Chương 7. ĐỊNH CHẾ XÃ HỘI
II. ĐỊNH CHẾ TRONG CÁC XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Khi xã hội trở nên to lớn và phức tạp hơn, các định chế xã hội phát triển qua một quá trình phân biệt hóa, quá trình biện biệt hóa (differentiation). Lấy thí dụ, trong các xã hội sơ khai con người chưa có khái niệm và chưa sử dụng tiền tệ, và sự trao đổi sản phẩm là sự trao đổi trực tiếp (troc). Trái lại, xã hội hiện đại là một xã hội bị tiền tệ hóa và nhiều cơ cấu xã hội gắn liền với tiền tệ, như ngân hàng, bảo hiểm, quỹ tín dụng…và một loạt các vị trí xã hội gắn các tổ chức tài chính này.
Theo G. Lenski, các nhu cầu chủ yếu của các thành viên trong bất cứ xã hội nào đều gồm có:
1) Nhu cầu thông tin giữa các thành viên: trước hết là thông qua ngôn ngữ, sau đó là các định chế truyền thông.
2) Sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ: trước tiên là thỏa mãn nhu cầu sống còn, sau đó để thỏa mãn nhu cầu tìm cái ngon, vật lạ.
3) Phân phối các sản phẩm và dịch vụ: trong nội bộ xã hội và sau đó qua các xã hội khác.
4) Che chở và bảo vệ: chống lại những tai họa của thiên nhiên và sau đó nhằm chống lại những xã hội con người thù địch.
5) Thay thế các thành viên: có nghĩa là tái sản xuất ra những thành viên mới cho xã hội (về mặt sinh lý cũng như về mặt xã hội).
6) Nhu cầu kiểm soát các thành viên, nhằm bảo đảm sự tồn tại của xã hội, giảm thiểu và loại bỏ những xung đột. Trong các xã hội giản đơn, nhiều chức năng trong các chức năng này được thực hiện bởi một định chế đó là gia đình. Trong các xã hội hiện đại, các chức năng này được thực hiện bởi nhiều định chế khác nhau, và thông thường một chức năng cơ bản được phân công cho nhiều định chế khác. (Xem bảng)
Quá trình phân biệt hóa các định chế.
Loại hình xã hội:
Xã hội sơ khai: Xã hội hiện đại:
Chức năng
xã hội
Truyền thông: Gia đình, hệ thống thân
tộc Truyền thông đại chúng
Sản xuất: Gia đình dòng họ Các định chế kinh tế Phân phối: Gia đình mở rộng, chợ Thị trường, định chế
chuyên chở Bảo vệ, che
chở:
Gia đình, thị tộc, làng xóm
Quân đội, cảnh sát, công ty bảo hiểm, định chế y tế Thay thế, tái
sản xuất xh: Gia đình Gia đình, trường học, định chế tôn giáo
Kiểm soát xã
hội: Gia đình
Gia đình, định chế tôn giáo, các tổ chức chính quyền
Các lãnh vực định chế:
Các nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ các lãnh vực định chế (institutional sectors) để chỉ tất cả các định chế được tổ chức nhằm thực hiện nhiều chức năng cần thiết trong mỗi lãnh vực của đời sống xã hội. Trong các xã hội hiện đại mỗi một lãnh vực chính yếu không chỉ bao gồm một hoặc hai định chế, nhưng là một loạt các định chế có tương quan với nhau. Ví như lãnh vực sản xuất bao gồm các định chế sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ và các định chế lao động. Các định chế của lãnh vực sản xuất lại có liên quan mật thiết với các định chế trong lãnh vực phân phối lưu thông, bao gồm các
thị trường sản phẩm, dịch vụ và lao động cũng như các định chế chuyên chở.
Hợp chung lại các định chế sản xuất và phân phối hình thành nên các định chế kinh tế của xã hội. Ta cũng có thể đưa ra thí dụ về tương quan giữa các lãnh vực định chế, các định chế chủ yếu và các tổ chức then chốt khác như sau:
Một số lãnh vực định chế, định chế chủ yếu và các tổ chức then chốt:
Lãnh vực
định chế: Định chế chủ yếu: Tổ chức then chốt:
– Giáo dục: *– g.d cấp 1, cấp 2, cấp3 *– hệ thống trường công, trường tư
− g.d chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học…
– các trường chuyên nghiệp, các trường đại học…
Truyền thông:
*– vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình
*− hệ thống vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình
− báo chí – báo chí, tạp chí, quầy bán báo…
− xuất bản sách – nhà xuất bản, phát hành…
− phim ảnh − công ty, xí nghiệp làm phim, phát hành phim ảnh
Chính trị: *− hành pháp *− Hội đồng nhà nước, nội các…
− lập pháp – Quốc hội, hội đồng nhân dân…
− tư pháp – tòa án các cấp
− quân đội − quân đội chính quy, dân quân
− Tôn giáo *− Phật giáo *− các giáo phái, hội đoàn.
− Thiên chúa giáo – chùa chiền, nhà thờ, thánh thất
− Hồi giáo…
… … …
Kỳ vọng ở vai trò trong các định chế hiện đại:
Những định chế khác nhau đặt ra các vị trí và vai trò khác nhau cho những thành viên của mình, và chính từ những kỳ vọng khác nhau liên quan
đến các vai trò này mà các xung đột về vai trò xảy ra. Talcott Parsons đã phân tích những khác biệt này thành năm cặp khả năng chọn lựa khác nhau, thường được gọi là những biến số cho khuôn mẫu hành vi (pattern variables).
Những cặp chọn lựa này là: đặc thù / phổ quát (particularism / Universalism;
như ứng xử trong định chế gia đình khác ứng xử trong định chế hành chính);
dễ xúc động / dửng dưng, lý trí (affectivity / neutrality; như ứng xử của con bệnh khác ứng xử của bác sĩ; của người chơi bài khác với chủ chia bài);
quyền lợi cá nhân / quyền lợi tập thể (self-interest / collective interest; ví như ứng xử của người công nhân khác ứng xử của tổ sản xuất); được chỉ định / sở đắc (ascription / achievement; như vai trò của một ông vua khác vai trò của một tổng thống); cố định / phân tán (specificity / diffuseness; các vai trò trong định chế gia đình có tính cách phân tán, trong khi các vai trò trong các định chế kinh tế có tính cách tập trung). Các biến số khuôn mẫu này giúp cho ta trong việc so sánh các định chế, trong việc lãnh hội được các lối ứng xử trong các định chế khác nhau và hiểu được các loại mâu thuẫn giữa các vai trò khác nhau.
Một vài đặc điểm của các định chế trong các xã hội hiện đại:
Các xã hội công nghiệp hiện dại có đặc tính và sự hiện diện của các định chế mang tính cách bàn giấy (bureaucracy) và có sự phân công trong các định chế trên. Những hậu quả của các khuynh hướng chủ yếu trên bao gồm việc thay thế các cá thể bằng những tác nhân tập thể, việc ảnh hưởng càng ngày càng gia tăng của các tổ chức bàn giấy lên trên cá nhân, và sự ra đời của các định chế toàn bộ (total institutions). Các tác nhân tập thể ví như các xí nghiệp thương mại hay các cơ quan chính quyền. Sự phát triển các tác nhân tập thể đã giải phóng những cá nhân ra khỏi những vị trí cố định trong xã hội, nhưng mặt khác cá nhân con người thường bất lợi khi phải giao tiếp với những tác nhân tập thể trên.
Những định chế toàn bộ (total institutions) là những tổ chức có chức năng chăm lo cho cuộc sống của những người không thể tự chăm sóc cho chính mình – những người bị trừng phạt hay bị loại bỏ khỏi các định chế của
xã hội bình thường hoặc những người đã tình nguyện chọn một lối sống gắn với các tổ chức như vậy. Bao gồm trong khái niệm định chế toàn bộ là các viện cứu tế, nhà tù, nhà dưỡng lão, các trường nội trú, các học viên quân sự… Một nét cơ bản của các tổ chức như vậy là việc xóa tan các ranh giới thường phân cách các hoạt động ngủ, chơi, và làm việc của các cá nhân. Các định chế toàn bộ thưòng được dựng nên và thay đổi như là kết quả của các tranh luận ý thức hệ về chính sách xã hội.
Thuật ngữ “xây dựng định chế” (institution building) nhằm chỉ những phương cách theo đó xã hội tạo ra hoặc thay đổi các định chế để đáp ứng những nhu cầu mới, để thích ứng với những thay đổi kỹ thuật hoặc để sửa sai các vấn đề xã hội.
Các quan điểm nghiên cứu định chế xã hội:
Các quan điểm lý thuyết khác nhau trong xã hội học nghiên cứu các định chế lớn theo những phương thức riêng. Quan điểm của thuyết tương tác biểu tượng tập trung vào những quá trình xã hội hóa và những phương cách theo đó các thành viên của một định chế xác định tình huống của mình. Lấy thí dụ trong việc nghiên cứu định chế quân đội, lý thuyết tương tác đã nghiên cứu quá trình xã hội hóa như thế nào (việc gạt bỏ những vị trí xã hội cũ, học hỏi những quy tắc, những chuẩn mực mới, tinh thần đồng đội, tinh thần phục tùng, đẳng cấp…)
Quan điểm chức năng quan tâm đến việc các định chế lớn ảnh hưởng với nhau như thế nào, các chức năng của định chế trong xã hội… Ví như tổ chức quân đội đóng góp thế nào trong lãnh vực kinh tế, quan hệ giữa tổ chức quân đội và chính trị, sự kiểm soát của chính quyền dân sự lên trên quân đội ra sao và tương quan giữa tổ chức quân đội và các định chế dân chủ…
Cuối cùng, khi nghiên cứu trong phạm vi một định chế, lý thuyết mâu thuẫn nghiên cứu xem thành phần xã hội nào được hưởng lợi nhất và những xung đột, bất bình đẳng trong định chế như thế nào. Trong tương quan giữa những định chế với nhau, lý thuyết mâu thuẫn xã hội tìm hiểu những vấn đề liên quan đến sự thống trị của một vài định chế lên các định chế khác và lên
trên xã hội nói chung. Như sự phân tích của Marx về vai trò quyết định của các định chế kinh tế lên trên các định chế chính trị, văn hóa…
Một thí dụ khác, khi nghiên cứu về thể thao trong một xã hội, ba quan điểm nghiên cứu trên đều nhìn vấn đề dưới những góc độ khác nhau. Quan điểm tương tác biểu tượng xem bất cứ bộ môn thể thao là những khuôn mẫu phức tạp các tương tác xã hội. Dĩ nhiên, hoạt động của mỗi thành viên trong mỗi bộ môn thể thao đều phải theo những đòi hỏi của các vị trí chỉ định và theo những nguyên tắc, những luật chơi của môn thể thao. Nhưng mặt khác hành vi của họ cũng mang tính ngẫu nhiên. Diễn tiến cuộc chơi tùy thuộc nhận thức chủ quan của từng người chơi. Một tập thể thể thao – như một đội banh – cũng không thuần nhất như người ta vẫn thường nhìn từ bên ngoài, mà đối xử với nhau tùy theo nhận thức họ có về người khác: cũng có giúp đỡ, ganh ty, định kiến…Nhận thức chủ quan của cầu thủ cũng thay đổi tùy theo tình huống – tính chất của cuộc đấu, đối thủ thế nào… Và vẫn luôn có một khoảng cách giữa những tác phong được chờ đợi ở định chế thể thao và ứng xử thực tế của những người chơi thể thao.
Quan điểm chức năng đi tìm những chức năng của định chế thể thao trong xã hội. Thể thao có chức năng công khai là một hình thức giải trí, một
“xả xú bắp” vô hại và nhằm rèn luyện thân thể. Nó cũng có những chức năng tiềm ẩn là tạo công ăn việc làm cho một số người, tạo ra những khuôn mẫu hành vi có ích cho sự vận hành của xã hội: tinh thần kỷ luật và nỗ lực trong công việc. Giữa định chế thể thao và các xã hội cũng có mối tương quan, nhà nước Spartes cổ đại thì cổ vũ những trò chơi hiếu chiến; ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thì không có các cuộc đua xe tốc độ chết người như trong các xã hội tư bản đề cao tính cạnh tranh. Thể thao không những đề cao tinh thần thượng võ mà ngược lại cũng có các phản chức năng như cá độ, tinh thần ăn thua cay cú…
Lý thuyết mâu thuẫn xã hội nhìn thấy qua định chế thể thao những bất bình đẳng xã hội: không phải mọi thành phần xã hội đều có thể thụ hưởng mọi trò chơi thể thao. Các bộ môn như quần vợt, golf chỉ dành cho những
người sung túc... Định chế thể thao cũng cho thấy rõ sự phân biệt giới tính, những định kiến về giới tính. Cũng chỉ mấy năm gần đây thôi chúng ta mới thấy phụ nữ Việt nam tham gia các môn đua đạp xe, bóng đá…Thế giới thể thao cũng cho thấy chỉ làm lợi cho một thiểu số các ông bầu câu lạc bộ…Như vậy định chế thể thao cũng chỉ là phản ánh các giá trị của hệ thống kinh tế chủ đạo đang chi phối xã hội.
Định chế, quyền lực và biến chuyển xã hội:
Đối với các xã hội cổ truyền, việc du nhập những định chế mới vào một xã hội thường gặp những chống đối, như trường hợp phản ứng của dân bản xứ thời thuộc địa. Thông thường người dân các nước thuộc địa đứng trước một chọn lựa khó khăn: hoặc là chấp nhận các định chế mới và đánh mất bản thể của chính xã hội mình, hoặc làm thế nào để thích ứng với các định chế của các xã hội công nghiệp mà không mất đi khả năng gìn giữ những định chế đặc trưng của mình.
Đối với các xã hội hiện đại, để hiểu được biến chuyển trong các định chế cần phải hiểu bản chất của quyền lực trong định chế. Một định chế có thể được xem như một kết cấu trong đó những người có quyền lực gắn bó với một số quyền lợi hay giá trị nhất định. Những ai muốn thay đổi một định chế xã hội lớn phải đối đầu với những người nắm quyền hành trong định chế.
Điều này chỉ xảy ra khi một nhóm xã hội quyết tâm thay đổi bởi vì họ cảm thấy bị ngược đãi. Một nhóm như vậy sẽ bắt đầu đặt vấn đề về những giá trị của xã hội và có thể tổ chức một phong trào xã hội nhằm thay đổi những giá trị không còn phù hợp. Đó là trường hợp của những phong trào đấu tranh cho nữ quyền, đấu tranh xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc…