GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 348 - 353)

TRONG TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

III. GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Loài người đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và thời kỳ nào vấn đề đạo đức cũng là cuộc đấu tranh giữa quyền lợi, trách nhiệmnghĩa vụ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể cộng đồng và xã hội... Tuy nhiên, các hệ chuẩn mực đạo rất khác nhau và thường là sản phẩm của một cộng đồng, một tôn giáo hay một xã hội, một hệ tư tưởng... một thời đại. giá trị thực tiễn của hệ chuẩn mực đạo đức Phật giáo đã phát huy thành công trong nhiều giai đoạn lịch sử của Việt Nam có giá trị như thế nào trong hoàn cảnh mới của đất nước và thời đại hiện nay?

Tinh thần hướng nội-bình đẳng-phi thần quyền của Phật giáo là những đặc trưng nổi trội khiến đạo đức tôn giáo của Phật giáo độc đáo hơn, nhân văn hơn so với các tôn giáo hữu thần, vì nó phát huy tối đa tính tự giác, tự tại của nội tâm cá nhân. Ý nghĩa tích cực này của Phật giáo là một tiềm năng bền vững để Phật giáo phát huy giá trị đạo đức trong các xã hội hiện đại, cái giá thanh thản, bình yên, tự do, tự tại, tự chủ của tâm hồn càng trở thành một nhu cầu nội tâm rõ rệt. Đó là khoảng trống đạo đức thuộc nội tâm mà các tôn giáo thần quyền phải nhờ tới thần thánh và các xã hội hiện đại thường phải nhờ tới pháp luật và toà án. Các học giả, các triết gia và đặc biệt là giới trí thức Châu Âu rất hứng thú với phương pháp tu luyện tâm thức nội tâm (gọi là Thiền) của Phật giáo. Họ bắt đầu thực hành thiền, đồng thời tiến hành các nghiên cứu, phân tích trên cơ sở các phương tiện kỹ thuật và tâm sinh lý hiện đại với một số kết quả kỳ lạ và về khả năng tự làm chủ và điều chỉnh các nhu cầu bản năng và hành vi cá nhân.

Song, đạo đức Phật giáo cũng bộc lộ một số hạn chế bởi chính lập trường tôn giáo. Xuất phát từ nhân sinh quan vô ngã nên đạo đức luận Phật giáo tách dục vọng ra khỏi điều kiện sống của con người trong thực tiễn xã hội. Con người lý tưởng của Phật giáo là con người xuất thế, siêu thoát mọi dục vọng, kể cả nhu cầu bản năng. Mọi nhu cầu đều bị Phật giáo coi là nguyên nhân của khổ và đánh giá là trần tục, kém đạo đức bằng khái niệm “ái dục”. Đạo đức Phật giáo coi xã hội chỉ là một tập hợp những cá nhân khác nhau trong quan hệ thiện-ác, nhưng không đối kháng nhau về giai cấp, đẳng cấp, quyền lợi, ... Đây chính là điểm mạnh về mặt lý tưởng

hoá, song lại yếu về hiện thực hoá của đạo đức Phật giáo. Vì coi trọng khuynh hướng xuất thế nên về nguyên tắc chung, Phật giáo không chú trọng tới phương diện chính trị, kinh tế-xã hội, không cổ vũ cho việc nâng cao và thoả mãn các nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của cá nhân và xã hội. Các chương trình xã hội của Phật giáo chủ yếu không phải là cải tạo, sáng tạo điều kiện sống, mà tập trung vào mục tiêu xây dựng xã hội bằng đạo đức, trong xã hội đó ai cũng từ bi, bác ái, hỉ xả, nhẫn nhục...

Đây là một trong những chỗ thiếu hụt mà Phật giáo đã phải và sẽ còn phải khắc phục liên tục trong quá trình hội nhập vào các nền văn hoá, khi ứng dụng vào các địa phương, các cộng đồng để hoàn thành sứ mệnh tôn giáo của mình, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Ngày nay, các thành tựu khoa học và kỹ thuật hiện đại đang tạo ra khả năng huỷ diệt sự sống đa dạng hơn, mức huỷ diệt lớn hơn và cách thực hiện tội ác cũng “gián tiếp” hơn và “sạch sẽ” hơn nên nhiều khi người gây tội ác phản tỉnh khó hơn... Các nguyên nhân hiện đại dẫn tới sự băng hoại đạo đức không chỉ là kinh tế hay chính trị mà còn là xung đột về sắc tộc và tôn giáo. Do vậy, trong thời hiện đại càng cần có một đạo đức nhân văn hoàn thiện hơn, tự giác cao hơn. Đạo đức hướng nội có tính tự giác cao của Phật giáo có lẽ là một sự bổ sung cần thiết để xây dựng đạo đức nhân văn mới.

Việt Nam đang ở một thời điểm có nhiều chuyển biến lớn cần có một sức bật toàn diện về mọi mặt vật chất, tinh thần để tiếp tục tăng trưởng một cách lành mạnh với các mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đồng thời trong xu thế chung của nhân loại đang tiến tới toàn cầu hoá nhưng mỗi dân tộc lại phải bảo tồn và phát triển được bản sắc riêng của dân tộc mình.

Trên thực tế, Việt Nam vừa chuyển từ cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường mà bản chất của cơ chế kinh tế thị trường đã được T.J. Dunning cảnh báo: “Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”(2).Ở Việt Nam, mặt trái của kinh tế thị trường đã bộc lộ thành những quốc nạn nhức nhối: tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, đầu cơ trục lợi, lừa đảo... với những hình thức phạm tội ngày càng quy mô và phi nhân tính. Thành tựu của kinh tế thị trường đã góp phần nâng cao mức sống và trình độ văn minh của xã hội, song mặt trái của nó về đạo đức chính là lối sống thực dụng, sự xuống dốc của lối sống sa đoạ, buông thả (nghiện hút, tiêm chích, mại dâm), thiếu trách nhiệm, lười nhác, ăn bám, bất chấp dư luận và truyền

thống đạo lý. Các thang giá trị đạo đức bị đảo lộn, chẳng hạn biết hưởng thụ, kiếm được nhiều tiền được coi là một tiêu chuẩn thành đạt. Sự đảo lộn đó là dẫn đến những xung đột lớn giữa các thế hệ, thậm chí còn làm biến chất cả một bộ phận trong đội ngũ tiên phong tới mức báo động: “Đạo đức lối sống ở một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.

Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(3). Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cũng tổng kết những mặt đạo đức tích cực của cơ chế thị trường so với cơ chế kinh tế trước đó (phong kiến và bao cấp xã hội chủ nghĩa) như: con người cá nhân được giải phóng như là cá nhân tự do sáng tạo, tự do cạnh tranh “giỏi thắng, kém thua”, phát huy được tính tự giác, chủ động, năng động, dám nghĩ, dám làm, táo bạo, dám phá bỏ định kiến..., cá nhân có quyền làm đẹp, làm giàu chính đáng, tư cách cá nhân cao hơn, con người cá nhân chịu trách nhiệm với chính mình...(4). Tư tưởng Phật giáo về căn bản đối lập với kinh tế thị trường, vì nó phản đối hưởng thụ, không khuyến khích tích lũy và làm giàu, thậm chí coi hưởng thụ và tham muốn làm giàu là nguyên nhân của tội lỗi và đau khổ.

Tư tưởng kinh tế căn bản trong giáo lý Phật giáo là kinh tế-đạo đức, chủ trương “ham muốn ít” bằng biện pháp “diệt dục, thiểu dục” để tạo ra sự sung túc, chứ không phải là sản xuất nhiều hay tăng năng suất để có được sự sung túc. Điển hình đạo đức của Phật giáo là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cuộc sống xa hoa, hưởng thụ nơi cung đình đi tu khổ hạnh tìm Đạo giải thoát, và các vị La Hán, Bồ Tát đều là những người có cuộc sống thanh đạm, chiến thắng mọi điều kiện sống khó khăn thiếu thốn...

Trong cơ chế thị trường, Phật giáo Việt Nam vẫn biết phát huy thế mạnh đạo lý “từ bi, cứu khổ, cứu nạn”, kết hợp giới bố thí của Phật giáo với đạo lý dân tộc “lá lành đùm lá rách” trong các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai và quỹ hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo đói..., đặc biệt là kỹ thuật tu luyện khả năng làm chủ tâm thức nội tâm (thiền định).

Hiện nay, Phật giáo ở Việt Nam không còn vị thế chính thống, việc lựa chọn chuẩn đạo đức Phật giáo để bổ sung cho hệ chuẩn mực đạo đức chung còn mang tính tự phát, chưa phải là tự giác. Các tổ chức Phật giáo trong nước bắt đầu nhận thấy rõ vai trò giáo dục của đạo lý Phật giáo và đang có những cố gắng phục hồi lại truyền thống tốt đẹp của Phật giáo(5) bằng các hoạt động đào tạo Phật học chính khoá, các trung tâm Phật học, các thiền viện, các tập san, tạp chí nghiên cứu... Thời gian qua, Phật giáo bác học cũng bị mai một nhiều, chưa phát huy được vai trò hướng đạo.

Cao tăng, Phật tử nói chung chưa phát huy được vai trò đạo đức tôn giáo.

Các khoá lễ trên chùa chưa được tổ chức theo tinh thần khai thác tinh tuý đạo lý Phật giáo với mục đích giáo dục, mà phần nhiều chiều theo nhu cầu tâm linh như cầu an, giải hạn, cầu may, cầu lộc... của giới bình dân.

Phật giáo bình dân cũng thiếu định hướng tích cực. Người dân nhặt nhạnh

một cách tự phát đạo lý sống từ Phật giáo khi cần thiết phải tự giải quyết các vấn đề cuộc sống nội tâm, tâm linh, song họ không ý thức được hết giá trị tích cực đích thực của đạo đức Phật giáo mà thường vô tình để cho những tham muốn giản đơn hướng đạo. Đa số bình dân lên chùa chưa phải để tu dưỡng, để thanh thản tự phản tư về thiện ác, mà để đua chen cầu Phật, La Hán, Bồ Tát phù hộ, ban lộc để được hơn người, che chở để thoát được phiền toái v.v… Tại gia đình, những lễ nghi sinh hoạt có liên quan tới Phật giáo như lập bàn thờ Phật, ăn chay, tụng kinh, khấn vái...

chủ yếu nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh mang tính tôn giáo nhưng chưa được thực hiện với mục đích giáo dục những phẩm chất đạo đức ưu trội của Phật giáo dân tộc.

Tuy nhiên, cửa chùa nhà Phật không phân biệt đối xử với mọi nhu cầu tâm linh. Người lên chùa thường có nhu cầu tâm linh của một con người trong xã hội hiện đại. Những bức xúc về tâm lý và tâm linh do cơ chế thị trường trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là một phần không nhỏ tác động tới nhu cầu tâm linh của người dân đến với Phật giáo. Đây là thế mạnh mà Phật giáo phải biết tận dụng, nhưng cũng đòi hỏi các tăng sĩ phải có trình độ và sự am hiểu để có khả năng hướng đạo tích cực đối với tín đồ lên chùa.

Đạo đức Phật giáo với tư cách ý thức xã hội cũng tác động tới kinh tế thị trường, song nó không trực tiếp mà thông qua lăng kính giá trị tôn giáo.

Phật giáo coi mặt tiêu cực của kinh tế thị trường như là “quả báo” của cuộc cạnh tranh, hưởng thụ. Trong cơ chế cạnh tranh, đạo lý Phật giáo vẫn cần để nhắc nhở con người không quên sự phán xử tự tại của “nghiệp báo”, sự đánh giá động viên của “quả thiện” để tự điều chỉnh hành vi đạo đức hướng thiện. Tấm gương đức Phật là một sự cảnh báo rằng khổ đau thực sự của con người không giải quyết được bằng cuộc sống hưởng thụ và xa hoa và càng không thể giải quyết được bằng cạnh tranh. Lý luận xã hội hiện đại cũng khẳng định tương tự: giá trị đích thực của cuộc sống không phải là mức sống mà phải là chất lượng sống.

Xét một cách đại thể, hệ đạo đức Phật giáo là sự tiếp thu có chọn lọc từ đạo đức Ấn Độ, Châu Á truyền thống và được kiểm chứng rồi hoàn thiện liên tục qua lịch sử phát triển Phật giáo, do đó đã trở thành những giá trị tinh hoa chung của loài người chứ không chỉ là của riêng Phật giáo theo nghĩa tôn giáo. Hiện thực đang thử thách đạo đức con người nói chung, trong đó đạo đức Phật giáo là một phần hợp thành hệ chuẩn mực, hệ hành vi đạo đức của loài người. Vươn tới hoàn thiện là xu hướng bản chất của đạo đức loài người, và với tư cách một phần hợp thành, đạo đức Phật giáo cũng tiến bộ, hoàn thiện theo xu hướng chung đó. Phật giáo Việt Nam có sẵn những thế mạnh của một đạo đức tôn giáo hướng nội- bình đẳng-phi thần quyền và đã có truyền thống hội nhập thành công với các hệ tư tưởng tôn giáo khác trong khu vực, sẽ có khả năng hội nhập vào thời đại mới.

CHUÙ THÍCH

1. Xem Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1. Nxb Thuận Hoá, Huế 1999, tr. 46-133.

2. Trích lại trong: C. Mác và Ph. Aêngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 1056.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 76.

4. Tham khảo thêm: GS. TS Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS. TS Nguyễn Văn Phúc (đồng chủ biên), Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiên nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

5. Tham khảo: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (nhiều tác giả), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 2001.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. P. V. Bapat (General editor),2500 Years of Buddhism, Ministry of information and Broadcasting Government of India, Delhi 1909.

2. Vũ Trọng Can, Tinh thần Phật giáo , Nxb. Công lực, Tonkin, 28-1-1944.

3. GS,TS Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS,TS Nguyễn Văn Phúc (đồng chủ biên). Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2003.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001.

5. Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại Nxb.

TP Hoà Chí Minh 2001.

6. G. Bandze Ladze. Đạo đức học, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 1985.

7. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993,

8. Maha Thong Kham Medhivongs, Tìm hiểu Phật giáo Việt Nam nguyên thuỷ. Nhà in Phạm Ngũ Lão. Sài Gòn. 24- 4- 1970.

9. Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, Phật giáo chính tín, Phân viện Nghiên cứu Phật học. Hà Nội. 1991.

10. Phật học cương yếu (Bản dịch của Thiều Chửu), Hội Việt Nam Phật giáo, Nxb.

Đuốc Tuệ, Phật lịch 2505.

11. Kimura Taiken, Nguyên thuỷ Phật giáo tư tưởng luận (Bản dịch của Thích Quảng Độ), Nxb Khuông Việt. Sài Gòn. 1971.

12. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 1988.

13. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương Đông, Tập 3. Nxb. TP. Hồ Chí Minh. 1991.

14. Thích ấn Thuận, Phật giáo khái luận, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1992.

15. Hòa Thượng, Kim Cương Tử, Đại đức Thích Thanh Nhã và nhà báo Phạm Kế, Chùa Trấn Quốc - Cảnh đẹp hồ Tây, Nxb. Lao động, Hà Nội 1994.

TẬP QUÁN CỦA VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 348 - 353)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(762 trang)