Sự gắn bó của người Việt ở Isan với Việt Nam

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 221 - 225)

VĂN HÓA TRONG QUAN HỆ THÁI-VIỆT

5. Sự gắn bó của người Việt ở Isan với Việt Nam

Mặc dù người “Việt mới” đã hấp thu đầy đủ văn hóa Isan-Thái, phần lớn trong số họ, chắc chắn là những người thuộc thế hệ thứ nhất và thậm chí những người được sinh ra ở Thái Lan (đặc biệt là những người Việt thế hệ thứ hai), vẫn có sự gắn bó mật thiết với Việt Nam. Việt Nam được xem là quê hương của họ. Họ không bao giờ quên cội nguồn của mình và họ đã cố gắng gìn giữ văn hóa Việt Nam càng nhiều càng tốt. Người Việt thế hệ thứ ba, không giống với những người thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai, không phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, đã hoàn toàn bị đồng hóa vào xã hội và văn hóa Thái. Do vậy, mặc dù vẫn nhận thức về nguồn gốc Việt của mình, sự gắn bó của họ với Việt Nam không mạnh như của hai thế hệ trước. Tuy nhiên, người Việt thuộc cả ba thế hệ đều có chung tình yêu thương đối với Thái Lan và Việt Nam.

Nhiều người Việt thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai ở các tỉnh ở Isan giải thích với tác giả rằng, họ có cảm giác thuộc về cả Việt Nam và Thái Lan như hai người Mẹ của họ(11). Việt Nam là người Mẹ sinh ra họ, trong khi Thái Lan là người mẹ đã nuôi dưỡng họ. Để đền đáp, họ mong muốn được giúp cả hai đất nước trong tất cả lĩnh vực có thể, đặc biệt là trong nỗ lực phát triển kinh tế và văn hóa. Do đó họ khao khát mạnh mẽ rằng cả hai đất nước, là hai người Mẹ của họ, có mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng vững chắc trên sự hiểu biết và tình hữu nghị. Về phần mình, họ mong muốn được đóng vai trò cầu nối giữa hai đất nước.

Người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, đặc biệt là nhóm tuổi 60-90, muốn thăm lại quê hương của mình một lần để viếng phần mộ của tổ tiên trước khi họ không còn cơ hội để làm được điều đó. Hành động đó rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với họ, bởi vì nó thể hiện lòng biết ơn to lớn của họ đối với cha mẹ và tổ tiên(12).

Trong các cuộc phỏng vấn với người Việt ở Isan, bao gồm những người ở Udorn Thani, Sakon Nakhon, Nong Khai, Nakhon Phanom, Mukdahan và Khon Kean từ năm 2002 đến 2004, tác giả đã nhiều lần được nghe họ nói rằng, nguyện vọng đi thăm Việt Nam không có nghĩa là họ muốn sinh sống hoặc dành phần còn lại của cuộc đời mình ở Việt Nam. Trên thực tế, họ

luôn muốn quay lại để sống phần còn lại của đời mình ở Thái Lan. Điều đó là rất tự nhiên vì họ đã lập nghiệp ở Thái Lan và đã có đại gia đình của mình ở Thái Lan.

b. Việc gìn giữ văn hóa Việt Nam trong người Việt ở Thái Lan:

trường hợp cộng đồng người Việt ở Nakhon Phanom

Người Việt ở Thái Lan đã cố gắng gìn giữ truyền thống và văn hóa riêng của mình với nhau. Thực chất, đây là một dạng gắn bó của họ với Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam thực ra đã bị phai nhạt đi nhiều và ở khía cạnh nào đó đã pha trộn với văn hóa Thái. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ hoàn toàn bị đồng hóa vào văn hóa Thái; bằng cách này hay cách khác, nó đã tồn tại trong người Việt ở từng tỉnh đông bắc Thái Lan. Người Việt ở các tỉnh giáp sông Mê Kông như Nakhon Phanom, nơi từng là cửa ngõ cho họ đi từ Việt Nam sang Thái Lan, đặc biệt là qua Đường 8 ở Lào, hầu hết là gồm những người yêu nước mãnh liệt nhất. Do đó, những người này đã thành công hơn những người sống ở các tỉnh cách xa sông Mê Kông, như Sakon Nakhon, Udorn Thani và Khon Kaen trong việc gìn giữ văn hóa Việt Nam.

Thực vậy, dường như họ càng sống cách xa sông Mê Kông bao nhiêu, họ càng có xu hướng mất đi bản sắc văn hóa của họ và bị đồng hóa sâu sắc vào văn hóa địa phương bấy nhiêu.

Một lý do khác khiến người Việt ở Nakhon Phanom có thể gìn giữ văn hóa Việt Nam tốt hơn người Việt ở các tỉnh khác là ở chỗ phần lớn người Việt ở đây đã từng là các nhà hoạt động chính trị và luôn giữ tình cảm yêu nước và dân tộc. Bởi vậy con cái của họ cũng thừa hưởng những tình cảm đó và quan tâm nhiều hơn đến bản sắc văn hóa của họ hơn những người ở các tỉnh khác.

Chúng ta sẽ thấy rằng, ở Nakhon Phanom vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có nhiều người Việt Nam yêu nước hơn các tỉnh khác. Nói cách khác, Nakorn Phanom là một căn cứ chống Pháp quan trọng của người Việt Nam và những người sống ở đây vẫn rất ý thức về chủ nghĩa yêu nước và bản sắc văn hóa của họ.

Về mặt địa lý, Nakhon Phanom là điểm liên lạc thuận tiện nhất giữa Thái Lan và Việt Nam như đã đề cập ở trên. Con đường chạy từ Nghệ An đến Tha Khek và vượt qua sông Mê Kông đến Nakhon Phanom là tuyến đường chính mà người Việt Nam yêu nước sử dụng trước kia. Hơn nữa, Nghệ An, Hà Tĩnh là quê hương của nhiều nhà lãnh đạo yêu nước, đặc biệt là Hồ Chí Minh.

Mặc dù luôn chịu áp lực và kiểm soát của các chính phủ quân sự Thái Lan trước đây, họ vẫn có thể giữ được truyền thống và văn hóa của riêng mình thông qua nhiều biện pháp. Các hoạt động văn hóa đã được gìn giữ bao goàm:

- Lễ mừng năm mới hay Tết, dù không lớn như ở Việt Nam.

- Đi lễ đền miếu.

- Truyền thống thờ cúng tổ tiên.

- Tính cách và lối sống giản đơn, tiết kiệm, khiêm tốn, phục tùng, và tuân theo luật pháp. Tất cả những nét văn hóa này được thừa hưởng từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người vẫn được người Việt ở Thái Lan kính trọng, đặc biệt là những người sống ở Isan.

- Mặc áo truyền thống được gọi là áo dài trong một số sự kiện và ngày lễ, như ngày Tết, các sự kiện lớn như lễ khai trương Làng Hữu nghị ở bản Na Chok, tỉnh Nakhon Phanom vào ngày 21-2-2004.

- Giao tiếp bằng tiếng Việt giữa tất cả các thế hệ người Việt Nam, người

“Việt cũ” và người “Việt mới”.

- Gìn giữ cách nấu ăn Việt Nam, đặc biệt ở Isan, nơi sinh sống của đa số người Việt.

- Tang lễ kiểu Việt Nam (ngày nay có pha trộn với các yếu tố Thái).

- Thờ phụng tranh và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, v.v...

c. Việc xây dựng Đài “Hồi hương”

Trước khi quay về Việt Nam, người Việt đã xây dựng Đài kỷ niệm ở mỗi tỉnh thuộc miền Bắc Thái Lan, nơi họ đã từng sống, để bày tỏ lòng biết ơn đối với người mẹ thứ hai đã nuôi dưỡng họ. Những Đài kỷ niệm như vậy có thể là tháp đồng hồ ở Nakhon Phanom được dựng lên năm 1960, hoặc các cổng chùa ở nhiều tỉnh, tháp đồng hồ tại một bùng binh ở Udorn Thani, v.v..

d. Sự gắn bó của “người tị nạn Việt Nam” trước đây đã trở về Việt Nam giai đoạn 1960-1964

Ở đây cũng cần đề cập đến những người Việt đã trở về Việt Nam năm 1960-1964. Những người này là phần chính của chiếc cầu nối văn hóa giữa hai đất nước.

Giai đoạn 1960-1964, một lượng lớn người Việt đã hồi hương. Kế hoạch hồi hương là một phần của Thỏa thuận giữa Hội chữ Thập đỏ Thái Lan và Hội chữ Thập đỏ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hồi hương của người Việt Nam ở Thái Lan trở về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ngày 14-8-1959 ở Rangoon. Văn kiện này còn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận Rangoon. Năm 1962, một thoả thuận khác được ký kết. Đó là Thỏa thuận bổ sung giữa Hội chữ Thập đỏ Thái Lan và Hội chữ Thập đỏ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hồi hương người Việt Nam ở Thái Lan trở về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ở Bangkok ngày 17-12-1962.

Người Việt Nam gọi quá trình này là “Hồi hương”, có nghĩa là “quay về nguyên quán” hay “quay về tổ quốc”.

Chuyến tàu [hồi hương] rời bến Kong Teoy ở Bangkok và cập bến ở Hải Phòng, Đông Bắc Việt Nam. Hành trình từ Băng Kốc đến Hải Phòng mất khoảng 7-15 ngày, tùy vào tình hình thời tiết. Chuyến tàu đầu tiên rời Klong Teoy vào ngày 4 tháng 1 năm 1960 và chuyến tàu cuối cùng là ngày 28-7-1964. Người Việt được hồi hương trên 75 chuyến tàu(13).

Về Hải Phòng, một số định cư ở đây, trong khi một số khác quay về thành phố quê hương như Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tây, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai gần Trung Quốc. Cũng có những người đi theo chương trình tái định cư của Chính phủ.

Đáng tiếc là việc hồi hương chấm dứt vào năm 1964 do Mỹ ném bom Vịnh Bắc Bộ, Bắc Việt Nam. Tổng số người Việt Nam hồi hương là 46.256 người trong tổng số 70.032(14) người đăng ký. Do vậy, lượng người không thể hồi hương là không dưới 23.776. Con số 70.032 là chưa tính đến số người Việt Nam không đăng ký hoặc yêu cầu hồi hương.

Người hồi hương chủ yếu là những người đến Isan trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như những người chạy trốn cuộc đàn áp bạo lực của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là Vụ Tha Khek đẫm máu vào ngày 21-3-1946.

Có nhiều lý do của việc hồi hương năm 1960-1964(15). Một số, theo sự thuyết phục của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, muốn quay về xây dựng Tổ quốc của họ. Số khác đã phải trải qua bao khó khăn, cực nhọc để kiếm sống ở Thái Lan nhưng do những hạn chế về việc làm của Chính phủ Thái Lan. Với số khác, khó khăn trong việc tìm địa vị pháp lý là lý do chính khiến họ quay về Tổ quốc.

Mặc dù việc quay về Việt Nam chứa đầy lòng nhiệt tình và ý định giúp đất nước vào thời điểm đang còn chiến tranh với Mỹ, một số người hồi hương vẫn nhớ đến ngày tháng sống ở Thái Lan cũng như những người thân trong gia đình vẫn còn ở lại Isan. Sau khi trở về Việt Nam, những người này phải tự điều chỉnh trước môi trường kinh tế, xã hội hoàn toàn khác biệt, cũng như trước những khó khăn gian khổ của cuộc “chiến tranh chống Mỹ”. Tuy nhiên, chính sự leo thang của cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi Mỹ bắt đầu ném bom Vịnh Bắc Bộ năm 1964 đã chấm dứt chương trình hồi hương trong năm đó. Việc kết thúc chương trình hồi hương đã để lại một lượng người Việt ở Isan và họ đã định cư lâu dài ở Thái Lan.

e. Gặp gỡ định kỳ để giữ mãi ký ức về cuộc sống ở Isan

Sau khi trở về lập nghiệp trên quê hương mình, những người Việt Nam hồi hương năm nào cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ thân mật nhân các dịp

khác nhau. Đó là dịp mừng Năm mới vào ngày 1 tháng 1 và cuộc gặp hàng năm của Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái Lan ở mỗi tỉnh. Các cuộc gặp gỡ này là cơ hội tốt cho họ cùng nhau ôn lại những ngày tháng ở Isan.

Những cuộc gặp gỡ định kỳ này là dịp tốt để họ thể hiện sự đồng hóa sâu sắc vào văn hóa Thái-Isan. Điều đó có thể nhận ra, đặc biệt là từ trang phục của họ, thường là làm từ cốt-tông Isan hoặc lụa Isan, tràng hoa quấn quanh cổ, khăn quấn quanh thắt lưng. Vào những dịp này, họ cũng đánh trống Thái, biểu diễn điệu nhảy Thái và hát các bài hát phổ biến của Thái vào giai đoạn những năm 1950 và 1960. Hơn thế, sự lịch sự, thân thiện và khiêm tốn thường thấy ở người Thái-Isan cũng có thể tìm thấy trong những người Việt Nam này. Bên cạnh đó, bày biện thức ăn theo kiểu Isan và ăn xôi bằng tay, một tập tục ít thấy trong văn hóa Việt của người Kinh(16), là đặc trưng của các dịp đặc biệt này. Một điểm khác không kém phần quan trọng là những người này có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Thái.

Trong hai năm qua, tác giả đã có cơ hội gặp gỡ và đón mừng Năm mới (2004) với những người Việt Nam này. Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với người Thái về sự hào phóng, đặc biệt là vào lúc họ gặp muôn vàn khó khăn sau khi trốn khỏi Tha Khek. Họ cũng nhờ tác giả chuyển những suy nghĩ và lòng biết ơn của họ đến người Thái vì những giúp đỡ chí tình sau vụ Tha Khek(17).

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 221 - 225)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(762 trang)