KINH TẾ - XÃ HỘI HIỆN NAY
I. KHÁI QUÁT GIÁ TRỊ KHU PHỐ CỔ HỘI AN
Suy cho cùng thì lịch sử cảng thị Hội An là một quá trình kéo dài gần hai nghìn năm chứ không phải chỉ trong vài thế kỷ của thời trung - cận đại. Tuy nhiên, quá trình giao lưu kinh tế - văn hóa, đặc biệt trong mấy trăm năm dưới thời Việt cảng (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX), đã tạo cho đô thị cổ Hội An có được hầu hết các loại hình kiến trúc cổ của Việt Nam,
“hội tụ được các yếu tố nghệ thuật dân tộc truyền thống và làm phong phú thêm bằng những tố chất thích hợp của nghệ thuật nước ngoài”(1). Đánh giá về tầm vóc giá trị của khu phố cổ Hội An, cố kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski đã nhận xét:
...“Vẻ đẹp không trùng lặp chứa đựng trong các phố phường lịch sử, sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc trong nội thất các di tích kiến trúc tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong một không gian riêng biệt. Những đặc điểm này đưa quần thể di tích phố cổ lên vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại...”(2).
Quần thể kiến trúc phố cổ có sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục kiến trúc và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - phương Tây. Đó là một quần thể di tích độc đáo, đa dạng, thể hiện trí tuệ, tài năng và sức sáng tạo của ông cha ta trong lịch sử, “tuy có sự đan xen, hòa quyện nhiều nền văn hóa, song vẫn đậm đà bản sắc dân tộc”(3). Dưới con mắt của danh họa Lưu Công Nhân, “toàn bộ đô thị cổ Hội An là những bức tranh đã vẽ sẵn”(4). Nó trở thành đề tài sáng tác nghệ thuật vô cùng lý tưởng đến nỗi làm ông ngây ngất qua lời thổ lộ: “Tôi
* Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hội An. Việt Nam.
** Thạc sĩ , Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An. Việt Nam.
đến Hội An một ngày mưa trút nước. Định chỉ ở lại trong một tuần rồi đi, thế mà vì mê vẻ đẹp Hội An, tôi đã sống trọn một năm. Tết cũng không về nhà”(5).
Khi đánh giá về giá trị văn hóa của vùng đất Quảng Nam, Nguyễn Hồng Sơn đã viết: “Những bức tường so le, trầm mặc, những mái ngói nhấp nhô xanh mượt màu rêu, những bờ nóc, bờ hồi uốn cong mềm mại, những đôi mắt cửa thâm nghiêm, huyền bí, những đường nét hoa văn chạm trổ tuyệt vời, ... làm cho hồn phố có sức hấp dẫn kỳ lạ. Rõ ràng trong nhiều trăm năm nay, Hội An luôn là gương mặt tiêu biểu về kinh tế - văn hóa của vùng đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt” nên “sẽ thiếu đi sức hấp dẫn...
và sẽ thiếu đi sức sống, sức sáng tạo nếu như không đề cập đến đô thị cổ Hội An”(6). Và, cho dù Đà Nẵng đã là thành phố trực thuộc Trung ương, đang phát triển ngày càng to lớn, hiện đại, năng động nhất vùng, nhưng không thể nào có được chiều sâu và bề dày văn hóa như một Hội An bé nhỏ. Với cái nhìn đầy mẫn cảm, nhà văn tên tuổi Nguyên Ngọc đã khẳng định: “Trung tâm văn hóa của Quảng Nam từ xưa và cho đến bây giờ có lẽ cũng vậy, là Hội An chứ không phải Đà Nẵng”(7).
Đường phố Hội An cong, ngắn, hẹp, bố cục theo kiểu bàn cờ và được đặt tên một cách đầy ý nghĩa. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà từ đầu thế kỷ XX, đường Hội An (nay là đường Lê Lợi) lại bắt đầu từ đường Quảng Nam (Trần Hưng Đạo), như huyết mạch giao thông, xuyên nối với các đường Minh Hương (Phan Chu Trinh), đường Cầu Nhật Bản (Trần Phú ), đường Quảng Đông (Nguyễn Thái Học), và đường Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến (Bạch Đằng). Ngay cả việc đặt tên đường, yếu tố Việt bản địa cũng đan xen, quyện hòa với các yếu tố Hoa, Nhật.
Có thể nói, hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An. Theo số liệu điều tra, kiểm kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, tính đến cuối năm 2001, trên địa bàn thị xã Hội An hiện có 1.352 di tích, trong đó có 1.268 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng(đình, chùa, lăng - miếu, hội quán, nhà thờ họ) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình di tích kiến trúc ở đây đều có những đặc điểm, sắc thái riêng và đều góp phần tăng thêm tính phong phú, đa dạng văn hóa của đô thị cổ Hội An.
Điều đặc biệt cho đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn là môi trường sinh sống của hàng nghìn người, đã trở thành một bảo tàng sống về kiến trúc, về lối sống đô thị. Những hoạt động dịch vụ, buôn bán càng rộn ràng, tấp nập hơn xưa. Chủ nhân của những ngôi nhà cổ vẫn tham gia hòa nhập vào cuộc sống đời thường. Và, ngay trong lòng phố cổ, một khối lượng khổng lồ cổ vật hết sức giá trị vẫn được con người bảo lưu, gìn giữ như những báu vật của tiền nhân. Những cổ vật độc đáo này đã minh chứng hùng hồn tính giao lưu quốc tế mạnh mẽ của cảng thị Hội An trong những thế kỷ trước.
2. Những giá trị văn hóa phi vật thể
Hội An vốn là nơi tụ cư, hỗn cư và hợp cư của nhiều thành phần nhân chủng nên tất yếu còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng.
Hội An là cái nôi truyền bá Công giáo và Phật giáo ở Đàng Trong, là một trong hai cái nôi (cùng với Kinh Kỳ - Hà Nội) ra đời chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XVII, là điểm gặp gỡ, giao lưu giữa các nền văn minh Chăm - Việt - Hoa - Nhật - Ấn - phương Tây. Các yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn đã trải qua quá trình gạn lọc, tiếp biến, để rồi định hình thành sắc thái riêng rất độc đáo, rất Hội An.
Các lễ hội văn hóa truyền thống ở Hội An rất phong phú và đặc sắc, gồm các lễ hội của cư dân sông nước như lễ hội Cầu ngư - Tế cá ông - Đua thuyền; của cư dân thương nghiệp như các lễ hội vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Tài Thần,...; của cư dân nông nghiệp như: tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, lễ Cầu Bông, lễ rước Long Chu,... có sự đan xen, quyện hòa các yếu tố văn hóa Việt - Hoa, Hoa - Việt, Chăm - Việt. Ngoài ra, còn có các lễ tế Xuân, tế Thu, tế Tổ nghề, giỗ chạp... đã thu hút sự tham gia đông đảo, nồng nhiệt của cả cộng đồng. Lễ hội ở Hội An tuy không bề thế, phần hội quy mô nhỏ nhưng lại diễn ra thường xuyên, phản ánh chân thực sắc thái văn hóa dân gian của một cảng thị thương nghiệp và rất giàu tính nhân văn, nhân bản.
Hội An còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống được kế thừa từ người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, song lại thích nghi trong điều kiện của vùng đất mới. Đó là các làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng yến Thanh Châu, làng rau Trà Quế, những làng chài Võng Nhi, Đế Võng, Phước Trạch, Đại An, Tân Hiệp,... các làng buôn Hội An, Minh Hương, Caồm Phoõ,...
Ngoài các lễ hội, các nghề thủ công, các món ăn truyền thống, Hội An còn đồng thời tiềm tàng một kho tàng văn hóa dân gian muôn hình, muôn vẻ như truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, ngụ ngôn, cùng với những lời hát ru ngọt ngào, những điệu hò khoan trữ tình, những câu dân ca bài chòi nồng thắm...đã truyền vào lòng người những tình cảm lắng sâu, bình dị.
Và, quan trọng hơn cả trong kho tàng văn hóa phi vật thể, đó là con người Hội An với những đặc trưng về tính cách thể hiện qua lối sống, nếp sống và phong cách ứng xử vừa riêng- vừa chung, vừa dị biệt - vừa tương đồng. Chúng ta biết rằng, người Việt ở Đàng Trong đều có cội nguồn từ đồng bằng Bắc Bộ. Họ di cư vào Nam mang theo những truyền thống văn hóa sông Hồng, sông Lam, sông Mã... Nhưng khi đã định cư tại vùng đất mới, qua giao lưu với các thành phần cư dân khác, các yếu tố truyền thống
đó đã ít nhiều cải biến, thay đổi. Hội An là vùng đất thể hiện mạnh mẽ tính giao lưu nên suy cho cùng thì cũng như mọi cộng đồng cư dân khác, con người Hội An vừa có những đức tính chung của dân tộc Việt Nam, của con người xứ Quảng, song lại vừa thể hiện bằng sắc thái, cốt cách của riêng mình: giàu lòng yêu nước và cách mạng; có nhiều người tham gia nắm giữ các cương vị quan trọng của quốc gia và có những đóng góp nhất định trong lịch sử dân tộc; có ý chí độc lập, tự chủ cao; có tinh thần đoàn kết cộng đồng; cần cù, sáng tạo trong lao động; khá nhạy bén trong giao tiếp, ứng xử; quan hệ thị dân gần gũi, đùm bọc; rất có ý thức yêu quí, trân trọng di sản văn hóa của tổ tiên,... Tuy vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định nhưng con người Hội An vẫn xứng đáng là chủ nhân của nguồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng giá trị. Theo đánh giá chính thức của UNESCO, một trong hai tiêu chí mà đô thị cổ Hội An được ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới là: “Hội An là biển hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế”(8). Hay nói một cách khái quát hơn, như lời GS.
Trần Quốc Vượng: “Hội An - Đó là một sự hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng!”(9).