khoa học vào môi trường vật chất để phục vụ nhu cầu đời sóng. Với sự phát triển của kỹ thuật, con người có thể chinh phục, uốn nắn thiên nhiên theo những giá trị văn hóa của mình. Khoa học kỹ thuật đã giải phóng con người phần nào, nhưng đồng thời, nếu không kiểm soát được, cũng đem lại cho con người nhiều căng thẳng, nhiều tai họa (như nạn ô nhiễm) và cả nguy cơ hủy diệt nhân loại – như nguy cơ hạt nhân. Vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật là một mặt, nhưng làm thế nào để khoa học kỹ thuật đem lại cho con người hạnh phúc, cải thiện phẩm chất cuộc sống của con người là một vấn đề khác cần tiếp tục nghiên cứu.

Văn hóa được xây dựng trên các biểu tượng (symbol). Biểu tượng là bất cứ vật gì mang một ý nghĩa riêng biệt mà các thành viên trong cùng một xã hội đều nhận biết. Các yếu tố trong thế giới thiên nhiên, âm thanh, hình ảnh, cử chỉ của con người đều có thể dùng như là biểu tượng. Biểu tượng gắn liền với cuộc sống nên chúng ta không ý thức tầm quan trọng của chúng.

Chỉ khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác, hay khi các biểu tượng được phối hợp một cách không nhất quán chúng ta mới thấy tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của các biểu tượng trong nền văn hóa vì đối với chúng ta xem ra không có ý nghĩa nhưng trong một nền văn hóa khác lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Thêm vào đó biểu tượng văn hóa thay đổi qua thời gian, ví như cách đây vài chục năm xe Honda là biểu hiện của sự giàu có nhưng nay nó là phương tiện đi lại thông dụng của quần chúng; chiếc quần jean cũng thay đổi ý nghĩa qua thời gian, là chiếc quần của một giới nghề nghiệp trong xã hội Mỹ nó đã trở thành phổ biến trong giới thanh niên vào những năm 1960…

Tóm lại, biểu tượng cũng là cách con người gán ý nghĩa cho cuộc sống.

Trong một xã hội đa dạng về mặt văn hóa, việc sử dụng biểu tượng có thể gây cho ta một số khó khăn, nhưng nếu không có biểu tượng cuộc sống sẽ không có ý nghĩa và xã hội cũng không mang dấu ấn nhân văn.

Một khả năng của con người là biết phối hợp các biểu tượng để tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một hệ thống các biểu tượng mà ý nghĩa đã được chuẩn hóa, nhờ đó mọi người trong một xã hội nhất định có thể truyền thông cho nhau. Xã hội nào cũng có ngôn ngữ viết và nói, trừ một số ít chỉ có ngôn ngừ nói. Ngôn ngữ giúp cho các thành viên trong một xã hội cùng chia sẻ những tư tưởng, niềm tin, cảm nghĩ. Ngôn ngữ cũng là công cụ chủ yếu để truyền đạt văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ ngữ ta dùng bắt rễ từ nhiều trăm năm trước, do đó khi hiểu ý nghĩa của biểu tượng thông qua ngôn ngữ, ta nắm được kiến thức tích lũy, cái triết lý mà cha ông ta đã cảm nghiệm được.

Ngôn ngữ là đặc trưng của văn hóa nhưng đồng thời cũng tác động đến văn hóa, và mặt khác biến chuyển xã hội và văn hóa cũng tác động lên ngôn ngữ.

Các chuẩn mực (norms) là những quy tắc của ứng xử, chúng quy định hành vi của con người là tốt hay xấu, là thích hợp hay không thích hợp. Mỗi nền văn hóa đều có các hệ thống chuẩn mực, chúng tạo thành hệ thống kiểm soát (social control) của xã hội và điều tiết các hành vi, các ứng xử của cá nhân và của đoàn thể trong nền văn hóa. Chúng nêu lên những chuẩn mực như: phải hiếu thảo với cha mẹ, phải kính trọng người già, không được giết người, không được trộm cắp…Nhưng các chuẩn thực không bao giờ có tính cách tuyệt đối, chúng thay đổi tùy nền văn hóa, tùy hoàn cảnh và cũng thay đổi theo thời gian.

Để thúc đẩy cá nhân và đoàn thể làm theo chuẩn mực đã đề ra, mọi nền văn hóa đều quy định những chế tài (sanctions). Đó là những hành vi thưởng phạt tùy theo việc tuân thủ hay vi phạm các chuẩn mực. Các chuẩn mực văn hóa có mức độ chế tài khác nhau. Những quy tắc đạo lý (mores) là những chuẩn mực có mức độ chế tài mạnh nhất, bởi lẽ chúng được đánh giá trong mối liên quan đến sự sống còn của xã hội và mang ý nghĩa đạo đức cao nhất. Các tập quán (folkways) có mức độ chế tài nhẹ hơn. William Graham Sumner, người đầu tiên đã sử dụng hai thuật ngữ trên, cho thấy rằng luật pháp là những chuẩn mực đã được thể hiện thành văn. Luật pháp thường chính thức hóa các nguyên tắc đạo lý của một xã hội, và đôi khi chính thức hóa một số tập quán, như việc buộc phải ăn mặc áo quần ở nơi công cộng.

Nhưng sự chế tài và quan niệm về quy tắc đạo lý cũng thay đổi theo thời gian, ví như quan niệm về ngoại tình, đồng tính luyến ái và các mức độ chế tài của chúng ở Mỹ cũng thay đổi qua thời gian.

Giá trị (value) là những tiêu chuẩn, những tư tưởng đề cao và biện minh cho các chuẩn mực, trên cơ sở đó các thành viên của một nền văn hóa xác định cái gì là đúng, là tốt, là đẹp và cái gì là cần thiết hay không cần thiết.

Giá trị tồn tại trong ý thức tập thể của một xã hội hay nói cách khác văn hóa là

những phương cách tồn tại và hành động mà một xã hội xem như là lý tưởng phải đạt đến. Ví như giáo dục là một giá trị được các nền văn hóa Châu á đề cao, và người ta xem đó như là phương cách tốt để đạt đến các vị trí trong xã hội. Như vậy, giá trị là những sự đánh giá, phán đoán, trên quan điểm của văn hóa, cái mà chúng ta phải làm. Các giá trị sẽ chi phối các quan niệm về vũ trụ về nhân sinh của cá nhân. Chúng ta học được các giá trị qua quá trình xã hội hóa trong gia đình, học đường, tôn giáo, và các đoàn thể xã hội nói chung.

Tuy nhiên các chuẩn mực, các quy tắc có liên quan đến một giá trị có thể thay đổi. Đối với một số người để có thể có được giáo dục thì phải theo học đại học, nhưng cũng có một số người quan niệm phải học tập qua việc huấn nghệ, qua công tác thực tiễn.

Một số giá trị, chuẩn mực có liên quan với nhau hình thành nên một hệ thống chặt chẽ được gọi là hệ ý thức (ideology), như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội…

Các giá trị văn hóa không thuần nhất trong một nền văn hóa nhất định, chúng thay đổi tùy theo quan niệm của các tầng lớp xã hội. Nhưng mặt khác, trong một hay trong nhiều nền văn hóa có một số giá trị nào đó mà mọi người đều thừa nhận, và chúng tồn tại qua thời gian. Trong một hệ thống giá trị đôi lúc cũng có sự không thuần nhất, như sự mâu thuẫn giá giá trị bình đẳng và chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, các chuẩn mực, các giá trị đưa ra những kỳ vọng, đưa ra cái mà cá nhân phải làm, hay đúng hơn nó đưa ra cái lý tưởng của nền văn hóa, cái văn hóa lý tưởng (ideal culture). Trong khi những hành vi, ứng xử thực tế hiện có tạo thành cái văn hóa thực tiễn (real culture). Ví như chung thủy là một giá trị của xã hội Mỹ, nhưng trong thực tế có 1/3 đàn ông Mỹ đôi khi không trung thành với vợ.

Văn hóa với những thành tố cấu thành như vậy phải được phân biệt với khái niệm văn minh. Các nền văn minh là các nền văn hóa có tính cách tiên tiến, có sự phát triển đã đạt đến một trình độ nhất định, có nền văn hóa vật chất và tinh thần mang những đặc trưng riêng. Các nền văn minh thường ảnh

hưởng đến các nền văn hóa khác khi chúng tiếp xúc với nhau. Có những nền văn minh xa xưa không còn tồn tại như nền minh Hi lạp và La mã. Có những nền văn minh có lịch sử lâu dài, trải qua những thăng trầm và nay vẫn còn tồn tại như các nền văn minh Ấn Độ, Trung Quốc và có những nền văn minh đang thống trị như các nền văn minh Châu âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Liên Xô (trước 1991). Đây là các nền văn hóa thống trị bởi lẽ chúng cạnh tranh nhau trên quy mô toàn cầu nhằm xuất khẩu ảnh hưởng về lối sống, về khoa học kỹ thuật của mình. Trên bình diện nghiên cứu xã hội học ở cấp độ vĩ mô, văn minh là một lãnh vực rất được chú trọng và ở cấp độ nghiên cứu này, Bottomore đã định nghĩa văn minh là: “một phức thể văn hóa được hình thành bởi những nét văn hóa lớn, đồng nhất, của một số xã hội nhất định. Lấy thí dụ ta có thể mô tả chủ nghĩa tư bản phương Tây như là một nền văn minh, trong đó các hình thức đặc thù về khoa học, về kỹ thuật, tôn giáo, nghệ thuật…được tìm thấy trong một số xã hội khác nhau.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w