CƠ HỘI HỌC HÀNH VÀ TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN ĐẠT ĐƯỢC Ở VIỆT NAM
II. PHÂN TẦNG GIÁO DỤC: KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CỦA CHUYÊN NGÀNH
1. Vì sao phân tầng giáo dục là một chủ đề nghiên cứu ?
Học vấn là một chứng thực và thước đo tay nghề và khả năng của các cá nhân. Giáo dục có một vai trò quan trọng đối với những cơ hội trong cuộc sống của mọi người vì công việc đòi hỏi phải có bằng cấp và chứng nhận giáo dục (Jencks, 1979). Nhiều khả năng những người học tốt ở trường sẽ kiếm được công việc tốt và thành đạt về mặt kinh tế trong cuộc sống.
Đi học là một quá trình cạnh tranh dưới tác động của nhiều nhân tố.
Người ta không có cơ hội bình đẳng khi đi học do có sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình (Blau và Duncan, 1967, Mare 1981, Shavit và Blossfield biên soạn, 1993). Ảnh hưởng của địa vị kinh tế-xã hội (SES) của cha mẹ có tác động quan trọng đến cơ hội giáo dục của trẻ em. Con cái những gia đình mà cha mẹ có học vấn cao hoặc khá giả có nhiều khả năng và cơ hội đi học và học lâu hơn so với những trẻ em mà cha mẹ có địa vị kinh tế-xã hội thấp hơn (Hout và Raffery, 1993). Thêm vào đó, các điều kiện xã hội cũng có tác động đến các cơ hội giáo dục. Trẻ em sống ở những nơi có điều kiện thiệt thòi như nông thôn hay vùng sâu vùng xa thường ít có khả năng đi học hoặc học hết các cấp học so với trẻ em ở các vùng thuận lợi hơn vì khó khăn kinh tế của gia đình, tình hình trường sở cũng như số lượng và chất lượng của trường học (Hannum, 2002). Điều này lại tiếp tục có ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp sau.
Tóm lại, đi học là một vấn đề cơ bản để duy trì thứ bậc xã hội. Để có thể phá vỡ chu trình tái tạo sự bất bình đẳng, bình đẳng trong các cơ hội giáo dục là một yếu tố rất quan trọng.
2. Một mô hình chung trong nghiên cứu về phân tầng giáo dục
Nhiều nghiên cứu về quá trình phân tầng đã cho thấy những mô hình về sự di chuyển nghề nghiệp trong thị trường lao động và tác động của các nhân tố hoàn cảnh xã hội như dân tộc, giới, trình độ học vấn đạt được, hôn nhân, thu nhập và địa vị kinh tế-xã hội như là một phần của quá trình phân tầng trong xã hội (Blau và Duncan, 1967; Sewell và Hauser, 1975;
Grusky, 1990). Trong nghiên cứu của Blau và Duncan năm 1967, mô hình chính của quá trình phân tầng xem xét tác động của trình độ học vấn và nghề nghiệp của cha đối với trình độ học vấn và nghề nghiệp của con cái.
Blau và Duncan kết luận rằng, cả trình độ giáo dục và nghề nghiệp của cha đều có tác động tới trình độ học vấn đạt được của con cái. Mô hình của họ được mở rộng để bao gồm cả các yếu tố về gia đình khác như đặc tính của người mẹ, số lượng anh chị em và các biến kinh tế-xã hội và nhân khẩu học khác. Nghiên cứu của hai ông tập trung vào những chủ đề rất cụ thể của sự bất bình đẳng và cho thấy vai trò của các nhân tố kinh tế-xã
hội, như nguồn gốc gia đình, dân tộc, giới, số lượng anh chị em có tác động như thế nào tới sự di động xã hội trong xã hội hiện đại.
Trên toàn cầu, việc mở rộng các thể chế giáo dục đã bắt đầu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có tay nghề cao trong các nền kinh tế sau chiến tranh đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của giáo dục. Do vậy, trẻ em từ các gia đình có nguồn gốc công nhân và nông dân có cơ hội theo học trung học cao hơn so với trước. Dựa trên thực tế này, người ta dự đoán rằng mối quan hệ giữa hoàn cảnh kinh tế xã hội của cha mẹ và trình độ học vấn đạt được của con cái sẽ giảm đi theo thời gian. Bằng chứng thực nghiệm tại các nước phát triển cho thấy tầm quan trọng của nguồn gốc xã hội đã giảm đi cùng với sự phát triển mở rộng của giáo dục. Các cơ hội giáo dục ngày càng rộng mở cho tất cả các bậc học với tác động của hoàn cảnh gia đình ngày càng giảm đi (Shavit và Blosefed biên soạn, 1993:21). Trên thực tế, các yếu tố quyết định học vấn đạt được là khá giống nhau qua các thế hệ ở hầu hết các quốc gia được nghiên cứu, trừ hai nước Thuỵ Điển và Hà Lan dường như không có ảnh hưởng đáng kể giữa vị thế kinh tế-xã hội của cha mẹ với trình độ học vấn đạt được.
Một số nghiên cứu khác cho thấy sự bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục không thay đổi qua các thế hệ (Hauser, 1978, Mare, 1981). Mối quan hệ giữa SES và việc tiếp tục học tập được tăng cường do kết quả của những thay đổi trong sự phân bố cận biên của hệ thống giáo dục. Dưới tác động của quá trình phát triển giáo dục ở các cấp cơ sở, những cá nhân sinh ra ở các gia đình có vị thế xã hội thấp có nhiều cơ hội theo học ở các cấp học cao hơn. Do vậy, ảnh hưởng của nguồn gốc gia đình có thể gia tăng ở các cấp học cao. Theo một nghiên cứu của Hout và cộng sự (1993), ảnh hưởng nguồn gốc gia đình vẫn còn tồn tại là do giai cấp trên thường giữ vị trí đặc lợi của họ cho đến khi họ nắm giữ tất cả các vị trí ở một mức học vấn và tiếp theo các giai cấp thấp hơn sẽ có cơ hội tham gia vào mức học đó ngay khi hệ thống giáo dục được mở rộng.
Để phân tích những xu hướng này, Mare (1981) đã chia quá trình phân tầng giáo dục thành hai khía cạnh độc lập nhau. Một khía cạnh là tốc độ của việc mở rộng phân bố giáo dục phổ thông, được tính bằng sự giảm sút ảnh hưởng các nhân tố gia đình tới số năm đi học trong mô hình hồi qui giữa các đoàn hệ. Một khía cạnh khác là tương quan giữa giáo dục phổ thông và các yếu tố địa vị kinh tế-xã hội khác với điều kiện mỗi cá nhân trong mẫu chọn của mô hình đã kết thúc cấp giáo dục trước đó. Nói một cách khác, tác giả ước đoán xác suất hoàn thành một mức độ giáo dục nhất định nào đó cho những người đã kết thúc mức học trước đấy.
Giáo dục luôn được coi là một sự đầu tư quí giá cho tương lai trẻ em ở bất cứ xã hội nào. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, các hệ thống giáo dục thường được đặc trưng bởi hai truyền thống khác biệt. Trong nhiều xã hội ở châu Á, cha mẹ thường tập
trung vào việc giáo dục của con cái từ rất sớm, vì giáo dục là chìa khóa duy nhất để tìm được việc làm có nguồn thu nhập ổn định trong tương lai, trong khi đó ở Phương Tây tình hình lại không hoàn toàn như vậy. Sự tương phản giữa hệ thống giáo dục và thị trường lao động giữa Nhật Bản và Mỹ cũng có thể tương tự với nhiều nước châu Á khác nơi mà giáo dục đóng một vai trò quan trọng với việc thành công trong cuộc sống của mỗi cá nhân (Brinton, 1994: 79-86). Theo sự so sánh của Briton, hệ thống giáo dục của Mỹ có một số lợi thế so với Nhật Bản: 1) quy định mở về độ tuổi theo học ở tất cả các cấp bậc giáo dục; và 2) một thị trường lao động có tỉ lệ di động việc làm giữa các tổ chức cao (Brinton, 1994:80). Hệ thống giáo dục châu Á có những rào cản lớn hơn ngăn cản những người bỏ học giữa chừng đi học lại. Hơn nữa, hệ thống phân loại học sinh đòi hỏi phải có kiểm tra chuyển cấp ở tất cả các cấp ở châu Á là một rào cản lớn dẫn đến việc quyết định về học tập được tập trung vào những năm đầu đi học. Những điều kiện này củng cố xu hướng các gia đình châu Á đầu tư rất lớn vào học hành của con cái ngay từ những năm đầu tiên. Do vậy, hoàn cảnh gia đình có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến trình độ học vấn của trẻ em ỏ châu Á so với các nước phương Tây.
Trong một nghiên cứu về trình độ học vấn đạt được ở Nhật sử dụng phương pháp của Mare về chuyển cấp giáo dục (Mare, 1980), Treiman và Yamaguchi (1993:229-250) đã phát hiện sự phụ thuộc ngày càng giảm giữa trình độ học vấn và nguồn gốc gia đình ở cấp phổ thông trung học và các cấp thấp hơn do kết quả của quá trình phát triển giáo dục. Tuy nhiên, tỉ lệ xác suất chuyển lên bậc học cao hơn sau phổ thông đối với các nhóm xã hội khác nhau vẫn không thay đổi theo thời gian.
Ngược với tình hình của Nhật Bản và các nước công nghiệp khác, giáo dục phổ thông ở Đài Loan còn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh xã hội và các nhóm dân tộc do kết quả của cuộc cải cách ruộng đất trong những năm 50 và những chính sách phúc lợi xã hội. Thêm vào đó, các cơ hội bất bình đẳng trong giáo dục đã được nhận thấy ở một số cấp học bắt buộc, tức là đến cấp phổ thông trung học (Tsai và Chiu, 1993:193-228). Tác động của trình độ học vấn của cha đến trình độ học vấn của con vẫn còn rất lớn dù giáo dục phổ thông đã được phát triển rất mạnh. Học sinh có cha làm nông nghiệp hay các công việc chân tay thường có ít cơ hội hoàn thành giáo dục bắt buộc hơn so với những học sinh có cha làm những công việc chuyên môn. Tương tự như vậy, bất bình đẳng về cơ hội giữa người lục địa và người Đài Loan vẫn còn rất lớn tại cả cấp tiểu học và trung học cơ sở ở Đài Loan.
Một hiện tượng xã hội phổ quát là sự khác biệt về giới trong trình độ học vấn đạt được theo đó nam giới có lợi thế hơn nữ giới. Để giải thích khoảng cách về giới này, Tinker và Bramsen (1976:161-165) đã vạch ra ba nguyên nhân chính khiến cho phụ nữ bị bất lợi so với nam giới về trình độ học vấn đạt được. Ba nguyên nhân đó là thái độ của xã hội đối với việc học hành của nữ giới, việc thiếu tương quan hợp lí giữa các thể chế giáo dục và nền
kinh tế, và chất lượng của việc dạy và học. Thái độ của xã hội là trọng tâm của nghiên cứu này về sự khác biệt về giới đối với trình độ học vấn đạt được.
Lập luận chính về thái độ xã hội là trình độ học vấn đạt được phụ thuộc vào chiến lược của các hộ gia đình khi họ tính toán sự hơn thiệt về việc cho trẻ em trai hay gái đi học. Trẻ em trai thường được ưu tiên hơn vì chúng có khả năng giúp đỡ cha mẹ trong tương lai và học vấn không được coi là điều kiện cần nếu phụ nữ đó chỉ làm công việc nội trợ (Tinker và Bramsen, 1975:162). Những câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để trẻ em gái được tăng cường các cơ hội về học hành theo thời gian được nêu lên trong những nghiên cứu của Shavit và Blossfield biên soạn (1993) và Goldin (1990). Theo các tác giả này, việc phân phối không bình đẳng các cơ hội giáo dục cho trẻ em gái trong các gia đình đã được thu hẹp lại theo thời gian vì các gia đình đã có thái độ thay đổi đối với cấu trúc nghề nghiệp mới trong xã hội.
Đó là, ngành công nghiệp dịch vụ của nền kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ II đòi hỏi phải có nhiều nhân viên văn phòng, một công việc mà nam giới coi là không phù hợp với họ (Goldin, 1990:145). Việc mở rộng thị trường việc làm cho phụ nữ đã dẫn đến sự phát triển giáo dục cho trẻ em gái để đáp ứng nhu cầu về công việc này. Do vậy, thời gian học trung bình giữa trẻ em trai và gái đã trở nên gần như bằng nhau.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng về giới trong cơ hội giáo dục được giảm thiểu ở các nhóm SES cao hơn. Chẳng hạn, sự khác biệt về giới trong trình độ học vấn đạt được trong nhóm SES cao nhất chỉ là 8 điểm phần trăm có lợi cho nam giới (Sewell, 1971: 795).
Trong điều kiện các nước đang phát triển với đặc điểm tỉ suất sinh và nghèo đói cao, bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục được tiếp cận từ góc độ những hạn chế về nguồn lực của các hộ gia đình đối với việc đầu tư dài hạn vào giáo dục của trẻ em. Từ góc độ này, những hạn chế về nguồn lực được xác định bởi số lượng anh chị em, thành phần giới và thứ tự sinh của anh chị em (Trương và các cộng sự, 1998, Pong 1997). Nhu cầu về lao động trẻ em nhiều hơn đối với trẻ em gái là hạn chế chủ yếu đối với cơ hội học hành của chúng như được minh hoạ trong nghiên cứu điển hình về Indonesia của Wolf (1992). Những nghiên cứu khác cũng khẳng định lập luận về lao động của trẻ em gái như một yếu tố quan trọng trong quyết định của gia đình đối với các cơ hội giáo dục và việc làm của con cái (Wolf, 1992; De Graff, 1993).
Trái ngược với những giải thích về khoảng cách giới ở các nước đang phát triển gắn với nhu cầu lao động trẻ em, Buchmann (1998) kết luận rằng, lí do chính cho sự phân biệt về giới đối với trình độ học vấn đạt được chủ yếu dựa vào sự lựa chọn hợp lí của cha mẹ liên quan đến đầu tư con người với hi vọng nhận được sự trợ giúp về tài chính trong tương lai của những đứa con thành đạt. Như minh hoạ trong nghiên cứu về Kenya (Buchmann, 1998), khái niệm về sự kì thị của thị trường lao động đối với phụ nữ là một nhân tố quyết định đối với việc đi học của trẻ em.
Trên cấp độ vĩ mô, chính sách công ở các nước xã hội chủ nghĩa khác với các nước tư bản ở chỗ nhấn mạnh vào việc tạo các cơ hội bình đẳng cho việc tiếp cận các cơ sở giáo dục bằng cách: 1) giáo dục không mất tiền ở tất cả các bậc học; 2) áp dụng nền kinh tế kế hoạch và kiểm soát chính trị vào việc lựa chọn những người tiếp tục học cao lên và 3) thu hẹp khoảng cách về giới cũng như khác biệt về thu nhập giữa các nhóm xã hội. Sử dụng cùng mô hình nghiên cứu ở các nước tư bản chủ nghĩa, kết quả đạt được từ ba nước xã hội chủ nghĩa công nghiệp hóa trước đây là Ba Lan, Hungari và Tiệp Khắc cho thấy những xu hướng tương tự với các nước phương Tây về tác động của hoàn cảnh xã hội đối với giáo dục cho dù chính phủ của các nước xã hội chủ nghĩa cũ đó có nhiều quyền lực hơn trong việc kiểm soát các hoạt động giáo dục và có thể định ra và thực hiện các chiến lược bình đẳng về cơ hội đến trường giữa các nhóm xã hội. Một cách lý giải có thể được đặt ra từ các nghiên cứu trên dựa vào lý thuyết tái sản xuất giai tầng xã hội. Các nghiên cứu về học vấn đạt được ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu cho thấy tầng lớp trên mới đã được thiết lập tại các nước này. Nhóm xã hội trên này mong muốn chuyển địa vị cao của họ cho thế hệ con cháu qua việc cung cấp các lợi thế cho chúng đến trường. Cho dù có những ảnh hưởng không đổi của giai cấp đối với các cơ hội đến trường, các nước xã hội chủ nghĩa cũ đã có những thành công đáng kể trong việc giảm khoảng cách giới trong giáo dục. Trình độ học vấn đạt được của phụ nữ còn thăng tiến nhanh hơn của nam giới (Shavit và Blossfeld biên tập, 1993).
3. Bất bình đẳng về giáo dục trong bối cảnh Việt Nam
Giống như các nước khác trên thế giới, bất bình đẳng trong giáo dục không phải là một hiện tượng mới ở Việt Nam. Mỗi cá nhân đều gặp phải những cơ hội khác nhau về giáo dục tuỳ theo những nhân tố xã hội và gia đình của họ. Tuy nhiên có ít nghiên cứu xem xét sự bất bình đẳng trong trình độ học vấn đạt được giữa các nhóm và các khu vưc ở Việt Nam.
Năm 1995 lần đầu tiên một bản đánh giá chung về trình độ học vấn đạt được ở Việt Nam được một số nhà nghiên cứu Việt Nam phối hợp với ông Knodel của trường Đại học Michigan soạn thảo (Trương và các cộng sự, 1995). Dựa trên số liệu của cuộc Điều tra nhân khẩu học giữa kỳ năm 1994, họ thấy rằng hầu hết các công dân Việt Nam tuổi từ 16 đến 80 đã từng đi học một số năm. Khoảng cách về giới trong trình độ học vấn đạt được đã giảm đi theo thời gian trong công trình nghiên cứu này, Trương và các cộng sự không tìm thấy bằng chứng có sự phân biệt về giới ở bất kỳ cấp học phổ thông nào ở Việt Nam. Những vấn đề về bất bình đẳng trong cơ hội về giáo dục chủ yếu được mô tả như kết quả của sự bất bình đẳng dai dẳng giữa các vùng và đặc điểm kinh tế xã hội, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông và sau phổ thông