Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN
1.5. Yêu cầu đào tạo cán bộ lãnh đạo trong bối cảnh hiện nay
1.5.2. Đào tạo cán bộ lãnh đạo trong bối cảnh hiện nay
Để thấy được tầm quan trọng của đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết cần hiểu rõ đặc điểm của bối cảnh hiện nay, những đặc điểm này chi phối và quyết định sự cần thiết cũng như quyết định nội dung đổi mới đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và công tác quản lý hoạt động đào tạo cán bộ lãnh đạo,
quản lý trong các cơ sở đào tạo, nó vừa tạo ra những cơ hội, vừa tạo ra những thách thức cho sự phát triển.
Đặc điểm lớn nhất là quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Quá trình này với hai xu hướng đang đồng thời xẩy ra: Toàn cầu hóa và khu vực hóa. Toàn cầu hóa tức là sự phân công lao động diễn ra trên toàn thế giới làm cho nền kinh tế thế giới trở nên thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Quá trình này tạo ra nhiều cơ hội phát triển to lớn cho các quốc gia, song cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về cạnh tranh. Tận dụng được những cơ hội của quá trình toàn cầu hóa và đương đầu với cạnh tranh có tính toàn cầu trở thành thách thức lớn nhất cho sự tồn tại và phát triển của các tổ chức và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với công tác quản lý hiện nay và trong thời gian tới.
Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ diễn ra với tốc độ như vũ bão. Với tốc độ chưa từng có của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ, một khối lượng khổng lồ các kiến thức và công nghệ được tạo ra. Những lợi ích to lớn của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ đã rất rõ ràng, song nó cũng tạo ra những thách thức to lớn cho sự phát triển của các tổ chức. Tốc độ phát triển các sản phẩm mới diễn ra rất nhanh tạo ra các sản phẩm mới hiệu quả hơn, làm cho các sản phẩm hiện hữu trở nên chóng lạc hậu, chu kỳ sống của sản phẩm ngắn lại. Sự lạc hậu nhanh chóng của sản phẩm và công nghệ đòi hỏi các tổ chức phải ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mới nhất, phải khuyến khích và hỗ trợ mọi sáng tạo, phải có một hệ thống năng động đủ sức thích ứng với những tiến bộ nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ là tạo ra kỷ nguyên về thông tin. Sự bùng nổ về thông tin làm cho khối lượng thông tin phải xử lý nhiều hơn, phức tạp hơn và đặc biệt thay đổi cách thức làm việc.
Nhiều công việc mới được tạo ra, cách thức tổ chức quản lý và giải quyết công việc cũng thay đổi nhanh chóng. Tốc độ và sự sáng tạo trở thành những yếu tố quan trọng cho sự tồn tại và phát triển.
Thứ ba, sự thay đổi nhanh chóng của môi trường hoạt động. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ đã dẫn tới sự thay đổi rất nhanh chóng, sâu sắc và khó dự đoán của môi trường hoạt động. Để tồn tại và phát triển trong môi trường, các tổ chức đương nhiên phải thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Phát triển một tổ chức năng động, đủ sức thích ứng và phản ứng nhanh chóng với những thay đổi nhanh của môi trường là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của các tổ chức hiện đại.
Trước những đặc điểm lớn vừa là cơ hội, vừa là thách thức sự tồn tại và phát triển của các tổ chức được trình bày ở trên, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý cho các tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng.
Việt Nam, sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001- 2010, đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước phát triển có thu nhập trung bình. Trong 10 năm tới, chiến lược phát triển kinh tế xã hội là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp theo định hướng hiện đại.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới toàn diện nền giáo dục kinh tế quốc dân là một trong các khâu đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển nhanh bền vững, hiệu quả [24].
Như vậy, tình hình trong nước cũng như bối cảnh quốc tế đều đòi hỏi Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ở Việt Nam hiện nay, nguồn lực này đang bị thiếu hụt một cách trầm trọng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng những nhà lãnh đạo giỏi, chuyên gia kinh tế, những doanh gia có tài. Trong đội ngũ đông đảo các nhà quản lý hiện nay ở các cấp, các ngành có nhiều người không đủ khả năng đổi mới tư duy và phương pháp công tác. Một bộ phận khác giữ cương vị quan trọng trong lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô nhưng kém thích ứng với môi trường hiện đại. Trong bối cảnh đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo dự nguồn là yếu tố sống còn, quyết định sự phát triển nhanh, hiệu quả bền vững của nền kinh tế.
Để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải thực sự coi trọng giáo dục đào tạo. Hơn lúc nào hết, trong một nến kinh tế - xã hội mang đậm màu sắc học tập này, vai trò của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng càng trở nên quan trọng. Giáo dục là một trong những yếu tố quyết định chuyển gánh nặng dân số thành lợi thế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa.
Để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý xét ở góc độ đào tạo là sản phẩm của cả hệ thống giáo dục đào tạo, song là sản phẩm trực tiếp của đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn. Ở nước ta, qua các thời kỳ phát triển, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo vẫn luôn được chú trọng, tuy nhiên trong bối cảnh mới, công tác này cần có sự đổi mới
rất cơ bản, mang tính đột phá mới có thể đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xu thế chung của đổi mới giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học ở các nước được thể hiện trong tuyên bố của hội nghị Quốc tế về GDĐH năm 1998 do UNESCO tổ chức: Sứ mệnh của giáo dục đại học là góp phần vào yêu cầu phát triển bền vững và phát triển xã hội nói chung. Muốn vậy, GDĐH cần đảm bảo : Bình đẳng công bằng cho mọi người; chất lượng cao góp phần phát triển bền vững các giá trị văn hóa, xã hội...; tăng cường chức năng khám phá và phê phán; tự do học thuật, tự chủ và chịu trách nhiệm trước xã hội; tăng cường sự thích ứng; liên thông và chuẩn bị tốt để bước vào cuộc sống; đa dạng hóa và đảm bảo chất lượng; hợp tác quốc tế; toàn cầu hóa; kinh tế tri thức và xã hội thông tin, thời đại mạng; văn hóa công nghệ, kỷ nguyên chất lượng.
Phù hợp với xu thế chung của thời đại, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý ở Việt Nam cần được đổi mới theo các định hướng sau:
- Thứ nhất, mục tiêu đào tạo không chỉ đem lại cho người học nhiều tri thức mà quan trọng hơn là nhằm tạo cho người học thói quen và khả năng suy nghĩ độc lập, tự nghiên cứu, khám phá sáng tạo, có những phẩm chất cơ bản của con người Việt Nam hiện đại: có đức tính bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, có tư duy cởi mở, dám mạo hiểm vì mục đích lớn.
Thứ hai, “Giáo dục phải được tổ chức phóng khoáng, không hạn chế hay kìm hãm mà trái lại tôn trọng sự phát triển tối đa của cá tính, không gò bó mọi người trong một kiểu đào tạo như nhau, mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, nhiều cơ hội lựa chọn cho từng người phát triển tài năng, đồng thời cho phép họ dễ dàng chuyển sang con đường khác khi thấy sự lựa chọn của mình đúng” [97].
- Thứ ba, trong thời đại ngày nay, nhiệm vụ chính của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và trên đại học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng một chuyên môn nào đó mà còn phải đào tạo năng lực nhận thức, năng lực tư duy và phẩm chất nhân văn để người học tiếp tục phát triển. “Phải lấy mục tiêu đào tạo năng lực làm chính thay vì đào tạo kiến thức, kỹ năng làm chính”
[4, tr. 68]. Năng lực đào tạo bao gồm 4 thành tố cấu thành: Nội dung và kiến thức được đào tạo; năng lực thực hành được đào tạo; năng lực nhận thức và tư duy được đào tạo; phẩm chất nhân văn được đào tạo. Những năng lực này vừa được đào tạo trong nhà trường, vừa được đào tạo trong thực tiễn, vừa học trên lớp, vừa nhờ khả năng tự học. Đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo thì đào tạo qua thực tiễn và khả năng tự học hết sức quan trọng.
- Thứ tư, trong bối cảnh môi trường biến động nhanh, sâu sắc và phức tạp như hiện nay, việc đào tạo người lãnh đạo có tư duy chiến lược, thích ứng nhanh với môi trường, có khả năng quản lý sự thay đổi, quan trọng hơn là đào tạo người lãnh đạo giỏi về nghiệp vụ. Điều này càng đúng khi lên cao dần trong hệ thống cấp bậc quản lý.
- Thứ năm, để đào tạo người có khả năng thích nghi hơn là người có chuyên môn giỏi, kiến thức đào tạo phải thiên về kiến thức tổng hợp, kiến thức đa ngành, liên ngành hơn là kiến thức sâu về nghiệp vụ chuyên môn.
Theo định hướng trên, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh hiện nay cần chú trọng cung cấp các khối kiến thức, kỹ năng và phẩm chất sau:
- Về kiến thức, có hai khối kiến thức mà mỗi nhà quản lý cần phải có.
Một là, kiến thức chuyên môn cụ thể về nghề nghiệp. Hai là, kiến thức tổng quát về nền kinh tế, ngành, doanh nghiệp, các hoạt động liên quan, kiến thức về môi trường kinh doanh, pháp lý, chính trị, kinh tế và xã hội, các kiến thức về môi trường kinh doanh quốc tế và các xu hướng phát triển chủ đạo. Cần
lưu ý kiến thức là khái niệm động, nó luôn thay đổi, do đó nhà quản lý phải liên tục cập nhật và chủ động trong tích lũy kiến thức.
- Về kỹ năng, phải chú ý đào tạo 3 loại kỹ năng: kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn; kỹ năng về con người và kỹ năng về nhận thức. Ba kỹ năng này cần cho mọi cấp lãnh đạo, nhưng đối với người lãnh đạo cấp càng cao càng chú trọng nhiều hơn kỹ năng về tư duy và nhận thức, người lãnh đạo cấp càng thấp chú trọng nhiều hơn kỹ năng kỹ thuật, còn kỹ năng về nhân sự (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng lắng nghe...) được chú trọng cho mọi cấp, mọi lĩnh vực quản lý.
- Về phẩm chất, phải xây dựng cho người lãnh đạo phẩm chất dám nhận trách nhiệm, đương đầu với những thử thách và chấp nhận thay đổi; có tầm nhìn thời đại, có trình độ và khả năng phù hợp với bản chất của xã hội công nghiệp; có nhân cách lãnh đạo phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại, xã hội phát triển theo hướng nhân văn; có tri thức và kinh nghiệm phát triển tương ứng với tính chất công việc được giao, có tri thức tổng hợp và chuyên sâu; có khả năng sáng tạo, khám phá, phát hiện và đề xuất cái mới; có năng lực quyết đoán, táo bạo đồng thời chắc chắn trong việc đưa ra những quyết định cũng như trong chỉ đạo hành động.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Hoạt động đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của các nhà trường nói chung và của các Trường đại học, Học viện nói riêng.
Chương 1 của luận án tập trung làm rõ các khái niệm có tính chất công cụ: Nhà trường; hoạt động đào tạo; quản lý; quản lý hoạt động đào tạo. Hoạt động đào tạo trong các cơ sở đào tạo được cấu thành bởi 6 yếu tố: Mục tiêu, chương trình, phương pháp, người học, người dạy và cơ sở vật chất. Nội dung quản lý hoạt động đào tạo bao gồm: Quản lý mục tiêu đào tạo, quản lý chương trình đào tạo, quản lý phương thức đào tạo, quản lý giảng viên, quản
lý học viên và quản lý cơ sở vật chất. Quản lý hoạt động đào tạo phải bao quát các chức năng của quản lý bao gồm các chức năng Kế hoạch - Tổ chức - Chỉ đạo - Kiểm tra.
Hoạt động đào tạo và quản lý hoạt động đào tạo trong các cơ sở đào tạo chịu sự tác động trực tiếp của các yếu tố bên trong đồng thời cũng chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài như: yếu tố kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hoá xã hội và cơ chế quản lý. Nhu cầu đào tạo của xã hội, của người học cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quản lý đào tạo. Đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, kỹ năng và phẩm chất đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa - công nghệ cao - kinh tế tri thức - là đòi hỏi bức thiết hiện nay ở Việt Nam.