Chương 4. QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HÓA VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ XÃ HỘI
C. Các giai đoạn và môi trường của quá trình xã hội hóa
Nói chung, quá trình xã hội hóa diễn ra trong suốt cuộc đời của con người, nhưng chúng ta có thể phân ra ba giai đoạn chính. Xã hội hóa lần thứ nhất diễn ra trong gia đình kể từ khi đứa bé sơ sinh được dạy dỗ để trở thành
một con người xã hội. Xã hội hóa lần hai khi đứa trẻ rời gia đình để đi học, chịu sự tác động của học đường và nhóm bạn thân cùng tuổi (peer group). Và xã hội hóa khi thành niên là quá trình qua đó cá nhân học những chuẩn mực liên quan đến những vị trí xã hội mới, như vị trí của người chồng, người vợ, của nhà báo, của nhà chính trị hay vị trí của người ông, của bà nội, bà ngoại…
Trong các xã hội truyền thống, quá trình xã hội hóa chủ yếu xảy ra trong gia đình, do đó tạo nên những nhân cách thuần nhất, nhưng trong xã hội hiện đại nhiều nhân tố đóng góp vào quá trình xã hội hóa của cá nhân.
Gia đình là bối cảnh xã hội quan trọng nhất qua đó diễn ra quá trình xã hội hóa của cá nhân. Gia đình chính là cái xã hội thu nhỏ mà lần đầu tiên cá nhân được tiếp xúc, là nhóm sơ cấp đầu tiên góp phần hình thành nhân cách của cá nhân. Chính thông qua gia đình mà cá nhân được học hỏi các chuẩn mực, các giá trị mà xã hội đề cao. Mặc dù gia đình không hoàn toàn quyết định sự phát triển của cá nhân, nhưng những nhân tố quan trọng nhất trong nhân cách cá nhân như nhận thức về chính mình, thái độ, sở thích, tín niệm, mục đích của cuộc sống…đại bộ phận đều được hình thành trong khuôn khổ gia đình. Trẻ em không những được cha mẹ dạy bảo, mà chính bầu khí trong gia đình, chính môi trường sống của gia đình để lại những dấu ấn sâu sắc lên nhân cách trẻ, tác động đến cái nhìn về chính mình, về thế giới xung quanh của trẻ em. Cũng chính trong gia đình mà trẻ em học hỏi vai trò về giới tính, và sở đắc những vị trí, những vai trò xã hội do gia đình để lại. Đó là những vị trí, vai trò chỉ định có liên quan đến giai cấp, tầng lớp xã hội, chủng tộc, tôn giáo…Cách nuôi trẻ, dạy trẻ cũng tùy thuộc các nền văn hóa, tùy thuộc tầng lớp xã hội. Như nghiên cứu của Melvin Kohn cho thấy các gia đình thuộc tầng lớp lao động chân tay ở Mỹ có xu hướng dạy cho con những tính cách như tuân thủ, kỷ luật, trong khi gia đình trung lưu dạy cho con cái tính khoan dung, sáng tạo.
Rời gia đình, môi trường xã hội mà hầu hết các trẻ em tiếp xúc là trường học. Trường học không chỉ dạy cho học sinh các kỹ năng để sau này
đảm trách các vai trò trong xã hội, mà trường học truyền đạt những giá trị của xã hội, đề cao lối sống chủ đạo của xã hội. Đây cũng là nơi các em lần đầu tiên có kinh nghiệm về một tổ chức xã hội, về việc đánh giá con người không phải trên quan hệ cá nhân, mà trên những tiêu chuẩn phổ quát hơn – ví như tài năng trong việc học tập. Qua việc dạy và chọn các môn học, nhà trường cũng củng cố những quan niệm về giới tính. Nhà trường như vậy thực hiện chức năng hội nhập xã hội – như quan điểm của lối tiếp cận chức năng, và do đó cũng củng cố việc duy trì nguyên trạng, như nhận định của lối tiếp cận mâu thuẫn xã hội.
Khi bắt đầu rời khỏi gia đình, trẻ có thể tìm thấy, tiếp xúc những nhóm trẻ cùng tuổi ở khu phố hay ở trường học. Nhóm bạn thân cùng tuổi là một môi trường xã hội đặc biệt đối với trẻ em, bởi lẽ, khác với môi trường gia đình và trường học, đây là lần đầu tiên các em được độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát và áp đặt của người lớn, do đó các em thường trao đổi những điều mà các em thường không muốn chia sẻ với người lớn, ví như mode quần áo, sở thích về âm nhạc, giải trí, những tò mò về tình dục…Do sự biến đổi nhanh của xã hội nên những mối quan tâm của cha mẹ và con cái rất khác nhau, người ta đã nói đến khoảng cách giữa các thế hệ. Ngày nay áp lực của nhóm bạn thân cùng tuổi rất mạnh và trẻ em thường tuân thủ theo chuẩn mực của nhóm để được chấp nhận. Tuy nhiên, nhóm bạn thân cùng tuổi thường chỉ có ảnh hưởng lên những nguyện vọng trước mắt và ngắn hạn của thanh thiếu niên, trong khi gia đình vẫn còn có ảnh hưởng lên các nguyện vọng, ước mơ về lâu dài của lớp trẻ.
Ngày nay, với sự phát triển khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng rất lớn lên ứng xử của thanh thiếu niên, nhất là vô tuyến truyền hình. Người ta tính trung bình ở Mỹ mỗi gia đình mở ti vi trung bình hơn bảy giờ mỗi ngày. Các trẻ chưa đến tuổi đi học mỗi ngày ngồi nhiều tiếng đồng hồ trước vô tuyến truyền hình, một thứ “vú nuôi điện tử”
Nhiều thanh thiếu niên dành nhiều thì giờ xem ti vi hơn thời gian dành trao đổi với cha mẹ. Dĩ nhiên, vô tuyên truyền hình đem lại nhiều lợi ích trong việc giải
trí, giáo dục; nó cũng đem đến nhiều kiến thức về các nền văn hóa, về các dân tộc, cũng gia tăng sự quan tâm của con người đến những vấn đề xã hội trên thế giới. Nhưng mặt khác, các nhà xã hội học cho thấy có mối tương quan giữa những chương trình ti vi đề cao bạo lực với những hành vi bạo lực của người xem. Mặt khác, các phương tiện truyền thông đại chúng thường sống nhờ quảng cáo, nhưng quảng cáo nhiều khi cũng tạo ra các nhu cầu giả tạo và chúng điều kiện hóa nếp sống, nếp nghĩ của con người.
Môi trường làm việc, những đoàn thể chính trị và xã hội mà cá nhân tham gia cũng là những nhân tố ảnh hưởng quá trình xã hội hóa.
Trong các môi trường trên cần phân biệt các môi trường sơ cấp và thứ cấp và cũng phải thấy các môi trường trên đôi lúc cộng tác, đôi lúc cạnh tranh nhau trong việc ảnh hưởng đến cá nhân.
Xã hội hóa là một quá trình phức tạp, là quá trình tương tác giữa các yếu tố sinh lý, xã hội và cá nhân. Càng hiểu rõ cơ chế vận hành của xã hội hóa, con người càng có nhiều tự do hơn trong ứng xử của mình.
II. KHUÔN MẪU HÀNH VI, VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ XÃ HỘI
Xã hội và văn hóa tác động đến sự hình thành nhân cách và quá trình xã hội hóa chính là quá trình con người học những phương thức để đóng các vai trò trong xã hội. Vai trò của từng cá nhân được hình thành từ sự kết hợp một số các hành vi, một số các khuôn mẫu hành vi.