TRONG TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
II. ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG TRUYỀN THỐNG
Dân tộc Việt Nam tiếp thu có chọn lọc đạo đức Phật giáo trên cơ sở phát huy tinh thần yêu nước, nhân đạo truyền thống đã góp phần tập hợp thành công sức mạnh dân tộc trước nhiều thách thức của lịch sử và thời đại, và đã tạo nên những giá trị đạo đức Phật giáo của riêng Việt Nam.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ I đầu Công nguyên, và đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Dân tộc Việt Nam đã tiếp thu một cách chọn lọc đạo đức Phật giáo trong bối cảnh đồng thời tiếp thu cả Nho giáo và Lão giáo. Hay nói cách khác, Nho, Phật và Lão là những hệ tư tưởng nền tảng phương Đông mà dân tộc Việt Nam đồng thời khai thác, vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình định hình và khẳng định tư cách riêng. Người Việt Nam không tách riêng thuyết chính trị- xã hội của Nho giáo, thuyết vô vi của Lão giáo, thuyết giải thoát khổ của Phật giáo một cách riêng biệt, mà sáng tạo kết hợp cả ba trong những mức độ, phạm vi và hoàn cảnh khác nhau; cách thức phổ dụng nhất là mềm dẻo, linh hoạt dùng đạo này để giải thích hoặc chứng minh, phủ định hoặc khẳng định đạo khác. Đây là cái làm nên một đặc tính Việt Nam mà một khi lý luận khoa học cố gắng chuyên biệt Nho riêng, Lão riêng và Phật riêng thì lại tuột mất đặc tính đó. Đạo đức Phật giáo Việt Nam là một điển hình thể hiện đặc trưng ứng dụng tích hợp linh hoạt rất Việt Nam. Từ góc độ hiện đại, có thể gọi tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam là năng lực hội nhập.
Một số kinh điển Phật giáo cổ hiện còn sưu tập được, như Lục Độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Tạp thí dụ kinh, Mâu tử-Lý hoặc luận phần nào ghi lại truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ góc độ Phật giáo. Các kinh điển này thể hiện tương đối nhất quán tư tưởng Phật giáo mà ông cha ta lựa chọn trong sự so sánh với cả Nho và Lão để xác định hệ chuẩn mực đạo lý của dân tộc. Chẳng hạn, trong Lý hoặc luận (điểm 4) có nhận định Phật giáo là “(Cái đạo đó) ở nhà có thể dùng để thờ cha mẹ, giúp nước ta có thể trị dân, ở riêng một mình có thể dùng để tu thân” (Đạo chi vi vật, cư gia khả dĩ sự thân, tể quốc khả dĩ trị dân, độc lập khả dĩ trị thân). Lục độ tập kinh (truyện 49 so sánh Phật giáo với Nho giáo khá cụ thể, “[Tôi] ở đời lâu năm, thấy nho sĩ tích đức làm lành, há có bằng đệ tử Phật quên mình cứu mọi người, âm thầm mà không nêu danh, ư ?” (Xử thế hữu niên, tuy độ nho sĩ tích đức vi thiện, khởi hữu nhược Phật
đệ tử, thứ kỷ tế chúng, ẩn xử nhi bất dương danh dã hồ?). Hoặc dùng tư tưởng nối dõi của Lão giáo để bình luận Phật giáo (truyện 86): “Người đạo cao thì đức rộng. Ta muốn cái đạo vô dục, đạo đó mới quý. Đem đạo truyền cho thần, đem đức trao cho thánh, thần thánh truyền nhau cái sự giáo hoá vĩ đại không hư nát, đó mới gọi là sự nối dõi tốt lành!” (Đạo cao giả quyết đức thâm, ngô dục vô dục chi đạo, quyết dục trân hĩ. Dĩ đạo truyền thần, dĩ đức thọ thánh, thần thánh tương truyền ảnh hoá bất hủ, khả vị lương tự giả hồ!)(1). Những đạo lý căn bản về tu thân, tề gia, trị quốc của người Việt nam đã có khuynh hướng tích hợp Nho-Phật-Lão. Như vậy, từ đầu và trong đó Phật giáo đã có một vị trí tích cực và nổi bật trong tâm thế khẳng định tư cách độc lập của Việt Nam.
Phật giáo thực sự nhập thế với văn hoá nông nghiệp lúa nước Việt Nam, hoá thân thành các Bà Dâu, Bà Đậu, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện... để chia sẻ niềm vui mùa vụ, lo lắng thiên tai trên ruộng đồng với người nông dân. Phật giáo đã bổ sung cho đạo lý dân tộc cách nhìn nhận và đánh giá đạo đức nhân văn từ góc độ nội tâm làgiải thoát hướng nội. Qua các tích chuyện và truyền thuyết dân gian, ta thấy người Việt Nam đã tiếp thu nhiều chuẩn giá trị đạo đức Phật giáo từ bi, vị tha, hỉ xả, làm lành, lánh ác,...
Phật giáo cũng đã nhập thế thành công với con người Việt Nam qua lịch sử dựng nước và giữ nước. Phật giáo là một tôn giáo phi bạo lực, cấm sát sinh, nhưng dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với nạn ngoại xâm và chống lại sự thống trị của ngoại bang để bảo tồn dân tộc. Những thắng lợi về chính trị - quân sự - văn hoá của dân tộc Việt Nam luôn có phần đóng góp của Phật giáo. Trong thời kỳ Bắc thuộc, người Việt Nam đã kết hợp Phật với Nho và Lão linh hoạt, sáng tạo trong mục đích chống sự đồng hoá của phương Bắc, chống Hán hoá, tự tôn dân tộc Việt. Trong các thời kỳ Lý-Trần, Phật giáo đã là một lực lượng trí tuệ tham gia chính sự, và góp phần lãnh đạo và đoàn kết được toàn dân, chiến thắng oanh liệt các cuộc xâm lược của các đế quốc Hán, Nguyên. Trong các cuộc kháng chiến chống lại sự đô hộ và xâm lược của các đế quốc lớn trên thế giới như Pháp, Nhật và Mỹ, Phật giáo vẫn luôn là một lực lượng yêu nước cùng đồng hành, cùng đóng góp sức người, sức của và cả trí tuệ cho chiến thắng chung của dân tộc. Tinh thần phi bạo lực, cấm sát sinh Phật giáo đã được người Việt Nam tiếp cận theo tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc và không cố chấp.
Trong đạo lý Phật giáo Việt Nam, sự tồn vong của Tổ quốc cũng là sự tồn vong của Phật giáo dân tộc. Vì sinh mệnh của dân tộc và Phật giáo, nhà sư có thể cởi áo cà sa, mặc chiến bào xông trận để chống lại bạo lực, thể hiện đúng tinh thần nhập thế vì Tổ quốc của Phật giáo Việt Nam: “Phật giáo thị nhập thế nhi phi yếm thế, từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”. Khi khẩn cấp nhà sư đã “phát nguyện thiêu thân giả tạm” của chính mình làm ngọn đuốc đòi tự do tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đã phát triển tư tưởng phi bạo lực theo tinh thần phá chấp độc đáo như vậy, có lẽ là chưa đâu có.
Phật giáo Việt Nam luôn có vị thế là tôn giáo dân tộc, cả lúc chính thống và phi chính thống. Khi chính thống, Phật giáo đã cống hiến những danh tăng tài đức làm cố vấn (Quốc sư hay Tăng thống) cho triều đình. Họ uyên thâm Tam giáo, giỏi cả chính trị, quân sự và ngoại giao nhưng không màng danh lộc cho riêng mình. Chẳng hạn như các thiền sư Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, Pháp Loa, v.v… Đến các thời Lý-Trần, Phật giáo thịnh trị và thực sự là khuynh hướng tinh thần chủ đạo của dân tộc Việt Nam. Phật giáo cũng đã từng là một phần kiến thức trong các khoa thi tam trường (Nho, Phật, Lão). Các vị vua - Phật tử như Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cùng các danh tăng lấy tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo kết hợp với các tư tưởng kinh bang tế thế của Nho để trị quốc. Sau khi rời ngai vàng nhiều vị quân vương Việt Nam đã quy Phật, chọn nhà chùa là nơi tu tâm, tích đức, lấy việc nghiên cứu kinh Phật, chú giải nghĩa kinh lưu lại cho hậu thế làm nghiệp thiện.
Xem xét lại lịch sử ta thấy, một trong những trung tâm Phật giáo cổ nổi tiếng khu vực Đông Á là Luy Lâu, Giao Châu, thuộc đồng bằng Bắc bộ (tức là Tonkin theo các tài liệu gốc Pháp) đã có từ trước thời kỳ Bắc thuộc.
Đây cũng là một cơ sở sử liệu để cho rằng, sự tiếp nhận tam giáo ở Việt Nam không giống với Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay một nước nào khác. Có thể nói, trong quan hệ tam giáo, Phật giáo ở Việt Nam đã được bản địa hoá sớm hơn Nho giáo và Lão giáo và đó là thế mạnh riêng của Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, trung tâm Phật giáo Giao Châu vẫn giữ được vai trò suối nguồn đạo lý dân tộc, đồng thời là nơi liên tục tiếp nhận thêm các dòng tư tưởng Phật giáo mới từ Ấn Độ và Trung Quốc, chẳng hạn như Khương Tăng Hội từ Trung Quốc (thế kỷ III), Đạt Ma Đề Bà từ Ấn Độ (thế kỷ V), Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ đến từ Trung Quốc (thế kỷ VI) và Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc (thế kỷ IX)... Cho nên, Phật giáo Việt Nam còn có ưu thế là liên tục tiếp thu được cả hai luồng tư tưởng Phật giáo lớn nhất từ Ấn Độ và từ Trung Quốc, cho nên khả năng hội nhập các tư tưởng tiến bộ của Phật giáo lớn hơn, vì vậy cũng ít bị rập khuôn, ít cứng nhắc hơn.
Còn từ góc độ văn hoá dân tộc, ở đâu ta cũng thấy các nếp chùa cổ kính, nơi kinh thành, vùng quê hẻo lánh hay núi cao, suối sâu... Chùa là một không gian đa chức năng của người Việt Nam. Chùa vừa là nơi bảo tồn các phong tục truyền thống, các lễ hội dân gian... Chùa Việt Nam thường không tách rời các tín ngưỡng dân gian như thờ cúng các vị Thánh, các Tổ nghề. Chùa thực sự là nơi tu tâm, tích đức với tên gọi chung là “thiền môn”.
Ngôi chùa Việt Nam có thể được coi là một trong những nơi nuôi dưỡng ý thức đạo đức dân tộc mà mọi tầng lớp xã hội đều có thể tới trong lúc nguy cũng như lúc thanh nhàn. Trong lối sống người Việt nhiều nghi thức tôn giáo đã đan xen kết hợp với các hình thức tôn giáo bản địa, chẳng hạn thờ tượng Phật, La Hán và Bồ Tát, ăn chay, tụng kinh, ngồi thiền... Nhiều tích chuyện đã mượn điển tích của Phật giáo, ví dụ như “Quan Âm Thị Kính”,
“Tấm, Cám”, “Con muỗi”... Nhiều khái niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan có tầm triết lý đã được tiếp thu vào hệ khái niệm của hệ tư tưởng Việt Nam.
Đặc biệt từ góc độ đạo đức học, người Việt Nam đã tiếp thu rất căn bản hệ khái niệm đạo đức và cả các nguyên lý đạo đức gốc của Phật giáo vào hệ chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam. Sự kết hợp chính trị, tôn giáo và văn hoá của Phật giáo Việt Nam thực sự là một sự hội nhập thành công rất điển hình. Phật giáo Việt Nam, trước những thời điểm lịch sử có tính thử thách, đã có những thích ứng mới về đạo đức-chính trị-xã hội và do vậy đã đạt được một số thành tựu với tư cách quốc giáo.