Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, yêu cầu công bằng và bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học tạo nên sự hình thành và phát triển các trường đại học đa phân hiệu

Một phần của tài liệu luận án quản lý trường đại học đa phân hiệu ở việt nam trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay (Trang 77 - 84)

Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐA PHÂN HIỆU Ở VIỆT NAM

2.1. Bối cảnh phát triển KT-XH trong giai đoạn hiện nay và vấn đề hình thành các trường đại học đa phân hiệu

2.1.2. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, yêu cầu công bằng và bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học tạo nên sự hình thành và phát triển các trường đại học đa phân hiệu

Sự hình thành và phát triển các trường đại học đa phân hiệu ở Việt Nam được thể hiện ở thực trạng nguồn nhân lực, mục tiêu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực nước nhà dưới đây.

2.1.2.1. Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam

Nguồn lực của mỗi quốc gia gồm tài nguyên thiên nhiên, vốn, KH&CN và nguồn nhân lực...; trong đó nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định và là trung tâm của sự phát triển KT-XH. Nguồn nhân lực là một bộ phận của dân số, bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động theo quy định. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào quy mô, cơ cấu độ tuổi của dân số và trình độ phát triển của con người. Lực lượng lao động là một bộ phận của chủ yếu của nguồn nhân lực, là yếu tố cơ bản quyết định sự phát triển bền vững về KT-XH của một quốc gia. Đánh giá chất lượng của nguồn nhân lực của Việt Nam thường được thông qua thực trạng chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development

Index), quy mô và cơ cấu của lực lượng lao động, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động. Trong đó có các tiêu chí sức khỏe (tuổi thọ trung bình), tri thức (tỉ lệ biết chữ của người lớn và tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục tiểu học, trung học, đại học) và mức sống (GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương) có liên quan trực tiếp đến chất lượng của nguồn nhân lực.

- Thực trạng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam:

HDI là chỉ số mà Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã sử dụng để đánh giá gián tiếp sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia với các tiêu chí sức khỏe (tuổi thọ trung bình), tri thức (tỷ lệ biết chữ của người lớn và tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục tiểu học, trung học, đại học) và mức sống (GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương). Chỉ số này cũng là tiêu chí giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng quát về trình độ phát triển xã hội của mỗi quốc gia thông qua chất lượng nguồn lực con người. Tại Hà Nội, ngày 5/10/2009, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố báo cáo về các chỉ số phát triển con người với số liệu từ năm 2007 và chia các nước thành bốn nhóm có chỉ số HDI rất cao, cao vừa, trung bình và thấp. Trong đó, chỉ số HDI của Việt Nam xếp thứ 116/182 nước, thuộc nhóm có HDI trung bình. Trong giai đoạn 1985 - 2007, mặc dù nền kinh tế của Việt Nam có năm tăng trưởng chậm lại, nhưng bình quân mỗi năm chỉ số HDI của Việt Nam vẫn tăng thêm 1,16% (từ 0,561 lên 0,725); trong đó có hai chỉ số khác khá cao là tuổi thọ trung bình trung bình là 74,3 (xếp thứ 54 trên thế giới) và tỉ lệ biết chữ ở người lớn 15 tuổi trở lên chiếm 90,3% (xếp thứ 69 trên thế giới).

Với đánh giá trên của Liên hợp quốc, cho thấy mức độ tăng trưởng KT- XH của Việt Nam trong những năm qua đã làm thay đổi cục diện nước nhà trên nhiều lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, nếu xét cụ thể một số yếu tố cấu thành HDI của nước ta, như thu nhập

bình quân đầu người (GDP), số năm đi học trung bình của người lớn (thuộc chỉ số tri thức)… thì nước ta vẫn còn ở mức thấp so với mức trung bình của thế giới. Như vậy, nhìn nhận từ góc độ chỉ số phát triển con người, thì tại Việt Nam việc phát triển giáo dục nói chung và phát triển các trường đại học với việc thành lập các phân hiệu tại nhiều địa phương xa các thành phố lớn như là một yêu cầu cần thiết để góp phần nâng cao chỉ số HDI.

- Thực trạng về quy mô và cơ cấu của lực lượng lao động của Việt Nam:

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến 0 giờ ngày 01/4/2009 dân số Việt Nam là 85.789.573 người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân theo năm trong giai đoạn 1999 - 2009 là 1,2%, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động là 66%, tỉ lệ dân số ngoài độ tuổi lao động là 34% (dưới 15 tuổi: 25%, 60 tuổi trở lên: 9%).

Với cách đánh giá chung trên thế giới về quy mô và cơ cấu của lực lượng lao động, hiên nay Việt Nam đang trong thời kỳ có “cơ cấu dân số vàng” với các nhóm trong độ tuổi lao động gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc.

Tuy nhiên, dân số Việt Nam phân bố không đều giữa các vùng miền, tập trung chủ yếu vào vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long với tới 43%. Trong khi đó, tại các vùng trung du, miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên chỉ chiếm gần 19% dân số cả mước; vùng nông thôn chiếm 70,4% dân số và thành thị 29,6% tổng dân số. Lực lương lao động ở các vùng nông thôn, trung du và miền núi chiếm tới 70% lực lượng lao động trong cả nước. Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến tình trạng mất cân đối về cung cầu lao động giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị. Cho dù nhiều cơ sở đào tạo đã được mở ra tại các vùng miền khác nhau để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH của cộng đồng, địa phương; nhưng tình trạng phổ biến hiện nay là các khu công nghiệp ở các địa phương tuyển không đủ số lao động phổ thông và đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật cao. Trong khi đó, tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lực lượng lao

động lại dư thừa, không có việc làm. Điều đó không những đã tạo nên sức ép về dân số cho các thành phố lớn đó, mà điều quan trọng hơn cả là mất cân đối về cơ cấu của lực lượng lao động. Cũng từ thực trạng này, cho dù Việt Nam hiện có “cơ cấu dân số vàng” là yếu tố thuận lợi về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhưng nếu không tận dụng được cơ hội, không có những chính sách và giải pháp tích cực, đồng bộ và hiệu quả trong việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo lực lượng lao động ở nông thôn, vùng trung du và miền núi thì ắt dẫn đến những bất cập lớn trong đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động có trình độ đào tạo ở các vùng miền này.

- Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động:

Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đã liên tục tăng từ 88% (năm 1989) lên 90% (năm 1999) và 93,5% (năm 2009). Tuy nhiên, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta còn thấp, số người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) đã qua đào tạo là 8,6 triệu người, chiếm tỉ lệ 13,4% (2,6% đã tốt nghiệp sơ cấp, 4,7% đã tốt nghiệp trung cấp, 1,6% đã tốt nghiệp cao đẳng, 4,2% tốt nghiệp đại học, và 0,2% trên đại học). Trong khi đó, số người chưa qua đào tạo nghề chiếm tới 86,6% (vùng đồng bằng sông Hồng là 80,6% và vùng đồng bằng sông Cửu Long là 93,4%).

Mặt khác, tỉ lệ người lao động đã qua đào tạo có sự cách biệt giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Số người trong độ tuổi lao động được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật nghề phổ thông ở khu vực thành thị chiếm 25,4%, trong khi đó khu vực nông thôn là 8%. Tỉ lệ người được đào tạo từ trung cấp trở lên ở khu vực thành thị cao gấp hai lần khu vực nông thôn, từ cao đẳng trở lên cao gấp năm lần khu vực nông thôn. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng. Báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định: “Việt Nam thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... nên nhiều nghề và công việc phải thuê

lao động nước ngoài trong khi lao động xuất khẩu đa phần có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc mới chỉ qua giáo dục định hướng”.

Với cùng nhận định như trên, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam, sau khi điều tra 966 người dân Nhật Bản về thị trường lao động ở ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2006 đã nhận định: Việt Nam có tiềm năng lớn về lao động giá rẻ do nhóm dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao, nhưng có tới 59% số được hỏi cho rằng rất khó kiếm được nhân sự quản lý cấp trung gian và đây là tỉ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Trong khi đó Thái Lan có tỉ lệ trả lời 43,2%, còn các nước Indonesia, Malaysia, Philippines khả quan hơn với tỉ lệ từ 36% đến 38%. Những số liệu này cho thấy phát triển thêm các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở dạy nghề Việt Nam là một giải pháp thiết thực nhằm tăng mức đồng đều trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động trong cả nước [22].

2.1.2.2. Mục tiêu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam

Nguồn nhân lực nước ta có tiềm năng khá dồi dào, có cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo. Khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước, thì yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu chiến lược, là khâu đột phá, có tính chất quyết định sự thành công của sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.

Tuy vậy, xét tổng thể việc phát triển nguồn nhân lực của nước ta hiện nay vẫn đang gặp những mâu thuẫn, khó khăn và bất cập giữa mở rộng quy mô đào tạo với nâng cao chất lượng; giữa quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học với các trường dạy nghề; có sự mất cân đối lớn giữa mật độ các cơ sở giáo dục đại học ở thành thị so với nông thôn. Do vậy, nếu không có chính sách, giải pháp tích cực và đồng bộ để tăng nhanh tỉ lệ người lao động có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao nhờ vào việc phát triển hợp lý mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề ở các vùng nông thôn, thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Đứng trước thực trạng trên, Việt Nam đã đề ra các chỉ tiêu phát triển nguồn nhận lực thời kỳ 2011 - 2020 như các số liệu tại bảng 2.1. dưới đây.

Bảng 2.1. Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020

TT Chỉ tiêu Năm

2010

Năm 2015

Năm 2020

1 Tỉ lệ lao động qua đào tạo (%) 40,0 55,0 70,0

2 Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề (%) 25,0 40,0 55,0

3 Số sinh viên ĐH,CĐ trên 10.000 dân 200 300 400

4 Số trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế - 5 > 10

5 Số trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế - - > 4 6 Quản lý nhà nước, hoạch định chính sách

và luật quốc tế 15.000 18.000 20.000

7 Giảng viên đại học, cao đẳng 77.500 100.000 160.000

8 Khoa học - công nghệ 40.000 60.000 100.000

9 Y tế, chăm sóc sức khỏe 60.000 70.000 80.000

10 Tài chính - ngân hàng 70.000 100.000 120.000

11 Công nghệ thông tin 180.000 350.000 550.000

(Nguồn: Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/04/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020[12])

Các mục tiêu trên đã đặt ra yêu cầu đối với GD&ĐT phải “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển giáo dục gắn với phát triển khoa học và công nghệ, tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành để một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH, đẩy mạnh CNH, HĐH, đảm bảo an ninh quốc phòng; mặt khác phải chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi người học, những người có năng khiếu được phát triển tài năng”[13]; trong đó tập trung vào:

- Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng để đáp ứng yêu cầu về chất lượng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và CBQL giỏi, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật đầu ngành, đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề.

- Tiếp tục phát triển và nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đầu tư hợp lý, có hiệu quả, xây dựng một số cơ sở giáo dục, đào tạo đạt trình độ chuẩn quốc tế.

- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, quản lý mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong xã hội hoá giáo dục. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT...

- Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo. Quan tâm tới phát triển GD&ĐT ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trong bối cảnh phát triển KT-XH hiện nay, nhìn trên bình diện toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, cùng với sự đa dạng của các ngành nghề mới, nhiều ngành nghề truyền thống cũng được duy trì và phát triển. Sự phát triển đa dạng các ngành nghề tại mọi cộng đồng, địa phương kéo theo nhu cầu mới và đa dạng về đào tạo nguồn nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng về đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của cộng đồng và địa phương; tất yếu xuất hiện nhu cầu hình thành các cơ sở đào tạo, trong đó có đào tạo trình độ đại học. Nói cách khác, nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực dẫn đến sự cần thiết hình thành và phát triển cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các trường đại học đa phân hiệu.

Tóm lại, xuất phát từ thực trạng nguồn nhân lực, mục tiêu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực, các yêu cầu công bằng và bình đẳng về cơ hội thụ hường giáo dục đại học ở các vùng miền khác nhau, giáo dục đại học ở nước ta hiện nay đang tập trung vào tăng quy mô và nâng cao chất lượng; trong đó xu hướng các cơ sở giáo dục đại học mở thêm các phân hiệu là phổ biến nhằm phát huy được thương hiệu, thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của cơ sở chính; đồng thời tận dụng được thế mạnh của các địa phương, vùng miền cho hoạt động đào tạo trong bối cảnh phát triển KT-XH hiện nay. Sự phổ biến đó cũng phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học chung của nhiều nước trong khu vực và trên Thế giới.

Một phần của tài liệu luận án quản lý trường đại học đa phân hiệu ở việt nam trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay (Trang 77 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)