Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO Ở HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
2.3. Thực trạng về quản lý hoạt động đào tạo ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
2.3.2. Quản lý nội dung đào tạo
Để thực hiện mục tiêu đào tạo nói trên đồng thời để nâng cao chất lượng đào tạo hệ CCLLCT, trong nhiều năm qua, HV đã chú trọng đổi mới nội dung đào tạo theo hướng bám sát cương lĩnh, chiến lược và đường lối chính sách của Đảng, cập nhật thông tin về sự biến động mang tính toàn cầu trên mọi lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, tăng cường tri thức thực tiễn thông qua tổng kết kinh nghiệm, thông qua công cuộc đổi mới của nước ta, HVCT-HCQGHCM đã rất coi trọng việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo.
Trong những năm gần đây, do yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước, trước tác động của tình hình thế giới, HV đã tiến hành điều chỉnh chương trình CCLLCT theo những hướng cơ bản sau đây:
+ Bổ sung các khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh, chính trị học và phương pháp xử lý tình huống.
+ Những vấn đề về thời đại.
+ Tăng cường các khoa học về kinh tế, nhất là quản lý kinh tế - xã hội.
+ Tăng thêm các khoa học có liên quan đến khoa học lãnh đạo, quản lý.
Cụ thể, chương trình đào tạo hệ CCLLCT được cấu trúc theo các môn học sau:
Bảng 2.4: Cấu trúc chương trình đào tạo CCLLCT
STT Tên môn học Số ĐVHT
1 Triết học (Chủ nghĩa duy vật biện chứng) 4
2 Triết học (Chủ nghĩa duy vật lịch sử) 4
3 Kinh tế chính trị (TBCN) 4
4 Kinh tế chính trị (XHCN) 4
5 Chủ nghĩa xã hội khoa học 4
6 Tư tưởng Hồ Chí Minh 3
7 Chính trị học và xử lý tình huống 5
8 Quan hệ quốc tế và đường lối đối ngoại của Đảng 3
9 Nhà nước và pháp luật 4
10 Lý luận về văn hoá và đường lối văn hoá của Đảng 3
11 Lý luận về tôn giáo và tín ngưỡng 2
12 Khoa học quản lý 2
13 Quản lý kinh tế 3
14 Kinh tế phát triển 3
15 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 3
16 Xây dựng Đảng 5
17 Tâm lý học lãnh đạo quản lý 2
18 Xã hội học trong lãnh đạo quản lý 2
19 An ninh quốc phòng 2
20 Hành chính học 10
Những điều chỉnh bổ sung nội dung chương trình cao cấp lý luận chính trị cho phù hợp với mục tiêu đào tạo được thể hiện trên những khía cạnh cơ bản sau:
Một là, đã cung cấp cho học viên những hiểu biết tương đối có hệ thống về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đã đảm bảo được tính cơ bản, tính hệ thống cơ bản, tính hiện đại và tính thực tiễn.
Hai là, trang bị cho học viên một hệ thống những tri thức cơ bản về một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cần thiết nhất cho công tác lãnh đạo quản lý như chính trị học; các khoa học về Đảng, về kinh tế, văn hoá, xã hội… Đây là những bộ phận kiến thức cần thiết, có mối liên hệ hữu cơ nhằm chuẩn bị cho một nghề nghiệp đặc biệt - “nghề lãnh đạo - quản lý”, cho một nguồn nhân lực đặc biệt - những chính trị gia, trong đó có một bộ phận sẽ trở thành những chính khách của đất nước.
Ba là, cung cấp cho học viên những tri thức mới về khoa học lãnh đạo, quản lý; về công tác lãnh đạo chính trị; rèn luyện năng lực tư duy, năng lực hoạt động thực tiễn; rèn luyện đạo đức, phong cách của người cán bộ lãnh đạo quản lý, đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.
Tóm lại, nội dung chương trình, giáo trình đã thể hiện được yêu cầu toàn diện, vừa nâng cao tri thức lý luận, rèn luyện năng lực tư duy, khả năng vận dụng vào thực tiễn, vừa nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn với khả năng tập hợp, thuyết phục, lôi cuốn quần chúng, huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước các cấp giao phó; vừa tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, vừa rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tiêu chuẩn, yêu cầu của người lãnh đạo
quản lý… Nhìn tổng quát, chương trình, giáo trình và hệ thống bài giảng đã bao hàm nội dung toàn diện và phong phú có nhiều tác dụng bổ ích, đem lại tri thức cho người học, góp phần đáp ứng yêu cầu mục tiêu đào tạo của HV.
Đánh giá mức độ đổi mới chương trình đào tạo được thể hiện qua kết quả điều tra trực tiếp như sau:
Bảng 2.5 Đánh giá chương trình đào tạo của Học viện
STT Tiêu chí Đồng ý Không đồng ý Không trả lời 1 Cân đối giữa lý
thuyết và thực tiễn
224 (65,9%) 108 (31,8%) 8 (2,4%)
2 Nặng về lý thuyết, chưa chú ý kỹ năng
40 (11,8%) 292 (85,9%) 8 (2,4%)
3 Nặng tính hàn lâm 108 (31,8%) 224 (65,9%) 8 (2,4%) 4 Lạc hậu, chưa cập
nhật kiến thức mới
36 (10,6%) 296 (87,1%) 8 (2,4%)
Kết quả trên cho thấy chương trình đào tạo của HV về cơ bản đảm bảo tính cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn (65,9% ý kiến đồng ý), song còn mang nặng tính hàn lâm (31,8%), nặng về lý thuyết, chưa chú ý kỹ năng (11,8%) và 10,6% cho rằng chương trình còn lạc hậu, chưa cập nhật kiến thức mới
Kết quả điều tra về mức độ đáp ứng của chương trình đào tạo đối với người học cũng cho kết quả tương tự:
Bảng 2.6: Đánh giá mức độ đáp ứng của chương trình CCLLCT
STT Mức độ Số phiếu Tỷ lệ(%)
1 Hoàn toàn đáp ứng 136 40
2 Đáp ứng một phần 196 57,6
3 Không đáp ứng được 4 1,2
4 Không trả lời 4 1,2
Nhận thức được những hạn chế nói trên của chương trình CCLLCT và để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, hiện nay HV đã xây dựng xong và đang thực hiện thí điểm chương trình mới:
Thời gian học tập trung: trong 10 tháng, với tổng số thời gian (giảng bài, thảo luận, tự nghiên cứu, đi thực tế, kiểm tra, thi) khoảng 1900 tiết.
Điểm mới của chương trình là cấu trúc theo các chuyên đề, cụ thể chương trình gồm 7 khối kiến thức sau:
Khối thứ nhất: Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng của Đảng ta (gồm 23 chuyên đề)
Khối thứ hai: Đảng Cộng sản Việt Nam và những quan điểm của Đảng trên một số lĩnh vực chủ yếu (gồm 26 chuyên đề)
Khối thứ ba: Thời đại và những vấn đề lớn của thế giới hiện đại (20 chuyên đề)
Khối thứ tư: Tư duy chiến lược và khoa học lãnh đạo, quản lý hiện đại (18 chuyên đề)
Khối thứ năm: Tu dưỡng tính Đảng Cộng sản và đạo đức cách mạng (9 chuyên đề)
Khối thứ 6: Giáo dục quốc phòng an ninh (45 tiết) Khối thứ 7: Hành chính học (150 tiết)
Mỗi chuyên đề bố trí trung bình 15 tiết, trong đó lên lớp 5 tiết, 10 tiết tự học; thời gian đi thực tế là 100 tiết.
Ngoài các chuyên đề chính khoá còn có hệ thống các báo cáo bổ trợ gồm 7 báo cáo chọn trong tổng số 16 báo cáo. Nội dung các báo cáo chủ yếu về chính
trị, kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hoá của dân tộc của Đảng và tình hình thực tiễn của đất nước.
Chương trình mới theo chúng tôi có những ưu điểm sau:
- Chương trình cấu trúc theo chuyên đề mà không theo môn học như trước đây cộng thêm nhiều báo cáo bổ trợ nên mang tính linh hoạt cao cho phép người dạy có thể cập nhật các kiến thức mới và phương pháp mới.
- Nội dung chương trình được chú trọng nhiều hơn các khối kiến thức về thời đại và những vấn đề của thế giới hiện nay; chương trình cũng thể hiện sự chú trọng việc trang bị cho người học tư duy chiến lược và tầm nhìn của người lãnh đạo, cũng như các kiến thức và kỹ năng quản trị hiện đại.
- Cấu trúc tri thức mang tính lôgic phù hợp với quy luật nhận thức, đã hạn chế và xoá bỏ trùng lặp.
- Việc bố trí thời lượng của chương trình cho thấy sự chú trọng nhiều hơn đến phát huy tính tích cực của người học thông qua việc ưu tiên thời gian cho tự học, tự nghiên cứu, thời gian thảo luận so với thời gian giảng bài trên lớp.
Tóm lại, chương trình mới tiếp cận gần hơn với mục tiêu đào tạo và nhu cầu của người học cũng như người sử dụng. Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một số hạn chế như:
- Chương trình vẫn nặng về trang bị các kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách, chưa chú ý đúng mức đến việc trang bị các kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho người học.
- Chương trình cấu trúc bởi nhiều chuyên đề nhỏ nên gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch.