MỘT VÙNG VĂN HÓA ĐA DẠNG
III. ĐA DẠNG VỀ CƯ DÂN SINH SỐNG VÀ TIẾP CẬN VĂN HÓA
- Nhóm Việt - Mường có: Việt, Thổ, Chứt - Nhóm Môn - Khmer có: Khơ Mú, Ơ Đu - Nhóm Tày – Thái có: Thái
- Nhóm Mông - Dao có: Hmông
Trong bảy dân tộc nói trên, trừ người Việt thuộc nhóm Việt - Mường, sáu dân tộc còn lại đều là dân tộc thiểu số.
- Trước hết hãy nói về người Thái. Người Thái có 3 nhóm địa phương là:
1. Tày Mường hay còn gọi là Tày Chiềng, Hàng Tổng, Phu Thái chủ yếu là Thái Trắng.
2. Tày Thanh hay còn gọi là Man Thanh, Tày Đăm chủ yếu là Thái Đen.
3. Tày Mười tức Thái Đỏ. Có người cho rằng, miền núi Nghệ An là quê hương lâu đời của người Thái, nhưng theo sự nghiên cứu của các nhà dân tộc học, người Thái có mặt ở miền Tây Nghệ An cách ngày nay khoảng 700 - 800 năm là cùng. Đầu tiên là người Tày Chiềng (thế kỷ XIII) đến người Tày Mười (thế kỷ XV) rồi đến người Tày Thanh (thế kỷ XVI, XVII,...).
Dù là nhóm nào, trên đường chuyển cư họ đã dừng lại một thời gian ở Lào, Thanh Hoá hay đi thẳng đến miền tây Nghệ An. Giờ đây, với dân số khoảng 32 vạn người, người Thái cư trú ở khắp địa bàn miền núi Nghệ An.
- Người Khơ Mú còn có tên gọi là Khạ, Pù Thênh, Tày Hạy, Xá, Lào Cang, vốn ở vùng Xiềng Đông, Xiêng Tông bên Lào, có mặt ở miền núi Nghệ An cách ngày nay khoảng 200 năm. Với số dân khoảng 32.000 người, đồng bào sống ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương là chủ yếu. Với số dân ít hơn lại ở một trình độ xã hội còn kém phát triển, từ ngày cư trú tại miền Tây Nghệ An, họ không thoát khỏi sự chèn lấn của bọn chúa đất các dân tộc khác, nên bị đẩy lên các thượng nguồn, các khe suối trong rừng sâu núi thẳm, sống ở lưng chừng núi.
- Người Hmông đến Việt Nam cách ngày nay từ 2 đến 3 trăm năm, song vào Nghệ An thì còn muộn hơn nhiều, mới khoảng trên dưới 120 năm. Trên đường chuyển cư vào miền tây Nghệ An, đại đa số người Hmông đều đã qua Lào. Với số dân khoảng 27.000 người, người Hmông cư trú ở huyện Kỳ Sơn là chủ yếu, sau đó là Tương Dương và Quế Phong.
- Người Ơ Đu, số dân hiện có 459 người, cư trú ở huyện Tương Dương (sẽ nói sau).
- Người Chứt có số dân khoảng hơn 100 người, gồm 2 nhóm Mã Liềng và Sách Cọi, cư trú ở miền Tây huyện Hương Khê (sẽ nói sau).
- Người Thổ, còn có tên gọi là Nhà Làng, Mường. Cộng đồng cư dân Thổ có các nhóm người mang tên Kẹo, Mọn, Họ, Cuối, Đan Lai – Lý Hà, Tày Poọng; gồm 3 bộ phận cư dân cấu thành là người Việt cổ, người Kinh sau này và người Mường từ Thanh Hóa qua. Với số dân khoảng 70.000 người, người Thổ cư trú ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông và Tương Dương. Trong dân tộc Thổ, các nhóm Đan Lai – Lý Hà và Tày Poọng đáng chú ý hơn cả (sẽ nói thêm ở phần sau).
- Người Việt (Kinh) có số dân đông nhất, chiếm tới 80%. Trước đây chỉ cư trú tại các huyện ở đồng bằng và trung du, nay thì cả 19 huyện, thành, thị ở Nghệ An và 11 huyện, thị ở Hà Tĩnh; địa phương nào cũng có người Vieọt cử truự.
Số đông người Việt ở xứ Nghệ có lẽ là di duệ của những người đã từng làm chủ các thời kỳ văn hóa mà chúng tôi đã trình bày ở mục II. Ngoài ra, xứ Nghệ xưa kia
+ Là biên trấn, trấn nam, trấn địa, xa kinh đô, chưa được khai khẩn mấy, nên mỗi khi ngoài Bắc, ngoài Thanh có lụt lội, hạn hát làm mất mùa hoặc dịch tễ, bà con thường vào đây khai khẩn lập ấp, lập làng,... có khi họ đi một cách “tự do”, có khi họ đi theo tổ chức của nhà nước như ở các thế kỷ XI, XIII, XV,... Rồi những quan chức được bổ đến trị nhậm tại xứ Nghệ, những lính thú lưu đồn,... nhiều người cũng lấy vợ, sinh con, lập nghiệp ở xứ Nghệ.
+ Là vùng viễn trấn, nên những người có “tội” với nhà nước phong kiến, bị quan hành pháp ghép vào tội “đồ”, tội “lưu” cũng thường phát vãng lưu đày tại xứ Nghệ. Ta thấy có cả một “làng Đày” với chợ Đày, chùa Đày, nay là xã Kỳ Nam ở huyện Kỳ Anh.
+ Ngoài ra không ít người bị thất bại trong các cuộc khởi nghĩa, những người thất thế qua các lớp sóng phế hưng của các vương triều như Trần thắng, Lý suy; Hồ tiến, Trần bại,... hoặc qua những cuộc phân tranh của các tập đoàn thống trị như Mạc Lê - Lê Mạc, Trịnh Lê - Lê Trịnh,... họ cũng chạy vào xứ Nghệ, thay tên đổi họ để trốn tránh sự trả thù, sự đàn áp.
+ Bên cạnh người Việt, còn có binh lính thất trận và kiều dân Chiêm Thành cũ, của Bồn Man, của Ai Lao; của Tống, Nguyên, Minh (Trung Quốc). Số này có người là tù binh, có người đến buôn bán rồi ở lại. Nhiều viên quan cai trị ở phương Bắc từ các đời Hán, Ngô, Tùy, Đường,... không về nước nữa, đã nhập cư tại xứ Nghệ, mà người tiêu biểu là Hồ Hưng Dật.
Nhất là khi Trung Quốc bị quân Kim đánh thua, thì số quan lại đem cả thân nhân xuống phía Nam, xin nhập quốc tịch Việt Nam càng nhiều.
Ngay cả một số quan lại và binh lính nhà Minh, bị Lê Lợi đánh thua, xin ở lại để nhập quốc tịch Việt Nam cũng không ít. Số ấy, nhiều người đã cư trú tại xứ Nghệ. Họ cư trú ở vùng Rú Thành (Hưng Nguyên) và một số làng xã tại các huyện Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đức Thọ, Can Lộc, Tương Dương, Thạch Hà, v.v.... Có nơi, họ cư trú thành từng làng riêng thường gọi là Tống hương hay Minh hương, v.v...
Còn binh lính Chiêm Thành thất trận bị bắt làm chiến tù cho đi khai khẩn các vùng mà xưa kia là hoang phế của xứ Nghệ thì nhiều, như một số vùng ở Nam Đàn, ở Hưng Nguyên, ở Nghi Lộc, ở Tương Dương, ở Đức Thọ, ở Nghi Xuân, v.v...
Lâu ngày rồi, dù họ là người Chiêm Thành, người Bồn Man, Ai Lao, Trung Quốc và cả người Bồ Lô cư trú ở một số cửa biển, họ đã trở thành người Việt Nam, người xứ Nghệ. Và trong một thời gian lịch sử nhất định, họ đã góp trí tuệ và sức lực của mình vào việc khai phá, dựng xây, chiến đấu bảo vệ mảnh đất này. Giờ đây, không mấy ai nhớ gốc gác xa xưa của mình, của cha ông mình. Thảng hoặc có ai biết đến thì nó cũng như một bóng mờ xa xăm rồi trôi theo làn gió thoảng. Họ chỉ biết mình là người xứ Nghệ, người Việt Nam.
Như vậy, chúng ta thấy ở xứ Nghệ có văn hóa bản địa của người Việt cổ, người Việt Nam sau này, người Việt ở ngoài Bắc, ngoài Thanh vào cư trú, có người Việt mà bây giờ là người Thổ (Kinh già hóa Thổ) rồi có văn hóa của người Mường, người Thái, người Khơ Mú, người Hmông, người Ơ Đu, người Chứt (những dân tộc thiểu số). Và trong quá trình lịch sử, do lý do này lý do khác, những cư dân trên đã tiếp cận với văn hóa của người Chiêm Thành, người Bồn Man, người Ai Lao, người Trung Quốc, người Bồ Lô,... Những sắc thái văn hóa của các dân tộc khác nhau đã ảnh hưởng, hoà trộn, nhào nặn, đào thải, sáng tạo, kết tinh, nâng cao, tồn tại, không tồn tại, phát huy và không thể phát huy, giữ lấy sắc thái văn hóa của từng dân tộc lại có sắc thái văn hóa của cả vùng, nói tóm lại là tiếp cận lẫn nhau để cùng xây dựng một gia tài văn hóa đa dạng ở xứ Nghệ, của nhân dân xứ Nghệ, mang tính cách của xứ Nghệ, của con người xứ Nghệ.
Sự đa dạng có tính thống nhất đó đã được tạo nên do lịch sử lâu đời ở trong lãnh thổ cuả xứ Nghệ. Xứ Nghệ, như đã nói trên, xưa là nơi biên trấn, là địa bàn cuối cùng về phương Nam của đất nước ta khi biên giới mới đến đèo Ngang, nên xứ Nghệ còn là nơi giáp lưu:
- Giáp lưu ảnh hưởng giữa hai luồng văn hóa khổng lồ là của ấn Độ từ phía Nam lên và của Trung Quốc từ phía Bắc xuống nhưng sức sống của nền văn hóa bản địa, văn hóa của dân tộc ta vốn đã vững mạnh và đẹp đẽ nên đã chiến thắng một cách vẻ vang.
- Giáp lưu sự chuyển cư giữa các tộc người thuộc ngữ hệ Môn –Khmer từ dưới lên rồi dừng lại ở phía Nam đèo Ngang như Rộc, Khùa, Vân Kiều,...
và các tộc người thuộc ngữ hệ Tày Thái hoặc Hmông - Dao từ phía trên xuống rồi dừng lại ở phía Bắc sông Lam như Thái, Hmông,...
- Giáp lưu ngay cả sắc thái văn hóa hai miền của đất nước ta về một số loại hình như văn hoá kiến trúc, ngôn từ, nghệ thuật, tâm linh, y phục, ẩm thực,... mà tôi không thể dẫn đầy đủ các ví dụ cụ thể trong bài viết ngắn này.
Những ảnh hưởng của sự giáp lưu văn hóa, đã làm cho vùng văn hóa xứ Nghệ vốn đã đa dạng càng đa dạng thêm. Tất cả đã tạo cho xứ Nghệ phát triển, có một gia tài văn hóa phong phú, lắm sắc màu, luôn là cái vốn quý báu để người xứ Nghệ tự hào và coi đó là cẩm nang để ứng xử trong cuộc sống. Nó không còn là vùng “ky mi”, đất biên trấn, viễn trấn, đất “trại” với những nét thấp kém về mặt văn hóa mà là đất văn hiến với nhiều người lừng danh trong làng khoa bảng, nhiều nhà thơ, nhà văn làm sáng rực lâu đài văn học dân tộc, nhiều nhà chính trị có tài; nhiều nhà nghiên cứu học thuật, nhiều sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng, anh hùng dân tộc, v.v...