Sau khi Hofstede, nhà nghiên cứu về quản trị kinh doanh của Mỹ, xuất bản công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hoá và kinh doanh quốc tế mang tên “Văn hoá và tổ chức - phần mềm của ý thức
*Thạc sĩ, Đại học Ngoại thương, Việt Nam.
(Culture and organisations The software of mind) vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của văn hoá trong kinh doanh và kinh doanh quốc tế. Xuất phát từ quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa văn hoá và kinh doanh, trong kho tàng từ ngữ của nhân loại đã xuất hiện thêm một thuật ngữ mới, đó là “Văn hoá kinh doanh” (Business Culture). Tuy nhiên, trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, đang tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa kinh doanh (VHKD). Nhìn chung, những quan điểm này có thể được chia thành hai nhóm:
- Nhóm thứ nhất coi chủ thể của VHKD chính là các doanh nghiệp, do đó VHKD (business culture) chính là văn hoá doanh nghiệp (corpo- rate culture) hay còn gọi là văn hoá tổ chức (organizational culture).
Theo quan niệm này, các nhà nghiên cứu coi tập thể những người làm việc cho một doanh nghiệp là một cộng đồng riêng biệt, do đó sẽ được phân biệt bằng “một tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và sự giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng” (Khái niệm văn hoá của UNESCO). Định nghĩa phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất theo quan điểm này là của Edgar H.Schein, chuyên gia nghiên cứu các tổ chức, theo đó: “Văn hoá doanh nghiệp (hay văn hoá công ty) là tổng hợp những quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh” (1).
Cách hiểu này chủ yếu được các nhà nghiên cứu về quản trị kinh doanh chấp nhận, xuất phát từ quan niệm coi kinh doanh là hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách hiểu này có phần hạn hẹp, vì mặc dù doanh nghiệp là chủ thể chính của mọi hoạt động kinh doanh, nhưng kinh doanh cũng là một hoạt động phổ biến, liên quan mật thiết đến mọi thành viên trong xã hội. Nếu thiếu sự tham gia của các thành viên xã hội khác, như sự quản lý của Nhà nước, sự hưởng ứng của người tiêu dùng... thì hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp cũng khó có thể thành công.
- Nhóm thứ hai lại coi kinh doanh là hoạt động có liên quan đến mọi thành viên trong xã hội, nên VHKD là một phạm trù ở tầm cỡ quốc gia, do đó văn hoá doanh nghiệp chỉ là một thành phần trong VHKD. Cách hiểu này ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn trong đời sống xã hội.
Các nhà nghiên cứu theo quan điểm này đã đưa ra khá nhiều khái niệm về VHKD. Các nhà nghiên cứu trong Viện Kinh doanh Nhật Bản - Hoa Kỳ (Japan America Business Academy - JABA), một tổ chức được thành lập để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sản phẩm vào Nhật Bản, trong cuộc hội thảo mang tên “Mở khoá vào tư duy kinh doanh của người Nhật” (Unlocking the Japanese Business Mind), tổ chức vào tháng 4 năm 1997, đã đưa ra định nghĩa: “VHKD có thể được định nghĩa như ảnh
hưởng của những mô hình văn hoá của một xã hội đến những thiết chế và thông lệ kinh doanh của xã hội đó”. Còn theo Vern Terspstra và Kenneth David, trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ, VHKD bao gồm những nguyên tắc điều chỉnh việc kinh doanh, việc ấn định ranh giới giữa hành vi cạnh tranh và các ứng xử vô đạo đức, những quy tắc phải tuân theo trong các thoả thuận kinh doanh (2). Theo quan niệm này, VHKD của từng quốc gia sẽ bị giới hạn bởi văn hoá dân tộc, vì những quy tắc ứng xử trong kinh doanh sẽ bắt nguồn từ những quy tắc ứng xử trong đời sống và vì những xã hội khác nhau sẽ đưa ra những rào cản khác nhau với hoạt động kinh doanh. Ví dụ: các giấy chứng nhận của các tổ chức quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn khi thâm nhập vào thị trường Mỹ, trong khi ở các nước châu Á thì việc gây quan hệ với những nhân vật quan trọng của quốc gia sẽ mở cửa cho công ty thâm nhập vào thị trường nội địa. Quan niệm này coi VHKD là một phạm trù khá rộng, bao trùm lên mọi khía cạnh trong đời sống kinh doanh.
Còn ở Việt Nam, kể từ sau Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 về văn hoá được đưa ra, văn hoá nói chung và VHKD nói riêng đang trở thành những đề tài được các nhà nghiên cứu và cả xã hội quan tâm bàn bạc. Tuy nhiên, cách hiểu về VHKD vẫn còn chưa rõ ràng, ngay cả trong giới nghiên cứu. Đã có rất nhiều những khái niệm gần giống như vậy như: văn hoá trong kinh doanh, kinh doanh có văn hoá, v.v... nhưng ít khi người ta đề cập tới cụm từ Văn hoá kinh doanh. Theo Hoàng Trinh: “VHKD (hay kinh doanh có văn hoá) có nghĩa là hoạt động kinh tế có hiệu quả, đạt năng suất, sản lượng, giá trị cao, giá thành thấp, sản phẩm đạt chất lượng cao, tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước, làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước”(3). Khái niệm này đã đánh đồng VHKD với kinh doanh có văn hoá, do đó đã gây nên sự nhầm lẫn lớn về đối tượng nghiên cứu. Khi nói đến VHKD thì đối tượng nghiên cứu là văn hoá có liên quan đến kinh doanh, nhưng kinh doanh có văn hoá thì đối tượng lại là kinh doanh đảm bảo tính văn hoá. Do đó khái niệm này chưa phản ánh được bản chất của đối tượng nghiên cứu. Trong Hội thảo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chủ đề Văn hoá và kinh doanh, tổ chức năm 1996, Phạm Xuân Nam đã đưa ra khái niệm: “VHKD là phương pháp kinh doanh bằng cách nắm bắt thông tin, ra sức cải tiến kỹ thuật, công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, quan tâm thích đáng đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng sáng tạo của họ trong việc tạo ra những hàng hoá và dịch vụ có chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giữ được chữ tín với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước”(4). Khái niệm này tuy có phần dài và chi tiết hơn nhưng cũng mắc chung hạn chế như khái niệm trên, tức là chưa phân định rõ đối tượng nghiên cứu.
Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu trong nước khác cũng bắt đầu đi sâu tìm hiểu vấn đề này, nhưng do ý nghĩa của từ Văn hoá trong tiếng Việt có phần khác biệt với các ngôn ngữ phương Tây như Anh, Pháp… nên cách hiểu về VHKD chưa đi tới sự thống nhất. Trong tiếng Việt, chúng ta có xu hướng coi văn hoá là thể hiện “trình độ cao trong sinh hoạt văn hoá xã hội, biểu hiện của văn minh (ví dụ: Sống có văn hoá)” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê), nên thường gán cho VHKD ý nghĩa giáo dục, tức là làm mất đi tính khách quan của văn hoá. Khái niệm đáng chú ý nhất có lẽ là của Đỗ Minh Cương, theo ông: “Văn hoá kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hoá vào trong hoạt động kinh doanh của chủ thể, là cái văn hoá mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh hình thành nên những kiểu kinh doanh ổn định và đặc thù của họ”(5). Khái niệm này có ưu điểm là đã chỉ ra được sự khác biệt giữa văn hoá kinh doanh (là một nền tiểu văn hoá (sub – culture) trong văn hoá dân tộc) và văn hoá trong kinh doanh (là những yếu tố của văn hoá dân tộc trong kinh doanh). Tuy nhiên, ông lại không chỉ rõ ra chủ thể kinh doanh là một quốc gia hay một doanh nghiệp…, dẫn đến có thể gây lầm lẫn giữa VHKD đặc thù của một quốc gia và văn hoá doanh nghiệp.
Như vậy, qua xem xét, nghiên cứu các khái niệm về VHKD của một số nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, trong khuôn khổ tham luận này, tác giả mạnh dạn đưa ra khái niệm riêng, coi “VHKD là sự thể hiện phong cách kinh doanh của một dân tộc. Nó bao gồm các nhân tố rút ra từ văn hoá dân tộc, được các thành viên trong xã hội vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình và cả những giá trị, triết lý... mà các thành viên này tạo ra trong quá trình kinh doanh”. Như vậy, VHKD sẽ bao gồm các giá trị, tập quán... rút ra từ văn hóa dân tộc (VHDT) áp dụng vào hoạt động kinh doanh như thói quen coi ngày giờ tốt của người Trung Hoa hay Việt Nam (là phần thường được gọi là văn hoá trong kinh doanh) và cả những giá trị, triết lý mới tạo ra như sự coi trọng thành công ở người Mỹ, hay tính ưa chuộng hàng nội của người Nhật Bản... Khái niệm này tương đối bao quát và rõ ràng, gần gũi với các khái niệm của tổ chức JABA, của Vern Terspstra và Kenneth David, Đại học Michigan, Hoa Kỳ, và của Đỗ Minh Cương. Theo định nghĩa này, văn hoá tổ chức hay văn hoá doanh nghiệp sẽ chỉ được nghiên cứu với tư cách là một thành phần (sub-cul- ture) trong VHKD của một quốc gia.