ẹinh Nguyeón*
Phong tục tập quán của Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Bởi vì Việt Nam có nhiều tộc người sinh sống trên một dải đất có quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời. Mặt khác, Việt Nam nằm ở vị trí bên bờ biển Đông – nơi có quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các nước trong khu vực và quốc tế diễn ra hết sức mạnh mẽ, sôi động.
Nhưng nhiều phong tục tập quán mang tính bản địa không những không bị mất đi mà còn được cha ông ta trân trọng, gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay. Đó là những tập quán đã trở thành một nét truyền thống của người Việt Nam như tục ăn trầu, uống rượu cần, trò chơi đá cầu… cho đến những vật dụng hằng ngày như cái nón đội đầu, giày dép, nhà cửa…
Có thể nói rằng, nguồn thư tịch cổ của Việt Nam viết về phong tục tập quán không nhiều. Tư liệu sớm và khá tin cậy viết về phong tục tập quán Việt Nam là các bộ quốc sử như: Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Việt sử kí tiền biên. Nhưng các bộ sách sử này chủ yếu viết về lịch sử địa lý và lịch sử của các vương triều là chính. Đến thời Lê, thời Nguyễn có Lê triều hội điển, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ… Nhưng tiếc thay, những tư liệu này chỉ cho biết những sinh hoạt của vua quan là chính, mà hầu như không đề cập đến những phong tục tập quán của đông đảo tầng lớp nhân dân. Tư liệu mang tính thần kì có Lĩnh Nam chính quái và Việt ủieọn u linh.
Mãi đến thế kỉ thứ XVI (1533) mới có Ô châu cận lục của Dương Văn An và đến thế kỉ thứ XVIII có Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn ghi chép về phong tục tập quán vùng đất Thuận Hoá (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay). Đầu thế kỉ thứ XIX, nở rộ một loạt các sách biên khảo về xã chí, huyện chí, tỉnh chí, trong đó có đề cập đến phong tục tập quán của một số địa phương. Đầu thế kỉ thứ XX mới xuất hiện một vài
*Nhà nghiên cứu, Hà Nội. Việt Nam.
chuyên khảo có giá trị về phong tục tập quán của Việt Nam như: Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (1915) và Việt Nam văn hoá sử cương của Đào Duy Anh (1938).
Để hiểu thêm phong tục tập quán của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua tư liệu khảo cổ học và tư liệu thư tịch nước ngoài (đặc biệt là sách cổ Trung Hoa). Trong bài viết này, chúng tôi xin điểm qua một số phong tục tập quán của Việt Nam qua một số thư tịch cổ Trung Quốc như Hậu Hán thư, Đường thư, Tống sử.
Nhìn chung, những tư liệu này tuy nhiều nhưng ghi chép khá tản mạn đặc biệt những ghi chép về phong tục tập quán của Việt Nam có thể nói là khá hiếm hoi. Mặt khác, qua các tư liệu này, các tác giả Trung Hoa (vẫn tự coi Thiên Tử để giáo huấn thiên hạ, coi mình là trung tâm) gọi các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, là Man Di. Với cách nhìn này, nhiều phong tục của Việt Nam bị cường điệu hoá, bị bóp méo. Thí dụ, khi viết về nón đội đầu của người Giao Chỉ, sách Lĩnh ngoại đại đáp (đời Tống) viết: “Giao Chỉ có nón như mũ đâu mâu mà đỉnh lại giống trôn ốc, gọi nón là nón ốc đan thành bằng những sợi tre nhỏ. Tuy là khéo léo nhưng chỉ là nón mà người hèn hạ đội thôi .v..v....”. Trong những tư liệu cổ Trung Quốc cũng giới thiệu qua một số phong tục tập quán của các vương quốc cổ như Chăm Pa, Phù Nam, Chân Lạp, mà hiện nay là một phần của lãnh thoồ Vieọt Nam.
Một trong những cuốn sách viết về phong tục tập quán của Việt Nam có nhiều chi tiết hay và thú vị phải kể đến “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi. Ông biên soạn sách này vào khoảng giữa niên hiệu Thuần Hy (đời Tống 1176-1201) khi đang làm quan ở quận Quế Lâm. Sách gồm 10 quyển phân thành các mục: địa lý, phong thổ, phong tục, đồ dùng, đồ mặc, nhạc khí…
Khi viết về phong tục nước ta, Lĩnh ngoại đại đáp cho biết nhiều trò chơi dân gian, thức uống như tục tung cầu: “tục của người Giao Chỉ, cứ ngày thượng Tỵ thì trai gái tụ hội, đứng từng hàng bên trai bên gái, họ lấy vải lụa năm sắc tết thành quả cầu, hát mà ném quả cầu gọi là “phi đã”, trai gái nào đưa mắt tình tứ, nhìn nhau thân ái, thì người con gái nhận đỡ lấy quả cầu, mà việc hôn nhân của người con gái đã quyết định”.
Cho đến ngày nay, nhiều nơi ở Việt Nam vẫn còn tục ăn trầu. Khách đến nhà thì mang trầu ra thết “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trầu cau không thể thiếu trong những việc đại sự như cưới xin, ma chay, giỗ tết…
Các sách Hậu Hán thư, sách thời Đường, Tống chép nhiều về phong tục này. Lĩnh ngoại đại đáp cho biết, vùng Tứ Xuyên, Quảng Tây cùng với Giao Chỉ cũng có thói quen ăn trầu cau: “Khách đến nhà không mời nước chè, chỉ lấy trầu cau làm lễ. Cách ăn trầu cau như sau: róc cau rồi bổ ra, dùng nước hoà vôi hến, quệt độ nửa đồng cân vôi lên lá trầu, quấn một miếng cau vào, bỏ vào mồm nhai, trước tiên nhổ ra một ngụm nước đi rồi sau nuốt nước thừa, một lát thì mặt mày bừng đỏ. Cho nên nhân dân có
câu “say trầu”. Nơi nào không có vôi hến thì chỉ dùng vôi đá, không có lá trầu thì chỉ dùng dây trầu (…). Sứ giả Giao Chỉ cũng ăn trầu cau. Hỏi mọi người sao mà thích ăn quá thế? Họ trả lời rằng: Nó tránh được lam chướng, hạ khí tiêu ăn. Ăn trầu đã nhiều lần thì thiếu nó trong khoảng khắc không thể được. Nếu không có thì miệng lưỡi vô vị, khí lại nhờ đục”.
Không chỉ riêng người Giao Chỉ mà người Chiêm Thành cũng có tục ăn trầu và uống rượu cần. Sách “Tây Dương Triều Cống” của Hoàng Tĩnh Tăng, soạn năm Canh Thìn niên hiệu Chính Đức đời Minh (1520) cho biết:
“ Tục thường ăn trầu cau, lấy lá cỏ Lâu, quấn như con tằm, ăn không ngớt miệng, uống dùng rượu làm bằng cơm và thuốc, cho vào trong chum đậy kín để sinh con giòi làm nóng. Nếu uống thì lấy ống trúc nhỏ 3 thước, ở giữa thông lỗ, cắm vào trong bình. Người ngồi xung quanh, nhiều ít mà luân phiên nhau uống đến khi vị nhạt thì không đổ nước, ngắm trăng, uống rượu, ca hát”.
Người Việt (có lẽ là người Chămpa - TG) và người dân ở Ung Châu, Khâm Châu còn có tục uống bằng mũi: “Cách uống bằng mũi thì lấy cái bầu đựng một ít nước, bỏ muối và mấy giọt nước gừng rừng vào trong nước. Cái bầu thì có lỗ, cắm cái ống nhỏ như cái vòi bình, một đầu ống cắm vào trong mũi, hít nước đưa lên óc rồi từ óc xuống vào cổ họng. Nhà nào giàu thì bầu làm bằng bạc, nhà vừa thì làm bằng thiếc, thứ nhì thì làm bằng đất nung, thứ nữa thì làm bằng quả bầu. Khi uống thì mồm phải nhai một miếng cá mắm, rồi sau nước chảy vào mũi không bị tức hơi mà sặc. Uống rồi phải thở, họ cho là làm óc được mát mẻ, gân bụng dưới được khoan khoái không gì bằng thế. Cách đó chỉ có thể để uống nước, nói là uống rượu thì cũng không phải, nói là lấy tay vục nước để hít uống cũng không phải. Sử viết: “Người Việt cũng tập nhau để uống bằng mũi”.
(Lĩnh ngoại đại đáp). Sử còn chép Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (nhà Trần) biết nhiều ngôn ngữ, giỏi phong tục, khi tiếp khách, ông đều theo quốc tục của họ mà tiếp đãi như: “Khi thương lượng với Trịnh Giác Mật (làm phản ở Đà Giang – năm 1280), vua sai Nhật Duật dụ hàng. Khi đến người Man (quân của Giác Mật) vây mấy chục dặm, đều cầm khí giới hướng vào, Nhật Duật điềm nhiên vào thẳng, Mật mời ngồi, Nhật Duật thông hiểu phong tục của người Man, cùng với Mật ăn bốc bằng tay, uống nước bằng mũi, người Man rất thích. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem cả gia thuộc đến quân doanh đầu hàng, không mất một viên đạn mà dẹp được giặc Đà Giang”.
Chúng ta ngày nay không chỉ biết đến tục ăn trầu, uống rượu của người Giao Chỉ, người Chiêm Thành, mà các tư liệu lịch sử còn biết được nhiều vật dụng hằng ngày của họ từ thuở xa xưa như: mực viết, quạt lông, giầy da, vải lụa…
Mực viết của Giao Chỉ không tốt lắm cũng không đến nỗi xấu lắm.
Người Giao Chỉ lấy mực và nghiên sừng, bút lông chim tán cùng đeo ở
lưng. Hay Chu Khứ Phi viết về quạt của người Giao Chỉ như sau: “Người Giao chỉ lại dùng lông Hạc lấy dây ken liền ống lông mà lại thêm cái cán”.
Còn về nón: “Nón ở Tây Nam thì lấy tre làm thân mà lợp ngoài bằng thứ ngư chiên, đỉnh nón nhọn tròn nhưng cao hơn một thước mà bốn mặt hơi rủ xuống. So với nón của nước phiên khác thì chế nón này tự hồ không đẹp, song cưỡi ngựa thì thích hợp lắm vì đỉnh cao thế vững, mà không nghiêng, bốn mặt rủ thì gió không bay được, nón của nước phiên khác không bằng được. Giao Chỉ có nón như mũ đâu mâu, đỉnh nón giống trôn ốc gọi là nón ốc, đan bằng sợi tre nhỏ rất khéo”.
Và đây là những mô tả về giày dép của người Giao Chỉ: “Giày da mà người Giao Chỉ đi thật giống như giày của vị La Hán đi ở trong bức hoạ.
Dùng da làm đế, ở trên đế có một cái trụ nhỏ, dài độ một tấc, trên đầu có miếng sừng như bông hoa, lấy ngón chân cái kẹp vào đấy mà đi, hay là dùng dải da màu đỏ hình chữ thập đính ngược 3 đầu dải vào trên da đế, lấy chân xỏ vào mà đi. Đó đều là giày đi lúc nhàn cư”.
Nói đến trang phục không thể không nói đến vải lụa. Lụa là thứ đắt tiền dùng để mặc trong những ngày hội hoặc là vật quí dùng để biếu tặng Lĩnh ngoại đại đáp viết: Sứ giả nước An Nam đến Khâm Châu, Thái thú châu ấy đem kỹ nhạc thiết sứ giả. Sứ giả cũng tặng cho các kỹ nhân một tấm lụa. Lụa ấy thưa như lưới nhỏ mà lấy bông chùm lên. Người Giao thì sống áo họ mặc đều là lụa mau sợi, không biết thứ lụa thưa như thế thì họ dùng để làm gì”.
Phương tiện đi lại phổ biến của tổ tiên ta được miêu tả chủ yếu là đi bộ và đi thuyền, khi cần thiết thì có thể dùng cáng. Cáng làm bằng vải hoặc bằng tre, gỗ: “Từ An Nam đến Chiêm Thành, Chân Lạp đều có thể dùng xe cáng. Xe cáng làm bằng vải như cái túi vải, lấy một cái đòn dài khiêng lên. Ở trên có cái mui dài, dùng lá cây trang sức như lớp vẩy cá, giống nóc kiệu của Trung Châu. Hai người khiêng một cái đòn dài, lại hai người đi mang giá An Nam gọi là “Để nha,” sứ giả An Nam là Hoàng Vinh lấy một cái “Để nha” tải một người tiếp theo đi. Phàm sứ giả đến Khâm đều kiệu có “Lương kiệu”, đinh vàng - rất đẹp, mà hai đòn đều ngắn, mưa tạnh đều dùng nó để đi”.
Thuần hoá động vật là một việc làm vất vả và nguy hiểm đối với người xưa, đặc biệt là thuần hoá động vật to lớn và dữ tợn như voi rừng. Sách Lĩnh ngoại đại đáp, mục Môn cầm thú cho biết cách thuần hoá voi rừng rất khôn khéo của người Giao Chỉ: “Ở trong núi của Giao Chỉ có nhà bằng đá, chỉ có một đường vào được, chu vi đều là vách đá. Người Giao Chỉ để cỏ đâu ở trong nhà ấy, đuổi một con voi cái đã dậy được vào đấy rồi trải mía ở đường đi để dụ voi rừng. Voi đến ăn mía thì thả con voi cái vào trong đám voi rừng để dụ chúng về. Khi những con voi đã vào, nhân lấy đá to lấp cửa. Voi rừng đói lắm, người ta mới trèo vào cho con voi cái ăn.
Voi rừng thấy voi cái được ăn, trước sợ hãi rồi sau cũng dạn người mà cầu
ăn, càng quen người ta mới lấy roi đánh, mới dạy được thì cưỡi mà chế ngự nó. Phàm chế ngự voi phải dùng cái móc. Người Giao Chỉ dạy voi, họ cưỡi ngay lên cổ voi, dùng móc sắt để móc đầu voi, muốn voi đi sang bên tả thì móc voi ở bên hữu đầu nó, muốn voi đi sang bên hữu thì móc voi ở bên tả đầu nó, muốn voi đi lùi thì móc ở trán nó, muốn nó tiến lên thì không móc, muốn voi quì phục thì lấy móc đè ấn vào óc nó, lại đè nhấn mạnh thì nó đau và kêu gầm lên”.
Phong tục tập quán của người Chiêm Thành, bao gồm cả những sinh hoạt của vua quan nơi cung cấm, được sách Tây Dương triều cống miêu tả khá kỹ: “Đô Thành của vua tên là Luỹ Chiêm Thành, làm bằng đá, bốn phía có cửa, cửa có người bảo vệ. Vua sửa định lại bản đồ. Mũ của vua có hoa bằng vàng, áo dài bằng vải hoa ngũ sắc, phía dưới là vải tơ, ra vào cưỡi voi hoặc ngồi xe nhỏ hai trâu kéo...
Mũ của quan làm bằng cỏ Giao Chương, đội kiểu như của vua. Trang sức bằng tơ lụa, vàng bạc, đội mũ da trên vải màu sắc, dưới đi chân không. Trang phục cấm màu vàng, mầu tím, tránh dùng màu nâu trắng, mũ có hoa, làm bằng vải tơ lụa đẹp, che bát bảo, thẻ bài hoặc đánh trống, thổi xì đồng hoặc cầm binh đều đi giúp vua dẫn đường, vua đến thì nghênh đón. Cung vua đẹp rộng, đại để cung vua tu sửa bằng ngói quấn, tường thấp bền chắc, cửa cung vua làm bằng gỗ tốt, điêu khắc hàng trăm loài thú. Nơi quan ở, có qui định chế độ nhà cao thấp. Dân làm nhà mái tranh, nếu quá 3 thước thì bị tội, dân lấy cỏ, rạ để lợp, định ra năm tháng, lấy trăng mọc trăng lặn là 1 tháng, mười hai tháng là một năm, không có nhuận, ngày đêm có 10 canh, lấy trống làm hiệu, lấy phấn viết, thường ghi nhớ trong đầu, lấy da dê làm sổ hoặc vót nhọn tre làm bút viết. Chữ uốn khúc ngoằn ngoèo như con giun. Hôn lễ tập trung ở nhà gái, sau một tuần cha mẹ người con trai đánh trống đón vợ của con trai về, uống rượu ăn mừng”.
Ngày nay, chúng ta biết quá ít về phong tục tập quán của nước Phù Nam. Bởi vì nước này tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, khoảng thế kỉ thứ III đến thế kỉ thứ IV ở vùng Nam Bộ Việt Nam, sau đó bị sáp nhập vào nước Chân Lạp. Phù Nam truyện là cuốn sách do Khang Thái - sứ thần nước Ngô (222-280) đi Sứ nước này viết. Sách này không còn, chỉ còn tìm thấy một số đoạn trích trong Thái Bình Ngự Lãm do Lý Phỏng đời Tống biên soạn để dâng vua Tống Thái Tông (976-977). Nhưng sách Tây Dương triều cống còn cho biết nhiều chi tiết về vương quốc cổ này:
“Nước này ở phía Nam Chiêm Thành, phía Đông là biển, là nơi đô hộ của Hải Nam. Thành của vua ở vuông hơn 70 dặm, có sông đá rộng 20 trượng, cung điện có hơn 30 tòa tráng lệ, nam nữ đều búi tóc để đuôi sam, lấy nghề cá làm lợi. Loại lương thực có 5 loại. Phong tục giàu có xa xỉ, đồ dùng đều làm bằng vàng bạc, khí hậu đều ấm, trước đây cả năm đều có vượn, ngựa, chim, khổng tước, voi trắng, tê giác, bò. Và là nơi tập
trung trăm tháp nổi tiếng, ngày hội thì đốt hương lễ Phật. Hình phạt thì có cắt mũi, đâm, chặt tay, v.v…”.
Như vậy, qua một số sách cổ Trung Hoa (loại trừ tư tưởng chủ quan của một số nhà sử học phong kiến Trung Quốc như trên đã đề cập), đã cho ta thấy nhiều phong tục tập quán cách ngày nay hàng nghìn năm của ông cha ta. Có thể nói rằng, đây là những tư liệu quí giá giúp chúng ta hiểu được nhiều phong tục tập quán đã trở thành nét đẹp truyền thống, là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Khứ Phi, Lĩnh ngoại đại đáp, Thượng Hải tiến bộ thư cục ấn hành, Bản sưu tầm tại Tokyo - Nhật Bản, ký hiệu 151.4/3
2. Hoàng Tĩnh Tăng, Tây Dương triều cống, Thượng Hải tiến bộ thư cục ấn hành.
3.Đại Việt sử kí tiền biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr 360.
4. Phù Nam truyện, Viện Thông tin khoa học xã hội, Thái Bình ngự lãm, ký hiệu 497.