Oscar - Susan Evangelista*
Nhân dân Việt Nam đã chiến thắng các cường quốc thực dân phương Tây - đầu tiên là Pháp và sau là Mỹ – với việc giải phóng Sài Gòn và tái thống nhất đất nước năm 1975(1). Tuy nhiên, đối với nhiều người Việt Nam, cuộc đấu tranh chưa kết thúc: vì họ có quan hệ gần gũi với người Mỹ, hoặc vì những lý do khác, đôi khi là những lý do mang tính cá nhân, hàng nghìn người Việt Nam đã rời đất nước trong vài năm sau đó. Nhiều người đã cùng gia đình và mang theo của cải vào trong những chiếc thuyền nhỏ, thường khá hư nát, và ra khơi.
Nước Cộng hoà Philipin nằm về hướng chính phía Đông của Việt Nam, cách một chặng đường thẳng qua Biển Đông. Tỉnh đảo Palawan nhô ra theo hướng Tây của những đảo lớn của Philipin đã trở thành nơi đổ bộ đầu tiên, nơi tỵ nạn đầu tiên cho nhiều “thuyền nhân” Việt Nam.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã dựng trại tỵ nạn đầu tiên ở Palawan và duy trì hoạt động trong 20 năm. Đối với nhiều người tỵ nạn, đây là một điểm dừng chân trên đường đi đến Mỹ hoặc các nước tái định cư khác, nhưng đối với nhiều người khác, Philipin đã trở thành nhà. Do đó, khi UNHCR đóng cửa trại năm 1996 thì việc đối xử với cộng đồng người Việt như thế nào đã trở thành một vấn đề đối với người dân ở Philipin.
Bài viết này đề cập đến tình trạng rất đặc biệt của cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Palawan, đầu tiên là dưới sự bảo trợ quốc tế nhưng về sau đã trở thành một nhóm có khả năng về kinh tế trong xã hội Palawan.
Bài viết nhìn lại lịch sử trại tỵ nạn UNHCR đầu tiên cho đến khi trại bị đóng cửa và sự can dự sau này của Chính phủ và Giáo hội Philipin, nỗ lực của họ nhằm hoà nhập cộng đồng những người Việt vào xã hội Philipin rộng lớn. Bài viết xem xét đời sống xã hội – văn hoá và kinh tế
* Hội đồng Khoa học xã hội Philipin. Philipin.
ở trong trại, những tiến triển mà qua đó phố người Việt (Vietville) sau này được hình thành, một số phương diện trong cuộc sống của phố người Việt, vấn đề hoà nhập của người Việt vào dòng chính cuộc sống ở Philipin và sự hỗ trợ pháp lý đối với việc hoà nhập đó. Bài viết dựa vào các nguồn tài liệu cũng như nhiều cuộc phỏng vấn với những người trong Chính phủ, Giáo hội và các tổ chức phi chính phủ (NGO) có quan hệ với trại và với những người tỵ nạn đã được tái định cư hiện vẫn sinh sống ở Puerto Princesa, Palawan.
Trong những năm Mỹ xâm lược Việt Nam, Philipin với tư cách là một đồng minh gần gũi của Hoa Kỳ, đã cử một nhóm nhỏ các kỹ sư và công nhân kỹ thuật đến Việt Nam. Một số thành viên của nhóm này, được biết đến dưới tên gọi Philcag, đã cưới vợ người Việt Nam và sinh con trong những năm chiến tranh. Với chiến thắng cuối cùng của nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn ngày 30-4-1975, Chính phủ Philipin đã bắt đầu di tản những gia đình Philcag, đưa những bà vợ người Việt Nam và những đứa con lên tầu hải quân Philipin để về nước(2). Họ là những người “bị di rời” đầu tiên được Philipin tiếp nhận sau chiến tranh. Họ đã được sự trợ giúp của Giáo hội Thiên chúa giáo, trước tiên qua CARITAS và sau đó là Ủy ban Quốc gia Hành động Xã hội (NASSA) – một tổ chức hành động xã hội của Hội nghị Giám mục Thiên Chúa giáo của Philipin (CBCP). Sau đó, Trung tâm Trợ giúp những người di tản (CADP) được thành lập với mục đích công khai là hỗ trợ những người tỵ nạn từ Việt Nam(3).
Vì vậy một số cơ chế xử lý vấn đề người tỵ nạn Việt Nam đã được thiết lập từ trước khi có dòng “thuyền nhân” – những người đến Philipin ít lâu sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, nhóm đầu tiên – những bà vợ Việt và con của người Philipin – có địa vị pháp lý khác, ít nhất có thể xin làm công dân Philipin và được tiếp tục đối xử theo cách khác, như một nhóm đặc biệt.
Hai tháng sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 6-1975 người tỵ nạn bắt đầu rời khỏi Việt Nam bằng những thuyền gỗ nhỏ, thường không biết là có đi biển được không. Người ta cho rằng, đã có từ một đến hai triệu người Việt Nam rời quê hương theo cách này, hoặc vì họ đã từng làm việc cho quân đội Mỹ, hoặc vì họ thuộc một dân tộc thiểu số gắn bó với người Mỹ, hoặc họ là người gốc Hoa hay thuộc gia đình tư bản. Theo một số ước tính, có đến một nửa trong số đó đã chết trên biển, bị cướp biển giết hoặc chết do đói, khát hay chết đuối. Những thuyền gỗ gặp bão biển, bị lật, lạc đường và vỡ tan – mặc dù một người vốn từng là thuyền nhân đã nói với những nhà nghiên cứu rằng, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, đó có thể là chuyến hành trình thú vị kéo dài 4 ngày; ông ta nói: bạn có thể ngồi trên sàn thuyền, uống cà phê và tận hưởng biển(4). Nhưng một người trẻ hơn, khi ra đi chỉ 10 tuổi, lại nói bố anh đoán rằng, cơ hội sống sót sau hành trình chỉ là 1/10 nhưng ông vẫn muốn đi(5).
Vào thời điểm đó, luật biển quy định rằng, những tầu nào tiếp nhận hoặc cứu những người gặp nạn trên biển thì buộc phải có trách nhiệm về những người này. Nhiều người Việt Nam đã được các tầu từ nhiều quốc gia tiếp nhận, do đó họ đã được đưa đến Đài Loan hoặc Hàn Quốc trước khi được đưa trả về Đông Nam Á. Sau đó, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã dựng được các trại cho người Việt Nam tại hai địa điểm ở Philipin (Palawan và Bataan), ở Hồng Kông và ở các nước khác. Ban đầu những trại này được dựng lên với ý tưởng xử lý những người tỵ nạn để cho tái định cư ở những nước thứ ba (những trại này thực ra được gọi là các Trung tâm xử lý người tỵ nạn). Người ta cho rằng, phần lớn trong số họ sẽ được tái định cư ở Mỹ và trước hết phải được
“đào tạo” ngay, nhất là về ngôn ngữ. Nhưng một số nước đã cứu người tỵ nạn trên biển về sau đã chấp nhận họ và cũng dạy ngôn ngữ cho họ ở ngay các trại này.
Trại Tỵ nạn ban đầu của UNHCR ở Philipin (PFAC) tại Palawan được xây dựng trên một dải đất gần sân bay thành phố Puerto Princesa và gần căn cứ của Bộ Chỉ huy miền Tây của Quân đội Philipin (WESCOM).
Trại được đặt dưới sự giám sát của WESCOM mặc dù UNHCR điều hành phần lớn hoạt động đời sống hàng ngày. Họ cung cấp nhà tạm, khẩu phần lương thực hàng ngày, dịch vụ y tế…(6). UNHCR cộng tác với các nhóm khác, như Trường Cao đẳng Holy Trinity (Chúa Ba Ngôi), để dạy học ở các cấp từ mẫu giáo, sơ học tới trung học và xoá mù chữ cho người lớn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chương trình tập trung vào các kỹ năng tiếng Anh. UNHCR cũng có một dịch vụ “xe tải” – theo một người cung cấp thông tin thì thực ra là xe chở rác - đi tới các thị trấn khác nhau ở Palawan để thu gom những người tỵ nạn đã cập bến theo báo cáo của các quan chức địa phương(7). Những người tỵ nạn được tầu hải quân Philipin hoặc tầu từ các nước thứ ba tiếp nhận được đưa thẳng tới Puerto Princesa.
Các kiến trúc trong trại đều đơn giản và giống hệt nhau, có lẽ để tạo cho trại một vẻ bề ngoài đơn điệu. Một người được phỏng vấn đã nói anh và bố anh đã rất thất vọng khi lần đầu nhìn thấy ngôi nhà mới mà họ đã phải chịu bao rủi ro để tới(8). Tuy nhiên, phần lớn người tỵ nạn đã thích nghi tốt với cuộc sống trong trại: họ được an toàn, có lương thực để ăn, có những thách thức mới và thú vị để ứng phó. Khi mọi chuyện đã ổn định, trại đã trở thành một cộng đồng - nếu không giống hẳn một ngôi làng Việt Nam - thì có lẽ giống một sự pha trộn giữa một làng Việt Nam và một làng Philipin.
Vào lúc cao điểm có tới 8.000 người tỵ nạn ở trong trại, do đó đương nhiên nó phát triển thành một cộng đồng kinh tế. Tất nhiên, ban đầu những người tỵ nạn muốn tự cung cấp thức ăn Việt Nam “chính cống”
– vì vậy họ bắt đầu làm phở và loại bánh đặc biệt Việt Nam và bánh
mỳ kiểu Pháp vẫn nổi tiếng ở địa phương. Do người tỵ nạn được phép đi ra ngoài trại nên việc mua những nguyên liệu còn thiếu khá dễ dàng.
Mỗi đêm khi bóng tối đổ xuống, trên các con phố bỗng xuất hiện những bàn ăn và quầy hàng nhỏ, bán phở và các món đặc sản Việt Nam khác.
Cũng có một số quầy hàng thực phẩm ở gần các cổng, mở cả ban ngày và là những nơi yêu thích của những người lái xe ba bánh địa phương.
Một người lai Philipin và Việt Nam tên là Rene Sabio đã học được bí quyết làm bánh mỳ kiểu Pháp từ một người làm bánh Việt Nam và trở thành người làm bánh của trại trong 3 năm cho đến khi anh ta mở một cửa hàng riêng bán bánh mỳ kiểu Pháp ngay bên ngoài trại. Mẹ của anh là người Việt Nam, được nhà hàng phở ở Manila cho phép mở một chi nhánh ở Puerto Princesa, đã cùng anh bán phở và bánh kẹp thịt kiểu Việt Nam. Chi nhánh phở địa phương, sử dụng nguồn lao động ở trong trại, đã rất được dân chúng ở Puerto Princesa và cả du khách ưa chuộng:
được ghi trong các chương trình và sách hướng dẫn du lịch. (Nhà hàng này hiện vẫn tồn tại, rất lâu sau khi trại bị đóng cửa, vẫn đón chào du khách mặc dù không còn là nhà hàng Việt Nam nổi tiếng duy nhất ở thò traán).
Một số phụ nữ tỵ nạn đã nhanh chóng làm nghề may quần áo, những người khác làm nghề uốn tóc – hai nghề bao giờ cũng có khách hàng.
Giáo viên dạy trong trại bảo trợ cho những hoạt động kinh doanh này cũng như các cửa hàng bán phở và bánh mỳ. (Những giáo viên người Philipin, bị thu hút bởi mức lương tương đối cao ở trại, đã từ nhiều nơi trên khắp Philipin đến làm việc ở Palawan. Nhiều người còn ở lại đây sau khi trại bị đóng cửa).
Cũng có những thợ kim hoàn bán đồ trang sức. Người ta nói rằng, một số người tỵ nạn mang theo cả vàng nén và đã đem ra kinh doanh nhỏ kiếm lời. Hoạt động mua bán khá phát đạt bên trong trại. Người tỵ nạn đôi khi còn bán hoặc trao đổi khẩu phần ăn của họ dù điều này không được Ban quản lý cho phép(9).
Phần lớn người sống trong trại dành chí ít một phần ban ngày ở các lớp học, nhất là lớp tiếng Anh. Tiếng Anh được dạy trong bối cảnh văn hoá, có nghĩa là như người tỵ nạn được học cách hỏi giá cả hàng hoá mà họ có thể cần, cách xin học cho con cái và sau là cách gọi đến trường để báo con bị ốm, cách mở tài khoản ở ngân hàng và việc phải làm nếu nhân viên ngân hàng hoặc người bán hàng trả sai tiền thừa. Người tỵ nạn cũng phải học về các loại quần áo khác nhau – ví dụ các loại quần áo lót của phụ nữ dùng ở phương Tây hoặc các loại quần áo mà trẻ em cần khi trời lạnh.
Trại đã hoạt động trong 20 năm. Trong thời gian này, nhiều người tỵ nạn đã được tái định cư ở các nước thứ ba, nhiều nhất là ở Mỹ, Australia và Canađa. Vào cuối những năm 1980, UNHCR đã có những nỗ lực để đi
đến một giải pháp cuối cùng cho người Việt, rút bỏ việc phân loại người tỵ nạn và đưa ra những quy định chống lại việc mở rộng các trại. Quyết định cụ thể này đã trở thành một vấn đề tại Palawan khi một đám cháy đã thiêu trụi vài khu nhà ở mà sau đó không thể xây lại được. Dẫu sao thì số người tỵ nạn đã giảm đi.
Cuối cùng tất cả trại ở Đông Nam Á chuẩn bị đóng cửa và những người tỵ nạn còn lại sẽ bị hồi hương. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ Tổng thống của bà Corazon Aquino (1986-1992), việc cưỡng bức hồi hương đã không diễn ra ở Philipin. Nhưng dưới nhiệm kỳ Tổng thống Ramos sau đó, áp lực đã tăng lên. Những người tỵ nạn đã kêu gọi sự giúp đỡ của CADP và vấn đề đã lên đến tận cấp cao của Giáo hội qua Hội nghị Giám mục Thiên chúa.
Ngày 12-2-1996, Giám mục Ramon C. Arguelles, khi đó là Chủ tịch của Ủy ban Giám mục về Mục vụ đối với người Di cư (ECMI) và là người đứng đầu CADP, nhận được một cú điện thoại từ Wescom nói rằng, việc hồi hương sắp diễn ra. Việc này đã dẫn tới cuộc đối thoại căng thẳng giữa Tổng thống Ramos và các vị Giám mục, các Giám mục được đảm bảo rằng, sẽ không có việc sử dụng vũ lực đối với người tỵ nạn. Tuy nhiên vào ngày 14-2, ngày lễ Tình yêu, một nhóm người tỵ nạn Việt Nam bị cưỡng bức hồi hương từ trại Palawan về Việt Nam(10). Các giáo viên nhắc lại sự kiện này với nhiều xúc động, nói rằng những người tỵ nạn đã làm thành một vòng tròn với đàn ông ở giữa, phụ nữ và trẻ em ở phía ngoài, nghĩ rằng quân đội sẽ không sử dụng vũ lực đối với những người ở vòng ngoài. Khi chiến lược này thất bại, họ cầu cứu các giáo viên và đại diện báo chí giúp, nhưng không thể làm được gì(11). Tuy nhiên, những mẩu tin về vụ việc này đã được phát đi khắp Philipin trong bản tin tối và những người tỵ nạn đã giành được nhiều sự thông cảm.
Do đó, mặc dù Chính phủ Ramos đã phải vất vả giải thích với UNHCR ở Geneva về việc tại sao Philipin không thể tiến hành kiểu hồi hương bằng bạo lực giống như một số nơi khác đã làm, Giáo hội đã dẫn dắt công luận đủ mạnh để khiến một hành động như vậy là không thể chấp nhận được. UNHCR bèn hỏi Giáo hội liệu họ có thể tiếp quản việc hỗ trợ trại hay không, nhưng Giáo hội thay vào đó đã chọn cách tiến hành một kế hoạch tự lập từng bước cho người tỵ nạn. Với khoản tiền vốn ban đầu lên tới 1,3 triệu USD do những người Mỹ gốc Việt đóng góp, CADP đã tiến hành xây một Làng Việt Nam mới, gọi là Vietville, ở vùng ngoại ô phía bắc của thành phố, tại khu Sta. Lourdes/Honda Bay. Sau khi trại bị đóng cửa, những người Việt còn lại chuyển đến Vietville và bắt đầu làm ăn tự kieám keá sinh nhai.
Một Bản ghi nhớ (MOU) giữa Chính phủ Cộng hoà Philipin (GRP) với ECMI của Hội nghị Giám mục Thiên Chúa giáo Philipin (CBCP) và Trung tâm Trợ giúp những người di tản (CADP), đã được ký một cách trang trọng tại lâu đài Malacanang (Phủ Tổng thống) ngày 17-7-1996, là một mốc đánh
dấu việc tìm một giải pháp cho vấn đề những người Việt còn lại (RVN). Ba chính sách cơ bản chỉ đạo Bản ghi nhớ này được nêu rõ:
- Chính phủ Philipin sẽ thúc đẩy thực hiện chính sách hồi hương tự nguyện trong sự tôn trọng đúng mức nhân phẩm và các quyền con người cơ bản của những người Việt còn lại;
- Sẽ kiến nghị với Chính phủ Hoa kỳ về một giải pháp cuối cùng cho Chương trình Ra đi có trật tự (ODP);
- Việc chăm sóc và cưu mang tất cả người Việt còn lại do Giáo hội cung ứng, sẽ theo nguyên tắc từng bước tự lập và tự quản.
Bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện bởi Chính phủ Philipin thông qua Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển, và CADP. Các quy định đã kêu gọi hỗ trợ “những người Việt còn lại tiếp cận việc giáo dục, đào tạo tay nghề, các dự án kiếm sống và các cơ hội việc làm khác để giúp họ đạt được một năng suất lao động và trình độ tự lập chấp nhận được.” Nó cũng nói rõ vai trò và trách nhiệm của Chính phủ Philipin thông qua các cơ quan khác nhau, và của CBCP, trong đó CBCP sẽ đài thọ cho việc quản lý có hiệu quả những người Việt còn lại. CADP được giao nhiệm vụ tái định cư những người Việt còn lại từ trại tỵ nạn ban đầu ở Philipin tới một địa điểm mới và dẫn đến sự ra đời của Vietville.
Chính Giám mục Arguelles đã thu được 1,3 triệu USD từ những người Việt ở Mỹ dùng để xây dựng Vietville(12). Kế hoạch ban đầu là xây dựng một số trung tâm người Việt trên cả nước nhưng do Thị trưởng Edward Hagedorn đề nghị cấp một mảnh đất ở Sta. Lourdes và có lẽ do phần lớn những người tỵ nạn đã có mặt ở Palawan nên một làng người Việt duy nhất đã được dựng lên ở Puerto Princesa.
Giáo hội Thiên Chúa giáo thông qua CADP, sau đó được trao nhiệm vụ:
1) “Phối hợp với NGAs, LGUs, NGOs và các cơ quan quốc tế trong việc giúp những người Việt còn lại tiếp cận việc giáo dục, được đào tạo tay nghề, các dự án kiếm sống và các cơ hội việc làm khác”; 2) “Chăm sóc và cưu mang tất cả những người Việt còn lại theo nguyên tắc tự lập từng bước, đồng thời chịu trách nhiệm về chi phí hành chính cần thiết cho việc quản lý hiệu quả những người Việt còn lại” (phần in nghiêng là của chúng tôi);
3) Thực hiện việc “tái định cư những người Việt còn lại từ trại tỵ nạn ban đầu ở Philipin tới một địa điểm mới … và (cung cấp) các dịch vụ hỗ trợ về nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ khác”(13).
Do vậy chính CADP đã xây dựng và quản lý Vietville. Ngoài khoản tiền 1,3 triệu đô la còn có các quỹ khác được CADP sử dụng, ví dụ để cấp vốn cho các doanh nghiệp của những người Việt gặp khó khăn nhằm giúp họ khởi nghiệp, Chủ tịch của CADP là Mẹ Giám quản dòng Nữ tu Từ thiện, các Giám mục Arguelles và Pedro Arigo thuộc Giáo phận Palawan cùng với