Lịch sử ra đời và các giai đoạn phát triển

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động đào tạo ở học viện trong bối cảnh hiện nay (Trang 67 - 70)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO Ở HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

2.1. Khái quát về Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

2.1.1. Lịch sử ra đời và các giai đoạn phát triển

Sự ra đời và phát triển của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh xuất phát từ yêu cầu của công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, đã có tiền đề và cơ sở từ trước Cách mạng tháng Tám với các lớp tập huấn, đào tạo do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Sau Cách mạng Tháng Tám, mặc dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng Đảng ta đã coi công tác huấn luyện cán bộ là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Từ năm 1949, Đảng mở các lớp huấn luyện, đồng thời chủ trương tổ chức phong trào học tập rộng rãi trong Đảng, các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các đơn vị quân đội. Trường Đảng Trung ương và các trường lớp địa phương càng về sau càng mở liên tục. Trường Đảng Trung ương trở thành trường huấn luyện cán bộ thường xuyên mang tên Nguyễn Ái Quốc- lãnh tụ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, cũng là người sáng lập trường Đảng, người đã có công đầu trong việc đào tạo nên những lớp cán bộ nòng cốt đầu tiên của Đảng.

Trong thời kỳ từ 1954 đến 1975, trước yêu cầu mới đặt ra là mở rộng quy mô huấn luyện đào tạo cán bộ của Đảng, một hệ thống trường đào tạo cán bộ Đảng được thành lập với các phân hiệu I, II, III, IV, V, VI.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ mới của công tác đào tạo bồi dưỡng thời kỳ này được đặt ra hết sức khẩn trương với quy mô lớn, đặc biệt là tập trung tổ chức học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 24 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá III “về việc thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12 năm 1976, nhà trường mở các lớp quán triệt những nội dung, quan điểm cơ bản của Nghị quyết Đại hội và phấn đấu quán triệt tư tưởng của Đại hội vào toàn bộ nội dung giảng dạy và nghiên cứu, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục.

Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1986 – 1993), để phục vụ sự nghiệp đổi mới, Đại hội VI của Đảng chủ trương cải cách toàn diện công tác đào tạo của các trường Đảng, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp.

Ngày 12 tháng 7 năm 1986 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 34/NQ-TW chuyển Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc thành Học viện khoa học xã hội mang tên Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng, gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1993, nhằm tăng cường vai trò nhiệm vụ của các trường Đảng Trung ương, đáp ứng yêu cầu cao trong giai đoạn mới, ngày 10/3/1993 Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 61/QĐ-TW. Theo đó, Trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, II, III chuyển thành các phân viện: Phân viện Hà Nội, Phân viện thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và Trường đại học Tuyên giáo chuyển thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện

chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương lần này nhằm tăng cường sự tập trung thống nhất không chỉ về tổ chức mà cả về chỉ đạo nội dung chương trình giáo dục đào tạo trong hệ thống trường Đảng.

Để tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn công tác nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, ngày 30 tháng 10 năm 1996, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 07/QĐ-TW “Hợp nhất Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”

Cuối năm 2005, các Phân viện Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng của Học viện chuyển thành Học viện Chính trị khu vực I, II, III; tháng 3/2006 Học viện Chính trị khu vực IV được thành lập. Các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy tại Trung tâm cũng được sắp xếp lại. Năm 2006, Ban Bí thư đã ban hành quyết định về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của tất cả 32 đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 07/5/2007 Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-TW về việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Sau khi hợp nhất, Học viện xây dựng chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính để các cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ học một chương trình và được cấp một bằng chung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn, quy mô đào tạo không ngừng được tăng lên.

Hơn 60 năm qua, từ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc buổi đầu đến Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh hôm nay, Học viện đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho. Tuy nhiên, Học viện còn phải tiếp tục nghiên cứu, tìm ra được những vấn đề cần đổi mới nhằm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của mình, phục vụ đắc lực và hiệu quả hơn nữa sự

nghiệp đổi mới, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế [36].

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động đào tạo ở học viện trong bối cảnh hiện nay (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(242 trang)