Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN
1.3. Đặc trưng quản lý hoạt động đào tạo
1.3.1. Quản lý mục tiêu đào tạo
Mục tiêu đào tạo là yếu tố quyết định quá trình đào tạo và công tác quản lý đào tạo từ quản lý chương trình đào tạo đến quản lý phương thức đào tạo, quản lý người dạy và quản lý người học.
Mục tiêu chung của giáo dục, đào tạo được nêu trong Luật Giáo dục Việt Nam là: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, có tri thức, có sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mục tiêu của giáo dục đại học và sau đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [86, tr. 269].
Mục tiêu đào tạo đại học và chuyên nghiệp phải trả lời được hai câu hỏi:
Thứ nhất, người học tốt nghiệp một cấp học, bậc học, ngành học cụ thể, có thể đảm nhiệm công việc gì? ở vị trí nào?
Thứ hai, để có thể làm tốt được công việc đó ở vị trí đó, người tốt nghiệp phải có những hiểu biết gì? những năng lực gì? những phẩm chất gì?
Câu hỏi thứ nhất của mục tiêu đào tạo là mô hình sử dụng, trả lời câu hỏi thứ hai là mô hình người lao động.
+ Về mô hình sử dụng. Người học tốt nghiệp một cấp học, một bậc học, một ngành học được giao làm một (hay vài) công việc ở một (hay vài) vị trí nhất định trong rất nhiều công việc và vị trí của hoạt động xã hội. Mô hình sử dụng có thể rất chuyên đối với các ngành đại học, chuyên nghiệp, rất rộng đối với ngành học phổ thông, sâu đối với đại học, phổ cập nhiều hay ít đối với các ngành học khác.
+ Về mô hình người lao động. Đây là phần trung tâm trong mục tiêu đào tạo vì nó trả lời câu hỏi người học khi tốt nghiệp phải có những hiểu biết, năng lực và phẩm chất gì thì mới đảm nhiệm được các công việc ở vị trí mà họ được giao. Câu trả lời này càng cụ thể, rõ ràng bao nhiêu thì mục tiêu đào tạo càng có tác dụng chỉ đạo công tác đào tạo, càng có cơ sở để kiểm tra và đánh giá việc thực hiện mục tiêu, đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo.
Quản lý mục tiêu đào tạo trong nhà trường, trước hết phải xây dựng được một hệ thống mục tiêu hợp lý bao gồm: mục tiêu đào tạo chung của nhà trường; mục tiêu của từng ngành đào tạo, từng hệ, từng khóa đào tạo và mục tiêu của từng môn học. Các mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau và tạo thành một hệ thống mục tiêu hoặc mạng lưới các mục tiêu. Trên cơ sở mục tiêu chung của nhà trường xác định các mục tiêu của từng ngành, từng hệ đào tạo và cuối cùng là mục tiêu của từng môn học cụ thể. Xác định mục
tiêu đào tạo chính là xác định mô hình của sản phẩm đào tạo của nhà trường cũng như của từng ngành đào tạo. Mục tiêu đào tạo phải được định kỳ điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của xã hội và của nhà sử dụng. Từ mục tiêu đào tạo tiến hành thiết kế chương trình đào tạo, phương thức đào tạo và tổ chức đào tạo phù hợp với mục tiêu đã được xác định. Đây cũng là một nội dung rất quan trọng của quản lý mục tiêu. Có thể nói quản lý mục tiêu đào tạo suy cho cùng là việc thực thi một cách có ý thức mục tiêu đào tạo đã đề ra, biến mục tiêu thành hiện thực.
Hiện nay trên thế giới, đang phổ biến việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra (CDIO) và một số trường đại học ở Việt Nam đang triển khai thí điểm chương trình này. CDIO là viết tắt của các từ hình thành ý tưởng (Conceive) - Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) - Vận hành (Operate). Điểm then chốt của CDIO là một tuyên bố về mục tiêu của chương trình đào tạo, và bộ 12 tiêu chuẩn CDIO, được thiết kế để giúp đạt các mục tiêu đó. Các tiêu chuẩn này bao gồm triết lý của chương trình, phát triển chương trình đào tạo, không gian làm việc và các trải nghiệm thực tế, phương pháp dạy và học, nâng cao năng lực giảng viên, đánh giá và kiểm định. Đề cương CDIO giúp trả lời câu hỏi “người học khi tốt nghiệp cần đạt được các kiến thức, kỹ năng, và thái độ gì?”. Còn các tiêu chuẩn CDIO giúp trả lời câu hỏi “chúng ta có thể làm thế nào tốt hơn để đảm bảo người học đạt được các kiến thức, kỹ năng, và thái độ ấy?”. Như vậy, một cách tổng quát, đề cương CDIO giúp giải đáp câu hỏi “làm gì” và “làm như thế nào”. CDIO cũng giúp nhìn nhận toàn diện hơn về phương pháp giảng dạy và học tập cũng như đánh giá người học hay năng lực của giảng viên.
Mô hình CDIO trên thực tế là đào tạo theo nhu cầu xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và nhà sử dụng nguồn lực, thông qua điều tra khảo sát để xây dựng mục tiêu và nội dung đào tạo và các trường có thể áp dụng cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.